Trường Đại học Kinh tế ĐHQGHN giai đoạn 2007 đến 2012

Phòng Tổ chức Nhân sự 11:28 10/10/2024

Ngày 6/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 290/2007/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHKT trên cơ sở Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN.

Theo đó, sứ mệnh của Trường được xác định là: “Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại”. 

Ngay sau đó, ngày 7/5/2007, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHKT.   

Ra đời trong bối cảnh hệ thống giáo dục quốc dân đã có nhiều trường đại học trong lĩnh vực kinh tế, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tự tìm cho mình một hướng đi riêng, tạo sự khác biệt với các cơ sở đào tạo khác về sản phẩm đào tạo và nghiên cứu. Trường kiên định lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu, không đào tạo theo diện rộng các lĩnh vực kinh tế ngành mà chỉ tập trung xây dựng và phát triển lên tầm cao những ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng.

Quan điểm phát triển và đặc thù hoạt động

Về lĩnh vực đào tạo, tính khác biệt của sản phẩm đào tạo của Trường là hướng vào đào tạo các chuyên gia phân tích kinh tế và các nhà lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp hơn là đi theo hướng đào tạo nghiệp vụ; ưu tiên đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. 

Trường chủ trương thu hẹp dần hệ đào tạo vừa làm vừa học, duy trì quy mô hệ đào tạo đại học chính quy và tăng dần quy mô đào tạo sau đại học. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, Trường bước đầu phát triển các chương trình đào tạo liên thông, liên kết (ngành kép, bằng kép) với các cơ sở đào tạo thành viên của ĐHQGHN nhằm tạo ra nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, sử dụng thành thạo tiếng Anh. 

Bên cạnh đó, một hướng đi mới quan trọng giúp Trường sớm tiếp cận với chuẩn đào tạo quốc tế là phát triển mạnh các chương trình liên kết đào tạo với các đại học hàng đầu của thế giới (được kiểm định) để tiếp nhận công nghệ đào tạo hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên và thúc đẩy liên thông nhanh các chương trình đào tạo của Trường với các chương trình đào tạo của các đại học nước ngoài.

Về nghiên cứu khoa học, với định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu, Trường ĐHKT xác định rõ mối quan hệ chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau giữa nghiên cứu và đào tạo: nghiên cứu dẫn dắt giảng dạy; đào tạo dựa vào kết quả nghiên cứu; quá trình giảng dạy chính là nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu khoa học được phát triển theo 2 hướng chính: nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu phục vụ tư vấn chính sách và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: kinh tế vĩ mô; phát triển bền vững; phát triển ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Về quản trị đại học, nhận thức sâu sắc rằng đổi mới quản trị đại học chính là giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường ĐHKT đã quyết tâm thực hiện áp dụng những phương thức quản trị đại học tiên tiến. Với quan niệm giáo dục đại học thuộc ngành dịch vụ và là dịch vụ mang tính chất công nên công tác quản trị đại học của Nhà trường được tiếp cận theo hướng quản trị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và phi lợi nhuận.
Hệ thống các giá trị cốt lõi thể hiện bản sắc văn hóa và triết lý phát triển riêng của Trường ĐHKT được xác định là: Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê - Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác - Coi trọng chất lượng và hiệu quả - Đảm bảo sự hài hòa và phát triển bền vững.

Xây dựng vị thế và thương hiệu

Trong những năm đầu thành lập, Trường ĐHKT đã tiên phong trong đổi mới các hoạt động để phù hợp với xu hướng của thời đại, đó là chất lượng - hội nhập - đẳng cấp. 

Bằng việc áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến, cơ chế quản lý, điều hành của Trường luôn được đổi mới theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng và thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước tiệm cận với các chương trình tiên tiến và đẳng cấp quốc tế, Trường ĐHKT đã mạnh dạn áp dụng cơ chế “thuê cán bộ quản lý”; ban hành chính sách thu hút cán bộ trình độ cao về làm việc tại Trường, trong đó có nhiều người là Việt kiều, người nước ngoài, doanh nhân, các nhà khoa học có uy tín; tuyển dụng các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, động viên và cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; xây dựng cơ chế linh hoạt đánh giá cán bộ, giảng viên, làm cơ sở để hoạch định chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người tài. 

