Trang tin tức sự kiện
 
Việt Nam cần mở rộng M&A ra tầm khu vực

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Christopher Kummer tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2010. Ông Kummer hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Mua lại, Sát nhập và Liên kết có trụ sở tại Áo và Thụy Sĩ.


Diễn đàn M&A Việt Nam 2010 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham dự.
Đây là diễn đàn do Khoa Kinh tế Quốc tế (FIEB) và Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Nước ngoài (CFIS) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch đầu tư) và Công ty AValue tổ chức.

Tại diễn đàn này, TS. Vũ Anh Dũng, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế đã có bài tham luận phân tích về sự thành công của hãng Bavaria và coi đây là một ví dụ điển hình trong các thương vụ M&A.
Trước đó, Tiến sĩ Christopher Kummer đã có bài thuyết trình với đề tài “Chiến lược mua bán và sát nhập cho doanh nghiệp Việt
Nam: Hướng dẫn nhằm đạt được những lợi ích từ việc sát nhập và mua lại”. Bài thuyết trình đã phân tích tình hình M&A trên thế giới nói chung và Châu Á nói riêng, từ đó đưa ra những nhận định tổng quát về các thương vụ M&A thế giới hiện nay và những năm trước đó.
Ông Kummer cũng đã đưa ra những tiêu chí, định hướng, phân tích... giúp doanh nghiệp Việt Nam có những hiểu biết sâu hơn về M&A, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi xem xét việc thực hiện các thương vụ M&A. Ông Kummer cho rằng, với thị trường chứng khoán khá sôi động, cộng thêm việc Việt Nam đang phát triển mạnh các ngành Tài chính, viễn thông, năng lượng và điện năng… thì các hoạt  động M&A sẽ theo đó phát triển theo. Lý do bởi đây là những ngành công nghiệp năng động nhất xét về mặt giá trị.


Tiến sĩ Kummer thuyết trình tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2010

Trong thư gửi tới Diễn đàn M&A Việt Nam 2010, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Hệ thống pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp của nước ta ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động mua bán, sát nhập nói riêng… Tuy nhiên, hoạt động M&A ở nước ta vẫn còn là vấn đề mới mẻ, hệ thống pháp luật, chính sách về M&A vẫn còn chưa đồng bộ và cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”. Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2010 là nhằm đánh giá thực trạng M&A tại Việt Nam, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về M&A.
Trên thế giới hiện nay, ngành tài chính đang chiếm tới 20% các hoạt động M&A. Tiếp đó là viễn thông (15%), năng lượng (13%), công nghiệp, công nghệ cao, bất động sản…
Thực tế cho thấy, do những tồn tại trong pháp lý tại Việt Nam, chúng ta có nhiều luật nhưng các luật này không đồng nhất với nhau dẫn đến doanh nghiệp dùng những luật khác nhau trong một thương vụ M&A. Hiện có nhiều công ty tư vấn về M&A, nhưng đôi khi những tư vấn từ các công ty này không mang tính chuyên nghiệp cao. Cho nên, đối với các doanh nghiệp, dù chọn hình thức M&A nào, thì điều quan trọng đầu tiên là phải tự hỏi bản thân muốn điều gì từ thương vụ này để có những bước đi phù hợp với luật pháp.
Nói vậy không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội, mà quan trọng, họ có biết đánh giá các cơ hội đó hay không. Theo ông Kummer, vấn đề của các doanh nghiệp là phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro cũng như cơ hội của mình trước khi quyết định thực hiện các thương vụ M&A. Có nhiều yếu tố để rà soát thương vụ như: Rủi ro và khả năng hoàn vốn; Rủi ro và cơ hội; Điểm mạnh - điểm yếu; Công ty, các đối tác như khách hàng, nguồn cung cấp…; Quá khứ, hiện tại, tương lai…
Tiến sĩ Kummer nhấn mạnh, ngoài việc đánh giá kỹ các yếu tố, việc tuân thủ hướng theo tâm lý nhà đầu tư cũng là yếu tố giúp các thương vụ M&A trở nên thuận lợi hơn. Doanh nghiệp cũng cần phải có sự chuẩn bị cho quá trình sau hội nhập cũng như phải tính toán trước sự rủi ro và tìm ra công cụ quản lý sự rủi ro đó.
GS.TS Christopher Kummer cũng nêu ra một số lời khuyên cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động M&A. Theo đó, việc xây dựng chiến lược cần phải là những ưu tiên hàng đầu, chiến lược nên đơn giản để có thể xây dựng được; hình thành một nhóm thực thi chịu trách nhiệm hoàn thành quá trình từ đầu đến cuối, kết hợp các nguồn lực bên trong và bên ngoài một cách thông minh; doanh nghiệp chỉ nên thực hiện những công việc M&A phù hợp với chiến lược của công ty mình; cần thực tế về những lợi ích mà một thương vụ M&A mang lại. Cần rà soát kỹ, thẩm định kỹ lưỡng rủi ro và cơ hội, cần lưu ý những yếu tố tài chính và phi tài chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng cấu trúc thương vụ phù hợp và quản lý được chi phí. Cần có nguyên tắc rõ ràng đối với các thương vụ không hiệu quả. Làm việc thật chăm chỉ để đạt được các lợi ích. Và đặc biệt lưu ý, hoạt động M&A không phải là một cỗ máy in tiền nhưng có thể là một điều kiện tuyệt vời để phát triển công ty.

Theo tính toán của Avalue Vietnam (Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực định giá, tư vấn tài chính, tư vấn quản trị và đầu tư) năm 2009, số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ước tính đạt 287 và giá trị giao dịch đạt 1,09 tỷ USD. Số thương vụ tuy tăng 71% so với năm 2008, nhưng giá trị thương vụ thì lại giảm nhẹ.
Năm 2010, triển vọng số thương vụ M&A sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ; giá trị giao dịch sẽ tăng ổn định. Có một số động thái cho thấy sẽ xuất hiện một số thương vụ có quy mô lớn. Con số ước lượng cho biết, những tháng đầu năm 2010 đã có tới 278 thương vụ M&A được công bố, trị giá tới 1,1 tỉ USD.


  Cán bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham dự Diễn đàn M&A Việt Nam 2010.


Đại diện các doanh nghiệp, phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi cho Ban tổ chức về thực hiện các thương vụ M&A và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2010 cũng như trong tương lai.

Mạnh Tuấn