Trang Đào tạo sau đại học
 
Hướng dẫn về tổ chức thực hiện luận văn thạc sĩ khóa QH-2012-E.CH

Công văn số 401/ĐHKT-SĐH ngày 5/3/2014 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Kính gửi: Lãnh đạo các Khoa trực thuộc
 

Triển khai Kế hoạch thực hiện Luận văn tốt nghiệp cho học viên cao học Khóa QH-2012-E.CH, căn cứ Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành theo Quyết định số 1555/QĐ-ĐHQGHN, ngày 25 tháng 5 năm 2011 và Quyết định số 3050/QĐ-ĐHQGHN ngày 17/09/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội, căn cứ Quy định hướng dẫn một số điều về tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 3094/QĐ-ĐHKT ngày 07/11/2013, Trường Đại học Kinh tế hướng dẫn các Khoa trực thuộc phụ trách chuyên ngành triển khai Kế hoạch thực hiện luận văn thạc sĩ khóa QH-2012-E.CH như sau:

1. Đánh giá đề xuất tên đề tài và đề cương sơ bộ

1.1. Các Khoa phụ trách chuyên ngành làm giấy mời kèm Kế hoạch thực hiện luận văn gửi cán bộ hướng dẫn và thông báo cho học viên (Theo kế hoạch gửi kèm). Cán bộ hướng dẫn và học viên cần thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch.

1.2. Cán bộ hướng dẫn và học viên nghiên cứu, trao đổi đề xuất tên đề tài phù hợp với hướng nghiên cứu đã đăng ký của học viên. Bản đăng ký tên đề tài bao gồm: tên đề tài, lý do chọn đề tài, đề cương sơ bộ và kế hoạch thực hiện luận văn (Mẫu đề cương và kế hoạch theo Phụ lục gửi kèm)

1.3. Các khoa tổng hợp Danh sách và rà soát danh sách tên đề tài học viên đăng ký để đảm bảo: đề tài học viên đề xuất không trùng lặp nhau. Trên cơ sở rà soát, các Khoa đề xuất các Tiểu ban đánh giá tên đề tài và đề cương cho từng chuyên ngành trình Ban Giám hiệu (qua Phòng đào tạo).

- Thành phần Tiểu ban đánh giá tên đề tài và đề cương bao gồm 3 thành viên: 01 chủ tịch, 01 thư ký và 01 ủy viên. Tiểu ban bao gồm các nhà khoa học có học hàm, học vị phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Mỗi Tiểu ban đánh giá không quá 20 đề tài, đề cương nghiên cứu.

- Sau khi Ban Giám hiệu ra Quyết định thành lập các Tiểu ban đánh giá tên đề tài và đề cương, Khoa phụ trách chuyên ngành tổ chức cho các Tiểu ban đánh giá tên đề tài và đề cương sơ bộ.

- Các tiểu ban đánh giá mức độ phù hợp của tên đề tài với chuyên ngành đào tạo và chương trình đào tạo (nghiên cứu và thực hành); đánh giá tính khả thi của đề tài: mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, nguồn dữ liệu…

1.4. Trong trường hợp tên đề tài không được thông qua, Tiểu ban có thông báo bằng văn bản cho học viên lý do đề tài không được thông qua. Căn cứ vào thông báo, học viên điều chỉnh hoặc thay tên đề tài để thông qua đề tài lần 2 trong vòng 04 tuần kể từ ngày nhận được thông báo.

1.5. Căn cứ kết quả đánh giá của Tiểu ban đánh giá tên đề tài và đề cương, Khoa phụ trách chuyên ngành trình Ban Giám hiệu ra quyết định phân công chính thức cán bộ hướng dẫn và phân giao tên đề tài luận văn cho học viên.

2. Đánh giá kết quả sơ bộ của luận văn

2.1. Cán bộ hướng dẫn và học viên thực hiện luận văn và báo cáo kết quả sơ bộ luận văn theo Kế hoạch gửi kèm.

2.2. Khoa phụ trách chuyên ngành dự kiến Tiểu ban đánh giá kết quả sơ bộ luận văn của học viên trình Ban Giám hiệu (qua Phòng Đào tạo) phê duyệt theo nguyên tắc:

- Tiểu ban đánh giá kết quả sơ bộ bao gồm 03 thành viên có chuyên môn phù hợp với hướng nghiên cứu của các đề tài: trong đó tối đa có 02 thành viên là giáo viên cơ hữu của Khoa phụ trách chuyên ngành; cán bộ hướng dẫn không phải là thành viên của Tiểu ban.

