Trang Đào tạo sau đại học
 
Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Trường Sơn

Tên luận văn: “Giải pháp phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nghiên cứu điển hình tại huyện Từ Liêm”.


1. Tác giả: NCS. Nguyễn Trường Sơn

2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh  
3. Mã số: 62 34 05 01
4. Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Hoàng Văn Hải
5. Tên đơn vị đào tạo SĐH: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

6. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án.

Mục tiêu nghiên cứu: Thông qua phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (DVHTKD) tại Việt Nam nói chung, địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và thực hiện khảo sát thực tế các doanh nghiệp cung cấp DVHTKD cũng như doanh nghiệp sử dụng DVHTKD trên địa bàn huyện Từ Liêm để đánh giá các yếu tố ngoại cảnh và nội tại tác động đến sự phát triển DVHTKD, nhu cầu sử dụng DVHTKD của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn để từ đó đưa ra các giải pháp để hỗ trợ sự phát triển DVHTKD trên địa bàn huyện Từ Liêm.

Đối tượng nghiên cứu: dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trên địa bàn huyện Từ Liêm.

8. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu của luận án bao gồm cả phương pháp định lượng và định tính, cụ thể:

- Phương pháp định tính: thu thập và sử dụng các tài liệu thứ cấp liên quan đến đề tài của luận án bao gồm các thông tin từ sách báo; các bài báo, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước…đồng thời sử dụng phương pháp chuyên gia để tìm hiểu thực trạng phát triển của hệ thống DVHTKD và các yếu tố tác động đến DVHTKD cũng như sự hài lòng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Từ Liêm khi sử dụng DVHTKD.

- Phương pháp định lượng: sử dụng phương pháp khảo sát thực tế thông qua điều tra xã hội học để thu thập nguồn dữ liệu sơ cấp về các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến sự phát triển của DVHTKD và sự hài lòng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng DVHTKD; sau đó áp dụng một số phương pháp thống kê cơ bản như thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tuyến tính để tìm xác định ra: (1) yếu tố ngoại cảnh nào ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của DVHTKD và (2) các yếu tố nội tại nào của DVHTKD ảnh hưởng đến sự hài lòng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng DVHTKD. Từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao sự phát triển của DVHTKD trên địa bàn huyện Từ Liêm.

8. Kết quả chính và kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng DNNVV tại địa bàn huyện Từ Liêm chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của DVHTKD đối với hoạt động của doanh nghiệp trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cung cấp DVHTKD cũng chưa cung cấp được dịch vụ với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khung pháp lý & văn bản chính sách liên quan đến DVHTKD vẫn còn hạn chế, thâm chí hầu như chưa có hoặc doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận; chưa có các hiệp hội để hỗ trợ phát triển. Nghiên cứu cũng khẳng định rằng các yếu tố nội tại của doanh nghiệp cung cấp DVHTKD bao gồm: phương tiện hữu hình, mức độ tin cậy nhà cung cấp dịch vụ, mức độ đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ, mức độ đảm bảo của nhà cung cấp dịch vụ và sự cảm thông của nhà cung cấp dịch vụ đều có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của Khách hàng sử dụng DVHTKD trong đó yếu tố mức độ tin cậy có ảnh hưởng lớn nhất. Từ kết quả của nghiên cứu, một số kiến nghị, giải pháp đã được đưa ra nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống DVHTKD trên địa bàn địa bàn từ Liêm, các nhóm giải pháp bao gồm: nhóm giải pháp về phía chính quyền địa phương địa bàn Từ Liêm, nhóm giải pháp về phía nhà cung cấp DVHTKD & nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp sử dụng DVHTKD.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN