BÀI BÁO QUỐC TẾ

Tác động của các yếu tố đến ô nhiễm môi trường ở các nước ASEAN: Vai trò của chất lượng thể chế

P. NCKH&HTPT tổng hợp 10:08 12/06/2025

Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài báo “The impact of factors on environmental pollution in Asean countries: The role of institutional quality” của PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - giảng viên UEB và cộng sự công bố trên tạp chí Multidisciplinary Science Journal Vol. 7 No. 3 (2024) phân tích mối quan hệ giữa phát thải CO₂ và các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thể chế. Sử dụng dữ liệu từ 10 quốc gia ASEAN giai đoạn 1996–2020 và mô hình ARDL, nghiên cứu phát hiện chất lượng thể chế giúp giảm ô nhiễm trong ngắn hạn nhưng có thể làm gia tăng phát thải về dài hạn. Kết quả cho thấy sự đánh đổi giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, đồng thời đề xuất cải cách thể chế gắn với mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia, đặc biệt là tại các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN. Trong bối cảnh khu vực ASEAN đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng đối mặt với áp lực môi trường ngày càng gia tăng, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của chất lượng thể chế và các yếu tố kinh tế vĩ mô đến ô nhiễm môi trường tại các quốc gia tại khu vực này trong giai đoạn 1996–2020, từ đó đánh giá vai trò của chất lượng thể chế trong việc kiểm soát phát thải khí CO₂ – đại diện cho ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu chính của nghiên cứu là phân tích mối quan hệ giữa phát thải CO₂ và các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng, đô thị hóa, thương mại quốc tế, đổi mới sáng tạo và chất lượng thể chế. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu bảng gồm 250 quan sát từ 10 quốc gia ASEAN, khai thác từ cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và Chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI). Chất lượng thể chế được xây dựng thông qua kỹ thuật phân tích thành phần chính (PCA) từ sáu chỉ số quản trị. Phương pháp được sử dụng bao gồm kiểm định nghiệm đơn vị, kiểm định đồng liên kết Westerlund và mô hình hồi quy Pooled Mean Group (PMG) trong khuôn khổ mô hình ARDL để ước lượng mối quan hệ trong ngắn hạn và dài hạn giữa các biến.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng thể chế có tác động tiêu cực đến phát thải CO₂ trong ngắn hạn – nghĩa là góp phần giảm ô nhiễm – nhưng lại có tác động tích cực trong dài hạn, thể hiện mối quan hệ hình chữ U ngược giữa chất lượng thể chế và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các yếu tố như độ mở thương mại, phát triển tài chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiêu thụ năng lượng đều làm gia tăng ô nhiễm môi trường trong cả ngắn và dài hạn. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về tác động của tăng trưởng GDP đến phát thải CO₂.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất các hàm ý chính sách nhằm cải thiện chất lượng thể chế, tăng cường thực thi chính sách môi trường, và lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược tăng trưởng kinh tế của các quốc gia ASEAN.

 

Toàn văn bài báo công bố trên tạp chí Multidisciplinary Science Journal, 7(3), 2025086.

Đóng góp mới của bài báo

Nghiên cứu này không chỉ góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế vĩ mô và môi trường, mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận khi đi sâu vào vai trò của chất lượng thể chế – một khía cạnh chưa được chú trọng đầy đủ trong các nghiên cứu trước đây.

