Trang Nghiên cứu
 
Chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam từ 2009 đến 2018

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội


Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Công trình nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện vào năm 2009, và được công bố dưới dạng một chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn của năm trước, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Năm 2009, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”, lần đầu tiên được công bố, Báo cáo đã được giới khoa học và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiệt tình đón nhận, và được NXB Tri Thức xuất bản thành sách.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số báo cáo kinh tế thường niên được các cơ quan có chuyên môn và thẩm quyền xuất bản. Đây là những báo cáo có giá trị tham khảo cao, với số liệu được cập nhật chi tiết và hệ thống. Tuy nhiên, các báo cáo này đều có khuynh hướng bao quát những vấn đề lớn của nền kinh tế trong một cấu trúc tương đối ổn định, mà không đi chuyên sâu vào từng chủ đề theo từng năm hay từng thời kì. Thêm vào đó, đa phần các báo cáo này đều do các cơ quan chức năng của Chính phủ xây dựng, mà không phải do một tổ chức học thuật trong trường đại học xuất bản.

Do đó, dự án Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được xây dựng với những đặc thù mới và khác biệt như sau:

1. Có cấu trúc khác với cấu trúc của các báo cáo truyền thống. Mở đầu gồm một hoặc hai chương đánh giá tổng quan nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm nghiên cứu. Tiếp đó, các chương sau đi sâu vào từng chủ đề quan trọng của năm hoặc trong năm tới. Nội dung của mỗi chương mang tính độc lập tương đối, có đầy đủ các thành phần của một bài nghiên cứu hướng tới giải quyết vấn đề được nêu. Vì vậy, mỗi chương không chỉ đơn thuần mang tính thống kê hoặc phân tích hiện tại, mà còn cung cấp cơ sở lí luận, hệ thống hoá lí luận và kinh nghiệm lịch sử của vấn đề. Trên cơ sở đó, đưa ra những thảo luận và gợi ý chính sách trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Do các chủ để được chọn sẽ thay đổi theo từng năm, tập hợp của Báo cáo qua các năm được kì vọng sẽ có ý nghĩa tham khảo mang tính hệ thống, và có ý nghĩa nhiều hơn một năm.

2. Cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện Báo cáo, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), là một tổ chức nghiên cứu thuộc trường đại học, do đó, có ý thức duy trì những nhận định và thảo luận mang tính khách quan và độc lập nhất có thể (trong mối tương quan với các cơ quan chức năng của Chính phủ hoặc cơ quan lập chính sách.) VEPR cũng không chịu sự chi phối của một hay một nhóm doanh nghiệp, hoặc các tổ chức quốc tế nào.

3. Nhóm tác giả được VEPR mời tham gia đều là các nhà kinh tế hoặc chuyên gia kinh tế có tư duy và tiếng nói độc lập. Thành phần nhóm tác giả có thể thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào các chủ đề chuyên sâu trong mỗi năm. Tuy nhiên, về tổng thể, toàn bộ các tác giả đều thuộc thế hệ các nhà kinh tế trẻ của Việt Nam, được đào tạo bài bản từ các nước phát triển, sử dụng công cụ nghiên cứu hiện đại, giàu kinh nghiệm với thực tiễn kinh tế Việt Nam, và tâm huyết với quá trình phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, nhóm tác giả cũng thực hiện các buổi toạ đàm chuyên sâu để lấy ý kiến đóng góp và phản biện từ các nhà kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước.

4. Ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, Báo cáo còn được kì vọng như một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lí kinh tế. 

VÀI NÉT VỀ CÁC BÁO CÁO KTTNVN:

 

 

 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN