HỘI THẢO - TALKSHOW

Tọa đàm hợp tác nghiên cứu Việt Nam - Thái Lan “Managerial Accounting Evolution - Comparative Studies”

Việt Hùng - Khoa KTKT 15:52 01/06/2022

Ngày 23/5/2022, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hân hạnh chào đón PGS.TS. Kathy Terdpaopong, Giám đốc chương trình Kế toán quốc tế, Đại học Rangsit, Thái Lan và TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Đại học Bách khoa Hà Nội tới tham dự với vai trò diễn giả chính trong buổi tọa đàm “Managerial Accounting Evolution - Comparative Studies”. 

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu và định hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực kế toán quản trị cho các giảng viên và sinh viên tham dự tọa đàm, cũng như nâng cao hiệu quả và chất lượng của phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Poster buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy cô và sinh viên

Về phía Ban tổ chức, buổi tọa đàm có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm Khoa KTKT, TS. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó chủ nhiệm Khoa KTKT, các giảng viên Khoa KTKT và đặc biệt là gần 60 sinh viên đã chuẩn bị sẵn sàng để trao đổi, thảo luận với diễn giả về các vấn đề liên quan đến kế toán quản trị, định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Kathy Terdpaopong đã giới thiệu về 4 giai đoạn phát triển của mô hình kế toán quản trị theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) cũng như các thông lệ kế toán quản trị phổ biến đang được áp dụng tại Thái Lan. Mô hình kế toán quản trị IFAC gồm 04 giai đoạn: (1) Xác định chi phí và Kiểm soát tài chính (trước năm 1950); (2) Cung cấp thông tin để lập kế hoạch quản lý và kiểm soát (đến năm 1965); (3) Giảm phát thải (đến năm 1985) và (4) Tạo ra giá trị (đến năm 1995).

Thực tiễn áp dụng mô hình kế toán quản trị IFAC tại Thái Lan

PGS.TS. Kathy Terdpaopong đã đưa ra các dữ liệu cập nhật minh chứng về mức độ và khả năng áp dụng mô hình kế toán quản trị IFAC tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Thái Lan trong cả giai đoạn trước và sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, bà cũng giải thích và phân tích cách thức áp dụng công cụ kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành dựa trên hoạt động (Activity Based Costing) trong thực tiễn tại các doanh nghiệp Thái Lan. 

Ứng dụng công cụ tính giá thành dựa trên hoạt động (ABC) tại Thái Lan

Bên cạnh đó, PGS.TS. Kathy Terdpaopong cũng giới thiệu về “Báo cáo thu nhập bộ phận” (Departmental Income Statement) tại các doanh nghiệp Thái Lan, trong đó chú trọng đến phương pháp phân loại chi phí thành chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp, cách thức phân bổ chi phí chung cho từng bộ phận và đơn vị độc lập trong doanh nghiệp. Diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kế toán quản trị trong việc cung cấp các số liệu và thông tin kịp thời cho nhà quản trị ra quyết định.

Phần trình bày của PGS.TS. Kathy Terdpaopong về “Báo cáo thu nhập bộ phận”

PGS.TS. Kathy Terdpaopong cũng giới thiệu về Bảng điều khiển (Dashboard) hiện đang được sử dụng phổ biến bởi các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ tại Thái Lan, là công cụ cho phép hiển thị đầy đủ và trực quan các thông tin kế toán, số liệu thống kê của doanh nghiệp. Bà cũng khẳng định yêu cầu đòi hỏi cấp bách về việc các kế toán viên, kiểm toán viên cần tìm tòi, học hỏi để đưa ra những phương thức, quy trình và công cụ đổi mới có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực có liên quan.

PGS.TS. Kathy Terdpaopong giới thiệu Bảng điều khiển (Dashboard) tại Thái Lan

Phần 2 của buổi tọa đàm tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên với phần chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Phương Dung, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong một nghiên cứu về trình độ phát triển kế toán quản trị tại Việt Nam, TS. Phương Dung đã chia sẻ kết quả khảo sát tại 250 doanh nghiệp Việt Nam với 66.8% doanh nghiệp đang ở 2 giai đoạn đầu của mô hình IFAC và 33.2% còn lại ở giai đoạn 3 và 4. Các thông kệ kế toán quản trị chủ yếu được sử dụng phổ biến tại Việt Nam là phương pháp tính giá thành định mức (standard costing), tính giá thành toàn bộ (absorption costing), dự toán ngân sách, phân tích các chỉ số tài chính; đây cũng chính là các chủ đề nghiên cứu hiện đang được quan tâm tại Việt Nam. TS. Phương Dung nhận định tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng mô hình kế toán quản trị IFAC còn hạn chế, đồng thời chỉ ra những lợi ích và tầm quan trọng của kế toán quản trị theo mô hình IFAC đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, TS. Phương Dung nhận định rằng việc áp dụng các phương pháp kế toán quản trị hiện đại sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong khu vực và trên thế giới. 

TS. Phương Dung trình bày mức độ áp dụng mô hình IFAC tại Việt Nam

Tiếp đó, TS. Phương Dung đã đề xuất một số chủ đề nghiên cứu mới trong lĩnh vực kế toán đang được quan tâm cụ thể như: kế toán phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, kế toán tinh gọn, kế toán môi trường và xã hội (social environmental accounting), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp,…

TS. Phương Dung chia sẻ các chủ đề nghiên cứu mới

Buổi hội thảo duy trì sự hấp dẫn đến cuối cùng với phần hỏi - đáp của sinh viên dành cho các diễn giả. Sinh viên Khoa Kế toán Kiểm toán đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về phương pháp chi phí mục tiêu, phương pháp tính giá thành dựa trên hoạt động, phân bổ chi phí chung, hướng áp dụng tại các ngành nghề cụ thể như ngành quản trị nhà hàng và khách sạn, sự khác biệt của việc áp dụng mô hình IFAC Kế toán Quản trị tại các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia và Lào. Cả hai diễn giả đều đánh giá rất cao năng lực nghiên cứu và các câu hỏi thể hiện tư duy nhạy bén của sinh viên Khoa Kế toán Kiểm toán đối với các vấn đề về thực tiễn áp dụng kế toán quản trị tại doanh nghiệp. Các diễn giả đã trả lời và giải thích đầy đủ các câu hỏi của sinh viên, đồng thời định hướng thêm cho sinh viên về các đề tài nghiên cứu trong tương lai. 

Diễn giả khách mời, giảng viên và sinh viên Khoa KTKT hào hứng tham dự tọa đàm

Trong xu thế phát triển và đổi mới không ngừng mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế đã tích cực chủ động phối kết hợp với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực kế toán quản trị nói riêng và kế toán - kiểm toán nói chung. Buổi chia sẻ của diễn giả PGS. TS. Kathy đến từ xứ sở chùa Vàng và TS. Phương Dung đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội đã đem đến cho sinh viên và giảng viên Khoa KTKT các kiến thức chuyên sâu về việc áp dụng mô hình kế toán quốc tế cũng như các hướng nghiên cứu mới về kế toán quản trị trong tương lai. Trong thời gian tới, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi tọa đàm với sự tham dự của các chuyên gia thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho sinh viên và đội ngũ giảng viên trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi từ nhiều chuyên gia để nâng cao chất lượng công việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế quý đầu năm, bàn giải pháp tăng tốc các quý tiếp theo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 6-6,5%

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế quý đầu năm, bàn giải pháp tăng tốc các quý tiếp theo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 6-6,5%

Tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Với sự khởi đầu tốt của nền kinh ...

Chi tiết
Quản lý tài chính cá nhân - xây dựng nền móng thành công trong cuộc sống

Quản lý tài chính cá nhân - xây dựng nền móng thành công trong cuộc sống

Từ trước đến nay, việc chi tiêu cá nhân ít được bàn đến, bởi theo nhiều người, đó là vấn đề tế nhị và riêng tư. Thậm chí, ngay trong gia đình, bố mẹ và ...

Chi tiết
Áp lực xanh hoá ngành dệt may

Áp lực xanh hoá ngành dệt may

Trong bối cảnh các nước đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều khu vực và quốc gia phát triển như EU, Hoa Kỳ, Nhật ...

Chi tiết
Chuyển đổi số và yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp khởi nghiệp

Chuyển đổi số và yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp khởi nghiệp

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến bất lợi, khó lường, gây ra rất nhiều khó khăn cho ...

Chi tiết
Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2023: Vững chí, bền lòng đi trong gió ngược

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2023: Vững chí, bền lòng đi trong gió ngược

Trong Chương trình Dòng chảy kinh tế cuối năm, Ban Thời sự VOV1 có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Nguyễn Anh Thu cùng các khách mời về chủ đề “Toàn cảnh kinh ...

Chi tiết
UEB tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát triển Thị trường trái phiếu bất động sản tại Việt Nam”

UEB tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát triển Thị trường trái phiếu bất động sản tại Việt Nam”

Vừa qua, Hội thảo khoa học “Phát triển Thị trường trái phiếu bất động sản tại Việt Nam” đã được tổ chức thành công tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ...

Chi tiết
Hội thảo Khoa học trong chuỗi UEB Research & Sharing: Nhìn lại nền kinh tế Âu - Mỹ năm 2023 và hướng đến các triển vọng kinh tế năm 2024

Hội thảo Khoa học trong chuỗi UEB Research & Sharing: Nhìn lại nền kinh tế Âu - Mỹ năm 2023 và hướng đến các triển vọng kinh tế năm 2024

Đây là chủ đề chính được các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách của Việt Nam thảo luận, trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm thực tiễn tại Hội thảo ...

Chi tiết
Thúc đẩy sự tham gia GVC  hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững

Thúc đẩy sự tham gia GVC hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững

Hội thảo lần thứ 11 (CIECI 2023) với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia GVC hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh ...

Chi tiết
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

Hơn 10 tháng của năm 2023 đã đi qua - một chặng đường mà đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó ...

Chi tiết