- Một Tiểu ban đánh giá kết quả sơ bộ phụ trách tối đa 05 học viên

- Các đề tài thuộc cùng một Tiểu ban phải cùng lĩnh vực nghiên cứu

2.3. Phòng Đào tạo trình Ban Giám hiệu ra Quyết định thành lập Tiểu ban và danh sách học viên thuộc các Tiểu ban và chuyển về Khoa phụ trách chuyên ngành tổ chức. Các khoa phụ trách chuyên ngành gửi tài liệu và giấy mời cho các thành viên Tiểu ban, giấy mời các thành viên phải gửi kèm mẫu nhận xét và thời hạn các thành viên Tiểu ban phải gửi bản nhận xét bằng văn bản đến Khoa phụ trách chuyên ngành.

2.4. Khi và chỉ khi các thành viên hội đồng gửi bản nhận xét bằng văn bản đến Khoa phụ trách chuyên ngành, Khoa phụ trách chuyên ngành tổ chức các Tiểu ban giá kết quả sơ bộ luận văn trong vòng 2 tuần.

2.5. Tiểu ban có trách nhiệm đánh giá kết quả nghiên cứu của học viên theo các nội dung sau đây:

a. Cơ sở lý luận/Tổng quan tình hình nghiên cứu: Học viên phải trình bày nội chi tiết, cụ thể cơ sở lý luận đối với vấn đề nghiên cứu/Tổng quan những tài liệu nghiên cứu có liên quan.

b. Phương pháp và thiết kế luận văn: Học viên phải trình bày chi tiết: Phương pháp nghiên cứu được sử dụng; Địa điểm và thời gian thực hiện nghiên cứu; Các công cụ được sử dụng (các bản khảo sát hay bất kỳ công cụ thu thập dữ liệu nào được sử dụng); Mô tả phương pháp điều tra, tính toán, … Cho biết các hạn chế, các giả định và phạm vi hiệu lực; Mô tả các chỉ tiêu nghiên cứu, phương pháp phân tích số liệu, bao gồm sử dụng các phần mềm thống kê chuyên ngành, trình bày các công cụ thống kê được sử dụng. Cần giới hạn các trích dẫn về các nguồn số liệu và tài liệu tham khảo, nên tập trung mô tả đầy đủ về thủ tục nghiên cứu.

c. Kết cấu của luận văn: học viên trình bày kết cấu luận văn của mình.

d. Các nội dung khác (nếu học viên đã thực hiện, ví dụ: phân tích dữ liệu, kết quả, thảo luận, kiến nghị): phù hợp với cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và đề tài nghiên cứu.

2.6. Trưởng tiểu ban phải ghi rõ trong quyết nghị: những kết quả đạt được, những điểm chưa đạt được, những điểm bổ sung sửa chữa (nếu có) và gửi cho học viên 01 bản.

Trường hợp học viên đạt yêu cầu, học viên tiếp tục thực hiện luận văn theo Quyết nghị của Tiểu ban đánh giá kết quả sơ bộ luận văn. Khi hoàn thành luận văn, học viên phải đính kèm bản quyết nghị vào các bản luận văn chính thức, để Hội đồng đánh giá luận văn cuối cùng có căn cứ đánh giá kết quả thực hiện luận văn của học viên.

Trường hợp học viên không đạt yêu cầu trong đánh giá kết quả luận văn (thể hiện trong quyết nghị), trong vòng 4 tuần, học viên phải chỉnh sửa nội dung luận văn sơ bộ để nộp Khoa phụ trách chuyên ngành xin bảo vệ lại. Trong trường hợp này, học viên tự chịu kinh phí tổ chức lại Tiểu ban.

3. Đánh giá luận văn cuối cùng

3.1. Hội đồng đánh giá luận văn có 5 thành viên, gồm: 1 chủ tịch, 1 thư­ kí, 2 phản biện và 1 uỷ viên trong đó có ít nhất 2 thành viên ở ngoài cơ sở đào tạo. Mỗi thành viên hội đồng chỉ được đảm nhận một chức trách trong hội đồng. Người hướng dẫn khoa học không là thành viên hội đồng.

- Thành viên hội đồng phải có học vị tiến sĩ hoặc chức danh phó giáo sư trở lên; có chuyên môn phù hợp, am hiểu những vấn đề có liên quan đến đề tài luận văn; không có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột, không là cấp dưới trực tiếp của người bảo vệ luận văn;

- Chủ tịch hội đồng phải có năng lực và uy tín chuyên môn, có kinh nghiệm trong tổ chức điều hành công việc của hội đồng;

 

- Phản biện phải am hiểu đề tài luận văn, không là đồng tác giả với học viên trong các công trình công bố có liên quan đến đề tài luận văn (nếu có).

