Người dân, doanh nghiệp và đất nước Singapore đã và đang hưởng thành quả ngọt ngào của công cuộc chuyển đổi số mang lại, cùng nỗ lực tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.
Tầm nhìn chiến lược dài hạn, tham vọng lớn
Singapore đã quá đỗi nổi tiếng với câu chuyện về phát triển, trọng dụng nhân tài để vượt lên nghịch cảnh trở thành con rồng châu Á. Ngày nay, trước bước chuyển lớn của thời đại 4.0, truyền thống đó lại được Singapore tiếp tục phát huy mạnh mẽ để vươn lên trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi số với nhiều thành tựu rực rỡ.
Chính phủ Singapore sớm nhận ra và tiên phong thực hiện chuyển đổi số ngay từ thập kỷ 1980 khởi đầu với Chương trình tin học hóa quốc gia và tăng tốc mạnh mẽ kể từ năm 2014 với sáng kiến Quốc gia thông minh do Thủ tướng Lý Hiển Long khởi xướng với tầm nhìn chiến lược dài hạn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ để trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.
Đây là một kế hoạch đầy tham vọng, toàn diện không đơn thuần là tận dụng công nghệ số để giải quyết các thách thức về đô thị hóa, giao thông, y tế và môi trường mà còn là sự thay đổi căn bản trong cách thức chính phủ quản lý, cung cấp dịch vụ và tương tác với người dân.
Từ năm 2017, Singapore đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa và coi đây là một chương trình quan trọng mang tầm quốc gia để tiến nhanh tới mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.
Văn phòng quốc gia thông minh và chính phủ điện tử được thành lập tháng 5 năm 2017 thuộc Văn phòng Thủ tướng để tạo nên sự thống nhất, đồng bộ và thông suốt trong chỉ đạo và điều hành tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Công cuộc chuyển đổi số ở Singapore với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tham vọng lớn cung cấp khung chiến lược toàn diện và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển năng lực lãnh đạo số của chính phủ. Sự tích hợp công nghệ số vào các lĩnh vực quản lý công, từ y tế, giao thông, giáo dục đến an ninh tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo chính phủ phát triển tư duy chiến lược và năng lực triển khai các giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Đào tạo, phát triển năng lực số cho các nhà lãnh đạo, công chức
Chính phủ Singapore luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số với quan điểm rất rõ ràng rằng công nghệ là quan trọng song tài năng của con người tạo nên sự khác biệt lớn nhất, năng lực lãnh đạo số của chính phủ là chìa khóa, là đầu tàu quyết định tốc độ, sự thành công của công cuộc chuyển đổi số, chỉ khi các nhà lãnh đạo chủ chốt được trang bị đầy đủ năng lực số, chính phủ mới có thể dẫn dắt đất nước đi tới một tương lai tươi sáng trong kỷ nguyên số.
Bởi vậy, các nhà lãnh đạo, công chức Singapore được đào tạo liên tục nhằm cập nhật các kiến thức, kỹ năng số mới nhất để bắt nhịp với xu hướng công nghệ toàn cầu, nắm bắt các cơ hội mới trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, để chủ động xử lý các vấn đề phức tạp, đủ sức thực hiện tốt các chiến lược, các dự án công nghệ số lớn của chính phủ nhằm nâng cao dịch vụ công và quản trị đất nước,...
Các biện pháp chủ yếu được Singapore sử dụng trong đào tạo, phát triển năng lực số cho các nhà lãnh đạo, công chức là:
Thứ nhất, thành lập các trung tâm năng lực để xây dựng và nâng cao năng lực số cho phần còn lại của Chính phủ.
Cụ thể, năm trung tâm năng lực được thành lập gồm: Trung tâm thiết kế, phát triển và triển khai ứng dụng; Trung tâm An ninh mạng; Trung tâm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; Trung tâm khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Trung tâm cảm biến và internet vạn vật.
Các trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và nâng cao năng lực số của các cơ quan, tổ chức cũng như trong thực hiện các dự án công nghệ số đầy tham vọng và có ý nghĩa xã hội của Chính phủ.
Thứ hai, thành lập Học viện số năm 2021 với sứ mệnh nâng cao năng lực số cho các nhà lãnh đạo, công chức thành thạo công nghệ hiện thời và sẵn sàng với công nghệ tương lai, đủ sức dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số của đơn vị.
Chương trình học được thiết kế đa dạng phù hợp từng đối tượng học, từ những kỹ năng cơ bản về công nghệ đến những kiến thức tiên tiến, chuyên sâu về khoa học dữ liệu, AI, phát triển ứng dụng, thiết kế và quản lý sản phẩm số,... Học viện hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, Microsoft để biên soạn chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo luôn cập nhật những kỹ năng và kiến thức mới nhất về công nghệ số, trong thực hiện các chương trình đào tạo giúp các cơ quan chính phủ xây dựng kỹ năng về AI, chiến lược AI, khoa học dữ liệu, các phương pháp tiên tiến về quản trị dữ liệu hiệu quả.
Hình thức và phương pháp giảng dạy, học tập đa dạng, linh hoạt, ngoài các bài giảng trực tiếp hoặc trực tuyến, người học tham gia các hội thảo, các buổi nói chuyện về công nghệ, trao đổi với các nhà lãnh đạo số giàu kinh nghiệm,...Người học được khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ vào quy trình làm việc hàng ngày, tạo ra sự cải thiện liên tục trong chất lượng dịch vụ công.
Việc đào tạo nhằm nâng cao năng lực số cho các nhà lãnh đạo cấp cao được đặc biệt chú trọng nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về công nghệ và cách thức ứng dụng công nghệ trong ra quyết định chính sách, họ được trang bị kiến thức, năng lực số cần thiết để dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số của đơn vị.
Điển hình như Chương trình Lãnh đạo Quốc gia thông minh tập trung trang bị cho các nhà lãnh đạo cấp cao kiến thức sâu rộng về các xu hướng công nghệ mới nhất như AI, dữ liệu lớn và blockchain,...
Qua đó, các nhà lãnh đạo cấp cao không chỉ nắm vững về công nghệ tiên tiến mà còn biết cách áp dụng chúng vào thực tiễn quản lý công, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và điều hành bộ máy nhà nước, giúp các nhà lãnh đạo cao cấp không những bắt kịp mà còn dẫn đầu trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Hơn nữa, sự tương tác với các chuyên gia, học hỏi từ các mô hình công nghệ tiên tiến của các quốc gia khác, nhất là trong quản lý thành phố thông minh, dịch vụ y tế số, an ninh mạng giúp các nhà lãnh đạo cấp cao phát triển tầm nhìn, tâm thế toàn cầu, linh hoạt trong cách tiếp cận xử lý các thách thức chuyển đổi số.
Thứ ba, chương trình Học bổng Quốc gia thông minh được triển khai từ năm 2018 nhằm phát triển và bồi dưỡng các cá nhân tài năng, các nhà lãnh đạo số tiềm năng cho khu vực công.
Đây là sáng kiến mang tính chiến lược nhằm có được một đội ngũ lãnh đạo số và chuyên gia công nghệ tài năng để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của đất nước trong tương lai, góp phần củng cố vị thế của Singapore như một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Các đối tượng nhận học bổng bao gồm sinh viên đại học và sau đại học, đặc biệt là những người học về khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và các lĩnh vực liên quan. Họ được kỳ vọng trở thành các nhà lãnh đạo số tương lai, đóng góp vào các sáng kiến chuyển đổi số của Chính phủ Singapore, giúp xây dựng hệ sinh thái số hiện đại và tiên tiến.
Sau khi tốt nghiệp, họ có cơ hội làm việc tại các cơ quan quan trọng như Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech), Cơ quan Phát triển truyền thông thông tin (IMDA), Cơ quan An ninh mạng Singapore (CSA),... Các cá nhân xuất sắc được tiếp nhận vào chương trình tài năng để phát triển sự nghiệp nhanh chóng, họ được đào tạo cho các vị trí lãnh đạo và đảm nhận các vai trò quan trọng trong các dự án quốc gia.
Trải qua quá trình đào tạo trong thực tiễn nghiêm ngặt, họ được trang bị các kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về quản lý dự án công nghệ, phát triển nền tảng số, và ứng dụng các giải pháp AI để giải quyết các vấn đề phức tạp trong quản trị quốc gia và dịch vụ công, các cá nhân xuất sắc nhất được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo để dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Thu hút các tài năng công nghệ số đẳng cấp thế giới
Chính phủ Singapore luôn tìm kiếm sự hợp tác, học hỏi từ các chuyên gia công nghệ số trên toàn cầu nhằm tạo ra các ứng dụng công nghệ số làm thay đổi cuộc sống ở Singapore, thu hút các tài năng công nghệ số từ khu vực tư nhân và nước ngoài nhằm tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và thúc đẩy sự sáng tạo, xây dựng mạng lưới nhân tài công nghệ số toàn cầu.
Chương trình học giả quốc gia thông minh được triển khai năm 2016 nhằm thu hút các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư và chuyên gia công nghệ hàng đầu nhằm tạo ra các giải pháp công nghệ số có tác động lớn, mang lại giá trị và ý nghĩa lớn lao trong cải thiện cuộc sống của người dân, góp phần vào nỗ lực xây dựng quốc gia thông minh.
Chương trình hướng tới đối tượng là các tài năng công nghệ người Singapore ở nước ngoài đang làm việc cho các công ty công nghệ, các tài năng công nghệ làm việc trong khu vực tư nhân hoặc ở các tổ chức học thuật tại Singapore.
Các tài năng công nghệ số các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư và chuyên gia công nghệ hàng đầu làm việc toàn thời gian từ ba đến sáu tháng cùng nhau tạo ra các giải pháp công nghệ số có tác động lớn đến cuộc sống của con người, xã hội,...
Họ được trao nhiều quyền để tự chủ trong công việc, không gian rộng lớn để chinh phục các công việc đầy thách thức mang lại giá trị, ý nghĩa lớn lao, được bố trí làm việc cùng với công chức lão luyện, giàu kinh nghiệm để giúp giải quyết các thủ tục hành chính “nhiêu khê” như thủ tục xin tài trợ và quy trình mua sắm,...
Hạ tầng công nghệ tiên tiến
Hạ tầng công nghệ tiên tiến được xem là nền tảng không thể thiếu trong phát triển năng lực số của chính phủ.
Singapore đầu tư lớn để thiết lập hạ tầng dữ liệu và công nghệ số gồm mạng viễn thông tốc độ cao, trung tâm dữ liệu an toàn và hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây quốc gia cho phép Chính phủ sử dụng AI, internet vạn vật và dữ liệu lớn để cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả.
Sự tích hợp dữ liệu lớn và AI vào hệ thống quản lý công giúp các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định với thông tin chính xác, kịp thời.
Các nhà lãnh đạo sử dụng công nghệ không chỉ để quản lý hiện tại mà còn để dự báo, lên kế hoạch cho tương lai.
Các mô hình dự báo dựa trên AI giúp chính phủ dự báo chính xác hơn về các thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, và quản lý năng lượng, việc sử dụng dữ liệu lớn trong quy hoạch đô thị, quản lý giao thông, y tế công cộng đã mang lại những kết quả ấn tượng.
Cụm đám mây chuyên dụng được thành lập tháng 6/2023 nhằm thúc đẩy việc áp dụng AI trong Chính phủ và hỗ trợ nghiên cứu về cách thức áp dụng AI, để các cơ quan chính phủ có thể triển khai các ứng dụng AI hiệu quả và an toàn hơn trong vận hành.
Một hạ tầng an ninh mạng mạnh đủ sức bảo vệ, chống lại các mối đe dọa mạng. Singapore đã thiết lập Trung tâm giám sát an ninh mạng chuyên theo dõi các hoạt động mạng 24/7 để phát hiện sớm và phản ứng kịp thời với các mối đe dọa, cung cấp cảnh báo và các biện pháp phản ứng nhanh khi có sự cố xảy ra trong khu vực công.
Văn hóa đổi mới sáng tạo
Với quan điểm chuyển đổi số không đơn giản là việc sử dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình thủ công mà còn là việc thay đổi cách thức hoạt động, tư duy và văn hóa để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ, bởi vậy, Chính phủ Singapore nhìn nhận xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo được quan tâm như một nội dung trọng tâm trong cải cách công vụ ở Singapore bắt đầu từ giai đoạn 1995 – 2012 khi Singapore đưa ra chiến lược chuẩn bị cho công chức trước những thay đổi của thế kỉ XXI với triết lý “sẵn sàng thay đổi” nhằm xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong nền công vụ Singapore.
Chính phủ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cơ quan chính phủ, các nhà lãnh đạo và công chức thực hiện đổi mới sáng tạo trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, khuyến khích thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, blockchain, và dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ,...
Chính phủ Singapore chấp nhận thử nghiệm và thất bại, cởi mở và sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới, tạo điều kiện cho việc thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới, từ đó khuyến khích các cơ quan nhà nước, các nhà lãnh đạo, công chức thử nghiệm và đổi mới trong môi trường an toàn, không sợ bị trừng phạt nếu thất bại.
Thành lập Phòng thí nghiệm đổi mới thuộc Cơ quan công vụ Singapore (PSD) để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức công của Singapore đổi mới và sáng tạo. Đây là tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo bởi nó cho phép thử nghiệm những ý tưởng mới trước khi triển khai trên quy mô lớn, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề công quyền. Điều này giúp tạo ra một tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo ngay trong các cơ quan nhà nước.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức chính phủ, các nhà lãnh đạo, công chức Singapore đã không ngừng đổi mới, thử nghiệm các giải pháp công nghệ tiên tiến để cải thiện dịch vụ công và quản lý quốc gia, hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, góp phần giúp Singapore trở thành một quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số.
Kết luận
Tóm lại, công cuộc chuyển đổi số ở Singapore bắt đầu từ chính phủ và do chính phủ dẵn dắt, chính phủ chủ động tạo ra những thay đổi sâu rộng, từ đó lan tỏa đến khu vực tư nhân và người dân.
Singapore không những đúng mà còn rất trúng khi luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, tập trung phát triển năng lực số vượt trội để Chính phủ đủ sức dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số mang lại sự tốt đẹp cho người dân, doanh nghiệp, đưa đất nước thịnh vượng trong kỷ nguyên 4.0.
Với Việt Nam, công cuộc chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đang đặt ra và đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ hết việc nâng tầm năng lực số, nhất là năng lực lãnh đạo số của Chính phủ, đây là một nhiệm vụ chiến lược thiết yếu để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, hùng cường trong kỷ nguyên 4.0, xứng tầm với một đất nước có quá khứ hào hùng với lịch sử ngàn năm văn hiến.
TS. Phạm Mạnh Hùng - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế
Nguồn: https://viettimes.vn/bi-quyet-giup-singapore-nang-tam-nang-luc-so-post179004.html
Singapore - quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, trước bước chuyển lớn của thời đại 4.0 đã tiên phong tích hợp AI vào giáo dục nhằm sẵn sàng cho ...
Chi tiếtTrong nỗ lực xây dựng thị trường carbon, Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách thúc đẩy thị trường chứng chỉ carbon và phát triển bền vững” đã được tổ ...
Chi tiếtThị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng mạnh nhờ các chính sách mới, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước phát triển trong khu ...
Chi tiếtTừ sự gần gũi thân quen, hàng Việt đã từng bước tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng thông qua chất lượng hàng hoá, mẫu mã đa dạng và giá cả cạnh tranh. ...
Chi tiếtNhững ngày này, các tỉnh miền núi phía Bắc đang oằn mình trong lũ dữ do ảnh hưởng của bão số 3, thiệt hại về người và tài sản không kể xiết. Chính quyền ...
Chi tiếtKhủng hoảng nhà ở tại Vương quốc Anh đã âm ỉ từ nhiều năm nay và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành một trong những vấn đề kinh ...
Chi tiếtChuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng ...
Chi tiếtMột số khủng hoảng tài chính lớn gần đây như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài tới hệ thống ...
Chi tiếtTrong lĩnh vực tài chính kế toán, sự chuyển mình của các chính sách, quy định liên quan tới việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam ...
Chi tiết