Trang tin tức sự kiện

Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Việt Nhật: Hợp tác trên tinh thần quốc gia

Lãnh đạo hai nhà trường tin tưởng sự hợp tác sẽ thành công tốt đẹp
Ngày 3/8/2018, lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo ĐH Việt - Nhật về việc thúc đẩy hợp tác hai bên, đặc biệt là mở rộng liên ngành đào tạo.


Tham dự buổi họp, về phía ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN có GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng cùng một số lãnh đạo của trường; về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng Nghiên cứu Khoa học & Hợp tác Phát triển và Phòng Đào tạo.

 
 

Chia sẻ thông tin về Trường Đại học Việt - Nhật, GS. Furuta Motoo cho biết Trường là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản. Trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào năm 2014 và đến tháng 9/2016 thì chính thức đi vào hoạt động. Trường được Chính phủ Nhật Bản trực tiếp hỗ trợ để trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc của Châu Á.

Về đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường đi theo triết lý giáo dục khai phóng. Mục tiêu của triết lý này là nhằm đào tạo người học có nền tảng kiến thức rộng, khả năng sáng tạo phong phú và kỹ năng công dân toàn cầu. Trường tập trung đào tạo, nghiên cứu trong hai lĩnh vực chính là công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành.

GS. Furuta Motoo mong muốn hợp tác lâu với ĐHKT

Hiện nay, Trường đang triển khai 7 chương trình đào tạo thạc sĩ chất lượng cao là thạc sĩ Công nghệ nano, thạc sĩ Kỹ thuật môi trường, thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng, thạc sĩ Khu vực học, thạc sĩ Chính sách công và thạc sĩ Quản trị kinh doanh, thạc sỹ Biến đổi khí hậu và Phát triển. Các chương trình thạc sĩ này được xây dựng và triển khai dựa trên khung chương trình và công nghệ đào tạo được chuyển giao từ các đại học đối tác Nhật Bản.

GS. Furuta Motoo bày tỏ mong muốn giữa Trường Đại học Việt - Nhật và Trường ĐH Kinh tế có thể thúc đẩy các cơ hội hợp tác cả về đào tạo lẫn nghiên cứu để hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở khai thác thế mạnh của mỗi bên. 

Cụ thể, Trường Đại học Việt - Nhật có kế hoạch mở một số chương trình đào tạo đại học gồm lĩnh vực kinh tế và khoa học bền vững. Đến năm 2019, Trường sẽ mở và vận hành chương trình đào tạo đại học đầu tiên thuộc lĩnh vực khoa học kinh tế liên ngành. 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã chia sẻ với những khó khăn ban đầu của một trường đại học còn non trẻ đồng thời thể hiện sự đồng cảm với những tâm huyết, nỗ lực của Giáo sư Hiệu trưởng - một nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nhật Bản, có nhiều gắn bó với Việt Nam và đặc biệt là với ĐHQGHN.

 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê -  Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tin tưởng vào sự hợp tác giữa hai bên 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng khẳng định, trên tinh thần đều là trường đại học thành viên của ĐHQGHN, nhà trường sẽ nỗ lực cao nhất để thúc đẩy hợp tác với Đại học Việt - Nhật, đó còn là thể hiện tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Sự hợp tác này chắc chắn là một sự hợp tác vô tư, toàn tâm, lâu dài hướng đến hai bên cùng có lợi và làm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai trường, hai nước.

 

Người đứng đầu Trường ĐH Kinh tế cũng khẳng định đào tạo lĩnh vực kinh tế liên ngành là một hướng đi đúng và phù hợp với xu thế chung. Khoa học liên ngành đang góp phần giải quyết nhiều bài toán thực tiễn lớn của cuộc sống một cách hiệu quả, khắc phục những hạn chế mà các ngành khoa học đơn lẻ đang gặp phải. Trường ĐH Kinh tế có nhiều thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu các ngành về quản trị, kinh tế, kinh doanh với đội ngũ giảng viên đa phần tốt nghiệp ở nước ngoài (trên 70%), số lượng bài báo công bố quốc tế nhiều nhất sẽ cùng ĐH Việt Nhật có những hợp tác thành công ngoài mong đợi.

 
  • GS. Furuta Motoo là nhà nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản thuộc từ những năm đầu 1970. Ông sớm có mối quan hệ với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
  • Từ năm 1975, Đại học Tổng hợp Hà Nội cử giáo viên dạy tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo và ông được theo học GS. Nguyễn Cao Đàm trong 3 năm. Sau đó, ông có cơ hội sang Việt Nam và trao đổi học thuật với các giáo sư nổi tiếng của Việt Nam như GS. Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng...
  • Từ những năm đầu 1990, GS. Furuta Motoo giúp nhiều học giả Trường ĐHKHXH&NV đến Nhật Bản học tập và nghiên cứu.
  • Từ năm 1999, GS. Furuta Motoo tham gia công tác quản lý Trường Đại học Tokyo với các vị trí: Hiệu trường Đại học Đai cương, Phó Giám đốc Đại học Tokyo, Giám đốc Thư viện. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để ông xúc tiến giao lưu giữa Đại học Tokyo vả Trường ĐHKHXH&NV. Từ năm 1999 đến năm 2014, ông là một trong những người đề xướng và tổ chức Diễn đàn 4 đại học chủ chốt Đông Á<BESETOHA>. Đây là một diễn đàn về nền giáo dục đại học chủ yếu là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa bốn đại học tiêu biểu của Đông Á là Đại học Bắc Kinh, Đại học Seoul, Đại học Tokyo và ĐHQGHN. Nhân dịp hội nghị BESETOHA được tổ chức đầu tiên tại Hà Nội năm 2001, Đại học Tokyo ký văn bản hợp tác chính thức với Trường ĐHKHXH&NV.
  • Năm 2003, GS. Furuta Motoo được trao tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN vì những đóng góp cho việc thúc đẩy hoạt động giao lưu, trao đổi hợp tác của ĐHQGHN.
  • Năm 2016, GS. Furuta Motoo được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, trường ĐH thành viên thứ 7 của ĐHQGHN.

Văn Công



Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành