Trang tin tức sự kiện
 
Thương mại hóa thông tin thời tiết

Những năm gần đây, đặc biệt sau trận bão số 9 vừa qua, dư luận dấy lên câu hỏi về chất lượng dự báo thời tiết. Câu trả lời muôn thưở của những người đại diện ngành khí tượng thuỷ văn là hệ thống dự báo không được đầu tư đúng mức, thu nhập của cán bộ dự báo thấp, trình độ của các cán bộ dự báo ngày càng yếu (vì những người giỏi không muốn vào ngành này), v.v… Đến nay vẫn chưa có giải pháp khả dĩ nào cho vấn nạn này.


Thương mại hoá hệ thống dự báo
Giải pháp tôi đề xuất ở đây là thương mại hoá hệ thống dự báo thời tiết. Giải pháp này thực ra không mới. Nó được áp dụng ở Mỹ từ cuối thập kỷ 1980 và ở các nước châu Âu hơn một thập kỷ gần đây. Trong bài viết này tôi không tập trung vào việc xây dựng hệ thống luật lệ cho việc thương mại hoá các thông tin dự báo thời tiết như thế nào. Bạn đọc và các cơ quan hữu trách có thể tham khảo hệ thống của Mỹ và châu Âu. Tôi chỉ tập trung phân tích nguyên lý kinh tế, khả năng tiến hành và lợi ích của việc thương mại hoá các thông tin dự báo thời tiết.
Hệ thống dự báo thời tiết hiện nay của ta được tài trợ hoàn toàn từ ngân sách nhà nước. Cơ quan phụ trách dự báo thời tiết có trách nhiệm tiến hành đầu tư, nghiên cứu, phân tích các dữ liệu về thời tiết, sau đó gửi miễn phí các thông tin thời tiết tới các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, đài phát thanh và báo chí). Thông qua các phương tiện này, dân chúng nhận được thông tin thời tiết miễn phí.
Cơ sở lý luận cho việc cung cấp miễn phí là “thông tin thời tiết là một loại hàng hoá công cộng”. Mọi người đều cần loại thông tin đó để lập kế hoạch cho các hoạt động hằng ngày của mình. Việc cung cấp loại dịch vụ này tốn kém nên Nhà nước sẽ sử dụng tiền thuế của dân để tài trợ cho các cơ quan dự báo thời tiết.
Không ai nghi ngờ thông tin thời tiết là quan trọng với mọi người. Nhưng điều ấy không có nghĩa giá trị của thông tin thời tiết là như nhau với mọi người. Chẳng hạn, một nhà đầu tư sẽ coi trọng thông tin về thời tiết hơn là một người dân bình thường. Với người dân bình thường, Hà Nội ngập lụt một tuần thì cũng chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của họ trong thời gian ấy. Nhưng với một nhà đầu tư thì ngập lụt kéo dài có thể dẫn đến hư hại máy móc và sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp mà anh ta đang hoặc định đầu tư. Một ví dụ khác, một người sống ở Hà Nội hoặc chuẩn bị đến Hà Nội tham quan hẳn sẽ quan tâm đến thông tin thời tiết ở Hà Nội hơn ở các vùng khác. Trong cả hai trường hợp, nhà đầu tư và người quan tâm đến Hà Nội sẽ coi trọng thông tin thời tiết Hà Nội hơn những người khác. Về mặt lý thuyết, họ sẵn sàng trả thêm phí để có được thông tin tốt hơn và kịp thời hơn về Hà Nội.
Thực hiện cách nào?
