Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: 10 năm một chặng đường nhìn lại
14/11/2017 17:01

Cách đây 10 năm, tháng 3/2007, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ra đời trên cơ sở nâng cấp Khoa Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.


Tiền thân của đơn vị là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, được thành lập năm 1974. Gần 45 năm qua, Trường trải qua 4 giai đoạn phát triển với các tên gọi khác nhau: Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1974-1995); Khoa Kinh tế thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN (1995-1999); Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN (1999-2007) và nay là Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Trên suốt chặng đường ấy, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã có nhiều đóng góp to lớn, đáng tự hào trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Từ mái trường này, biết bao thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý của nhiều cơ quan, ban, ngành ở trung ương và các địa phương hoặc trở thành doanh nhân thành đạt.

Trường ĐHKT đã khẳng định được thương hiệu trong quá trình phát triển hội nhập quốc tế, đảm bảo chất lượng hiệu quả trong đào tạo, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học chuyên sâu và ứng dụng vào thực tiễn, gắn với các hoạt động tư vấn cho Đảng, Chính phủ, cho địa phương và doanh nghiệp.

Về hoạt động đào tạo: Từ khi mới thành lập, Trường ĐHKT đã chủ trương đào tạo theo định hướng chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Từ 4 chương trình đào tạo đại học với 1 chương trình chất lượng cao, 2 chương trình đào thạc sĩ và 1 chương trình đào tạo tiến sĩ. Đến nay, Trường ĐHKT đang đào tạo 6 chương trình ĐH chuẩn, 3 chương trình ĐH chất lượng cao theo Thông tư 23, 7 chương trình thạc sĩ, trong đó có 2 chương trình chất lượng cao theo đặc thù đơn vị, 4 chương trình đào tạo tiến sĩ và nhiều chương trình bằng kép với Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ và Khoa Luật thuộc ĐHQGHN.

Một giờ học của sinh viên ĐHKT

Trường ĐHKT hiện đang triển khai 4 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc ĐH và sau ĐH với các trường ĐH lớn của Mỹ, Thụy Điển, Pháp trong lĩnh vực: kinh doanh quốc tế, quản lý công, quản trị kinh doanh, thương mại và tài chính quốc tế mang lại cơ hội tiếp nhận công nghệ đào tạo hiện đại và phát triển đội ngũ giảng viên của Trường.

Với chủ trương đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, kể từ khi thành lập đến nay, cơ cấu quy mô đào tạo của Trường ĐHKT đã có sự thay đổi căn bản, trong đó đào tạo chất lượng cao, đào tạo sau ĐH được ưu tiên phát triển trên cơ sở đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đến năm học 2017-2018, Trường ĐHKT không còn đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo ĐH chiếm khoảng 68%, đào tạo sau ĐH chiếm khoảng 32%, trong đó đào tạo chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược chiếm khoảng 23% tổng quy mô đào tạo đại học.

Các chương trình đào tạo của Trường ĐHKT thường xuyên được cập nhật, đảm bảo chuẩn đầu ra và hướng tới kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế. Trường đã có 2 chương trình được kiểm định bởi Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN). Số lượng sinh viên Trường ĐHKT tốt nghiệp hàng năm đều nhanh chóng có việc làm, Nhà trường ngày càng có nhiều đơn đặt hàng đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan trung ương và địa phương… Theo số liệu thống kê của Trường ĐHKT 4 năm gần đây, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp tham gia khảo sát hiện tại đã có việc làm ổn định, trong đó 73% cựu sinh viên có việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.

 
Các hoạt động hỗ trợ sinh viên thường xuyên được tổ chức
 
Nhiều sinh viên Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ra trường đã có việc làm ngay.

Về nghiên cứu khoa học: Trong 10 năm qua, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng gắn kết và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường và tư vấn chính sách cho xã hội. Trường đã và đang thực hiện 24 đề tài cấp Nhà nước; 58 đề tài cấp ĐHQGHN, 5 đề tài địa phương. Một trong những điểm nổi bật của NCKH trong 10 năm qua đó là mục tiêu hướng đến sản phẩm đầu ra và hướng đến công bố quốc tế. Trường ĐHKT - ĐHQGHN là một trong những đơn vị đi tiên phong xây dựng chính sách hỗ trợ công bố quốc tế, các đề tài cấp ĐHQGHN đều hướng đến sản phẩm công bố quốc tế.