- Ưu tiên những giảng viên đã tham gia đánh giá đề cương, kết quả sơ bộ của luận văn tham gia vào Hội đồng đánh giá luận văn cuối cùng.

3.2. Điểm chấm luận văn của từng thành viên hội đồng theo thang điểm từ 0 đến 10, lẻ đến 0,5. Điểm luận văn là trung bình cộng điểm chấm của các thành viên hội đồng có mặt trong buổi bảo vệ được làm tròn đến một chữ số thập phân.

3.3. Chủ tịnh hội đồng phải ghi rõ trong quyết nghị: những kết quả đạt được, những điểm chưa đạt được, những điểm bổ sung sửa chữa (nếu có).

3.4. Học viên sau khi bảo vệ phải sửa chữa bổ sung theo đúng quyết nghị của Chủ tịch hội đồng. Học viên phải có bản giải trình chi tiết về những điểm bổ sung, sửa chữa sau bảo vệ, có xác nhận của giáo viên hướng dẫn.

3.5. Chủ tịch Hội đồng phải đọc bản giải trình, nếu đồng ý, ký vào bản giải trình sửa chữa. Khi và chỉ khi chủ tịch đồng ý, học viên mới hoàn thành luận văn và nộp thư viện và được xét tốt nghiệp.

3.6. Trường Đại học Kinh tế có thể thành lập các Hội đồng thẩm định luận văn để kiểm tra kết quả đánh giá của các Hội đồng nói trên.

Hội đồng thẩm định luận văn gồm 5 thành viên và tất cả các thành viên chưa tham gia Hội đồng đánh giá luận văn của học viên. Thành viên Hội đồng thẩm định là các nhà khoa học trong hoặc ngoài nước, có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ; am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của học viên; có chính kiến và bản lĩnh khoa học, khách quan, trung thực. Hội đồng có Chủ tịch Hội đồng, Thư kí và các ủy viên. Người hướng dẫn không được tham gia vào Hội đồng thẩm định luận văn

Hội đồng có trách nhiệm thẩm định quy trình và nội dung của luận văn. Luận văn đạt yêu cầu thẩm định khi có 4/5 thành viên đồng ý.

Trường hợp luận văn không đạt yêu cầu thẩm định, Phòng Đào tạo, phối hợp Khoa chuyên môn tổ chức cuộc họp đối thoại giữa Hội đồng thẩm định và Hội đồng đánh giá luận văn với sự giám sát của đại diện Ban Giám hiệu. Số lượng thành viên của hai Hội đồng dự họp ít nhất là 04 thành viên/Hội đồng, trong đó Chủ tịch, phản biện, thư kí và các thành viên có ý kiến không tán thành của hai Hội đồng phải có mặt. Thành viên của hai Hội đồng tranh luận về nội dung và chất lượng luận văn, bỏ phiếu đánh giá lại luận văn. Luận văn đạt yêu cầu nếu có ít nhất 3/4 thành viên có mặt tán thành. Kết quả cuộc họp đối thoại là kết quả thẩm định cuối cùng về nội dung, chất lượng luận án.

Đối với luận văn không đạt yêu cầu thẩm định, trong thời gian không quá hai tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Trường Đại học Kinh tế, học viên phải thực hiện lại luận văn để đánh giá lại.

4. Các nội dung khác

4.1. Lãnh đạo các Khoa chuyên môn phổ biến quy định này đến toàn thể cán bộ hướng dẫn, học viên và các thành viên các Tiểu ban thuộc Khoa phụ trách.

4.2. Học viên có lý do chính đáng về mặt sức khỏe (có xác nhận của Bệnh viện đa khoa) có thể xin tạm hoãn thực hiện luận văn hoặc gia hạn không quá 1 tháng đối với mỗi bước thực hiện ở mục 1 và mục 2. Trường hợp học viên không thực hiện đúng kế hoạch, học viên phải thực hiện với khóa sau và phải đóng kinh phí thực hiện lại luận văn.

- Trường hợp học viên gia hạn thời gian thực hiện, phải bảo vệ lại tên đề tài, đề cương chi tiết hoặc phải bảo vệ lại luận văn nếu làm kéo dài thời hạn đào tạo chương trình thạc sĩ vượt thời hạn theo Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội (02 năm) thì học viên phải đóng học phí cho thời gian vợt quá này theo quy định của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

4.3. Cán bộ hướng dẫn đối với mỗi đợt phân công có từ 02 học viên trở lên không thực hiện đúng kế hoạch sẽ bị trừ vào định mức của lần phân công tới.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN