CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU TRONG NỀN KINH TẾ SỐ

Tìm kiếm và khai thác các cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu kinh tế quốc tế

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, ĐHKT 14:24 30/11/2021

Nhằm tạo diễn đàn cho các giảng viên trao đổi các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ tăng năng lực công bố quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức buổi tọa đàm đào tạo nội bộ về kỹ năng tìm kiếm và khai thác các cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu kinh tế quốc tế. Tọa đàm diễn ra online vào ngày 28/09/2021, là sự kiện nằm trong chuỗi đào tạo nội bộ của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, với hai diễn giả chính gồm TS. Nguyễn Thị Vũ Hà - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính Quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế và TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế.

Kỹ năng tìm kiếm, khai thác cơ sở dữ liệu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách, xây dựng chính sách kinh tế - xã hội. Trong khi các cơ sở dữ liệu trong nước về kinh tế quốc tế còn hạn chế hoặc không có sẵn, thì các cơ sở dữ liệu quốc tế có thể cung cấp nguồn dữ liệu thiết yếu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu về kinh tế quốc tế. Tuy vậy, nguồn dữ liệu này chưa được ứng dụng phổ biến và rộng rãi trong học tập và nghiên cứu trong nước. Buổi tọa đàm của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế hướng đến mục tiêu tạo ra diễn đàn cho các giảng viên trao đổi các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, hỗ trợ tăng năng lực công bố quốc tế, góp phần đào tạo kỹ năng tìm kiếm và khai thác các cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu kinh tế quốc tế. Buổi tọa đàm đã mang đến một cái nhìn tổng quát về các cơ sở dữ liệu kinh tế quốc tế thường được sử dụng, tập trung vào cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Trade Map, từ đó đưa ra khuyến nghị khi sử dụng các cơ sở dữ liệu này trong nghiên cứu khoa học.

Một số cơ sở dữ liệu kinh tế liên quan đến kinh tế quốc tế thường được sử dụng được xây dựng bởi OECD, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong đó, UN Comtrade thuộc Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc (UNSD) là cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về thương mại quốc tế, bao phủ trên 90% thương mại thế giới của 200 quốc gia. Ngoài ra, ITC Trade Map được phát triển bởi Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) - tổ chức do Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và WTO đồng sáng lập, với số liệu rất chi tiết, được trực quan hóa qua bảng, biểu đồ và bản đồ. Tuy nhiên, tính năng tra cứu nhiều sản phẩm, nhiều quốc gia cùng một lúc của cơ sở dữ liệu này còn hạn chế. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu WITS do WB phát triển và được chiết xuất từ nguồn dữ liệu COMTRADE cho phép tra cứu cùng một lúc nhiều sản phẩm và nhiều quốc gia; cho phép tạo các nhóm hàng hóa, nhóm quốc gia theo nhu cầu của người dùng, tích hợp phần mềm SMART cho phép đánh giá tác động cắt giảm thuế quan đối với TM của một ngành hoặc của một sản phẩm cụ thể. WTO DATA là cơ sở dữ liệu WTO phát triển, bao gồm số liệu về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ.