Nhờ đó, đội ngũ cán bộ của Trường tuy không nhiều nhưng “tinh”, với tổng số cán bộ là 205 người, trong đó giảng viên cơ hữu là 90 người, giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng là 45 người. Trong đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm hơn 98%; trình độ tiến sĩ trở lên chiếm trên 60%; tỷ lệ giảng viên được đào tạo ở nước ngoài chiếm 57%. 

Đẩy mạnh khai thác lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, Trường ĐHKT đã tiên phong trong xây dựng và tổ chức nhiều ngành đào tạo mới, có tính liên ngành cao. Từ chỗ mới có 4 ngành đào tạo bậc đại học (Kinh tế Chính trị, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Đối ngoại, Tài chính - Ngân hàng), 2 ngành đào tạo bậc thạc sĩ (Kinh tế Đối ngoại và Kinh tế Chính trị), 1 ngành đào tạo bậc tiến sĩ (Kinh tế Chính trị), đến nay Trường đã xây dựng và phát triển thêm 2 mã ngành/chuyên ngành mới ở bậc cử nhân (Kinh tế Phát triển và Kế toán), 3 mã ngành mới ở bậc thạc sĩ (Quản lý Kinh tế, Tài chính Ngân hàng, Quản trị Công nghệ và Phát triển Doanh nghiệp) và 2 mã ngành mới ở bậc tiến sĩ (Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Kinh doanh). 

Hiện nay Trường đang tổ chức thực hiện gần 30 chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trong đó có 2 chương trình hệ chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại và Tài chính - Ngân hàng, 1 chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh (thuộc Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN) và 5 chương trình liên kết bằng kép với các trường đại học thành viên của ĐHQGHN. 

Phát triển mạnh các chương trình đào tạo liên kết với các đại học nước ngoài (được kiểm định) và thúc đẩy liên thông nhanh các chương trình đào tạo của Trường với các chương trình đào tạo của các đại học nước ngoài cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và quốc tế hóa các chương trình đạo tào trong nước. Hiện nay Trường đang triển khai 7 chương trình liên kết đào tạo quốc tế (từ cử nhân đến tiến sĩ) với các trường đại học lớn của Mỹ, Pháp, New Zealand... trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thẩm định kinh tế, quản lý dự án quốc tế và quản trị kinh doanh mang lại cơ hội tiếp nhận công nghệ đào tạo hiện đại và phát triển đội ngũ giảng viên của Trường. 

Trường ĐHKT còn là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng thành công việc xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (Conceive - Hình thành ý tưởng; Design - Thiết kế ý tưởng; Implement - Thực hiện; Operate - Vận hành) do Học viện MIT (Mỹ) cùng một số trường đại học khác tại châu Âu khởi xướng và đã được quốc tế thừa nhận. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Các chương trình đào tạo của Trường ĐHKT thường xuyên được đổi mới theo hướng đảm bảo chuẩn đầu ra và hướng tới kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế. 

Trong công tác quản lý nghiên cứu khoa học, Trường thực hiện đổi mới cách thức quản lý, tạo môi trường, cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên nghiên cứu, sáng tạo, tập trung nguồn lực đầu tư cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Từ khi thành lập đến nay, Trường đã và đang thực hiện trên 150 công trình nghiên cứu khoa học các cấp (đề tài/đề án/dự án), trong đó có 47 đề tài cấp ĐHQGHN - tương đương cấp Bộ, đặc biệt có 6 đề tài cấp Nhà nước; và nhiều chương trình, dự án quốc tế. 

Các đề tài tiêu biểu là: “Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”, “Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020”, “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”, “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam”, 2 đề tài về phát triển bền vững do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafostec) tài trợ... 
Trong 5 năm trở lại đây, Trường đã công bố hơn 450 bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có khoảng 50 bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí nước ngoài. 