Có rất nhiều cách thức để hiện thực hoá nhu cầu “muốn có thông tin thời tiết tốt hơn” của những đối tượng này. Cách thức phổ biến nhất là thu phí người sử dụng thông tin thời tiết thông qua các hãng truyền thông. Để đảm bảo rằng mọi người dân đều được tiếp cận thông tin thời tiết ở mức tối thiểu, tất cả các hãng truyền thông đều được cơ quan phụ trách dự báo thời tiết cung cấp thông tin miễn phí, chẳng hạn, mỗi ngày một lần (trong trường hợp này, phí mà mọi người dân phải trả chính là khoản trợ cấp của Chính phủ cho cơ quan này). Cơ quan này tất nhiên có thể thu thêm một khoản phí nhất định cho mức cung cấp tối thiểu này vì thông tin thời tiết cần được xem như là một thứ thông tin bổ trợ gắn với các thông tin thương mại mà hãng truyền thông thu được lợi từ hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, đây không phải là thứ doanh thu thương mại duy nhất mà cơ quan có thể thu. Thực tế là, sẽ có một số hãng truyền thông mong muốn được cung cấp nhiều hơn mức tối thiểu này. Chẳng hạn, hãng truyền thông chuyên về thông tin có thể sẽ muốn được cấp bốn lần/ngày; hãng chuyên về du lịch có thể muốn mỗi giờ/lần vào ban ngày và cách ba giờ/lần vào ban đêm; hãng truyền thông về Hà Nội muốn cung cấp thông tin về Hà Nội hằng giờ từ 5g sáng đến 12g đêm v.v... Các hãng truyền thông tất nhiên sẽ bù đắp các chi phí thông tin thời tiết “chất lượng cao” thông qua việc thu phí quảng cáo hoặc các khoản phí dịch vụ gia tăng với khách hàng.
Ngoài các nguồn thu thông qua các hãng truyền thông, cơ quan dự báo thời tiết có thể gia tăng doanh thu thông qua việc cung cấp tin cho các công ty điện thoại (nhắn tin về thời tiết), hoặc thông qua các kênh thông tin đặc biệt cho các hãng lữ hành, các hãng hàng không, các công ty vận tải, các công ty khai thác ngoài biển, đảo hoặc hầm mỏ, v.v...
Với việc thương mại hoá các thông tin dự báo thời tiết, chúng ta có thể nghĩ tới việc hình thành nhiều trung tâm phân tích dự báo thời tiết, kể cả các trung tâm tư nhân. Tất cả các trung tâm cùng khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng chung. Tuy nhiên, trong một môi trường cạnh tranh, một số trung tâm có thể sẽ chuyên trách khai thác mảng dự báo thời tiết biển hoặc thời tiết miền núi hoặc ở một địa phương nào đó. Theo thời gian, các trung tâm không những chỉ phát triển các mô hình dự báo ngày càng chính xác mà còn có thể tham gia vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự báo thời tiết ở những nơi có nhu cầu chuyên biệt.
Việc thương mại hoá các thông tin dự báo thời tiết giúp cơ quan dự báo có được một khoản doanh thu khá lớn ngoài ngân sách nhà nước để tái đầu tư phát triển hệ thống, nhờ đó chất lượng dự báo sẽ càng được cải thiện. Chất lượng dự báo cũng sẽ được nâng cao nhờ sự đánh giá và giám sát thường xuyên bởi những người có nhu cầu cao hơn những người bình thường.
Việc hệ thống dự báo tự cải thiện được chất lượng tất nhiên sẽ đem lại lợi ích cho tất cả người dân nói chung. Và, người dân thường thực ra không phải trả thêm bất kỳ khoản nào cả. Trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn cơn bão số 9 vừa qua, họ còn được hưởng lợi từ việc nhận được các thông tin dự báo với tần suất cập nhật lớn hơn nhiều so với hiện nay. Thông qua quỹ trợ cấp khẩn cấp của Chính phủ, cơ quan dự báo thời tiết có thể tăng gấp đôi tần suất dự báo cho các hãng truyền thông có nhu cầu. Chính phủ tất nhiên được quyền dùng các thông tin cập nhật nhất, chuyên sâu nhất, để ứng phó với các hậu quả của thiên tai cũng như các nhu cầu công ích khác, như an ninh, quốc phòng, v.v...


Đinh Minh Tuấn (SGTT, 7/10/009) Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐHKT - ĐHQGHN