Một trong những đóng góp trọng yếu của nghiên cứu là việc tích hợp yếu tố thể chế vào mô hình phân tích phát thải CO₂ – đại diện cho ô nhiễm môi trường và lượng hóa ảnh hưởng của chất lượng thể chế đến ô nhiễm môi trường tại các quốc gia ASEAN. Trong khi phần lớn các nghiên cứu trước chủ yếu tập trung vào các yếu tố kinh tế như tăng trưởng, tiêu thụ năng lượng, thương mại hoặc đầu tư, nghiên cứu này đã tiếp cận từ một góc độ quản trị nhà nước – chất lượng thể chế, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của năng lực điều hành, hiệu quả thực thi và mức độ minh bạch của chính quyền đối với các vấn đề môi trường. Việc sử dụng bộ chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI) và kỹ thuật phân tích thành phần chính (PCA) để tạo ra một biến tổng hợp về chất lượng thể chế là một lựa chọn hợp lý và có cơ sở lý luận. Các chỉ số bao gồm: quyền lực pháp lý, hiệu quả chính phủ, chất lượng quy định, kiểm soát tham nhũng, ổn định chính trị, và tiếng nói cùng trách nhiệm giải trình. Việc sử dụng PCA giúp giảm thiểu hiện tượng đa cộng tuyến giữa các thành phần của WGI, đồng thời tạo ra một chỉ báo tổng hợp phản ánh đầy đủ và khách quan chất lượng thể chế từ kiểm soát tham nhũng, hiệu quả chính phủ đến ổn định chính trị và pháp quyền tại mỗi quốc gia trong nghiên cứu.

Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng phương pháp ARDL dạng bảng (Pooled Mean Group), cho phép phân tích đồng thời tác động ngắn hạn và dài hạn của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Kết quả chỉ ra rằng trong ngắn hạn, chất lượng thể chế có tác động tiêu cực đến phát thải CO₂, tức là có vai trò tích cực trong việc giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở dài hạn, khi các thể chế trở nên ổn định hơn và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát thải CO₂ lại có xu hướng tăng và tác động này chuyển hướng thành tích cực, cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa cải cách thể chế và phát triển kinh tế trong bối cảnh ASEAN, phản ánh một sự đánh đổi giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Điều này phản ánh một thực tế: khi chính phủ mới nhậm chức hoặc cải cách hành chính được triển khai, thường có xu hướng chú trọng vào các vấn đề công như môi trường nhằm lấy lòng công chúng. Tuy nhiên, theo thời gian, trọng tâm của thể chế thường dịch chuyển sang ưu tiên các mục tiêu kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh phát triển giữa các quốc gia trong khu vực. Như vậy, chính chất lượng thể chế – nếu không được gắn với cam kết môi trường dài hạn – có thể vô tình góp phần sự gia tăng phát thải. Phát hiện này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển – nơi các chính phủ thường đối mặt với áp lực tăng trưởng nhanh chóng.

Ngoài yếu tố thể chế, nghiên cứu còn kiểm soát và đánh giá tác động của các yếu tố truyền thống như GDP, độ mở thương mại, đầu tư nước ngoài, tiêu thụ năng lượng và phát triển tài chính. Điều này giúp đánh giá toàn diện hơn các kênh tác động, đồng thời kiểm soát được các yếu tố gây nhiễu trong mô hình. Kết quả cho thấy tiêu thụ năng lượng là yếu tố gây ô nhiễm mạnh mẽ và nhất quán nhất, trong khi FDI và độ mở thương mại có tác động tiêu cực đến môi trường trong dài hạn – một kết quả gợi nhắc đến giả thuyết "thiên đường ô nhiễm".

Một điểm nổi bật khác là nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm chuyên biệt cho khu vực ASEAN – khu vực có nhiều đặc thù về mặt thể chế, trình độ phát triển, mức độ hội nhập và cấu trúc kinh tế. Với dữ liệu của 10 quốc gia ASEAN trong giai đoạn 1996–2020, với tổng cộng 250 quan sát, nghiên cứu không chỉ có quy mô đủ lớn đảm bảo tính đại diện mà còn phản ánh được sự đa dạng về trình độ phát triển, cấu trúc kinh tế và thể chế trong khu vực. Đây là đóng góp đáng kể trong bối cảnh phần lớn các nghiên cứu hiện tại vẫn tập trung vào các quốc gia OECD hoặc nhóm nền kinh tế lớn (BRICS), mà chưa có nhiều quan tâm đến khu vực ASEAN như một khối kinh tế – chính trị đang lên nhưng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Từ những phát hiện thực nghiệm, nghiên cứu đưa ra nhiều hàm ý chính sách có giá trị đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách của các quốc gia trong khu vực ASEAN, với trọng tâm là cải thiện chất lượng thể chế gắn liền với các mục tiêu môi trường.