Từ năm 2009, Trường đã tiến hành nghiên cứu và công bố ấn phẩm Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam - một trong những nghiên cứu mang tính đặc thù của Nhà trường và là trọng tâm của chương trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Đến nay, Trường đã công bố 4 Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam. Các báo cáo này đều được xuất bản bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đây là hình mẫu về báo cáo khoa học thường niên của một lĩnh vực cụ thể do một nhóm nghiên cứu thực hiện độc lập với các cơ quan nhà nước nên có những đánh giá khách quan và có giá trị thực tiễn cao. Những kết quả nghiên cứu và kiến nghị chủ chốt trong Báo cáo được yêu cầu gửi tới các cơ quan Chính phủ. Nhóm nghiên cứu được nhiều cơ quan và tổ chức đặt hàng thực hiện nghiên cứu cho các năm tiếp theo. Sự thành công bước đầu của nhóm nghiên cứu về chính sách kinh tế vĩ mô đã tạo tiền đề để Trường tiếp tục đầu tư phát triển trở thành “think-tank” của Việt Nam. 

Trường ĐHKT đang từng bước tự tin hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học thông qua việc kết nối với mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực (Đại học Princeton, Quỹ Nghiên cứu Thái Lan, Quỹ JICA Nhật Bản, chương trình nghiên cứu các nước thuộc tiểu vùng Mekong do ADB tài trợ, chương trình hợp tác nghiên cứu với sự tài trợ của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, dự án “Phát triển kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ các nước ASEAN” do AUSAIDS tài trợ…). Trường cũng đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế lớn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan nghiên cứu, các bộ/ngành, các tập đoàn kinh tế lớn, các hiệp hội doanh nghiệp. Những thành tích này bước đầu đã chứng tỏ uy tín khoa học cũng như vai trò “kết nối” và là “điểm đến của tri thức” của Trường ĐHKT.

Với phương châm “hợp tác để phát triển”, Trường ĐHKT còn được biết đến là đơn vị xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp và có thế mạnh trong phát triển hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế. 

Nhà trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 đối tác quốc tế là các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc 12 nước và vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt phải kể đến các đối tác là các trường đại học uy tín: Trường Haas School of Business - Đại học Berkley, Đại học Princeton (Hoa Kỳ); Đại học Uppsala (Thụy Điển); Đại học Massey (New Zealand); Đại học Paris XII (Pháp); Đại học Waseda (Nhật Bản)... và hơn 20 tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Gami, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bảo Sơn, Tập đoàn Doji... 

Mô hình hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và tư vấn đã hỗ trợ quá trình đào tạo của Trường về mặt thực tiễn đồng thời tạo đầu ra cho các doanh nghiệp. Những nỗ lực sáng tạo và đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đã và đang được triển khai tại Trường ĐHKT trong 5 năm qua bước đầu đã đưa lại những kết quả đáng khích lệ. 

Trường đã xây dựng được uy tín và thương hiệu riêng trong cộng đồng đại học, nhận được sự đánh giá cao của xã hội cũng như của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN. 

Chất lượng tuyển sinh đầu vào đại học hệ chuẩn của Trường trong 3 năm trở lại đây khá tốt với điểm chuẩn thuộc diện cao trong các trường đại học khối kinh tế; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành của Trường vào loại khá và giỏi luôn chiếm khoảng 70% hàng năm; tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp khá cao, đặc biệt đối với các ngành Quản trị Kinh doanh (98%), Tài chính - Ngân hàng (95%), Kinh tế Đối ngoại - chất lượng cao (95%). Hàng năm, hàng nghìn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, trong số đó phần lớn có việc làm và một số giữ các vị trí lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. 

Trong liên kết đào tạo quốc tế, chương trình liên kết với Đại học Uppsala (Thụy Điển) về đào tạo Thạc sỹ Quản lý công đã được Ban Tổ chức Trung ương đặt hàng đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo trong khuôn khổ Đề án 165 của Chính phủ. Năm 2011, Trường ĐHKT là một trong những đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN - QA) với chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao được kiểm định đạt chuẩn AUN-QA.

Từ một Khoa trực thuộc ĐHQGHN, nay sau 5 năm thành lập, với những thành tựu cơ bản trong các hoạt động của Nhà trường, đặc biệt là đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường ĐHKT đã được biết đến như một đại học trẻ, năng động, hướng đến chuẩn quốc tế trong chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đang trên đường khẳng định thương hiệu và uy tín của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trường đã tạo được dấu ấn tích cực, khẳng định thương hiệu của Trường và tạo dựng niềm tin với người học và xã hội về sự kiên định theo đuổi mục tiêu chất lượng và đẳng cấp quốc tế. 

Thực hiện sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó, Trường ĐHKT đặt mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu: “Trở thành một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của ĐHQGHN, trong đó có một số ngành được kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA)”. 

Để đạt được mục tiêu trên, Trường ĐHKT sẽ tiếp tục con đường phát triển mang tính đột phá hướng tới sự bền vững, có trọng tâm, trọng điểm để có thể hội nhập được với khu vực và thế giới trong các ngành, chuyên ngành mà Trường đang đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu có thế mạnh; coi chất lượng và hiệu quả, tính chuyên nghiệp và văn hóa cộng đồng là những yếu tố quan trọng làm thước đo trong mọi hoạt động. Trường sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp quản trị đại học tiên tiến, xây dựng các cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích, động viên toàn thể cán bộ, giảng viên trong Trường đoàn kết, say mê và sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Việc thu hút, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng cao, có phẩm chất đạo đức tốt được coi là điều kiện tiên quyết để Trường có thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, song với bề dày truyền thống 40 năm, với những thành tựu quan trọng đã đạt được, với một lực lượng cán bộ khoa học có trình độ cao, một môi trường làm việc năng động, hợp tác và thân thiện, với sự liên kết, hợp tác hiệu quả trong nước và quốc tế, và trên hết là sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN, Trường ĐHKT vững tin sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu để đưa vị thế và thương hiệu của Trường lên một tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế và giáo dục của đất nước.

5 năm những ấn tượng

8/2007: Kế hoạch chiến lược phát triển Trường ĐHKT đến năm 2012, tầm nhìn 2022 được ban hành
Ngay sau sự kiện thành lập Trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã huy động tâm huyết và trí tuệ tập thể xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển Trường, đề ra hướng đi, mục tiêu đạt được trong từng giai đoạn, lộ trình và các giải pháp thực hiện. Bản kế hoạch thể hiện sự đồng lòng và tinh thần quyết tâm phát triển của cả tập thể, đồng thời giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Trường bằng các bước đi cụ thể.

8/5/2009: Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được công bố gây tiếng vang lớn
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam (BCTNKTVN) 2009 với nhan đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐHKT thực hiện lần đầu tiên được công bố đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học và hoạch định chính sách. Liên tiếp những năm sau đó, Báo cáo được đặt hàng và được chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các cơ quan của Nhà nước và Chính phủ. 
Chuỗi Báo cáo đến nay đã được công bố gồm: BCTNKTVN 2012: Đối diện với thách thức; BCTNKTVN 2011: Nền kinh tế trước ngã ba đường; BCTNKTVN 2010: Lựa chọn để tăng trưởng bền vững; BC TNKTVN 2009: Suy giảm và thách thức đổi mới. TS. Nguyễn Đức Thành - chủ biên Báo cáo được mời vào nhóm chuyên gia cao cấp tư vấn cho Thủ tướng. Hiện Báo cáo là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường ĐHKT về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”. 

7/2009: GS. Tom Canon - nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới nhận lời mời làm cố vấn cho Trường ĐHKT
GS. Tom Cannon - chuyên gia kinh tế hàng đầu của Vương quốc Anh, người được tôn vinh là “cha đẻ của những ý tưởng và giải pháp vượt qua khủng hoảng” đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường ĐHKT. Trong chuyến thăm này, GS. Tom Cannon đã nhận lời mời làm cố vấn cho Trường ĐHKT trong việc phát triển một số ngành đào tạo kinh doanh chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. Sau đó, ông còn trở lại Trường nhiều lần để thuyết trình và trao đổi học thuật với các giảng viên và sinh viên của Trường. 
Đây là sự kiện tiêu biểu mở đầu cho một loạt các tên tuổi khoa học lớn, các quan chức cấp cao nhiều nước đến thăm, làm việc và thiết lập các quan hệ hợp tác với Trường ĐHKT như: GS.TS. Susan Schwab, nguyên Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao New Zealand Hon Murray McCully; GS. John Quelch, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard; Ông Andris Piebalgs, Cao ủy phụ trách phát triển Liên minh Châu Âu...

19/1/2010: Đề tài “Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (Conceive, Design, Implement and Operate) và áp dụng cho ngành Kinh tế Đối ngoại chất lượng cao tại ĐHQGHN” được nghiệm thu xuất sắc
CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO có những ưu điểm nổi bật: gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi; giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn... 
Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới. Đề tài do TS. Vũ Anh Dũng chủ trì được đánh giá xuất sắc. Hiện nay, nhiều đại học trong và ngoài ĐHQGHN đang học tập kinh nghiệm này để áp dụng CDIO trong xây dựng các chương trình đào tạo.

27/4/2010: Trường ĐHKT đạt được Chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 
Trường ĐHKT là đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN và là một trong số ít trường đại học trong cả nước được cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam. Đây là sự ghi nhận thành tích của Trường ĐHKT trong đổi mới quản lý theo mô hình quản trị đại học hiện đại. 

26/5/2010: Đại hội Đảng bộ Trường ĐHKT nhiệm kỳ 2010-2015 thông qua mục tiêu xây dựng Trường thành đại học hàng đầu châu Á
Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ Trường ĐHKT đề ra phương châm: “Tiếp tục đổi mới quản trị đại học để phát huy mọi nguồn lực nhằm tạo bước phát triển đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học”. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Trường ĐHKT đã đặt mục tiêu lãnh đạo thành công việc xây dựng Trường ĐHKT trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu được xếp hạng cao ở khu vực châu Á.

24/9/2010: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng Trường ĐHKT trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước
Trong chuyến thăm và làm việc tại Trường, phát biểu với cán bộ chủ chốt của Nhà trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tuy mới được thành lập, nhưng Trường ĐHKT đã tạo được dấu ấn trong công tác đào tạo cán bộ khoa học và được xã hội ghi nhận. Vì vậy, Nhà trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đồng thời phải có trách nhiệm đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phát triển doanh nghiệp của Việt Nam. 
Phó Thủ tướng đề nghị Nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên trẻ nhằm đổi mới công tác giảng dạy, đào tạo và nuôi dưỡng các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn với những công trình nghiên cứu được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao, từ đó, có kế hoạch xây dựng Nhà trường trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2010: Nghiệm thu xuất sắc 3 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước
Đây là những đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước đầu tiên do cán bộ Trường ĐHKT thực hiện, được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu với kết quả xuất sắc: đề tài “Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế” do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ làm chủ nhiệm; đề tài “Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn làm chủ nhiệm; đề tài “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” do PGS.TS. Phạm Văn Dũng làm chủ nhiệm. Cả 3 đề tài đều có địa chỉ ứng dụng và góp phần tư vấn phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho việc tiếp tục đấu thầu thành công nhiều đề tài, dự án nghiên cứu lớn do các quỹ, chương trình cấp Nhà nước và các tổ chức quốc tế tài trợ trong các năm tiếp theo.

3/2010: PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc ĐHQGHN 
Tiếp đó, ngày 18/1/2011, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ trúng cử Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

19/8/2010: Diễn đàn giáo dục ASEAN lần thứ III được tổ chức thành công 
Trường ĐHKT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược và Lãnh đạo Châu Á (ASLI) tổ chức thành công diễn đàn giáo dục ASEAN lần thứ III với chủ đề “Giáo dục xanh vì sự phát triển bền vững”. Diễn đàn thu hút được sự tham gia của trên 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia trong khối ASEAN và châu Á. Diễn đàn đã đưa ra một số đề xuất về các chính sách, ý tưởng nhằm thiết kế chương trình đào tạo hướng tới giáo dục xanh. Đây là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh những biến động khí hậu và suy thoái môi trường đang hàng ngày tác động sâu sắc tới tất cả các quốc gia, góp phần giúp Trường ĐHKT mở rộng mạng lưới hợp tác cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng và tính thực tiễn của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. 

24/8/2010: Lần đầu tiên đăng cai Diễn đàn Sinh viên Châu Á
Năm 2010 là năm thứ ba Trường ĐHKT tham gia Diễn đàn Sinh viên Châu Á (Global Parnership of Asian Colleges - GPAC) và là lần đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này. Diễn ra từ ngày 24 đến 29/8/2010 với chủ đề: “Con đường phục hồi và sự phát triển của châu Á” (The road to the recovery and development of Asia), GPAC 2010 đã thu hút được sự tham gia của nhiều giáo sư có tên tuổi và khoảng 150 sinh viên đến từ các trường đại học có uy tín ở châu Á. Việc tổ chức thành công GPAC 2010 thể hiện năng lực hội nhập quốc tế của Trường vào quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.

