Trang tuyển sinh
 
Nhiều điểm đáng chú ý trong tuyển sinh đại học năm 2018

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tuyển sinh 6 ngành với 950 chỉ tiêu năm 2018
Những thay đổi bổ sung về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 do Bộ GD&ĐT đưa ra đã được xã hội, các giáo viên, học sinh và các chuyên gia tuyển sinh cho rằng kịp thời và có những điều chỉnh phù hợp hơn, đảm bảo công bằng, tạo điều kiện giúp các trường tuyển sinh thuận lợi hơn và đáp ứng nâng chất lượng đầu vào theo đặc thù của từng ngành tuyển.


Điểm mới trong thi THPT quốc gia

Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, điểm mới nhất của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là đề thi sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 11 chứ không chỉ trong phạm vi kiến thức lớp 12 như những năm trước. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ gồm 5 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, 3 bài thi là bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.

Đối với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Hệ giáo dục thường xuyên sẽ phải trải qua 2 bài thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng đáp ứng yêu cầu kỳ thi.

Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, ngoài việc phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn, còn đảm bảo đã tốt nghiệp THCS. Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, thí sinh phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5. Ngoài các hồ sơ theo quy định trước đó, phải có thêm giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém. Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp nếu không có học bạ THPT hoặc giáo dục thường xuyên thì phải có xác nhận của cơ sở GD&ĐT nơi thí sinh theo học nghề về việc đã hoàn thành các môn văn hóa.

Thuận cho các trường tuyển sinh

Một điểm mới được nhiều trường ĐH, CĐ đánh giá cao là điểm thi năm nay sẽ chi tiết hơn nhằm bảo đảm công bằng hơn cho thí sinh. Cụ thể, điểm các bài thi/môn thi sẽ tính theo thang điểm 10 của từng tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Dự thảo điều chỉnh khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25. Với mức điểm chênh lệch này sẽ giảm 0,25 so với các năm trước đây, như vậy vẫn đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng có sự công bằng hơn giữa thí sinh ở các vùng miền khác nhau.

Một quy định nữa được các nhà giáo dục đánh giá cao là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Với các trường xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, ngưỡng điểm này được Bộ GD&ĐT xác định căn cứ kết quả của kỳ thi. Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Một tin vui được các trường đón nhận là quy định được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Như vậy năm 2018 này, các trường ĐH, CĐ có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu Đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 15 ngày.

Trước các ngày cuối cùng của tháng chẵn, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Còn với người học, tin vui là yêu cầu các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước 1 năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành trong đề án tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh. Đây là những thông tin tham khảo hết sức có lợi cho người học khi đưa ra quyết định theo học trường nào.

Quy chế cũng khuyến khích các trường đào tạo sư phạm mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT chuyên của các địa phương vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có 3 năm học THPT chuyên của địa phương đạt học sinh giỏi; đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của mình.
>>>> Phương thức tuyển sinh ĐH Kinh tế - ĐHQGHN xem tại đây

Theo Giáo dục thời đại