Thứ nhất, kết quả cho thấy việc nâng cao chất lượng thể chế có thể góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong ngắn hạn, thông qua việc cải thiện hiệu lực thực thi chính sách, minh bạch hóa quy trình ra quyết định và tăng cường trách nhiệm giải trình. Một hệ thống thể chế minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ban hành và thực thi chính sách môi trường hiệu quả. Tuy nhiên, việc chất lượng thể chế chỉ có tác dụng giảm phát thải trong ngắn hạn cho thấy sự thiếu ổn định trong ưu tiên chính sách. Để đảm bảo hiệu quả dài hạn, chính phủ các nước ASEAN cần thiết lập các cơ chế thể chế có tính ràng buộc – như các đạo luật khí hậu, ngân sách phát thải, hoặc cơ quan giám sát độc lập về môi trường. Ngoài ra, cần lồng ghép mục tiêu môi trường vào chiến lược phát triển kinh tế – điều mà hiện nay vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Điều này đặt ra yêu cầu cải cách thể chế không chỉ theo hướng kỹ thuật – tức cải thiện chỉ số – mà còn cần gắn với định hướng phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ tài nguyên.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả trong việc giám sát thực thi các quy định về môi trường, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân – nơi phát sinh phần lớn phát thải. Việc kiểm tra, đánh giá và xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm túc, đồng thời ứng dụng các công cụ công nghệ trong theo dõi và quản lý phát thải. Song song đó, cần thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình giám sát môi trường thông qua tăng cường quyền tiếp cận thông tin, xây dựng các kênh phản hồi và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường. Sự đồng thuận và ủng hộ từ công chúng sẽ góp phần tăng cường tính hiệu lực và tính bền vững của chính sách môi trường.

Thứ ba, trong bối cảnh biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, các quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Việc chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm quản lý, cũng như cùng thực hiện các cam kết quốc tế – đặc biệt là Thỏa thuận Paris – sẽ giúp các nước ASEAN tận dụng nguồn lực quốc tế, tiếp cận công nghệ sạch và tăng cường năng lực thể chế trong quản trị môi trường.

Cuối cùng, cần thiết lập một lộ trình chuyển đổi năng lượng phù hợp với điều kiện từng quốc gia, trên cơ sở gắn kết mục tiêu môi trường với mục tiêu phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước ASEAN; tuy nhiên, sự phát triển này cần được định hướng theo hướng bền vững, thông qua việc tích hợp các tiêu chí phát triển xanh vào chính sách công nghiệp, tài khóa và năng lượng. Chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là những bước đi chiến lược để đạt được đồng thời hai mục tiêu: giảm phát thải CO₂ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Như vậy, chất lượng thể chế là yếu tố nền tảng, định hình khả năng ứng phó và thích nghi của một quốc gia trước các thách thức môi trường. Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, các quốc gia không thể hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng ngắn hạn. Chỉ khi nào thể chế vững mạnh, có năng lực hoạch định và thực thi chính sách hiệu quả, và lồng ghép hài hòa mục tiêu môi trường với mục tiêu phát triển, khi đó, khu vực ASEAN mới thực sự đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Nguyen Thi Thu Hoai, Dang Trung Tuyen, Nguyen Thi Thuy Nhung, Nguyen Thi Hong, Rizwan Akhtar, & Nguyen Huu Cung (2024). The impact of factors on environmental pollution in Asean countries: The role of institutional quality. Multidisciplinary Science Journal7(3), https://doi.org/10.31893/multiscience.2025086

>>> THÔNG TIN TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài hiện là giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Các mối quan tâm nghiên cứu của bà liên quan đến kinh tế chính trị, kinh tế học thể chế, đặc biệt là khủng hoảng tài chính và tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của bà cũng tập trung vào các chủ đề phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

TS. Đặng Trung Tuyến hiện là giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Ông nhận bằng Tiến sĩ Quản lý tại Đại học Lâm Nghiệp Bắc Kinh, Trung Quốc. TS. Đặng Trung Tuyến có nhiều năm làm việc, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, và quản trị kinh doanh. Hướng nghiên cứu chuyên sâu của ông gồm: Phân tích chuỗi thời gian, biến động giá, kinh tế du lịch, kinh tế môi trường, kinh tế chính trị. Đến nay, TS. Đặng Trung Tuyến đang tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và là tác giả của hơn 20 bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước

Tác động của tâm lý nhà đầu tư đến rủi ro sụp đổ trên thị trường chứng khoán khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Vai trò của các yếu tố bất định có quan trọng không?

Tác động của tâm lý nhà đầu tư đến rủi ro sụp đổ trên thị trường chứng khoán khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Vai trò của các yếu tố bất định có quan trọng không?

Nghiên cứu “An insight into the implications of investor sentiment on crash risk in Asia–Pacific stock markets: are uncertainty factors important?” của ...

Chi tiết
Các yếu tố quyết định biến động giá căn hộ tại Việt Nam: So sánh giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Các yếu tố quyết định biến động giá căn hộ tại Việt Nam: So sánh giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Bài báo “Determinants of apartment price volatility in Vietnam: a comparison between Hanoi and Ho Chi Minh City” của PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung - giảng viên ...

Chi tiết
Đánh giá hiện trạng và định hướng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước ngầm tại các khu vực khan hiếm nước ở Nam Trung Bộ Việt Nam

Đánh giá hiện trạng và định hướng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước ngầm tại các khu vực khan hiếm nước ở Nam Trung Bộ Việt Nam

Bài báo “Assessment of Current Situation and Orientations for Exploitation, Utilization, and Protection of Groundwater Resources in Water–Scarce Areas ...

Chi tiết
Bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm của các quốc gia châu Á và bài học cho Việt Nam

Bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm của các quốc gia châu Á và bài học cho Việt Nam

Bài báo “Middle-income traps: Experiences of Asian countries and lessons for Vietnam” của TS. Hoàng Xuân Vinh - giảng viên Trường Đại học Kinh tế và nhóm ...

Chi tiết
Cách chinh phục ý định tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử tại đô thị có chi phí cao: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội

Cách chinh phục ý định tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử tại đô thị có chi phí cao: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội

Bài báo “How to Win Consumer Intention in E-Commerce Platform in a High-Cost Urban City: A Case Study of Hanoi” của TS. Trần Thị Mai Thành - giảng viên ...

Chi tiết
Tác động của chất lượng thể chế cấp tỉnh đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Tác động của chất lượng thể chế cấp tỉnh đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Nghiên cứu "The impact of provincial‑level institutional quality on attracting foreign direct investment in the Red River Delta provinces" của TS. Trần ...

Chi tiết
Tăng cường thuận lợi hóa thương mại nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa chế tạo tại Việt Nam: Nghiên cứu điển hình một nền kinh tế chuyển đổi

Tăng cường thuận lợi hóa thương mại nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa chế tạo tại Việt Nam: Nghiên cứu điển hình một nền kinh tế chuyển đổi

Nghiên cứu "Enhancing Trade Facilitation to Boost Manufactured Goods Trade in Vietnam: A Case Study of a Transition Economy" của nhóm tác giả Nguyễn Anh ...

Chi tiết
Năng lực cạnh tranh của tập đoàn dệt may Việt Nam

Năng lực cạnh tranh của tập đoàn dệt may Việt Nam

Ngành dệt may là một trong những ngành chủ đạo của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Ở Việt Nam, ngành dệt may có vai trò quan trọng như góp phần đảm ...

Chi tiết
Thu hẹp khoảng cách kết nối với thiên nhiên để thúc đẩy văn hóa môi trường: Nghiên cứu việc sử dụng và đóng góp của cư dân đô thị đối với các công viên ở Việt Nam

Thu hẹp khoảng cách kết nối với thiên nhiên để thúc đẩy văn hóa môi trường: Nghiên cứu việc sử dụng và đóng góp của cư dân đô thị đối với các công viên ở Việt Nam

Thiếu hụt tài chính là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án bảo vệ môi trường kém hiệu quả hoặc thất bại. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước ...

Chi tiết