VIỆN QUẢN TRỊ KINH DOANH

UEB tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”

TS. Nguyễn Ngọc Quý, TS. Phạm Mạnh Hùng, ThS Lương Vũ Mai Hoa, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN 16:02 03/07/2025

Vừa qua, tại Hội trường 801 – Nhà E4, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”. Sự kiện thu hút sự quan tâm rộng rãi từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục – công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành bán dẫn đã và đang trở thành nền tảng sống còn của nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bán dẫn còn giữ vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực công nghệ và định vị sức mạnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. 

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Việt Nam với lợi thế về vị trí địa chính trị và nguồn nhân lực trẻ dồi dào, đang từng bước khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn. Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chiến lược, đề án cho ngành này, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã được bàn nhiều. Tuy nhiên, chủ yếu dừng lại ở nhân lực kỹ thuật trong khi nhân lực quản trị chiến lược trong ngành bán dẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Đây chính là vấn đề chúng ta cần tập trung thảo luận, nhìn rõ khoảng trống này, và cùng tìm lời giải cho bài toán phát triển đội ngũ lãnh đạo – quản trị chiến lược của ngành bán dẫn Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu tin tưởng rằng Hội thảo hôm nay là diễn đàn quan trọng để chúng ta cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề thiết yếu, bao gồm: các mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thực tiễn, nhu cầu về nhân lực trong ngành bán dẫn, và vai trò của các trường đại học – đặc biệt là Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội – trong việc đáp ứng nhu cầu này. PGS.TS Nguyễn Anh Thu cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, đào tạo là điều kiện cần thiết để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực và chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Phan Chí Anh – Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam đã xác định ngành bán dẫn là lĩnh vực trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế công nghệ của đất nước. Những năm qua, nhiều đơn vị đã nỗ lực phối hợp nghiên cứu và phát triển, song phần lớn vẫn tập trung vào khía cạnh kỹ thuật và công nghệ.

“Điều chúng tôi mong muốn mang đến tại hội thảo hôm nay là một góc nhìn còn thiếu nhưng thiết yếu – đó là góc nhìn quản trị. Bởi nếu chỉ có công nghệ mà thiếu quản trị chiến lược, chúng ta có thể sở hữu kỹ thuật nhưng lại bỏ lỡ thời cơ. Chúng tôi tin rằng tư duy quản trị chính là đòn bẩy để Việt Nam không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt các phân khúc quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.”

PGS.TS Phan Chí Anh cho rằng “Để làm được điều đó, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đi vào thảo luận những câu hỏi mang tính then chốt: Làm sao để phát triển đội ngũ lãnh đạo và quản lý phù hợp với đặc thù ngành bán dẫn? Cần những mô hình đào tạo và chính sách gì để hình thành một hệ sinh thái nhân lực chiến lược toàn diện – từ kỹ thuật đến quản trị? Và Việt Nam cần làm gì ngay từ bây giờ để không chỉ theo kịp, mà còn bứt phá?”

PGS. TS. Phan Chí Anh, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phiên thảo luận đầu tiên - Chính sách và chiến lược nhân lực ngành bán dẫn xoay quanh khung pháp lý, định hướng chiến lược quốc gia và xây dựng hệ sinh thái ngành bán dẫn:

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Uỷ viên thường trực UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trình bày các nội dung mới trong Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghệ số, nhấn mạnh việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút nhân lực chất lượng cao vào ngành bán dẫn. Một trong những điểm nổi bật là việc thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong ngành bán dẫn. Các nhà khoa học, không chỉ về lương bổng mà còn được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt với các chính sách tạo điều kiện về nhà ở, phương tiện đi lại, tài chính để các nhà nghiên cứu có thể thực hiện công việc nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, phát biểu tại Hội thảo 

TS. Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, nêu rõ yêu cầu phát triển hệ sinh thái nhân lực không chỉ ở số lượng mà còn ở “đúng kỹ năng – đúng thời điểm”. TS. Chử Đức Hoàng lưu ý rằng một trong những vấn đề cần phải giải quyết là câu chuyện "con voi và cái ngà". Chúng ta đều muốn có được "cái ngà" – khả năng thiết kế chip – nhưng hiện tại Việt Nam chỉ mới đứng ở khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, đó là khâu đóng gói, kiểm thử. Điều này cho thấy chúng ta còn rất xa với mục tiêu phát triển ngành bán dẫn từ đầu đến cuối, và để có thể tiến xa hơn, chúng ta cần phải xây dựng một mô hình nhân lực bền vững.

Theo TS. Chử Đức Hoàng, mô hình nhân lực cho ngành bán dẫn, có thể phân chia thành ba nhóm chính: nhóm lãnh đạo (5%), nhóm kỹ sư (35%) và nhóm kỹ thuật viên (60%). Hiện tại, chúng ta chủ yếu chỉ có thể chi trả cho nguồn nhân lực kỹ thuật viên. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần phải tạo ra một hệ sinh thái nhân lực đồng bộ từ ba nhóm này. TS. Chử Đức Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta cần phân bổ tỷ trọng đào tạo theo mô hình dual-track: đào tạo cả kỹ sư cấp cao và kỹ sư thực hành, những người có thể làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách thu hút nhân tài đầu ngành bán dẫn cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong việc xây dựng các chương trình đào tạo liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp. 

TS. Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại Hội thảo 

TS. Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia - NIC - chia sẻ các bước đi cụ thể mà NIC đang triển khai, từ đào tạo kỹ sư đến kết nối doanh nghiệp. TS. Đỗ Tiến Thịnh cho rằng để đạt được mục tiêu phát triển ngành bán dẫn bền vững, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái nhân lực toàn diện, không chỉ bao gồm đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên, mà còn cần xây dựng những lãnh đạo công nghệ đủ tầm để dẫn dắt ngành bán dẫn. Chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học cần phải làm việc chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo rằng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành bán dẫn trong tương lai.

TS. Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia – NIC, phát biểu tại Hội thảo

Phiên 2 - Doanh nghiệp và quốc tế – Góc nhìn thực tiễn : Tập trung vào các mô hình đào tạo quốc tế, kết nối doanh nghiệp và kinh nghiệm thực chiến từ doanh nghiệp FDI

Ông Phạm Xuân Hoàn - Cán bộ cấp cao về chuyển đổi số - Chương trình Cải cách Giáo dục Nghề nghiệp tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Đức  (GIZ) cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, một ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế số toàn cầu. Để thành công, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Ông Hoàn cho rằng: “Chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ Đức, nơi đã triển khai mô hình đào tạo kép từ năm 1998. Mô hình này kết hợp lý thuyết và thực hành, giúp học viên phát triển kỹ năng chuyên môn nhanh chóng, và đặc biệt tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Việc đầu tư vào trang thiết bị hiện đại và phát triển các mô đun đào tạo bổ sung là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.”

Ông Phạm Xuân Hoàn - Cán bộ cấp cao về chuyển đổi số - Chương trình Cải cách Giáo dục Nghề nghiệp tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Đức (GIZ) phát biểu tại Hội thảo.