Bên cạnh việc coi nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ, Trường ĐHKT cũng có nhiều chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên tham gia nghiên cứu. Bằng hình thức khen thưởng tác giả các bài báo được đăng trên tạp chí có uy tín trong và ngoài nước; lấy kết quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên; tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên được tham gia các diễn đàn khoa học lớn nhằm nắm bắt được những tư tưởng và những vấn đề nghiên cứu mới dưới nhiều góc độ khác nhau… ĐHKT đã và đang khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học trong mỗi giảng viên của trường.

Từ 2007 đến nay, giảng viên ĐHKT đã công bố 183 bài báo quốc tế, trong đó có 73 bài ISI/SCOPUS và 1.118 bài báo trong nước. Tỷ lệ bài báo quốc tế/ giảng viên năm 2016-2017 là 0,3; tỷ lệ bài báo trong nước là 1,3. Bên cạnh dó, hàng năm Trường đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng chục hội thảo quốc tế và rất nhiều hội thảo trong nước với quy mô lớn.

Trong 10 năm qua nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cụ thể như chuyển giao Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam hàng năm cho Hội đồng Lý luận TW, chuyển giao báo cáo 30 năm đổi mới cho Hội đồng lý luận TW; chuyển giao 2 nghiên cứu: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua 30 năm đổi mới (1986-2016)" và "phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cho Ban Kinh tế TW. Đồng thời, Trường cũng đã chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp, các ngân hàng.

Hoạt động NCKH của sinh viên được Trường ĐHKT đặc biệt chú trọng. Hàng năm sinh viên của trường đều có các công trình đạt giải cao cấp ĐHQG và Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”.

 
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn và ông Rikhi Thakral trao Chứng nhận và phần thưởng của Tổ chức từ thiện In Sewa cho các giảng viên Trường ĐHKT có bài báo ISI/SCOPUS đăng trên tạp chí quốc tế

Về hoạt động hợp tác phát triển: Với phương châm “hợp tác để phát triển”, Trường ĐHKT còn được biết đến là đơn vị xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp và có thế mạnh trong phát triển hợp tác với các trường ĐH, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế. Trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn hơn 40 đối tác quốc tế và hơn 50 đối tác trong nước, trong đó có nhiều tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn.

 
Tại lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales

Về tổ chức nhân sự: Bộ máy của Trường ngày càng được đổi mới, hoạt động và phối hợp hiệu quả, được phân cấp rõ ràng theo hướng tăng cường tính chủ động cho các đơn vị. Năm 2007, khi vừa thành lập, Trường có 11 đơn vị, trong đó có 4 Khoa (Kinh tế Chính trị, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kinh tế Quốc tế), 6 phòng ban/ bộ phận, 1 trung tâm nghiên cứu; chưa có hệ thống các bộ môn thuộc Khoa.

Cùng với sự phát triển về quy mô, số lượng các chương trình đào tạo và nhu cầu chuyên nghiệp hóa công tác quản trị, quản lý, sau 10 năm thành lập, số đơn vị của Trường hiện đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, Trường có 22 đơn vị, trong đó có 5 khoa, 1 viện đào tạo, 1 viện nghiên cứu, 6 trung tâm và 9 phòng ban, bộ phận chức năng. Hệ thống các bộ môn thuộc Khoa, Viện đào tạo được nhanh chóng kiện toàn ngay sau khi thành lập Trường và ngày càng được phát huy vai trò, hiệu quả.

Về số lượng cán bộ, giảng viên, hiện nay Trường có 226 người, tăng gấp 3 lần so với khi mới thành lập (73 người). Về chất lượng, hiện Trường ĐHKT có 71% giảng viên tốt nghiệp từ các nước tiên tiến (phần lớn từ Anh, Nhật Bản, Mỹ, Australia), 55% giảng viên có thể giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh thành thạo. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt 73% (năm 2007: 43%) ; tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư đạt 23% (năm 2007: 13%) và ngày càng trẻ hóa. Số giảng viên có học hàm PGS khi còn rất trẻ ngày càng tăng.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trường ĐHKT đã và đang là nơi quy tụ những người có năng lực, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Trường ĐHKT tạo môi trường tốt cho họ biến những điều tâm huyết thành hiện thực, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà nói chung và của Trường ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tự hào với những thành tựu đã đạt được. Con đường phía trước đang rộng mở với rất nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tin tưởng rằng với nền tảng là sự vun đắp của các thế hệ giảng viên tài năng, tâm huyết và trách nhiệm, sự năng động, đam mê sáng tạo của người học, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác trong nước và quốc tế, sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN, Trường sẽ tiếp tục phát huy những thành công, thế mạnh trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nhằm khẳng định và nâng cao thương hiệu của nhà trường, đồng thời đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục của đất nước.


PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê