SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

TS. Nguyễn Tuệ Anh: “Có những thứ trong cuộc đời, mình tính toán được, cũng có những thứ đến rất tự nhiên”

RCES (thực hiện) 10:04 14/07/2022

Nghiên cứu khoa học là một hành trình dài, gian nan, tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đối với TS. Nguyễn Tuệ Anh, nghiên cứu khoa học là một cơ duyên, mà chính cô cũng không biết nguyên nhân khiến mình gắn bó đến vậy. Cô Tuệ Anh - một nữ tiến sĩ trẻ “tài sắc vẹn toàn”, đã từng đạt được nhiều thành tựu lớn trên con đường nghiên cứu khoa học, luôn muốn đem lại những giá trị quý báu nhất của mình cho các bạn sinh viên. 

Với tinh thần nhiệt huyết của mình dành cho nghiên cứu, cô luôn muốn bản thân mình có thể hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt nhiều thế hệ sinh viên “đứng vững” trên con đường nghiên cứu đầy chông gai này. TS. Nguyễn Tuệ Anh (Jenny Tue Anh Nguyen) - hiện là chuyên gia nghiên cứu về Chính sách Đổi mới Định hướng Sứ mệnh tại Đại học London (UCL). Hướng nghiên cứu chính của cô liên quan đến các chính sách công nghiệp và vai trò của Nhà nước đối với các cơ quan và dịch vụ công. Các nghiên cứu của cô đã đóng góp một phần quan trọng của chương trình nghiên cứu cho Mạng lưới Đổi mới Định hướng Sứ mệnh (MOIN) ở Hoa Kỳ.

Mặc dù đang sinh sống và làm việc tại nước Anh xinh đẹp, cô vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những nghiên cứu trong nước. Đặc biệt, cô hy vọng có thể đem những kiến thức, kỹ năng của mình đã tích lũy được truyền thụ cho các bạn sinh viên làm nghiên cứu thông qua Chuyên mục Nghiên cứu Khoa học Sinh viên số 6 này.

Thưa cô, chúng em được biết cô có kinh nghiệm dày dặn trong nghiên cứu khoa học với rất nhiều công trình nghiên cứu được đăng báo cũng như các tạp chí khoa học uy tín. Vậy cô có thể chia sẻ về quá trình làm nghiên cứu của cô và cơ duyên nào đã đưa cô đến với nghiên cứu khoa học?

TS. Nguyễn Tuệ Anh (Jenny Tue Anh Nguyen) - hiện là chuyên gia nghiên cứu về Chính sách Đổi mới Định hướng Sứ mệnh tại Đại học London

“Có những thứ trong cuộc đời, mình tính toán được, cũng có những thứ đến rất tự nhiên.”

Từ những ngày còn nhỏ, cô đã thích tìm hiểu mọi thứ, qua báo đài. Gia đình cô cũng có nhiều người làm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cô không hiểu rõ nghiên cứu khoa học là gì. Đến cuối bậc đại học, thầy hướng dẫn khuyên cô chọn một đề bài bất kỳ và gửi lại cho thầy. Sau đó, thầy nhận xét đề tài của cô ổn và có thể thực hiện nghiên cứu được, dù cô nghĩ nó là một đề tài khá quái dị. Cho đến khi học Thạc sĩ, cô lại thấy đề tài ấy rất hấp dẫn. Lúc đầu, cô có dự định về Việt Nam làm việc như bình thường, nhưng rồi sau đó đề tài đó của cô đạt giải đề tài Nghiên cứu xuất sắc nhất của trường. Ngày hôm đó cũng là ngày tốt nghiệp, cô rất vui, cũng rất bất ngờ khi được đọc tên trao giải. Và thầy hướng dẫn của cô động viên cô rằng hãy tiếp tục phát triển nó thành luận án Tiến sĩ, mọi thứ cứ tiếp tục, tiếp tục. Sau này, khi đi làm, cô nhận ra rằng chúng ta không cần phải quá thông minh, cũng không cần quá đam mê. Đôi khi, nghiên cứu khoa học đến với chúng ta rất tự nhiên, như một cơ duyên nào đó. Giống như việc một ngày bạn trở thành ca sĩ, dù bên ngoài kia có rất nhiều người hát hay. Đến bây giờ, cũng có rất nhiều người bạn của cô cũng làm tiến sĩ không đi làm theo nghiên cứu. Khi mình nói làm nghiên cứu, người ta thường thần tượng hóa lên, rằng chắc hẳn bạn rất đam mê, hiểu sâu sắc về nó. Nhưng thực sự nó giống như một thời điểm trong cuộc sống, bạn chọn bạn muốn làm gì. Ví dụ, bạn chọn bạn muốn dành thời gian để đào sâu vào một cái khoa học, ý tưởng nào đấy thì bạn sẽ thực hiện nó. Hoặc ví dụ như ngày mai cô không làm nghiên cứu khoa học nữa, nhưng trong suy nghĩ, cô vẫn quan tâm và muốn tìm hiểu nghiên cứu khoa học thì vẫn được coi là một người nghiên cứu.