Ông Felix Weidenkaff - Chuyên gia Chính sách thị trường lao động và việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng ngành công nghiệp điện tử, và đặc biệt là bán dẫn, hiện đang là động lực tạo việc làm toàn cầu và tại Việt Nam. Với xu hướng toàn cầu, chúng ta thấy rằng ngành điện tử đang tạo ra khoảng 17,4 triệu việc làm trên thế giới, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là ở Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành, chúng ta đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ, sự thay đổi trong nhu cầu về kỹ năng và lực lượng lao động,...  Để đối phó với những thay đổi này, chúng ta cần phát triển một hệ thống kỹ năng toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu. Việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong ngành bán dẫn không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn đảm bảo công bằng xã hội và sự phát triển bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang phải đối mặt với sự thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và cạnh tranh của ngành bán dẫn.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, với các chính sách và chiến lược phù hợp, tạo ra một môi trường làm việc công bằng, bình đẳng và bền vững. Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn trong nâng cao năng suất lao động so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN, và việc phát triển kỹ năng là một trong những yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề này. Ông Felix Weidenkaff nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong ngành bán dẫn, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo. Việc xây dựng các cơ chế phát triển kỹ năng theo ngành và các cơ quan kỹ năng ngành, sẽ giúp dự đoán và đáp ứng kịp thời các nhu cầu về kỹ năng trong tương lai.

Ông Felix Weidenkaff - Chuyên gia Chính sách thị trường lao động và việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ tại Hội thảo

Ông Lê Hải Anh, Giám đốc Công ty Dolphin Technology Vietnam Center chỉ rõ tình trạng khan hiếm nhân lực thiết kế vi mạch, trong khi nhu cầu toàn cầu tăng nhanh chóng. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta xây dựng và phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Ông Lê Hải Anh đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề này. Thứ nhất, cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch. Các doanh nghiệp cũng có thể xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn, chương trình MBA chuyên biệt cho ngành bán dẫn. Giảng viên trong các khóa học này có thể là những kỹ sư, chuyên gia trong ngành, trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Thứ hai, nhà nước cần hỗ trợ tài chính cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, tạo học bổng cho các em đi thực tập tại các doanh nghiệp, và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Đồng thời, cần có các chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp và trường học để đảm bảo rằng các sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Ông Lê Hải Anh tin tưởng rằng nếu chúng ta có sự đầu tư đúng mức vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và có vị thế xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Ông Lê Hải Anh, Giám đốc Công ty Dolphin Technology Vietnam Center phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi Vietnamchia sẻ từ góc độ FDI về tuyển dụng, đào tạo tại chỗ và kỳ vọng về nguồn nhân lực chiến lược trong tương lai. Ông Nguyễn Thanh Yên bày tỏ rằng nhìn từ góc độ của một doanh nghiệp FDI, điều chúng tôi quan tâm không phải là giá lao động, mà là năng lực thực tế của kỹ sư Việt Nam. Liệu họ có thể thiết kế chip và thực hiện công việc một cách hiệu quả hay không? Chúng tôi không thể chỉ trông chờ vào giá lao động thấp để làm lợi thế cạnh tranh. Ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là thiết kế chip, đòi hỏi một lực lượng lao động có năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm và khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Chính vì vậy, sinh viên mới ra trường hiện nay không đủ năng lực để tham gia vào công việc ngay lập tức mà cần có một quá trình đào tạo bổ sung. Trường đại học có thể cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng, nhưng chính các công ty như chúng tôi mới là nơi đào tạo các kỹ năng chuyên sâu, kỹ thuật cần thiết để các kỹ sư có thể bắt tay vào công việc thiết kế vi mạch. Điều này lý giải tại sao việc đào tạo tại chỗ, từ các doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo ông Nguyễn Thanh Yên, để giải quyết các vấn đề này, chính phủ cần tạo ra cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này sẽ giúp xây dựng một lực lượng lao động có năng lực thực sự, có thể đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai. Ông Yên tin rằng với sự đầu tư vào đào tạo cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ,… chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này, ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn vươn ra toàn cầu.

Ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi Vietnam chia sẻ tại hội thảo

Đóng góp vào hệ sinh thái ngành bán dẫn, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã đưa ra đề xuất xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt phù hợp dành cho ngành bán dẫn

PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh, giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN chia sẻ về kinh nghiệm thực tế khi làm việc tại Tập đoàn Toyota Nhật Bản, nơi ông tham gia vào quá trình sản xuất con chip điều khiển xe hybrid và ông nhận ra rằng yếu tố quản trị hiệu quả, đặc biệt là phương pháp Kaizen của Nhật Bản, chính là chìa khóa giúp Toyota vượt qua các đối thủ như Ford trong ngành công nghiệp ô tô. PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh  nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tìm ra phương pháp quản trị riêng biệt, phù hợp với bối cảnh kinh doanh mới, kết hợp tinh hoa của người Việt vào các phương pháp quản trị phương Tây để tạo nên sự khác biệt và phát triển bền vững.