Cơ sở dữ liệu của OECD - một tổ chức quốc tế được thành lập nhằm định hình các chính sách thúc đẩy thịnh vượng, bình đẳng, cơ hội và hạnh phúc cho tất cả mọi người để cuộc sống tốt đẹp hơn. OECD thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế dựa trên bằng chứng và đề xuất giải pháp cho các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường, cung cấp một diễn đàn và trung tâm kiến thức để phân tích và dữ liệu, trao đổi kinh nghiệm và tư vấn về chính sách công và các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt cơ sở dữ liệu về Hỗ trợ Phát triển Chính thức - ODA (Official Development Assistance) có thể được tìm thấy trên cơ sở dữ liệu OECD là một nguồn dữ liệu quan trọng có thể được sử dụng trong nghiên cứu về ODA tại Việt Nam và quốc tế, khi mà nguồn vốn quan trọng này đã thể hiện ảnh hưởng lan tỏa trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam những năm qua. ODA đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1993 và liên tục được cải thiện qua các thời kỳ cả về vốn cam kết, vốn ký kết và vốn giải ngân. Nguồn vốn này đã hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, trong đó, lĩnh vực hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế là các lĩnh vực nhận được ODA nhiều nhất. ODA vào Việt Nam chủ yếu là nguồn vốn vay, thông qua khu vực công. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thì số vốn ODA cam kết và giải ngân vào Việt Nam đã sụt giảm hẳn. Năm 2017, nếu theo các tiêu chuẩn của WB thì Việt Nam không còn nhận được các khoản vay vốn ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Đây là một thách thức không nhỏ trong việc thu hút và sử dụng nguồn ngoại lực này. Bởi vậy, cơ sở dữ liệu về ODA đóng vai trò rất quan trọng trong việc có những nghiên cứu chất lượng về ODA để làm cơ sở đưa ra các kiến nghị chính sách phù hợp.

Cơ sở dữ liệu TradeMap được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu về thương mại quốc tế và cung cấp số liệu thương mại để hỗ trợ hoạt động phát triển kinh doanh quốc tế cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức xúc tiến thương mại. TradeMap cung cấp dữ liệu dưới dạng bảng, biểu đồ và bản đồ, các chỉ số về hoạt động xuất khẩu, nhu cầu quốc tế, thị trường thay thế và thị trường cạnh tranh, cũng như danh bạ các công ty xuất nhập khẩu. Trade Map còn cung cấp Bản đồ Thương mại bao gồm 220 quốc gia và vùng lãnh thổ và 5.300 sản phẩm của Hệ thống hài hòa và mã hóa hàng hóa, các luồng thương mại theo hàng tháng, hàng quý và hàng năm có sẵn từ cấp tổng hợp nhất đến cấp dòng thuế.

Thông qua tọa đàm, một số kinh nghiệm trong việc tìm kiếm số liệu cho nghiên cứu khoa học và xây dựng chính sách, chiến lược:

Thứ nhất, tìm kiếm và khai thác cơ sở dữ liệu đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng nghiên cứu.

Cơ sở dữ liệu cung cấp một nguồn thông tin minh bạch, số liệu chân thực, đầy đủ và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học. Dựa trên các cơ sở dữ liệu, các doanh nghiệp có thể quyết định mở rộng hay thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh; các cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư, cơ quan quản lý nợ có thể xây dựng chính sách phù hợp với chức năng quản lý, đảm bảo tính khả thi và thực tiễn cao trong thực thi chính sách. Sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh biết cách tiếp cận và khai thác các cơ sở dữ liệu hợp lý cũng sẽ đưa ra được giải pháp hiệu quả cho những hoạt động thực tiễn cũng nghiên cứu khoa học của mình.

Thứ hai, mỗi cơ sở dữ liệu đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, do đó, cần tìm hiểu để có thể khai thác hiệu quả nhất các cơ sở dữ liệu.

Đối với cơ sở dữ liệu của OECD về ODA, người sử dụng cần quan tâm đến sự thay đổi về định nghĩa ODA từ năm 2018 của các nhà tài trợ quốc tế, dẫn đến sự khác nhau trong định nghĩa ODA được sử dụng ở trong nước và quốc tế. Thay đổi này cần được quan tâm trong quá trình sử dụng cơ sở dữ liệu này để thực hiện các nghiên cứu về ODA có liên quan đến Việt Nam hoặc so sánh giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Thêm vào đó, dữ liệu ODA trên cơ sở dữ liệu của OECD có thể được phân ra thành các nhóm dữ liệu nhỏ hơn: ODA theo nhà tài trợ, nhóm nước đi vay, các lĩnh vực được tài trợ ODA khác nhau, hay các kênh tài trợ khác nhau… Việc phân nhóm dữ liệu linh hoạt như vậy có thể giúp ích cho hoạt động nghiên cứu về ODA.

