Trong bối cảnh hội nhập giáo dục toàn cầu, trao đổi giảng viên quốc tế đã trở thành một trong những “mũi nhọn” của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) để nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín học thuật và dần khẳng định vị thế trên bản đồ giáo dục thế giới. Vừa qua, TS. Bùi Hải Thiêm, Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị đã thực hiện chuyến công tác, giảng dạy tại một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng ở châu Âu – Đại học Jagiellonian (JU), Krakow, Ba Lan và Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan.
Đại học Jagiellonian (JU), Krakow, Ba Lan là một trong những đối tác uy tín của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đây là một trường đại học nghiên cứu lớn, xếp hạng top đầu và cổ kính nhất Ba Lan (thành lập từ năm 1364, đến nay đã có 660 năm tuổi). Nhiều danh nhân hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo đã từng học tập và giảng dạy ở đây, trong đó có Nicholas Copernicus và Giáo hoàng John Paul II, cùng các nhà khoa học, nhà văn đã đoạt giải Nobel. Theo QS Ranking 2024, JU xếp hạng top 304 trên thế giới, đặc biệt có thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực kinh tế, kinh doanh.
Giảng viên UEB khẳng định uy tín học thuật tại đại học danh tiếng nhất Ba Lan
Trong chương trình trao đổi giảng viên quốc tế tại JU, TS. Bùi Hải Thiêm đã phụ trách giảng dạy 03 học phần trong Học kỳ mùa xuân, năm học 2023-2024 cho hai Chương trình Thạc sĩ An ninh Quốc tế và Phát triển (MA International Security and Development) và Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao công chúng (MA International Relations and Public Diplomacy) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển (CISAD), Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Chính trị quản lý. Đây là hai chương trình được thực hiện phối hợp cùng nhiều đối tác là các trường đại học uy tín của châu Âu và Chương trình Eramus.
Các học phần mà TS. Bùi Hải Thiêm giảng dạy bao gồm:
(1) Học phần Phân tích chính sách an ninh (Security Policy Analysis): Nội dung khóa học tập trung vào quá trình phân tích chính sách an ninh quốc gia thông qua các công cụ lý thuyết và thực tiễn, với các ví dụ điển hình về phân tích chính sách an ninh của Mỹ, các nước EU, Trung Quốc và một số cường quốc tầm trung ở Châu Á Thái Bình Dương, qua đó, học phần cung cấp cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc về tình hình an ninh hiện nay của các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc... cũng như tìm hiểu các giải pháp giải quyết những vấn đề này.
(2) Học phần Luật hiến pháp so sánh (Comparative Constitutional Change): Khóa học tập trung phân tích các khái niệm hiến pháp quan trọng, từ góc độ nguồn gốc lịch sử, quá trình phát sinh và phát triển của luật cơ bản, quyền lực hiến pháp cấu thành, sự thay đổi hiến pháp, các quyền cơ bản và pháp quyền. Học phần xem xét ý nghĩa đương đại và ứng dụng của các khái niệm này trong bối cảnh trong và ngoài phương Tây.
(3) Học phần Hoạch định chính sách quốc tế (International Policy Formulation): Học viên được lĩnh hội kiến thức chuyên sâu về quá trình xây dựng chính sách quốc tế, đối ngoại, các đặc điểm và yếu tố ảnh hưởng đến việc hoạch định và hoạch định chính sách quốc tế, đối ngoại. Định hướng trong hợc phần này mang tính lý thuyết và thiên về phân tích quá trình nhiều hơn là nội dung hoặc diễn giải. Trọng tâm của học phần là đầu vào chính sách và quá trình ra quyết định.
Các học viên tham gia ba học phần trên đều là những người từng có nhiều kinh nghiệm làm việc, mang nhiều quốc tịch khác nhau, đến từ các nền văn hoá đa dạng như: Colombia, Nga, Ucraina, Ba Lan, Kenya, Nigeria, Zimbabue, Thuỵ Điển, Kyrgyzstan, Trung Quốc.
Bên cạnh các hoạt động giảng dạy, TS. Bùi Hải Thiêm cũng tích cực tham gia các hoạt động toạ đàm, thảo luận bàn tròn và bài giảng chuyên đề như: Làm diễn giả chính tại Seminar: “Energy Security in the Third Decade of the 21st Century: Challenges and Opportunities" (An ninh năng lượng trong Thập niên thứ ba của thế kỷ 21: Thách thức và Cơ hội). Cùng tham dự có nhiều giáo sư, chuyên gia, học giả và sinh viên của các trường đại học khác nhau tại Krakow, Ba Lan.
Cũng trong thời gian trên, TS. Bùi Hải Thiêm đã có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Kinh tế Krakow theo lời mời của GS. Joanna Garlinska-Bielawska. Tại đây, sau khi thực hiện bài giảng chuyên đề, TS. Bùi Hải Thiêm đã có cuộc gặp với GS. Stanislaw Mazur – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Krakow cùng với một số Giáo sư của Nhà trường, trong đó có nội dung thỏa luận, trao đổi về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Đại học Kinh tế Krakow trong tương lai.
Đồng thời TS. Bùi Hải Thiêm là Guest Lecturer cho buổi giảng chuyên đề: “Vietnam’s Contemporary Development Issue” tại Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan. Tham dự chương trình có các giáo sư, giảng viên và sinh viên của Đại học Kinh tế Krakow, trong đó, có 03 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường theo diện học bổng Hiệp định giữa hai Chính phủ.