Tiến sĩ Lê Trung Hiếu giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN chỉ ra rằng các chương trình đào tạo hiện tại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân lực quản trị ngành bán dẫn, do đó, ông đề xuất xây dựng một chương trình đào tạo chuyên biệt dành cho các vị trí quản trị trong ngành bán dẫn, đáp ứng yêu cầu các kỹ năng chuyên môn đặc thù của ngành này, đồng thời vẫn phải đảm bảo các năng lực quản lý và năng lực chung. Chương trình Đào tạo nhân lực quản trị ngành bán dẫn liên ngành tích hợp giữa kỹ thuật, quản trị và chính sách, kết nối kiến thức quản trị hiện đại với thực tiễn đặc thù của ngành bán dẫn, hướng tới xây dựng đội ngũ lãnh đạo chiến lược am hiểu cả kỹ thuật, quản trị và chính sách. Tiến sĩ Lê Trung Hiếu nhấn mạnh rằng đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng phát triển tầng nhân lực quản trị chiến lược hiểu sâu kỹ thuật – giỏi quản trị – tinh thông chính sách, với tầm nhìn toàn cầu đủ sức dẫn dắt ngành bán dẫn Việt Nam vươn tầm quốc tế. 

TS. Lê Trung Hiếu, giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh phát biểu tại Hội thảo

Cuối cùng là Phiên Tọa đàm chuyên sâu – Giải pháp phát triển nhân lực bán dẫn với rất nhiều đóng góp từ các diễn giả khách mời tham dự Hội thảo :

TS. Bảo Hoàng, Founder CEO, SPACE ASEAN, Đại học Southern Arkansas, Hoa Kỳ, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho ngành bán dẫn, lấy các trường đại học làm trung tâm. Ông đưa ra ví dụ về hệ sinh thái bán dẫn tại Hoa Kỳ, nơi có sự kết hợp giữa chính phủ, các trường đại học, các tập đoàn và nhà đầu tư. Hệ sinh thái này bao gồm các yếu tố như chính sách của chính phủ, đầu tư vào R&D, chương trình đào tạo bán dẫn tại các trường đại học và sự hợp tác mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp. Ông cho rằng, để phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, chúng ta cần xây dựng một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ upstream đến downstream, trong đó mỗi công đoạn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.  

TS. Bảo Hoàng, Founder CEO, SPACE ASEAN, Đại học Southern Arkansas, Hoa Kỳ chia sẻ tại Hội thảo

TS. Nguyễn Hải Bình, Trường Đại học Điện lực, đề xuất xây dựng một liên minh các trường đại học để tạo ra một hệ thống đào tạo mạnh, với sự hợp tác trong nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm, hiện tại, có 18 trường đại học trọng điểm đào tạo kỹ sư bán dẫn, nhưng vẫn thiếu sự liên kết giữa các trường. Hơn nữa, TS. Nguyễn Hải Bình nhấn mạnh rằng cần đào tạo kỹ sư theo định hướng thực hành, với ít nhất 30% thời gian học tập là thực hành, để sinh viên có kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. TS. Hải Bình cũng đề xuất việc phát triển phòng lab về bán dẫn tại các trường đại học để hỗ trợ quá trình học hỏi của sinh viên và đáp ứng nhu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Hải Bình, Trường Đại học Điện lực chia sẻ tại Hội thảo

Ông Nguyễn Quang, Nguyên Giám đốc UN-Habitat, đề xuất xây dựng không gian sáng tạo mở cho sản xuất chip tại Việt Nam. Ông chia sẻ rằng, để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong ngành bán dẫn, cần phải tạo ra một không gian học tập, nghiên cứu và làm việc có tính cạnh tranh. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một tổ hợp công nghệ cao kết hợp giữa doanh nghiệp công nghệ, nghệ thuật và sáng tạo. Theo ông, điều quan trọng là tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa các bên liên quan, bao gồm các yếu tố như không gian sinh sống, hạ tầng tiện ích phục vụ khoa học, và các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu. Mô hình đô thị đại học kết hợp với ngành công nghệ bán dẫn và không gian đổi mới sáng tạo sẽ là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang, Nguyên Giám đốc UN-Habitat chia sẻ tại Hội thảo

Kỹ sư Đào Mạnh Hiệp, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch và Ứng dụng, Viện CNTT, ĐHQGHN trình bày giải pháp đào tạo kỹ sư công nghệ cao từ nền tảng số. Ông chỉ ra rằng, khâu thiết kế trong ngành bán dẫn chiếm tỷ trọng lớn và các công ty thường e dè khi sử dụng nhân lực là các kỹ sư mới ra trường. Ông đề xuất giải pháp phát triển phòng lab dùng chung để sinh viên có cơ hội thực hành và được đào tạo về kỹ năng thực tế. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng sau khi tuyển dụng, các kỹ sư cần phải được đào tạo liên tục để cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu công việc trong ngành bán dẫn.

Kỹ sư Đào Mạnh Hiệp, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch và Ứng dụng, Viện CNTT, ĐHQGHN chia sẻ tại Hội thảo

ThS. Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Thư ký dự án đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn (Invest – Vielina), Giám đốc công ty Ecofes, chia sẻ về phát triển nhân lực bán dẫn từ nền tảng STEM, đặc biệt là chú trọng vào nguồn lực nữ và trẻ. Bà Bích Thủy cho rằng ngành bán dẫn thực chất là một ngành đa ngành, bao gồm chuỗi cung ứng từ thiết kế, vật liệu, sản xuất, đến đóng gói. Vì vậy, chúng ta không chỉ nên tập trung vào thiết kế mà cần nhìn vào bức tranh tổng thể về nhân lực của ngành bán dẫn, trong đó kỹ thuật viên chiếm phần lớn và đóng vai trò trọng tâm. Bà Bích Thủy cũng nhấn mạnh rằng, để phát triển nhân lực ngành bán dẫn, cần có cam kết và sự khơi gợi cảm hứng từ giáo viên và truyền thông.  

ThS. Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Thư ký dự án đào tạo NNL bán dẫn (Invest – Vielina), Giám đốc công ty Ecofes chia sẻ tại Hội thảo

Sau những phần chia sẻ sâu sắc từ các diễn giả, khán giả đã có những phản hồi rất tích cực và thảo luận sôi nổi về các giải pháp phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam. Các câu hỏi được đưa ra xoay quanh việc làm thế nào để tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, cũng như cách thức đảm bảo rằng các chương trình đào tạo thực tế có thể đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả với nhu cầu thị trường. Các khán giả cũng đặt câu hỏi về việc làm thế nào để tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư trong việc phát triển không gian sáng tạo và hạ tầng phục vụ nghiên cứu trong ngành bán dẫn. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh gay gắt, việc tạo dựng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ cũng như đầu tư từ doanh nghiệp là rất quan trọng để duy trì sự phát triển lâu dài của ngành.

Khán giả tham dự hội thảo đóng góp ý kiến

Các câu hỏi đã được các diễn giả đã trả lời, tập trung vào việc đưa ra các giải pháp cụ thể, bao gồm tăng cường liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, tạo ra các phòng lab dùng chung và tập trung phát triển các chương trình đào tạo nghề nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn,... 