Cơ sở dữ liệu Trade Map cũng có những nội dung cần được chú ý liên quan đến việc đăng ký tài khoản (đặc biệt là cho đối tượng đến từ các nước đang phát triển), chọn dữ liệu cần tìm kiếm, các chỉ số thương mại hay cách trình bày dữ liệu. Trade Map là một công cụ rất hữu ích trong nghiên cứu thương mại quốc tế, song các dữ liệu mang tính mô tả, cung cấp các thông tin bước đầu, gợi mở cho các tìm hiểu tiếp theo. Bởi vậy, người sử dụng cần thận trọng trong sử dụng dữ liệu và đòi hỏi các nghiên cứu sâu hơn để có thể đưa ra các kết luận một cách chặt chẽ.

Thứ ba, từ mỗi cơ sở dữ liệu đều có thể phát triển những ý tưởng nghiên cứu phù hợp.

Thông qua tọa đàm, nhiều ý tưởng về ứng dụng các cơ sở dữ liệu kinh tế quốc tế đã được chỉ ra. Với cơ sở dữ liệu về ODA, có thể phát triển các nghiên cứu về: (i) Tác động của ODA đến phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia hoặc một khu vực; (ii) Vai trò của ODA trong phát triển cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển; (iii) Thực trạng sử dụng vốn ODA và khuyến nghị chính sách để phát huy hiệu quả vốn ODA.

Cơ sở dữ liệu Trade Map có thể được sử dụng để: (i) Phân tích thị trường thế giới của một sản phẩm cụ thể; (ii) Phân tích thị trường mục tiêu của một sản phẩm cụ thể; (iii) Phân tích thương mại song phương; (iv) Tìm kiếm thị trường mới và đa dạng hóa sản phẩm.

Nói tóm lại, các cơ sở dữ liệu trên đều có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng trực tiếp vào cung cấp dữ liệu chân thực và quan trọng cho các nghiên cứu kinh tế quốc tế; quyết định sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp; xây dựng chính sách thương mại của các nhà hoạch định chính sách; cũng như nghiên cứu và công bố trong nước và quốc tế của giảng viên và người học.

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế một năm nhìn lại: Tỏa sáng cùng chuỗi tọa đàm và hội thảo mang tính quốc tế sâu sắc

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế một năm nhìn lại: Tỏa sáng cùng chuỗi tọa đàm và hội thảo mang tính quốc tế sâu sắc

Năm 2021, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã gặt hái được nhiều thành công trong mảng nghiên cứu khoa học, nổi bật ...

Chi tiết
Lợi thế so sánh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam trong ngành điện tử và thực phẩm

Lợi thế so sánh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam trong ngành điện tử và thực phẩm

Ngành điện tử và thực phẩm là hai ngành đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội Việt Nam trong việc phát triển doanh nghiệp, đem lại nguồn thu ...

Chi tiết
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Phát triển nguồn nhân lực quốc gia hay một tổ chức đang đứng trước một bước ngoặt lớn đó là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (4.0) có tác động mạnh mẽ ...

Chi tiết
Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: Lý luận và thực tiễn

Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: Lý luận và thực tiễn

Mặc dù được đánh giá có những thành công bước đầu trong việc tạo dựng nền tảng cho sự chuyển đổi số một cách toàn diện trong giai đoạn tới, Việt Nam vẫn ...

Chi tiết
  Xanh hóa và số hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế - Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Xanh hóa và số hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế - Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Ngày 26/11/2021, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã phối hợp với Trường Đại học Adelaide, Australia và Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan tổ chức ...

Chi tiết
4 định hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam

4 định hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam

Ngày 14/5/2021, trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đồng tổ chức workshop quốc tế có tên “Sức mạnh của giáo ...

Chi tiết