Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Sự bất bình đẳng về phân phối thu nhập trong các nền kinh tế chậm phát triển và một số gợi ý về chính sách với Việt Nam (KT.07.02)



Mã số: KT.07.02

Thời gian thực hiện:

Cơ quan chủ trì đề tài: Khoa Kinh tế Phát triển,Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Chủ nhiệm đề tài: Vũ Minh Viêng

Kết quả đánh giá của hội đồng nghiệm thu:

Tóm tắt nội dung và kết quả nghiên cứu:

 Trong thế giới ngày nay, người ta nói nhiều đến bất bình đẳng: bất bình đẳng về cơ hội, về chính trị và về kinh tế. Đề tài này xem xét bất bình đẳng về kinh tế (thu nhập). Bất bình đẳng về thu nhập trở thành một vấn đề của phát triển. Bất bình đẳng về thu nhập là để chỉ sự chênh lệch về thu nhập giữa các cá nhân hay nhóm người trong xã hội. Có nhiều cách đo lường về sự bất bình đẳng này: sử dụng chỉ số chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất; sử dụng đường cong Lorenz; sử dụng hệ số Gini. Trong thị trường, sự bất bình đẳng về thu nhập cá nhân có nguồn gốc thu nhập từ lao động, thu nhập từ tài sản, thu nhập từ kinh doanh. Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân từ phía chính phủ trong việc thiết lập cơ chế để chuyển giao một phần thu nhập từ nhóm người giàu sang nhóm người nghèo.

 Các nước chậm phát triển ở đây được hiểu là các nước thu nhập thấp (LIC) theo cách phân loại các nước của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhìn chung, tính theo hệ số Gini bất bình đẳng ở các nước này là vừa và cao. Trong một nước thì thời kỳ đầu của quá trình tăng trưởng, bất bình đẳng tăng lên, sau đó có xu hướng giảm dần. Cùng với thu nhập bình quân đầu người, mức độ bất bình đẳng về thu nhập là yếu tố quyết định tỷ lệ nghèo đói của một nước. Điều đó kéo theo sự lãng phí nguồn lực; những mâu thuẫn, xung đột xã hội dễ nảy sinh; môi trường bị hủy hoại. Tình trạng bất bình đẳng cao về thu nhập kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy, một trong những lựa chọn chính trị quan trọng hiện nay của các nước chậm phát triển là giảm bớt sự bất bình đẳng về thu nhập. Điều đó có lợi cho thịnh vượng chung và cũng có lợi cho quá trình phát triển.

 Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế với một xuất phát điểm bất bình đẳng về thu nhập thấp, bởi vì trong thể chế kinh tế cũ, đại bộ phận dân chúng có mức sống đồng đều thấp. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống dân chúng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nhanh, mức độ bất bình đẳng về thu nhập cũng tăng. Vì vậy, việc giảm bớt sự bất bình đẳng về thu nhập đang được đặc biệt quan tâm. Có nhiều chính sách lựa chọn để giảm bất bình đẳng về thu nhập. Đó là những chính sách chung liên quan tới thu nhập theo chức năng và thu nhập theo cá nhân. Đó còn là những chính sách tăng thu nhập và giảm nghèo đói ở khu vực nông thôn. Không thể lựa chọn một xã hội không tăng trưởng cũng như không thể lựa chọn một xã hội bất bình đẳng cao. Cân bằng giữa hai yếu tố này phản ánh sự lựa chọn chính trị của người lãnh đạo cũng như yêu cầu của xã hội Việt Nam hiện nay.

Xem chi tiết tóm tắt đề tài tại đây.




Các tin khác

<12>