Bí kíp chinh phục Big4 Kiểm toán của sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
28/03/2019 14:41

Bạn đã bao giờ nghe đến Big4 kiểm toán? Đây là một thuật ngữ liên quan đến những công ty, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực kiểm toán. Đó là tên gọi quen thuộc của bốn hãng kiểm toán hàng đầu thế giới: PwC (Pricewaterhouse Coopers), Deloitte (Deloitte Touche Tohmatsu), EY (Ernst & Young) và KPMG. Cùng tìm hiểu bí kíp chinh phục Big 4 kiểm toán của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhé!


“Sân chơi” dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao

Bốn công ty trên được “mệnh danh” là Big4 kiểm toán nhờ vào quy mô và doanh thu vô cùng lớn cũng như quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Chính vì vậy, hàng năm có rất nhiều ứng viên quan tâm và thi tuyển vào các vị trí tại 4 công ty này. Cuộc chạy đua giữa các ứng viên để có một vị trí trong Big4 ngày càng trở nên khốc liệt. Đây là sân chơi dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao và là điểm đến của không tin sinh viên ngành kế toán của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Hành trình đến Big4 của tôi như thế nào?

Theo chia sẻ của bạn Nguyễn Quỳnh Trang, cựu sinh viên QH-2012-E Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, hiện đang là trưởng nhóm tư vấn tại KPMG Việt Nam chia sẻ: điều đầu tiên bạn phải quan tâm trong hành trình chinh phục Big4 chính là quá trình tuyển dụng của các công ty kiểm toán diễn ra như thế nào. Hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu rõ các vòng thi và quy trình tuyển dụng của Big4. Tất nhiên, để vượt qua được những vòng thi tuyển của Big4 kiểm toán hay bất cứ một nhà tuyển dụng nào, bạn cũng phải có những kỹ năng tuyển dụng nhất định về viết CV và phỏng vấn. Đây chính là những kỹ năng sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được rèn luyện, hướng dẫn cụ thể trong quá trình học tập.

 
Sinh viên ĐHKT tự tin chinh phục Big4 ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường 

Vòng hồ sơ

Không riêng gì Big4 kiểm toán mà gần như tất cả các công ty, doanh nghiệp hiện nay đều có bước nhận hồ sơ trong quá trình tuyển dụng. Bạn Nguyễn Trường Sơn, cựu sinh viên QH-2011-E Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, hiện đang đảm nhiệm vị trí tại Phòng tư vấn thuế tại Ernst&Young Vietnam Limited chia sẻ: Khi ứng tuyển vào Big4, bạn có thể chuẩn bị CV theo hai dạng: Một là tự thiết kế, thứ 2 là theo form của nhà tuyển dụng. Nếu bạn làm một CV qua loa theo form mẫu của nhà tuyển dụng thì tự bạn đã để CV của mình chìm nghỉm vào đám đông rồi.

Ngoài form mẫu thì chất lượng nội dung của CV cũng vô cùng quan trọng. Big4 là những công ty lớn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, nên đối với những ứng viên tốt nghiệp các trường Đại học top đầu cùng chương trình đào tạo tích hợp chứng chỉ quốc tế về tài chính, kế toán… chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng “để tâm”. Đây chính là một trong số những lý do sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn nhận được đánh giá cao của các nhà tuyển dụng bởi chương trình đào tạo tích hợp chứng chỉ quốc tế về tài chính, kế toán và kinh doanh (CFAB). Với chương trình đào tạo chất lượng cao mang đến những điểm khác biệt như Cơ hội nhận chứng chỉ quốc tế ICAEW CFAB, giáo trình quốc tế, học song song Kế toán quốc tế (Tiếng Anh) và Kế toán Việt Nam (Tiếng Việt), cơ hội kiến tập, thực tập thực tế chuyên nghiệp tại doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; sinh viên ngành Kế toán Trường ĐHKT luôn tự tin về hành trang chinh phục Big4.

Vòng thi viết/ Trắc nghiệm

Sau khu vượt qua vòng CV, bạn sẽ tiếp tục được tham gia vào các bài thi viết/ trắc nghiệm. Dạng bài thi này giữa các công ty Big4 có khá nhiều khác biệt. Và ngoài những kiến thức chuyên ngành về kế toán, kiểm toán, thuế, tài chính thì ở vòng thi này, đa phần các công ty Big4 sẽ đánh giá khả năng Tiếng Anh của ứng viên. Đây là một lợi thế không nhỏ của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đối với các chương trình CLC, một số môn học chuyên ngành sẽ học bằng Tiếng Anh cùng cơ hội học bằng kép ngoại ngữ tại Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN.

Vòng phỏng vấn nhóm vào Big4

Theo kinh nghiệm của bạn Nguyễn Quỳnh Trang cựu sinh viên QH-2012-E, vòng phỏng vấn nhóm thường tạo ra áp lực với rất nhiều ứng viên. Thông thường, một ứng viên muốn vượt qua vòng thi này cần thể hiện được những điểm cộng sau:

  • Tích cực tham gia vào quá trình thảo luận
  • Đưa ra những ý kiến chất lượng, đóng góp vào quá trình thảo luận của nhóm
  • Thể hiện được kỹ năng làm việc nhóm tốt thông qua các hoạt động giao tiếp, trao đổi với các thành viên khác trong nhóm
  • Thể hiện được kỹ năng nói rõ ràng, mạch lạc và có mức độ tiếng anh cơ bản đủ để thảo luận, trao đổi
  • Thể hiện sự tự tin trong quá trình thuyết trình và đưa ra được những lập luận hỗ trợ cho các ý trong bài thuyết trình…

Bạn Quỳnh Trang chia sẻ: Hãy giữ một tâm thái thật thoải mái khi bước vào vòng phỏng vấn nhóm. Tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, mình đã quen thuộc với việc làm việc nhóm thông qua các môn học. Với phương pháp giảng dạy kết hợp những case study thực tế, mình và các bạn thường xuyên phải làm việc nhóm, cùng nhau thảo luận vấn đề, hướng giải quyết và tất nhiên, khả năng thuyết trình và tinh thần đồng đội cũng ngày càng cải thiện. Hãy cố gắng đóng góp thật nhiều cho công việc của nhóm và bạn sẽ được đền đáp.

Final interview

Final Interview Big4 là thử thách cuối cùng khi apply vào Big4. Tỷ lệ những ứng viên không phù hợp và bị loại ở vòng này khá nhiều.

Và tỷ lệ trượt vòng này cũng thay đổi qua các năm. Thông thường cứ mỗi 10 người được phỏng vấn thì Big4 có thể chọn được khoảng 2-5 bạn. Và nếu muốn tuyển khoảng 40-50 bạn thì có thể các công ty sẽ gọi phỏng vấn khoảng 100 - 200 ứng viên.

Ở vòng này, các câu hỏi cũng rất đa dạng và phụ thuộc rất nhiều vào cách trả lời của ứng viên và người phỏng vấn. Sẽ không có gì phải lo lắng với hành trang kiến thức đầy đủ cùng rất nhiều hội thảo, tập huấn phát triển kỹ năng mềm được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức để giúp sinh viên có được sự tự tin nhất chinh phục các nhà tuyển dụng.

Hy vọng những kinh nghiệm thi Big4 trên đây phần nào giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho những kỳ tuyển dụng sắp tới.


Thùy Linh