TS. Bùi Hải Thiêm cũng được mời tham gia thảo luận tại Toạ đàm bàn tròn “Narrating the “new silk road” – Socialist Rule of Law with Chinese Characteristics in the BRI and its implications for the EU” (“Con đường tơ lụa mới” – Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai Con đường và hệ luỵ đối với Liên minh châu Âu) tại JU. Toạ đàm có sự hiện diện của nhiều giáo sư, học giả và sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở châu Âu và Ba Lan.
“Cầu nối” giáo dục giữa UEB và JU: Hợp tác đào tạo, nghiên cứu và trao đổi học thuật
Bên cạnh các hoạt động giảng dạy, làm diễn giả, thảo luận chuyên đề,… là một “đại sứ thương hiệu” của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN công tác tại Đại học Jagiellonian, TS. Bùi Hải Thiêm đã thực hiện một số hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của UEB, đem lại các lợi ích thiết thực cho UEB trong việc mở ra và khai thác những tiềm năng nghiên cứu khoa học và hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên… Trong đó, TS. Bùi Hải Thiêm đã gặp gỡ và làm việc nhiều lần với GS. Marcin Grabowski – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển, JU để trao đổi về dự thảo thoả thuận hợp tác giữa JU và UEB. Đến nay, hai bên đang từng bước triển khai các thủ tục, hướng tới xây dựng mối quan hợp tác bền chặt.
UEB – Môi trường giúp giảng viên, sinh viên vươn ra thế giới với tầm nhìn và trí tuệ Việt
Trong quá trình công tác tại Đại học Jagiellonian, Ba Lan, TS. Bùi Hải Thiêm được phía đối tác trang trọng đưa tên vào Danh sách Giáo sư thỉnh giảng trên website của trường, có ghi chú về cơ sở giáo dục chủ quản là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Ngoài ra, JU cũng đưa nhiều tin bài về các môn học do TS. Bùi Hải Thiêm giảng dạy trên website của Trường và các nền tảng mạng xã hội Facebook và Linkedin. Đây chính là minh chứng cho thấy phía Đại học Jagiellonian, Ba Lan vô cùng trân trọng và đánh giá cao chất lượng giảng dạy, cũng như năng lực chuyên môn của giảng viên UEB.
Trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại JU, Ba Lan, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn tạo điều kiện tốt nhất để TS. Bùi Hải Thiêm hoàn thành tốt các trách nhiệm giảng dạy tại UEB, với Khoa Kinh tế Chính trị và Nhà Trường, công bố một bài báo quốc tế với vai trò đồng tác giả với một GS của Đại học Duke – Hoa Kỳ (trên tạp chí Southeast Asian Affairs 2024 của ISEAS, Viện nghiên cứu Đông Nam Á do Singapore ấn bản).
Các chương trình trao đổi giảng viên với các trường đại học quốc tế là cơ hội giá trị để các giảng viên của UEB tiếp thu những kiến thức mới, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu hiện đại, tiên tiến từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Điều này không chỉ giúp các giảng viên phát triển chuyên môn mà còn phát triển quan hệ quốc tế, từ đó, đóng góp vào sự phát triển chung của Nhà trường.
Sự nỗ lực không ngừng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong việc đẩy mạnh các hoạt động trao đổi giảng viên quốc tế, mở rộng kết nối hợp tác với các trường đại học lớn trên thế giới, đã mở ra một không gian phát triển tiềm năng cho cả người dạy và người học, tạo dựng môi trường đào tạo chuẩn quốc tế, thúc đẩy tư duy sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng, trang bị tốt nhất cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng để hội nhập và thành công trong kỷ nguyên toàn cầu mới.
Là cựu học viên Đại học Harvard, Mỹ – một trong những ngôi trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới, đồng thời là chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm ...
Chi tiếtVừa qua, hơn 2300 tân sinh viên cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) đã hòa mình vào không khí ...
Chi tiếtĐó là nhắn nhủ của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê (Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tới tân sinh viên trong Lễ ...
Chi tiếtVới định hướng đào tạo gắn liền thực tiễn, các lớp học tại "giảng đường doanh nghiệp" được Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thường ...
Chi tiếtVừa qua, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, hơn 600 sinh viên đến từ các Khoa/Viện đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) đã đăng ký tranh tài và ...
Chi tiếtTừng có 3 năm học trung học tại Mỹ, nhưng với mong muốn được ở gần gia đình tại Việt Nam và mơ ước khám phá tri thức khắp năm châu, Kiều Hoàng Nhật Linh, ...
Chi tiếtThe Moneyverse (Vũ Trụ Đồng Tiền) "đổ bộ" casting tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội với màn tranh luận thông minh, kỹ năng hùng biện ...
Chi tiếtVào ngày 20/08/2024, buổi lễ ra mắt chương trình đào tạo "Tinh Hoa Trong Tài Năng - UEB ELITE PROGRAM 2024" đã diễn ra trong không khí trang trọng và hứng ...
Chi tiếtBên cạnh học bổng đầu vào, có rất nhiều Học bổng khuyến khích học tập theo kỳ dành cho các bạn sinh viên chương trình Cử nhân chính quy quốc tế chuyên ...
Chi tiết