Khoa Kinh tế ĐHQGHN giai đoạn 1999 đến 2007

11:22 10/10/2024

Nằm trong lộ trình hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, đặc biệt là phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn chuẩn bị cho sự ra đời của Trường ĐHKT, ngày 5/7/1999, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 1164/TCCB thành lập Khoa Kinh tế trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa Kinh tế - Trường ĐHKHXH&NV.

Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng với các nhiệm vụ chính: (i) Đào tạo đại học và sau đại học theo những mã ngành được Bộ Giáo dục và ĐHQGHN cho phép; (ii) Nghiên cứu khoa học gắn với giảng dạy, đào tạo và triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. 

Ngày 19/8/1999, Giám đốc ĐHQGHN ra quyết định bổ nhiệm TS. Lê Danh Tốn làm Chủ nhiệm Khoa(1). Ngày 8/11/1999, Đảng bộ Khoa Kinh tế trực thuộc Đảng bộ ĐHQGHN được thành lập. Tiếp đó, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Khoa được thành lập với tư cách là Công đoàn và Đoàn Thanh niên cơ sở.
Khoa trực thuộc ĐHQGHN là mô hình hoàn toàn mới trong hệ thống đào tạo đại học ở Việt Nam. Để phát triển trong mô hình mới, hàng loạt vấn đề liên quan tới tất cả các hoạt động của Khoa cần được nghiên cứu và giải quyết theo cách mới. 

Việc xây dựng chiến lược và các chương trình phát triển của Khoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở phát huy tinh thần làm chủ của cán bộ và sinh viên, Khoa đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, chiến lược công tác dài hạn: “Quy hoạch cán bộ Khoa Kinh tế giai đoạn 2001 -2005”, “Chương trình hành động nâng cao chất lượng đào tạo Khoa Kinh tế giai đoạn 2000 -2005”, “Lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực vào năm 2010”, “Phương hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2001-2005”, “Chương trình hành động thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trương ương Đảng khóa IX về khoa học và công nghệ”, “Chương trình công tác sinh viên Khoa Kinh tế giai đoạn 2001-2005”; kiện toàn các phòng chức năng về nhân sự, năng lực và phương pháp công tác, tổ chức, sắp xếp lại một số bộ môn, thành lập một số bộ môn mới (Bộ môn Kinh tế học - năm 1999; Bộ môn Tài chính - Ngân hàng - năm 2003) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (năm 2003) nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới và nhu cầu phát triển trong mô hình. 

Khoa xác định khâu đột phá của quá trình phát triển theo chiều sâu là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện và nhận được sự ủng hộ của toàn thể cán bộ viên chức: đặt tiêu chuẩn cao trong tuyển dụng cán bộ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, động viên khuyến khích cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo cơ hội để cán bộ tiếp cận với các thông tin thời sự về lý luận và thực tiễn kinh tế, tạo cơ hội để cán bộ đi học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, giúp cán bộ chuẩn bị các điều kiện để thi nâng ngạch lên giảng viên chính... 

Những nỗ lực ấy đã đem lại kết quả khả quan: tổng số cán bộ cơ hữu của Khoa là 73 người, trong đó có 56 cán bộ giảng dạy, 7 phó giáo sư, 24 tiến sĩ, 34 thạc sĩ, 29 giảng viên chính. Có thể khẳng định một trong những kết quả cơ bản của Khoa trong giai đoạn này là sự phát triển của đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Một trong những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa là xây dựng định hướng phát triển về chuyên môn mà cốt lõi là xác định cơ cấu ngành đào tạo trong dài hạn trên cơ sở thế mạnh về khoa học cơ bản của Khoa và tính đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. 
Trong gần 8 năm hoạt động theo mô hình Khoa trực thuộc, Khoa Kinh tế đã mở các mã ngành đào tạo mới: tiến sĩ Kinh tế Chính trị (2003), thạc sĩ Kinh tế Thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế (2002), thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (2002), cử nhân Tài chính - Ngân hàng (2003). 

Song song với các chương trình đào tạo chuẩn (thông thường), từ năm học 2001-2002, Khoa đã triển khai chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao (mới chỉ áp dụng cho ngành Kinh tế chính trị và Kinh tế đối ngoại). Đây là chương trình được xây dựng trên cơ sở chương trình chuẩn, có bổ sung một khối lượng kiến thức nhất định. Đối với chương trình này, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tăng cường khả năng tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên đặc biệt được coi trọng. 

Quy mô sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa Kinh tế trong giai đoạn này là 2.739. Trong số này có 1.150 sinh viên đại học chính quy (bao gồm cả 62 sinh viên hệ đào tạo chất lượng cao thuộc hai ngành Kinh tế Chính trị và Kinh tế Đối ngoại), 380 học viên cao học, 9 nghiên cứu sinh (trong đó có 1 nghiên cứu sinh Nhật Bản). 

Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi của mô hình Khoa trực thuộc và từ cơ chế tự chủ cao của ĐHQGHN, Khoa đã tích cực, chủ động đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN, với các viện kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, các trường đại học kinh tế ở Hà Nội trong đào tạo và nghiên cứu khoa học vốn là truyền thống của Khoa Kinh tế đã được phát huy tối đa cùng với việc tích cực đổi mới nội dung và cơ chế hợp tác. 

Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa được nâng lên tầm cao mới: đa dạng về hình thức, hướng tới chất lượng và hiệu quả. Từ năm 2004, Khoa bắt đầu triển khai chương trình liên kết đào tạo cử nhân Quản trị Kinh doanh với Đại học Troy (Hoa Kỳ). Năm học 2006 - 2007, trên cơ sở các văn bản hợp tác quốc tế đã ký kết, Khoa khai giảng lớp đào tạo thạc sĩ Thẩm định kinh tế và Quản lý dự án quốc tế trong chương trình liên kết đào tạo với Đại học Paris XII (Pháp) và xúc tiến hoàn tất các văn bản cần thiết để sớm có thể thực hiện chương trình liên kết đào tiến sĩ Kinh tế học với Đại học Massey - một trong những đại học hàng đầu của New Zealand.

Khoa xác lập và phát triển quan hệ hợp tác với Chương trình Fulbright (Hoa Kỳ), JICA (Nhật Bản) và với nhiều trường đại học uy tín của Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi học kỳ, Khoa cử 5 sinh viên đi học tại Hoa Kỳ. Nhiều lượt cán bộ đi học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, hàng chục giáo sư nước ngoài có uy tín khoa học cao tới thỉnh giảng, báo cáo chuyên đề, nghiên cứu khoa học tại Khoa. 

Khoa triển khai chương trình đào tạo quốc tế hệ cử nhân - một hình thức của “du học tại chỗ” và là một biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về đào tạo. Khoa cũng nhận được sự hỗ trợ có giá trị về nguồn sách, tài liệu chuyên môn từ các trường, các giáo sư nước ngoài. Hoạt động hợp tác quốc tế đã trở thành yếu tố quan trọng cấu thành trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực của Khoa.

Năm học 2005 - 2006, Khoa đã tiến hành công tác tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo của ĐHQGHN. Đây cũng được coi là một giải pháp quan trọng để Khoa rà soát và hoàn thiện các khâu khác nhau trong quy trình hoạt động nhằm cải thiện một cách toàn diện chất lượng đào tạo.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Kinh tế luôn được coi trọng và trong những năm gần đây đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong 5 năm gần đây, các cán bộ Khoa đã hoàn thành 57 đề tài, trong đó có 1 đề tài trọng điểm, 3 đề tài đặc biệt cấp ĐHQGHN. Một số cán bộ Khoa là thành viên tích cực thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước. Riêng trong năm 2006, 15 đề tài đã được triển khai và con số này tăng dần theo sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong Khoa. 

Tỷ lệ đề tài nghiên cứu khoa học và số bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng năm trên số lượng cán bộ giảng dạy của Khoa đạt tương đối cao (1 đề tài/3 giảng viên và 1 bài báo/1,6 giảng viên). Khoa tổ chức được 1-2 hội thảo khoa học/năm cùng nhiều seminar khoa học khác nhau. Một số hội thảo khoa học trong nước (“Quan hệ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, 2000; “Việt Nam: Những thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, 2004…) và hội thảo quốc tế (“Entrepreneurship in Vietnam”...) do Khoa tổ chức đã quy tụ được nhiều nhà khoa học kinh tế có uy tín trong và ngoài nước tham gia.

Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN và Khoa Kinh tế - Trường ĐHKHXH&NV, bằng sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tận dụng thuận lợi và thế mạnh của riêng mình để thích nghi với mô hình mới, những điều kiện mới, Khoa Kinh tế đã tạo được sự ổn định và bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu với chất lượng mới trong mô hình Khoa trực thuộc ĐHQGHN. Chất lượng đào tạo được giữ vững và nâng cao một cách căn bản. 

Kết quả đạt được trong giai đoạn này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Khoa trên con đường nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và tiến đến thành lập Trường ĐHKT thuộc ĐHQGHN./.

(1) TS. Lê Danh Tốn là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN từ 1999 - 2004. Trước khi Khoa Kinh tế được nâng cấp lên thành Trường Đại học Kinh tế, Chủ nhiệm Khoa là PGS.TS Phí Mạnh Hồng.

 Trường Đại học Kinh tế ĐHQGHN giai đoạn 2007 đến 2012

Trường Đại học Kinh tế ĐHQGHN giai đoạn 2007 đến 2012

Ngày 6/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 290/2007/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHKT trên cơ sở Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN.

Chi tiết
 Khoa Kinh tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN giai đoạn 1995 đến 1999

Khoa Kinh tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN giai đoạn 1995 đến 1999

Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo phương châm đó, ngày 14/1/1993, Hội nghị ...

Chi tiết
 Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1974 đến 1995

Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1974 đến 1995

Trong lịch sử 40 năm xây dựng, trưởng thành - kể từ tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) năm 1974 cho đến ...

Chi tiết
  Lịch sử hình thành và phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Lịch sử hình thành và phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trường Đại học Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (tên giao dịch tiếng Anh: University of Economics and Business - Vietnam National University, ...

Chi tiết