Trang tin tức sự kiện

Doanh nghiệp Thriive 2017 chung tay phòng, chống dịch Covid-19

Anh Ngàn, chị Hằng và 2 học viên khuyết tật trong khóa học may cơ bản theo Chương trình trả nợ cho cộng đồng của Thriive
Cơ sở may Huy Hằng, chủ doanh nghiệp là anh Nguyễn Văn Ngàn (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) là doanh nghiệp thuộc chương trình Thriive 2017 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN quản lý. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tuy là một doanh nghiệp nhỏ nhưng Huy Hằng lại là điểm sáng trong hoạt động chung tay phòng, chống dịch Covid-19.


Tuy cơ sở may Huy Hằng đã kết thúc chương trình trả nợ cộng đồng của Thriive nhưng giữa Thriive và doanh nghiệp vẫn có mối quan hệ thân thiết, gắn bó. Trong đợt dịch Covid-19 hồi tháng 4, với khoảng 20 chục lao động khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, Huy Hằng đã được Ban điều phối chương trình Thriive và các doanh nghiệp Thriive khác hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đáp lại tình cảm của cộng đồng, cơ sở may Huy Hằng đã tham gia chương trình “Vải cho cuộc sống” (Linens for Life). Cơ sở may Huy Hằng đã tham gia dự án ý nghĩa với tư cách là trưởng nhóm sản xuất sản phẩm và tạo sinh kế cho người khuyết tật. Đến nay, anh Ngàn đã góp phần tạo ra hơn 5.000 đồ vải được tái sử dụng thành ga giường, chăn, đồ dùng y tế cung cấp miễn phí tại 8 trạm y tế và các bệnh viện đang thiếu thốn vật tư tại các tỉnh miền núi.

Vừa để thích nghi với bối cảnh dịch và cũng tạo những tác động tích cực đến với cộng đồng và môi trường, dự án xã hội mà cơ sở may Huy Hằng tham gia: “ Vải cho cuộc sống” giúp tận dụng triệt để các tấm vải đã qua sử dụng từ các tập đoàn khách sạn 5 sao như khách sạn Western, khách sạn Marriott,... đạt tiêu chuẩn tái chế thành các đồ dùng thực sự hữu ích cho cộng đồng như túi xách, đồ chơi, đồng phục hay những đồ dùng cần thiết như khẩu trang, chăn, vỏ gối, ga giường bệnh,... Dự án cung cấp các điểm lấy vải tái chế cho doanh nghiệp và trả tiền cho các đơn hàng về đồ dùng trẻ em như tã, áo sơ sinh. Như vậy, doanh nghiệp không mất tiền nguyên liệu, số tiền thu được từ dự án đã giúp cho 10 lao động khuyết tật tại đây có một thu nhập và sinh kế ổn định.

 

Anh Ngàn Hằng, chủ cơ sở may Huy Hằng trả lời phỏng vấn của truyền hình VTC14

Được Thriive lựa chọn là doanh nghiệp nhận tài trợ máy móc năm 2017, cơ sở may Huy Hằng thực hiện trả nợ cho cộng đồng - nghĩa vụ của các doanh nghiệp tham gia Thriive bằng cách đào tạo nghề may và tạo sinh kế cho 19 học viên nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cho đến nay cơ sở may Huy Hằng vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện hướng đến cộng đồng, đào tạo nghề miễn phí như tôn chỉ của chương trình.

 TS. Phạm Vũ Thắng, Giám đốc chương trình Thriive Hà Nội (ngoài cùng, bên phải) làm việc với cơ sở may Huy Hằng năm 2017 để lựa chọn vào chương trình Thriive Hà Nội năm đó

TS. Phạm Vũ Thắng - Giám đốc chương trình Thriive Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, giữa vô vàn doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí lâm vào phá sản, cơ sở may Huy Hằng vẫn đứng vững và đảm bảo sinh kế, thu nhập cho người lao động. Thời điểm tháng 3/2020, khi mà gần như toàn bộ doanh nghiệp bị động do ảnh hưởng của dịch Covid19, cơ sở may Huy Hằng đã chủ động chuyển toàn bộ công suất sản xuất qua mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn, đáp ứng nhu cầu thị thường thời điểm đó. Không những thế, doanh nghiệp chủ động kết nối làm ăn với chính các doanh nghiệp trong mạng lưới Thriive như doanh nghiệp Sách vải Kha Sa- doanh nghiệp Thriive 2017 về việc cung cấp đơn hàng là túi tote từ vải không dệt và các chi tiết đặt may lắp ghép vào trong sản phẩm sách vải của Khasa cũng như tham gia các dự án như Vải cho Cuộc sống hay dự án tái chế các banner, standee may thành túi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, TS. Phạm Vũ Thắng còn cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Thriive cho dù đã kết thúc trả nợ cộng đồng nhưng vẫn giữ mối liên hệ rất gắn bó, mật thiết với Ban điều phối dự án Thriive cũng như các doanh nghiệp Thriive khác. Những doanh nghiệp đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, họ sẵn sàng tài trợ cho các doanh nghiệp khó khăn khác sản phẩm của mình, tiêu biểu như cơ sở sản xuất rau Vinh Hà, cơ sở may Huy Hằng, tiệm tóc không lời Thành Nguyễn....

Nếu như Huy Hằng là một ví dụ điển hình về sự thích nghi của doanh nghiệp xã hội trước thách thức của dịch Covid, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng mọi doanh nghiệp đều có khả năng sống sót và tăng trưởng nếu có con đường và chiến lược kinh doanh phù hợp với bối cảnh này.

Hoạt động từ năm 2005, với sự điều hành của Ban điều phối thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, chương trình Thriive Hà Nội đã giúp cho 163 doanh nghiệp vay vốn của chương trình với tổng số vốn vay là 1.593.486USD (hơn 38 tỷ VNĐ).

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2019, Chương trình Thriive Hà Nội giúp tạo thêm công ăn việc làm cho 2.022 lao động mới (1.398 lao động toàn thời gian và 624 lao động bán thời gian). 136.295 người dân nghèo tại 26 tỉnh thành được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ vốn vay của các doanh nghiệp theo Chương trình Thriive thông qua 02 hình thức: 1) Trao tặng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp (như cây giống, quần áo ấm, bàn ghế…) ; 2) Các khóa đào tạo nghề (như khóa học may, đồ họa, cuốn giấy thủ công, nấu ăn…).

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: Phòng 201-203, nhà G4, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

144 đường Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: Thriive.hanoi@gmail.com

Điện thoại: 0888.159.099

Facebook Fanpage: Thriive.HanoiVietnam (Thriive Hà Nội)


Văn Công - Phương Thảo

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành