Trang tin tức sự kiện

Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn sinh viên

TS. Nguyễn Thị Vũ Hà trao giấy chứng nhận và quà lưu niệm cho các nhóm nghiên cứu
Ngày 6/4/2014 vừa qua, Câu lạc bộ Kinh tế trẻ (YEC), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công hội thảo “Kinh tế Việt Nam - Những vấn đề kinh tế nổi bật dưới góc nhìn sinh viên”.


Đây là chương trình được được tổ chức thường niên với sự phối hợp của YEC cùng Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên (CSS) và bảo trợ chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên không chỉ riêng tại Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN mà còn các trường khác trên toàn thành phố Hà Nội.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế tham dự hội thảo có TS. Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR, TS. Nguyễn Thị Vũ Hà - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển (ĐHKT), TS. Đinh Tuấn Minh - Chuyên viên nghiên cứu của VEPR, anh Nguyễn Đức Hùng - Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Theo đánh giá tổng quan từ Ban chuyên môn của hội thảo, số lượng đề tài dự thi năm nay tăng mạnh, có chất lượng khá tốt. Đặc biệt, có nhiều đề tài mới mẻ, liên hệ thực tế với các vấn đề kinh tế nóng bỏng, nhạy cảm, hứa hẹn mang đến những cuộc tranh luận sôi nổi và bổ ích.


Hội thảo thu hút nhiều sinh viên đam mê nghiên cứu tham dự


Sau khi đánh giá và sàng lọc kỹ lưỡng, Ban tổ chức đã quyết định chọn 4 đề tài xuất sắc nhất để tham gia báo cáo tại hội thảo. Đó là các đề tài:
  1. Tác động của hội nhập thương mại hàng hóa đến thương mại thủy sản Việt Nam: Cách tiếp cận sử dụng mô hình trọng lực” - Nhóm sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQHN.
  2. Giải pháp phát triển tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong một vài năm tới” - Nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng.
  3. Phân tích chi phí lợi ích khai thác Cromit Cổ Định - Thanh Hóa” - Nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - ĐHQGHN.
  4. Mối quan hệ giữa tham nhũng và đầu tư công tại Việt Nam” - Nhóm sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQHN.


Mở đầu hội thảo, đề tài “Tác động của hội nhập thương mại hàng hóa đến thương mại thủy sản Việt Nam: Cách tiếp cận sử dụng mô hình trọng lực” của nhóm sinh viên Trường ĐHKT nhận về sự phản hồi tích cực của các chuyên gia. TS. Lê Quốc Phương đánh giá đây là một đề tài hay và sử dụng tốt mô hình kinh tế lượng. Tuy nhiên, ông cũng góp ý với nhóm nghiên cứu chọn mẫu đơn giản để kết quả chính xác hơn trong công thức tính RCA (hệ số biểu thị lợi thế so sánh trong kinh tế quốc tế). Bài nghiên cứu này cũng đem đến ấn tượng tốt cho TS. Nguyễn Đức Thành bởi sự đầu tư nghiên cứu khi lập mô hình trọng lực phức tạp dựa trên số liệu của 49 nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam - đòi hỏi cần có kiến thức tốt và sự tìm hiểu nghiêm túc trong thời gian dài. Các chuyên gia cũng có đồng quan điểm và dành tặng lời khen ngợi cho đề tài này.

Tiếp đó, sau phần trình bày của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng với đề tài “Giải pháp phát triển tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong một vài năm tới”, TS. Nguyễn Thị Vũ Hà gợi ý nhóm nên chọn đề tài hẹp hơn, định hướng nghiên cứu chi tiết và số liệu cụ thể hơn để hoàn chỉnh để tài này.


Các nhóm trình bày kết quả nghiên cứu và lắng nghe nhận xét từ các chuyên gia


Đề tài số 3 “Phân tích chi phí lợi ích khai thác Cromit tại Cổ Định - Thanh Hóa” của nhóm sinh viên Trường ĐHKHTN (liên kết với Trường ĐHKT) mang đến hội thảo sự hào hứng qua cách tiếp cận vấn để mới lạ của những sinh viên từ khối ngành kỹ thuật. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng đây là đề tài hay và đúng với chuyên ngành học của sinh viên. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh đến phương pháp so sánh hai mô hình nghiên cứu với nhau (thêm bớt yếu tố IRR - tỉ suất hoàn vốn nội bộ) để đưa ra kết luận về tính khả thi của dự án. Đề tài cũng nhận được phản hồi tốt từ TS. Lê Quốc Phương bởi tính cụ thể, đơn giản, phù hợp với khả năng nghiên cứu của sinh viên. Để bài nghiên cứu hoàn chỉnh hơn, TS. Phương cho rằng nhóm nghiên cứu cần nêu ra ưu nhược điểm của 2 phương pháp đã được áp dụng.

Phần thuyết trình cuối là đề tài: “Mối quan hệ giữa tham nhũng và đầu tư công tại Việt Nam”. Anh Nguyễn Đức Hùng nhận xét đây là vấn đề khó và nhạy cảm, tuy nhiên các bạn sinh viên đã “dũng cảm nghiên cứu” và đầu tư rất nhiều công sức. Điểm nhấn của bài nghiên cứu là bảng lý thuyết trò chơi tham nhũng - đầu tư công và mô hình kinh tế lượng đã được TS. Nguyễn Đức Thành và TS. Lê Quốc Phương đánh giá cao.


Các chuyên gia đánh giá về nghiên cứu của sinh viên



Trong buổi hội thảo, đề tài 1 và đề tài 3 với sự nổi trổi hơn cả đã thuyết phục được TS. Nguyễn Đức Thành. Hai nhóm đã được nhận cơ hội nghiên cứu và mở rộng đề tài hơn nữa cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Hội thảo đã diễn ra thành công, đạt được mục tiêu gắn kết các sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học; mang đến cho sinh viên cơ hội được giao lưu, thảo luận cùng các chuyên gia có chuyên môn cao và tạo cơ hội cho họ tiến xa hơn nữa với đam mê nghiên cứu khoa học của mình.


Đinh Hồ Nho Thông (YEC)

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành