Trang Nghiên cứu
 
Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam

Tại lễ trao Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012, sinh viên Trường ĐHKT đã giành 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích
Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đổi tên Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” thành Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” nhằm mục đích mở rộng đối tượng tham gia cho các giảng viên trẻ của các trường đại học, học viện trong cả nước.


Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên được tổ chức hàng năm, còn Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ sẽ được tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn, bắt đầu từ năm 2012.
Các cơ quan đồng tổ chức giải thưởng gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực của giải thưởng.  
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có công văn thông báo tới các trường đại học, học viện về việc tổ chức Giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam” và số lượng các công trình mà mỗi đơn vị được phép gửi tham dự.
Đối với các công trình gửi tham dự giải thưởng của sinh viên sẽ được chia theo 14 nhóm ngành:
  1. Khoa học Tự nhiên 1 (TN1): Toán học, vật lý, cơ học.
  2. Khoa học Tự nhiên 2 (TN2): Hóa học, sinh học và các khoa học trái đất.
  3. Khoa học Kỹ thuật 1 (KT1): Điện, điện tử, cơ khí, luyện kim, kỹ thuật nhiệt, công nghệ vật liệu, tự động hóa, các quá trình công nghệ.
  4. Khoa học Kỹ thuật 2 (KT2): Xây dựng, kiến trúc, mỏ, địa chất, giao thông, thuỷ lợi.
  5. Khoa học Kỹ thuật 3 (KT3): Máy tính (khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin) và công nghệ thông tin.
  6. Khoa học Kỹ thuật 4 (KT4): Công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm.
  7. Kinh doanh và quản lý 1 (KD1): Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.
  8. Kinh doanh và quản lý 2 (KD2): Kinh doanh, kế toán - kiểm toán, quản trị - quản lý.
  9. Khoa học Xã hội 1 (XH1): Ngôn ngữ, văn học, khoa học chính trị,triết học, luật học.
  10. Khoa học Xã hội 2 (XH2): Kinh tế học, xã hội học và nhân học, báo chí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, an ninh và trật tự xã hội, quân sự.
  11. Khoa học Xã hội 3 (XH3): Khách sạn, du lịch, kinh tế gia đình và dịch vụ cá nhân, dịch vụ xã hội, dịch vụ vận tải(khai thác vận tải, kinh tế vận tải, khoa học hàng hải).
  12. Khoa học Giáo dục (GD): giáo dục học; quản lý giáo dục; phương pháp giảng dạy các môn học; nội dung, chương trình các môn học, thiết bị dạy học; tâm lý giáo dục.
  13. Khoa học Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (NLN).
  14. Khoa học Y - Dược (YD).

được đánh giá theo 04 tiêu chí với thang điểm tối đa như sau:
  1. Mục tiêu, phương pháp nghiên cứu: 30 điểm.
  2. Nội dung khoa học: 40 điểm.
  3. Hiệu quả kinh tế, xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng… : 20 điểm.
  4. Cách trình bày công trình (bố cục, diễn đạt, sơ đồ, hình vẽ,...): 10 điểm.


Công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên là người dân tộc ít người thuộc diện ưu tiên tuyển sinh đại học được cộng thêm 05 điểm vào kết quả cuối cùng.

Sinh viên thực hiện các công trình đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và giảng viên hướng dẫn sinh viên có công trình đạt giải Nhất được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện công trình đạt giải Nhất nếu đủ điều kiện về điểm trung bình chung học tập toàn khóa (đạt từ 7,5 trở lên) và trình độ ngoại ngữ sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cấp học bổng đi học sau đại học tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Nếu chưa phải là sinh viên năm cuối thì sinh viên đó được bảo lưu kết quả (tối đa là 01 năm) để xét cấp học bổng đi học sau đại học ở nước ngoài theo điều kiện trên.


UEB_net