Trang tin tức sự kiện

Phần mềm EndNote, công cụ "bất ly thân" của người làm nghiên cứu khoa học

Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, hướng tới gia tăng số lượng và chất lượng các nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm viết và công bố nghiên cứu quốc tế” đã được Khoa Kinh tế Phát triển – Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức sáng 14/5/2020 với sự tham gia đông đủ của cán bộ, giảng viên trong khoa.


Tọa đàm chia sẻ nhiều thông tin hữu ích cho việc xác định chủ đề nghiên cứu, cấu trúc và cách viết bài báo quốc tế, lựa chọn tạp chí quốc tế, hợp tác trong nghiên cứu và cách sử dụng phần mềm EndNote.

Mở đầu tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Chủ nhiệm Khoa KTPT chia sẻ nghiên cứu liên ngành của mình với tiêu đề “Shifting collaboration between geographers and mathematicians in Mountainous Development Research (MDR) with an interdisciplinary approach” (Chuyển đổi hợp tác giữa các nhà địa lý và các nhà toán học trong “Nghiên cứu phát triển miền núi” bằng cách tiếp cận liên ngành).

Bằng những kinh nghiệm thu được qua quá trình làm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh cho biết: nghiên cứu khoa học liên ngành đang dần trở nên phổ biến, cho phép kết hợp hiểu biết và phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành nghề khác nhau, qua đó đem kiến thức kinh tế ứng dụng vào trong nhiều lĩnh vực và mang lại các kết quả hữu ích cho thực tế cuộc sống. Thực tế đó đòi hỏi người làm nghiên cứu phải trau dồi các kiến thức của ngành nghề khác, dung hòa giữa các phương pháp khác nhau và con người khác nhau để tạo ra một nghiên cứu chất lượng.
 

Tiếp đó, TS. Vũ Văn Hưởng - Chủ nhiệm Bộ môn Thống kê & Phương pháp nghiên cứu kinh tế  - đã khái quát chung về hệ thống tạp chí khoa học uy tín trên thế giới hiện nay, cách thức lựa chọn tạp chí để xuất bản sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá, phân loại và xếp hạng tạp chí quốc tế. TS. Vũ Văn Hưởng cũng gợi ý sử dụng hệ thống SJR (Scimago Journal & Country Rank) để lọc ra các tạp chí chất lượng và đúng tầm với mỗi nghiên cứu.

Cùng chủ đề xuất bản nghiên cứu khoa học trên tạp chí chuyên ngành, TS. Lưu Quốc Đạt - Phó Chủ nhiệm Khoa KTPT đã trình bày cấu trúc và hướng dẫn cách viết của một bài nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế và chia sẻ một số kinh nghiệm gửi bài xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Bên cạnh đó, TS. Lưu Quốc Đạt cũng chia sẻ thêm cách nhận dạng tạp chí khoa học uy tín và không uy tín.

 

Để trình bày được bài nghiên cứu đúng quy chuẩn, theo PGS.TS. Lê Đình Hải, phần mềm EndNote là phần mềm đơn giản và hữu ích khi nó đồng bộ phần lớn nguồn tài liệu tham khảo chính thống có trên internet, rất tiện lợi trong việc trích dẫn và tổng hợp danh mục tài liệu tham khảo. Tại tọa đàm, PGS. Lê Đình Hải cũng đã cung cấp, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng sơ bộ phiên bản EndNote X8.1 cho các giảng viên trong khoa.

Các tọa đàm khoa học tổ chức thường kỳ của Khoa Kinh tế Phát triển nói chung và Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm viết và công bố nghiên cứu trên tạp chí quốc tế” nói riêng là một chuỗi hoạt động hữu ích nhằm nâng cao năng lực giảng viên trong khoa và mở ra các hướng nghiên cứu mới, đa dạng, có tính liên ngành. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Khoa KTPT có 21 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 19 bài báo thuộc danh mục ISI/ Scopus. Với sự tiếp nối truyền thống và năng lực nghiên cứu sáng tạo của mình, đội ngũ giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển hứa hẹn sẽ đem đến nhiều bài nghiên cứu quốc tế “chuẩn” và “chất” hơn nữa trong tương lai.


Minh Huệ (Khoa KTPT)

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành