Trang tin tức sự kiện
 
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2008

TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu tại Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu: Kinh tế VN năm 2008, suy giảm và thách thức đổi mới, ngày 8/5/2009.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2008” do báo Sài Gòn Tiếp Thị và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thực hiện. Báo cáo nhận định suy giảm và bất ổn của kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 là do những bất cập của chính sách quản lý vĩ mô và những yếu kém về mặt cơ cấu của nền kinh tế, khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới đóng vai trò đẩy sâu thêm quá trình này. Nội công, ngoại kích, thách thức đổi mới lớn hơn bao giờ hết. Trong lúc bị động chờ khủng hoảng thế giới đi qua, cần chủ động điều trị “nội thương” để giảm tổn thất và chuẩn bị cho sự phục hồi.


Kinh tế 2008 suy giảm: vì sao?
Những nhà nghiên cứu trẻ, khảo sát tình hình kinh tế năm 2008 của Việt Nam, nhìn thấy quá trình suy giảm từ trong những bất cập về quản lý vĩ mô và những yếu kém về mặt cơ cấu của nền kinh tế. Diễn biến khủng hoảng kinh tế của thế giới chỉ đẩy sâu quá trình suy giảm ấy.
Với vai trò chủ biên báo cáo này, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhận xét: “Có một thực tế dường như bị cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay dần dần che khuất, là những bất ổn vĩ mô của chúng ta đã xuất hiện từ đầu quý 4 năm 2007”. Ông dẫn chứng: Vào đầu quý 4/2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới tràn tới chúng ta thông qua sự thoái vốn đầu tư nước ngoài và sụt giảm cầu xuất khẩu. Nhưng từ trước đó, chúng ta đã gặp phải những khó khăn cơ bản như lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt vãng lai cao, tỷ giá dao động khó lường và doanh nghiệp điêu đứng vì thắt chặt tiền tệ.
Những bất ổn vĩ mô
Những khó khăn ấy, theo TS. Phạm Thế Anh là do những nguyên nhân trong nước. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền quá cao sau nhiều năm đã khiến cho tổng phương tiện thanh toán M2 vượt giá trị GDP danh nghĩa từ sau năm 2006, còn M1 xấp xỉ giá trị GDP danh nghĩa trong năm 2007. Tốc độ tăng trưởng tiền tệ vượt xa tốc độ tăng GDP thực tế trong một thời gian dài khiến lạm phát bùng nổ là điều không thể tránh khỏi.
Chính sách tiền tệ trong năm 2008 được TS. Thế Anh nhận định là chậm trễ, thiếu linh hoạt, và thiếu nhất quán trong phản ứng. Những lúng túng đầu năm trong việc lựa chọn giữa mục tiêu bình ổn giá cả với thúc đẩy tăng trưởng và ổn định tỷ giá khiến cho các hành động chính sách trở nên bất nhất. Điều này một mặt làm cho việc kiềm chế lạm phát không đạt hiệu quả, mặt khác gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại. Vào cuối năm, các công cụ lãi suất của chính sách tiền tệ lại quá cứng và thắt chặt quá mức, cùng với sự cộng hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đã khiến cho nền kinh tế càng thêm khó khăn. Các công cụ lãi suất của chính sách tiền tệ xa rời và không có vai trò dẫn dắt thị trường.
Đến lượt mình, những bất ổn vĩ mô tích tụ trong nội tại nền kinh tế bùng phát từ quý 4/2007 đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, cuốn đi nhiều thành tựu trước đó của thị trường này trước đó. Sự giảm nhiệt của nền kinh tế nói chung đã làm thị trường suy giảm theo một khuynh hướng khó lòng đảo ngược. TS. Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra rằng kỳ vọng của nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong diễn biến của thị trường và vì vậy, sự đi xuống của thị trường từ giữa năm 2008 đến nay là có thể hiểu được. Theo ông, những điều kiện thực tiễn và chính sách vĩ mô có khả năng thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ là tác nhân tiên quyết cho sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới. Kết quả tính toán cho phép xác định giá trị của VN-index tương ứng cho từng kịch bản bi quan, lạc quan. Thật đáng lo khi kết quả ước lượng mức dao động của VN-index trong năm 2009 (tương đương từ quý 2/2009 đến hết quý 1/2010) nằm trong khoảng 260 điểm tới 540 điểm.
Lùi về trước những bất ổn vĩ mô trong năm 2008 nói trên, dưới góc nhìn “tiết kiệm và đầu tư”, TS Phạm Văn Hà phát hiện rằng nếu như năm 1997 chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng 8,2% với vốn đầu tư chỉ chiếm 28,77% GDP thì cũng với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ như vậy năm 2007 (8,5%), chúng ta phải đầu tư tới 43,13% GDP. “Chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi phải chăng vốn đầu tư tăng liên tục trong mười năm qua đã có đủ hiệu quả như năm 1997”, ông Hà nói. Và, quan trọng hơn, là phải tìm ra được câu trả lời vì sao.
Và cơ cấu nền kinh tế