Cuối cùng, phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Phan Chí Anh, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, khẳng định rằng chúng ta đã có Hội thảo vô cùng phong phú và bổ ích về phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam. Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ thực tế, đồng thời đưa ra những giải pháp sáng tạo và thiết thực để xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành bán dẫn. PGS.TS. Phan Chí Anh bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc cùng lời chúc tốt đẹp nhất tới các diễn giả, tất cả các quý vị đại biểu, và bày tỏ mong muốn được  tiếp tục đồng hành trong phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. PGS.TS. Phan Chí Anh tin tưởng sâu sắc rằng với những ý tưởng và chiến lược đã được bàn luận tại Hội thảo  hôm nay là đầu vào giá trị cho việc hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai, và đóng góp vào sự phát triển đất nước. 

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”
PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và PGS.TS. Phan Chí Anh, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, tặng quà cho các diễn giả 
Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”
Ấn phẩm Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”
Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”

 

UEB Highlights | Quý II/2025: BẢN LĨNH VỮNG VÀNG – SẴN SÀNG TĂNG TỐC

UEB Highlights | Quý II/2025: BẢN LĨNH VỮNG VÀNG – SẴN SÀNG TĂNG TỐC

Quý II/2025 khép lại bằng những kết quả ý nghĩa, cho thấy một UEB đang từng bước lớn mạnh, tự tin và kiên định trên con đường phát triển bền vững và hội ...

Chi tiết
UEB thành công tổ chức Chung kết Road to Marcom 2025: "Tiên nữ win" chinh phục ngôi vị Quán quân

UEB thành công tổ chức Chung kết Road to Marcom 2025: "Tiên nữ win" chinh phục ngôi vị Quán quân

Vừa qua, Chung kết cuộc thi Road to Marcom 2025 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức đã chính thức khép lại hành trình tìm kiếm những gương mặt marketing ...

Chi tiết
Thông cáo báo chí Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”

Thông cáo báo chí Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”

Trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn (CNBD) đang vươn lên trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa ...

Chi tiết
Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”

Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”

Trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn (CNBD) đang vươn lên trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa ...

Chi tiết
Chuyến đi kiến tập thực tế tại nhà máy Công ty cổ phần HHP Global: Hành trình học hỏi, kết nối và trưởng thành

Chuyến đi kiến tập thực tế tại nhà máy Công ty cổ phần HHP Global: Hành trình học hỏi, kết nối và trưởng thành

Ngày 5/6/2025 vừa qua, sinh viên lớp QH2023E Quản trị Kinh doanh 7 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-VNU) đã có một chuyến kiến tập thực tế đầy ...

Chi tiết
Giảng viên UEB đóng góp nghiên cứu giàu giá trị thực tiễn về Thuế chuyển nhượng bất động sản và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Giảng viên UEB đóng góp nghiên cứu giàu giá trị thực tiễn về Thuế chuyển nhượng bất động sản và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Vừa qua, TS.Nguyễn Văn Lộc – Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) với đề tài nghiên cứu “Thuế chuyển nhượng bất động ...

Chi tiết
Viện Quản trị kinh doanh và công ty Cổ phần MISA thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào đào tạo chuyên ngành Quản trị nhân lực

Viện Quản trị kinh doanh và công ty Cổ phần MISA thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào đào tạo chuyên ngành Quản trị nhân lực

Ngày 06/06/2025, Bộ môn Quản trị nguồn nhân lực, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã có buổi đến thăm, trao đổi và làm việc với ...

Chi tiết
Chủ tịch VBS Capital "giải mã" nghệ thuật ra quyết định quản trị:  Từ "bộ lọc não" đến tầm nhìn chiến lược

Chủ tịch VBS Capital "giải mã" nghệ thuật ra quyết định quản trị: Từ "bộ lọc não" đến tầm nhìn chiến lược

Sáng ngày 07/6/2025, trong khuôn khổ học phần “Ra quyết định quản trị” thuộc chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, lớp cao học QH2023-QTKD và QH2024-QTKD ...

Chi tiết