Trang tin tức sự kiện
 
Nhà, đất tăng giá do cầu đường

Nhà phố tại một số nơi ở TPHCM tăng giá từ 3% đến 5% so với trước; giá căn hộ chung cư rao bán tăng từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/m²


Nhà phố tại một số nơi ở TPHCM tăng giá từ 3% đến 5% so với trước; giá căn hộ chung cư rao bán tăng từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/m²
Trong tháng 1-2009, nhiều cây cầu, tuyến đường trọng yếu được đưa vào sử dụng đã giúp cho nhà, đất tại nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM tăng giá nhẹ. Qua phân tích của các chuyên gia địa ốc, nguyên nhân là sự rút ngắn khoảng cách giao thông giữa trung tâm TP với các quận liền kề, trong đó đặc biệt là quận 4, 8 và huyện Bình Chánh.
Những cây cầu... kích giá

Ngay trước thời điểm cầu Calmette (nối quận 1 và quận 4) trong dự án đại lộ Đông Tây được thông xe, nhiều người dân ở khu vực gần đó đã khấp khởi mừng thầm bởi từ nay không chỉ việc giao thông thuận lợi mà giá nhà, đất cũng nhích thêm một ít. Cụ thể là nhà, đất tại đường Đoàn Văn Bơ (phường 12, quận 4) và Hoàng Diệu (phường 9) gần đầu cầu đã nhích nhẹ.
Giá giao dịch nền nhà phố tại các trục đường này với những lô đất có giấy tờ đầy đủ, phù hợp quy hoạch hiện dao động từ 400 - 500 lượng vàng SJC/nền. Theo những người môi giới, giá này đã tăng khoảng 3% đến 5% so với lúc cầu chưa được thông xe. Tương tự, sau ngày 24-1, khi các loại xe 2 bánh được phép lưu thông qua cầu Nguyễn Văn Cừ theo hướng từ đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1 và 5) xuống đường Bến Vân Đồn (quận 4) và ngược lại, lập tức các điểm môi giới đã tăng giá bán. Đơn cử, một số căn hộ chung cư Khánh Hội 2 diện tích từ 57 m2 đến 100 m2, trước Tết giá khoảng từ 17 triệu đến 22 triệu đồng/m2, nay được chào 20 triệu đến 24 triệu đồng/m2. Còn chung cư Vạn Đô ở khu vực gần đó cũng được hét từ 16 triệu đồng/m2 lên thành 18 triệu đồng/m2.
Đặt vấn đề về hiện tượng căn hộ bỗng nhiên nâng giá, chị Ngọc Hà, nhân viên một công ty môi giới nhà đất tại quận 4, cho rằng: Việc tăng giá là đương nhiên. Bởi trước đây, nhiều khách hàng mua căn hộ ở các chung cư này cảm thấy đường khá xa do khi lưu thông từ quận 1 và 5 về khu vực này phải qua ngả cầu Ông Lãnh và đánh một vòng khá xa. Nay chỉ cần chưa đầy vài phút là từ khu vực quận 1 hoặc giáp quận 5 có thể về nhà qua ngả cầu Nguyễn Văn Cừ, nhất là những người ở khu vực phường 1. Dù những cây cầu trên tạo ra giá trị tăng thêm cho nhà, đất quận 4, nhưng đối với một số người cũng thành thảm họa bởi căn nhà, khu đất bị mất giá hàng chục, thậm chí hàng trăm lượng SJC khi vị trí từ mặt tiền đường nay bỗng nằm ngay ở dưới chân cầu.
Chưa đủ hấp dẫn
Từ một vùng đất ven trung tâm, trong định hướng phát triển mới của TPHCM, quận 4 lại là vùng đệm giữa trung tâm cũ (quận 1) và đô thị mới Nam Sài Gòn (quận 7) đồng thời đối xứng với trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) qua sông Sài Gòn. Những thuận lợi này vẫn chưa đủ sức làm thị trường nhà, đất ở đây sôi động do thiếu “hàng hóa” và do tâm lý... Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện quận 4 có khoảng 12.000 căn nhà cấp 3, cấp 4 và hoạt động sang nhượng không chính thức lâu nay trên địa bàn quận chủ yếu rơi vào số này, trong đó nổi lên là thị trường “ngầm” ở các phường 10, 11, 15 và 16. Còn nhà, đất trong các dự án mới thật sự không nhiều nên không có nguồn hàng để các nhà đầu tư tham gia. Hiện mức tăng giá cũng không đều nhau, tùy thuộc vào vị trí thuận lợi hay không. Ví dụ, ở các tuyến đường lớn như Bến Vân Đồn, Khánh Hội, một căn nhà có thể bán 500 – 700 lượng vàng, còn tại những con đường nhỏ hơn, nhà từ vài chục cho đến dưới 100 lượng vàng rất phổ biến. Hiện thị trường sang nhượng rất nhiều, nhưng thường trong tình trạng mua bán giấy tờ tay, sang nhượng những căn nhà chưa có giấy tờ rất sôi động.
Theo Sở GTVT TPHCM, cầu Nguyễn Văn Cừ cùng với cầu Calmette, Khánh Hội đóng vai trò quan trọng trong việc phân bố hợp lý các luồng giao thông giữa khu vực trung tâm TP và các đô thị phía Nam, làm giảm ùn tắc giao thông khu vực cầu Ông Lãnh và cầu Kênh Tẽ hiện nay. Dù thuận lợi về mặt giao thông so với khu trung tâm TP, chỉ đứng sau quận 3, nhưng khi mua nhà, đất tại quận 4, các khách hàng đều ngần ngại vì có chung một tâm lý đây là một vùng “đất dữ” với nhiều “tiếng xấu” lưu truyền về tệ nạn xã hội và các tay giang hồ nên thường không chọn để đầu tư hoặc làm chốn an cư hàng đầu. Theo anh Hoàng Trọng, một chuyên gia địa ốc khu vực Nam TP, thị trường nhà, đất ở quận 4 có ba yếu tố kém lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác: thứ nhất là tâm lý (người mua ngại vì có nhiều tay giang hồ), thứ hai là cơ sở pháp lý (nhà không có giấy tờ hợp lệ) và cuối cùng là giá trị nhà không cao (nhiều nhà nhỏ, lụp xụp...).


Theo NLD