Trước đây, khi bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên trên hành trình nghiên cứu chắc hẳn cô cũng sẽ có rất nhiều khó khăn, vậy theo cô, đâu sẽ là trở ngại lớn nhất đối với các bạn sinh viên khi mới làm nghiên cứu?

Thật ra, mỗi người tùy vào cách học tập và làm việc khác nhau sẽ gặp những khó khăn khác nhau. Đầu tiên, cô nghĩ là việc quản lý thời gian. Cô từng hướng dẫn cho các nhóm sinh viên, cô gửi các bạn ấy tới thực hiện đề tài nghiên cứu tại các cơ quan chính phủ của Anh, Tây Ban Nha,... và ví dụ cô đặt thời hạn cho các bạn là phải hoàn thành nhiệm vụ trong 7 tuần, cô nghĩ rằng việc quản lý thời gian để hoàn thành đúng tiến độ cũng rất khó khăn, ta sẽ phải phân chia công việc cho các tuần sao cho phù hợp nhất có thể để giải quyết câu hỏi được đưa ra. 

Thứ hai, có lẽ là việc tìm ra câu hỏi. Chúng ta phải lựa chọn những câu hỏi phù hợp. Ví dụ em rất thích một câu hỏi nhưng câu hỏi đó quá rộng và quá khó, em không thể tổng hợp nó lại thành một đề tài được. Và em cũng phải biết câu hỏi ấy có phải một câu hỏi đóng hay không, bản thân mình có đủ khả năng trả lời nó hay không.

Thứ ba, cũng là khó khăn của chính bản thân cô, đó là việc mình ngồi xuống và viết. So với rất nhiều nhà nghiên cứu khác, kể cả ở Việt Nam, cô xuất bản không nhiều. Cô gặp vấn đề khi ngồi xuống và viết, cũng rất nhiều người như vậy. Cô thường tổng hợp thông tin đầy đủ rồi mới bắt đầu viết. Có những người không giống như vậy, họ sẽ cố gắng viết từng chút, từng chút mỗi ngày. Cô nghĩ rằng, việc mình ngồi tập trung và viết một chút mỗi ngày là một khả năng, nếu ai làm được như vậy rất tuyệt vời, có thể họ sẽ đi được một con đường xa hơn. 

Sau nhiều năm làm công việc nghiên cứu, theo cô, yếu tố nào là quan trọng nhất để mình có thể vượt qua được những khó khăn khi làm nghiên cứu khoa học?

Cô có một số lời khuyên cho các bạn để vượt qua những khó khăn khi làm nghiên cứu khoa học. Thứ nhất, về vấn đề quản lý thời gian, khi là sinh viên, chúng ta có nhiều việc khác nhau, tuy nhiên, không phải việc nào cũng xảy ra vì sinh viên có nhiều lựa chọn hơn. Không ai có thể nhớ tất cả mọi việc phải làm, và nếu không có cách giải quyết thì ta sẽ không thể quản lý được việc gì. Cô sẽ không thể hoàn thành mọi việc nếu không sử dụng Google Calendar. Khi lên kế hoạch, ngoài thời gian làm việc chính, như thời gian đi làm, cô thường ghi lại cả tất cả mọi thứ phải làm, ghi lại cả khoảng thời gian đi lại. Bên cạnh đó, các em cần biết cân chỉnh thời lượng làm việc cho chuẩn, cũng không nên để thời gian làm việc quá ngắn, như khoảng 30 phút. Giả sử một công việc em nghĩ rằng mình sẽ hoàn thành được trong vòng 3 tiếng nhưng trên thực tế, em lại kết thúc trong 4 giờ đồng hồ. 

Tiếp theo, về vấn đề tìm kiếm câu hỏi. Ta nên đi tìm từ những cái mình quan tâm nhất của câu hỏi, chủ đề đó. Ví dụ, cô có một bạn sinh viên, bạn ấy đang làm về chủ đề vắc xin COVID ở Thái Lan. Bạn ấy rất quan tâm vấn đề ấy, nhưng để tìm kiếm câu hỏi trong vấn đề này lại rất khó. Lúc đó, cô yêu cầu bạn phải hiểu chủ đề đó rất rộng, và vấn đề bạn quan tâm là gì, đó là thực thi chính sách hay vấn đề nào, bạn phải làm rõ nó. Khi mình làm rõ được, vấn đề sẽ thu nhỏ lại rất nhiều. Và đương nhiên, đối với sinh viên nghiên cứu, các em luôn có sự hỗ trợ từ thầy cô, hãy trao đổi với thầy cô để làm rõ vấn đề mình quan tâm nhất trong chủ đề đó. 

Có thể nói, trên con đường nghiên cứu khoa học, cô đã có rất nhiều thành tựu lớn, đã làm qua rất nhiều đề tài khác nhau, theo cô đối với một công trình Nghiên cứu khoa học sinh viên, phần nào đóng vai trò quan trọng nhất của một bài nghiên cứu?

Mỗi phần trong cấu trúc của một bài nghiên cứu Khoa học đều quan trọng. Giống như bỏ một bộ phận trên cơ thể người, nếu mất một phần nào đó trong bài, công trình sẽ không hoàn hảo. Vì vậy, cô sẽ hiểu câu hỏi này theo cách khác, là phần nào trong bài nghiên cứu được theo dõi nhiều nhất. Theo cô, phần mở đầu và phần kết luận gây ấn tượng mạnh nhất đến người đọc, là những phần kết nối người đọc đến nội dung bài nghiên cứu. Đôi khi, mình phải biết mình viết cho ai, và khi đã nắm rõ được, bản thân nên dành thời gian viết cẩn thận, hấp dẫn hơn. 

Đối với cô, phần thảo luận là quan trọng nhất. Việc viết phần thảo luận đi sâu vào trọng tâm vấn đề một cách kỹ lưỡng sẽ rất là tốt. Một lời khuyên của cô dành cho các bạn là khi viết nên đặt tên cho các mục nhỏ trong phần thảo luận phù hợp, để người đọc theo dõi và có thể hình dung được những gì mình muốn nói. 

Đối với nghiên cứu khoa học sinh viên, nghiên cứu định tính và định lượng là hai phương pháp phổ biến nhất, cô đánh giá thế nào về hai phương pháp này? Theo cô, phương pháp nào sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho các bạn sinh viên khi làm nghiên cứu? 

Theo như cô biết, phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng còn được quyết định sử dụng tùy vào mỗi câu hỏi. Cũng có những bài nghiên cứu, các tác giả kết hợp cả hai phương pháp này, vì câu hỏi của người ta yêu cầu cả hai. Ví dụ, trong ngành kinh tế hiện nay, đặc biệt nghiên cứu kinh tế bây giờ được quan tâm nhiều là kinh tế lượng, đa số thường sử dụng định lượng nhiều hơn, tuy nhiên không có nghĩa rằng bài của mình không phù hợp. Đối với sinh viên, cô nghĩ rằng, khi các em xác định được đề tài, hãy lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp với câu hỏi, đề tài đó và phù hợp với khả năng của bản thân mình. 