Câu trả lời dường như nằm ở năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp với những phân tích. TS. Tô Trung Thành chỉ ra rằng trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc và ASEAN đã có những nỗ lực rất mạnh mẽ để nâng tầm cạnh tranh công nghiệp thông qua tăng cường giá trị gia tăng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang những ngành hàng sử dụng công nghệ cao, tăng cường tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ trung - cao, Việt Nam trong suốt gần một thập niên đầy những biến động về xu thế cạnh tranh toàn cầu, dường như không có bất kỳ một sự thay đổi nào về năng lực cạnh tranh công nghệ. Nước ta vẫn dựa vào lợi thế cạnh tranh so sánh truyền thống trong những ngành công nghiệp hàm chứa ít công nghệ, có giá trị gia tăng thấp nên dễ bị tổn thương, đã được bộc lộ rõ nét trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008. Đồng thời, tỷ trọng sản xuất cũng như xuất khẩu những ngành hàm lượng công nghệ trung và cao rất thấp, thậm chí kém xa các nước khác trong khu vực ở thời điểm cách đây từ 10 đến 20 năm, với cùng trình độ phát triển và nguồn lực tương đương.
Bức tranh u tối này thể hiện ngay cả trong khu vực FDI - nơi được kỳ vọng sẽ thu hút được công nghệ tiên tiến của các nước. Theo thạc sĩ Jago Penrose, Michael Kalecki (1954) từ lâu đã chỉ ra rằng là sự ưu tiên và chiến lược của các doanh nghiệp nước ngoài có thể khác với chính phủ nội địa. Những nghiên cứu gần đây hơn đã xác nhận xu hướng này. Các doanh nghiệp FDI chỉ quan tâm xây dựng các chiến lược của mình so cho phù hợp với nền kinh tế địa phương, có cân nhắc đến nguồn tài nguyên nội địa, trình độ lao động, quy mô và thị hiếu thị trường nội địa... Thực tế tại nước ta, các doanh nghiệp FDI có xu hướng đầu tư vào các ngành sử dụng công nghệ lạc hậu và lao động không có kỹ năng. Một báo cáo của UNDP cho thấy rằng để ứng phó trước áp lực phải tăng tiền lương danh nghĩa, hầu hết các công ty may mặc với công nghệ chẳng có gì là hiện đại đã hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng của họ, lựa chọn ngày càng nhiều các công nhân không có kỹ năng.
Chính sách thương mại quốc tế cũng là một minh chứng cho sự yếu kém của nền kinh tế. Theo TS Từ Thuý Anh, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu 2008 còn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng khoáng sản, nông, lâm, thuỷ, hải sản. Các mặt hàng công nghiệp chế biến chủ yếu vẫn mang tính chất gia công, với biểu hiện thương mại nội ngành là chủ yếu (doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu, linh kiện, thực hiện gia công, lắp ráp rồi xuất khẩu).
Đã có những chuyển dịch rõ nét theo hướng tích cực là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhưng thị trường nhập khẩu vẫn tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á, đặc biệt là tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng cao. Điều này, theo TS Thuý Anh “dường như minh chứng rằng Việt Nam đang chịu nhiều tác động chuyển hướng thương mại hơn là tạo lập thương mại từ các thoả thuận tự do hoá thương mại khu vực như AFTA và ACFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc). Việt Nam bị thiệt nhiều hơn là được lợi từ các liên kết kinh tế vùng”.
Khó chồng khó
Lùi về trước những bất ổn vĩ mô trong năm 2008, dưới góc nhìn “tăng trưởng và chu kỳ kinh tế”, TS Phạm Văn Hà, cho rằng năm 2008 là năm đánh dấu nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn thu hẹp của chu kỳ kinh tế. Sử dụng các công cụ định lượng cơ bản lượng nhằm loại bớt các yếu tố mùa vụ và phân tích khuynh hướng dài hạn của nền kinh tế, ông vạch ra rằng tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu nóng và lên đến đỉnh vào quý 4/2007. Giai đoạn thu hẹp chính thức bắt đầu từ quý 1/2008 và trở nên rõ rệt vào quý 2/2008. Dưới tác động của khủng hoảng thế giới vào quý 3/2008, nền kinh tế của ta đã không có được một cuộc hạ cánh “mềm” như kỳ vọng mà tiếp tục bị đẩy sâu vào giai đoạn đi xuống. Theo ông, trong cả ba quý cuối của năm 2008, kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng dưới mức tiềm năng, mặc dù chính mức tiềm năng này cũng đang giảm dần. Cho đến cuối năm, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chìm sâu vào giai đoạn thu hẹp thể hiện tương đối rõ: tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu suy giảm; thị trường chứng khoán xì hơi; giảm giá và ảm đạm trên thị trường bất động sản. “Hiện chưa có dấu hiệu gì nền kinh tế đã chạm đáy của thời kỳ thu hẹp”, TS Hà nhận định.
Trong bối cảnh này, các tác giả chỉ ra rằng, chính sách vĩ mô - các nhóm chính sách tài khoá, tiền tệ và cán cân thanh toán bị ràng buộc chặt chẽ với nhau và dư địa cho việc thực hiện không còn nhiều vì nền kinh tế đang trong tình trạng mất cân đối vĩ mô khá nghiêm trọng, thể hiện qua thâm hụt ngân sách cao, thâm hụt vãng lai cao và tình trạng đô la hoá cao.
Các tác giả dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của nước ta chỉ vào khoảng 4,7% với mức lạm phát được cho là khó dự báo hơn vì phụ thuộc tình hình kinh tế thế giới (thông qua đó ảnh hưởng đến giá nguyên liệu thô) và mức độ, cách thức can thiệp vĩ mô của chính phủ nhưng có nguy cơ bùng phát vào cuối năm. Tỷ giá sẽ diễn biến phức tạp do ảnh hưởng đa chiều của các nhóm chính sách vĩ mô. Nhìn chung có khuynh hướng tăng vì khả năng thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể là lớn.

NHÓM TÁC GIẢ:

  • Tiến sĩ Phạm Thế Anh: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Anh, từng tham gia Nhóm tư vấn chính sách của bộ Tài chính, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, kiêm nghiên cứu viên cao cấp của CEPR, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và dự báo
  • Tiến sĩ Từ Thuý Anh: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Mỹ, giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, kiêm nghiên cứu viên cao cấp của CEPR, chuyên gia kinh tế quốc tế.
  • Tiến sĩ Phạm Văn Hà: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Úc, hiện đang làm việc trong một dự án của UNDP, cộng tác viên của CEPR, chuyên gia kinh tế vĩ mô và mô hình hoá (CGE).
  • Tiến sĩ Lê Hồng Giang: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Úc, nguyên giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright tại TP. HCM, Giám đốc quỹ Ngoại hối của công ty đầu tư Tactical Global Management, Australia, chuyên gia kinh tế vĩ mô, tài chính quốc tế và mô hình hoá.
  • Thạc sĩ Jago Penrose: Tốt nghiệp ở Anh, nguyên là chuyên gia kinh tế của UNDP Việt Nam, chuyên gia về tổ chức doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.
  • Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (chủ biên): Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Nhật, từng tham gia Nhóm tư vấn chính sách của bộ Tài chính, Giám đốc CEPR, giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia về kinh tế vĩ mô.
  • Tiến sĩ Tô Trung Thành: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Anh, giảng viên Khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân, cộng tác viên của CEPR, chuyên gia kinh tế vĩ mô và kinh tế lượng, các mô hình dự báo.


(SGtt.com.vn)