10/1/2011: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 189/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn làm Hiệu trưởng Trường ĐHKT nhiệm kỳ 2011-2016
Trong buổi lễ công bố quyết định bổ nhiệm vào ngày 15/3/2011, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định nhiệm vụ của Trường ĐHKT trong nhiệm kỳ mới là: “Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng những điều kiện cơ bản để phát triển hiệu quả và bền vững nhằm đạt được mục tiêu xây dựng Trường trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu trong dài hạn, với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là chất lượng và đẳng cấp quốc tế thông qua thước đo là sản phẩm đầu ra độc đáo, sáng tạo; phương pháp làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả dựa vào sức mạnh của thể chế, sự kết nối, phối hợp và văn hóa cộng đồng”. Việc bổ nhiệm tân Hiệu trưởng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Trường tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và bứt phá đã có, đưa các hoạt động của Trường vào chiều sâu chất lượng, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của Trường.

7/4/2011: Công bố kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao đạt chuẩn AUN-QA
Từ ngày 6 đến 8/12/2010, Trường ĐHKT đã triển khai việc đánh giá ngoài chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao theo tiêu chuẩn AUN-QA. Theo kết luận của Đoàn đánh giá ngoài, chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao đã triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng có hiệu quả. Tất cả các tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá hoàn toàn đáp ứng theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế của AUN. Phần lớn các tiêu chuẩn được đánh giá và xếp loại tốt, đặc biệt tiêu chuẩn về “Chất lượng sinh viên” được xếp loại rất tốt. Đây là 1 trong 5 chương trình đào tạo trong nước được kiểm định chất lượng quốc tế và đạt chuẩn của AUN, đồng thời là 1 trong 2 chương trình đào tạo đại học của Việt Nam được đánh giá với số điểm cao nhất, tính đến thời điểm hiện tại.

14/12/2011: Trao bằng thạc sĩ cho các học viên Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công (trong khuôn khổ Đề án 165 của Chính phủ)
37 học viên đầu tiên của Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Công liên kết giữa Trường ĐHKT với Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhận bằng tốt nghiệp. Đây là khóa học đầu tiên được Ban Tổ chức Trung ương đặt hàng đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo trong khuôn khổ Đề án 165 của Chính phủ. Sự thành công bước đầu của Chương trình chứng tỏ Trường ĐHKT đang đi đúng hướng trên con đường thực hiện sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đồng thời khẳng định uy tín của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang được triển khai tại Trường.

14/12/2011: Tổ chức xét và trao Giải thưởng Bảo Sơn
Giải thưởng Bảo Sơn do Tập đoàn Bảo Sơn bảo trợ, dành tặng cho các công trình khoa học xuất sắc có giá trị khoa học và thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, có đóng góp nổi bật vào sự nghiệp phát triển đất nước. Với vai trò là cơ quan thường trực của Giải thưởng giai đoạn 2010-2015, sự kiện này đã chứng tỏ uy tín và vai trò của Trường ĐHKT trong việc xã hội hóa phát triển khoa học công nghệ, trên nền tảng hợp tác hiệu quả nhà trường - doanh nghiệp./.

 Khoa Kinh tế ĐHQGHN giai đoạn 1999 đến 2007

Khoa Kinh tế ĐHQGHN giai đoạn 1999 đến 2007

Nằm trong lộ trình hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, đặc biệt là phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn chuẩn bị cho sự ra đời của ...

Chi tiết
 Khoa Kinh tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN giai đoạn 1995 đến 1999

Khoa Kinh tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN giai đoạn 1995 đến 1999

Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo phương châm đó, ngày 14/1/1993, Hội nghị ...

Chi tiết
 Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1974 đến 1995

Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1974 đến 1995

Trong lịch sử 40 năm xây dựng, trưởng thành - kể từ tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) năm 1974 cho đến ...

Chi tiết
  Lịch sử hình thành và phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Lịch sử hình thành và phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trường Đại học Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (tên giao dịch tiếng Anh: University of Economics and Business - Vietnam National University, ...

Chi tiết