Theo cô, việc nghiên cứu định lượng với việc sử dụng dữ liệu sơ cấp sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì đối với các bạn sinh viên khi thực hiện đề tài của mình? 

Khi các bạn đi sưu tầm dữ liệu sơ cấp cần phải hiểu được tại sao cần phải thu thập dữ liệu sơ cấp mà không phải là dữ liệu thứ cấp. Giáo sư của cô đã từng nói rằng: “Không phải dữ liệu có sẵn thì tôi mới làm nghiên cứu mà tôi muốn muốn nghiên cứu câu hỏi này nên tôi sẽ đi tìm dữ liệu phù hợp với câu hỏi, nếu tôi không có dữ liệu thứ cấp thì tôi phải đi thu thập dữ liệu đó”. Có nghĩa là, các bạn phải có một lý do rõ ràng cho việc tại sao mình lại thu thập dữ liệu sơ cấp đó và cách mình thu thập một cách có hệ thống, để có thể giải quyết được câu hỏi của các bạn. Giống như việc lên kế hoạch từ trước: “Planning ahead”. 

Ví dụ, tưởng tượng cô đi thu thập dữ liệu, vậy khi cô đã thu thập xong thì phải xử lý dữ liệu như thế nào, phải đưa vào phương pháp nào... Khi cô đã lên kế hoạch, đã thảo luận với người hướng dẫn thì sẽ bắt đầu làm. Nếu không, việc thu thập lại dữ liệu sơ cấp tốn rất nhiều thời gian và nguy cơ gặp rủi ro trong vấn đề đó. Bây giờ đặt một câu hỏi, ví dụ cô rất muốn biết bệnh nhân cảm thấy đau như thế nào. Các bệnh viện ở Anh họ làm rất là nhiều, khi các bệnh nhân đi vào họ thường hỏi đau ở cấp độ bao nhiêu từ cấp độ 1 đến cấp độ 10. Nếu bây giờ dữ liệu không có sẵn thì phải kiểm tra ở một nhóm người và việc này rất là tốn thời gian. Liệu còn cách nào để tìm được nguồn dữ liệu ở nơi khác không? Và phải xử lý dữ liệu như thế nào nếu như nó chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ cho câu hỏi trong khi tôi đã mất rất nhiều công sức. 

Về kinh tế lượng, nhìn chung có rất nhiều kiểu, đương nhiên là kiểu phổ biến nhất là yêu cầu, trong yêu cầu nó cũng có rất là nhiều kiểu. Thực ra, không ai có thể biết được tất cả các phương pháp luận bởi mỗi người sẽ có một lĩnh vực chuyên sâu khác nhau. Thậm chí người ta sử dụng phương pháp nghiên cứu của ngành khác để áp dụng vào ngành này. 

Ví dụ: Khi đi dạy ở trường, cô rất thích dùng phương pháp Social Network Analysis (tạm dịch: Phân tích mạng lưới xã hội). Nhưng ban đầu, về bản chất phương pháp này không thuộc phương pháp của kinh tế, mà là một phương pháp của Sociology (tạm dịch: Xã hội học) và mang vào sử dụng. 

Thậm chí, có một phương pháp có thể các bạn đã thấy rất nhiều, gặp rất nhiều, ví dụ như của Giáo sư Esther Duflo, bà dùng phương pháp nghiên cứu của Sinh học trong ngành Y học, không phải Sinh học trong Biomedical (tạm dịch: Y sinh). Nghĩa là bạn có một Treatment group (tạm dịch: Nhóm Điều trị) và một Control group (tạm dịch: Nhóm điều khiển). Bạn kiểm tra Kinh tế phát triển, bạn muốn biết, nếu có 100 đồng thì người ta sẽ tiêu như thế nào? Đấy là một chính sách và giờ cô muốn biết chính sách ấy có hoạt động hay không thì sẽ có một nhóm. Ví dụ như một làng ở Ấn Độ, đấy là nghiên cứu của Esther Duflo: một làng cho tiền và một làng không cho tiền, từ đó sẽ có kết quả nghiên cứu và so sánh. Đây là nghiên cứu của Y học: Tức là có người được thuốc và người không được thuốc thì sẽ biết được người nào có phản ứng tốt hơn.

Cô có một suy nghĩ rất tự do so với vấn đề này, nghĩa là các bạn được học nhiều phương pháp khác nhau và bạn sẽ chọn phương pháp phù hợp nhất để trả lời câu hỏi. Có rất nhiều phương pháp mà người ta muốn phá vỡ quy luật của nó, họ có thể đi học phương pháp của ngành khác và áp dụng vào ngành của mình.

Cô có thể đưa ra những lời khuyên cho các bạn khi bắt đầu chọn lựa giảng viên hoặc những người bạn đồng hành trong quá trình làm nghiên cứu khoa học?

Theo cô, các bạn nên xem các công trình nghiên cứu của thầy cô. Tức là đọc xem các công trình nghiên cứu của thầy cô là như thế nào, các chủ đề của các công trình nghiên cứu có hợp không, và phương thức làm việc có hợp không. Thậm chí là có thể nói chuyện với thầy cô xem thầy cô có thích mình không, hoặc là thầy cô có thích cách làm việc của mình không: Nên nói rõ ra cách làm việc của mình để thầy cô cảm thấy có thích hay không. Và nên nói ra ra các bạn sẽ làm đề tài như thế nào và thầy cô đưa ra hướng giải quyết như thế nào. Nếu như các bạn cảm thấy thật sự phù hợp thì nên chọn. 

Ví dụ, cô có một bạn sinh viên cùng làm việc, bạn ấy biết cô đã nghiên cứu rất nhiều về vắc xin COVID và đề tài của bạn ấy cũng nghiên cứu về vắc xin covid, bạn ấy đã chọn cô để hướng dẫn bạn ấy làm đề tài này. Nhưng ngay ngày đầu tiên bạn ấy đã bảo sẽ không làm kinh tế lượng và làm theo phương pháp khác. Bản thân cô cũng thấy phương pháp này ổn và cả hai đã làm việc với nhau. Thực ra đó cũng là sự tích hợp giữa hai chiều và cô nghĩ các bạn nên tìm hiểu về giáo viên đó trước.

Thông qua tìm hiểu, chúng em được biết cô là thành viên đồng sáng lập nên Trường hè Nghiên cứu khoa học VSSR (Vietnam Summer School in Research) dành cho các bạn sinh viên và chuyên viên nghiên cứu trong và ngoài nước. Cô có thể chia sẻ thêm về các khóa học cũng như các hoạt động của dự án này được không?

Trường hè nghiên cứu khoa học VSSR sinh ra trong sự ngẫu nhiên giữa cô và bạn Châu Thanh Vũ. Chắc là ở Việt Nam sẽ biết nhiều hơn, bạn Châu Thanh Vũ tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Harvard, bây giờ đang làm Nhà nghiên cứu phân tích thị trường tại IMF. Cô và Vũ nghiên cứu ở hai mảng để tài khác nhau, cả hai đều rất tôn trọng nhau, đều muốn mang một luồng gió mới về vấn đề nghiên cứu khoa học và đào tạo đến Việt Nam. Thật ra anh Vũ cũng biết ở Việt Nam đã có nhiều trường đào tạo rồi và cô cũng biết mỗi trường đều có những điểm mạnh khác nhau, cô và Vũ chỉ muốn tập trung vào những phương thức nghiên cứu và những khóa học “Plot teaching” (tạm dịch: Dạy học có nội dung) để mang những nội dung mới mà cô đã được tiếp xúc với một cách tiếp cận khác. 

Từ năm 2017 đến nay, cô và bạn Vũ đã tổ chức trường hè liên tục, có một lần tổ chức ở UEB, và các năm đều thu hút được hơn 100 các bạn học sinh ở khắp nơi tham gia, bao gồm cả ở những bạn ở những trường top và sau khi tốt nghiệp thì các bạn đi nghiên cứu ở các nước khác nhau, có những bạn thì tiếp tục được học bổng. Thật ra đó cũng có thể coi là một trong những cái lợi ích mà các bạn nhận được sau khi tham gia trường hè. Trường hè cô tổ chức ra thu một khoản phí rất nhỏ, chủ yếu là để trả cho các giảng viên đồng thời để chạy chương trình, phần còn lại thì đóng góp cho bệnh viện Nhi Trung Ương. Trong những năm vừa qua, kinh phí từ trường hè đã giúp hỗ trợ nhiều máy bơm thuốc cho các bạn nhỏ. Bên cạnh đó, trong đợt covid vừa qua cô cũng đã hỗ trợ những chiếc điện thoại cho các bạn nhỏ ở vùng nghèo có thể kết nối được với internet để học online.

Với trường hè nghiên cứu khoa học năm nay, cô có dự định sẽ trở lại vào cuối năm. Lẽ ra dự án sẽ được tổ chức vào mùa hè nhưng do mọi người trong đội ngũ đều rất bận nên đã quyết định tổ chức vào mùa đông năm nay. Hi vọng đến lúc đó sẽ nhận được sự chào đón của các bạn. Mỗi năm đều có 3-4 khóa học khác nhau, cũng có những vị khách mời là các nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm, người mà chắc chắn đem lại những kiến thức mới cho các bạn sinh viên.

Với mục đích lan truyền cảm hứng - tiếp lửa đam mê, cô hãy cho các bạn độc giả của Chuyên mục Nghiên cứu khoa học sinh viên số 6 những lời khuyên để các bạn có thể vững bước trước những khó khăn trên con đường NCKH sinh viên nhé?

Trường hè của cô có những bạn mới bắt đầu tiếp cận với việc làm nghiên cứu, sau khi các bạn tham gia trại hè, trở thành những nhà nghiên cứu thực thụ, bản thân cô cảm thấy rất vui. Lúc ấy cô có nói với các bạn : “Mình thích thì mình làm”. Đơn giản là thích thì nhích. Bây giờ mình đang còn rất trẻ, mình thấy thích và thấy vui thì cứ làm, cứ thử nghiệm đi. Chỉ khi thử nghiệm rồi các bạn mới biết được nó có phù hợp với mình hay không, còn nếu không thử nghiệm thì sẽ rất khó để xác định được cái gì phù hợp với mình 

Nếu như trong trường đã bắt buộc các sinh viên phải nghiên cứu, có thể coi đó là cơ hội cho các bạn được thử nghiệm. Khi trải nghiệm xong nếu các bạn cảm thấy phù hợp, có thể tiếp tục theo đuổi, đến khi nào nào cảm thấy không được nữa thì thôi. 

Đối với cô, mình còn trẻ, mình được các thử nghiệm thì nên thử nghiệm, vì mình vẫn còn sức khỏe và thời gian. Giả sử khi giáo viên hỏi em rằng cô đang có đề tài này, em có làm không? Tại sao lại không? Có một câu tiếng Anh mà cô rất là tâm đắc: “It’s now, or never”; nghĩa là lúc trẻ mình nên làm hết mình, nếu không sau này sẽ cảm thấy quá già để làm việc đó, và những gì còn lại chỉ là sự nuối tiếc.

Trích: Chuyên mục Nghiên cứu Khoa học sinh viên, số 6 (2022)

Chúng mình làm nghiên cứu khoa học cùng nhau nhé!

Chúng mình làm nghiên cứu khoa học cùng nhau nhé!

Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội - liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng ...

Chi tiết
Sinh viên UEB viết bài báo khoa học quốc tế

Sinh viên UEB viết bài báo khoa học quốc tế

Xin chúc mừng bạn Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên lớp QH-2018-E TCNH CLC3, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN vừa có bài báo ...

Chi tiết