Trang tuyển sinh
 
Cách tính điểm để xếp loại thí sinh, quy trình và tiêu chí xét tuyển

Phụ lục 3, ban hành kèm theo Thông báo số 212 /TB-ĐHKT ngày 22/1/2018 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


>> Thông báo số 212/TB-ĐHKT

3.1 Cách tính điểm để xếp loại thí sinh được quy định như sau:

- Từ 85 điểm đến 100 điểm: xếp loại xuất sắc

- Từ 70 điểm đến 84 điểm: xếp loại khá

- Từ 60 điểm đến 69 điểm: xếp loại trung bình

- Dưới 60 điểm: không tuyển (không đạt)

3.2 Quy trình xét tuyển nghiên cứu sinh:

- Thí sinh trình bày đề cương nghiên cứu và kế hoạch thực hiện trước tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh. Vấn đề dự định nghiên cứu của thí sinh phải phù hợp với các lĩnh vực, hướng nghiên cứu mà đơn vị chuyên môn đang thực hiện, có người đủ tiêu chuẩn theo quy định đồng ý nhận hướng dẫn. Các thành viên tiểu ban chuyên môn đặt các câu hỏi phỏng vấn để đánh giá thí sinh về các mặt: năng lực kiến thức chuyên môn, sự rõ ràng về ý tưởng đối với mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên cứu, tính khả thi của đề tài và kế hoạch nghiên cứu, những tư chất cần có của một nghiên cứu sinh. Tiểu ban chuyên môn phải có văn bản nhận xét, đánh giá cho điểm thí sinh về các nội dung này.

- Thành viên tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh đánh giá phân loại thí sinh thông qua hồ sơ dự tuyển (kết quả học tập ở trình độ đại học, thạc sĩ; trình độ ngoại ngữ; thành tích nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm hoạt động chuyên môn; chất lượng đề cương nghiên cứu thông qua sự hiểu biết của thí sinh về lĩnh vực chuyên môn và hướng nghiên cứu, nội dung và phương pháp nghiên cứu, dự kiến kết quả nghiên cứu và kế hoạch học tập được trình bày trong đề cương nghiên cứu sinh; ý kiến nhận xét đánh giá và ủng hộ thí sinh trong thư giới thiệu và phần trình bày, trả lời các câu hỏi của thí sinh); xác định danh mục các học phần cần bổ sung (nếu có) của từng thí sinh.

- Ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh phải trình hồ sơ và báo cáo đề cương nghiên cứu trước tiểu ban chuyên môn. Tiểu ban chuyên môn có trách nhiệm tổ chức xem xét đánh giá hồ sơ dự tuyển và đề cương nghiên cứu sinh, cho điểm đánh giá theo Hướng dẫn của ĐHQGHNvới thang điểm tối đa là 100 và gửi kết quả về Ban Thư kí tổng hợp báo cáo Hội đồng tuyển sinh. Người đạt yêu cầu được xét tuyển phải có điểm đánh giá hồ sơ và đề cương nghiên cứu tối thiểu đạt 60/100.

- Trong trường hợp cần thiết, Giám đốc ĐHQGHN (đối với đơn vị đào tạo trực thuộc) hoặc thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với đơn vị đào tạo thành viên) quyết định việc bảo vệ đề cương bằng tiếng nước ngoài để kiểm tra năng lực trình bày và diễn đạt chuyên môn bằng ngoại ngữ của người dự tuyển.

- Căn cứ các yêu cầu và thang điểm đánh giá, tiểu ban chuyên môn tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên, lập danh sách thí sinh xếp thứ tự theo điểm đánh giá từ cao xuống thấp và chuyển kết quả về Ban Thư kí Hội đồng tuyển sinh.

- Ban Thư kí Hội đồng tuyển sinh có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ dự tuyển, chuyển kết quả xếp loại xét tuyển cho Hội đồng tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh quy định nguyên tắc xét tuyển và xác định danh sách thí sinh trúng tuyển căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã được Giám đốc ĐHQGHN quyết định cho từng chuyên ngành đào tạo và kết quả xếp loại các thí sinh, trình thủ trưởng đơn vị đào tạo xem xét và báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh sau đại học của ĐHQGHN phê duyệt.

3.3 Tiêu chí đánh giá HSCM:

HSCM được đánh giá theo thang điểm 100 với các tiêu chí sau đây:

- Kết quả học tập ở bậc thạc sĩ hoặc cử nhân: được cho tối đa 15 điểm

Tiêu chí này nhằm đánh giá năng lực học tập của thí sinh thông qua kết quả học tập đã đạt được ở bậc thạc sĩ (đối với thí sinh dự tuyển từ thạc sĩ) hoặc ở bậc cử nhân (đối với thí sinh dự tuyển từ cử nhân và tương đương). Việc đánh giá và cho điểm dựa trên điểm trung bình chung các môn học ở bậc đào tạo thạc sĩ hoặc cử nhân có tính đến uy tín chất lượng của đơn vị đã đào tạo.

- Thành tích nghiên cứu khoa học: được cho tối đa 15 điểm

Tiêu chí này nhằm đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của thí sinh thông qua các thành tích nghiên cứu khoa học đã đạt được. Việc đánh giá và cho điểm dựa trên các giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tương đương trở lên hoặc các bài báo khoa học đã được đăng trên Tạp chí khoa học, Tuyển tập công trình hội nghị khoa học (có phản biện) thuộc lĩnh vực chuyên ngành đăng kí đào tạo.

Các giải thưởng hoặc bài báo khoa học có nhiều người tham gia thì điểm được chia đều cho từng người. Với thí sinh có nhiều giải thưởng và nhiều bài báo, điểm cho phần này bằng tổng điểm của các giải thưởng và các bài báo nhưng không vượt quá mức tối đa 15 điểm.

- Năng lực ngoại ngữ: được cho tối đa 10 điểm

Tiêu chí này nhằm đánh giá thêm năng lực ngoại ngữ của thí sinh thông qua các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có kết quả cao. Việc đánh giá và cho điểm dựa trên văn bằng hoặc chứng chỉ có số điểm cao nhất đang trong thời hạn 2 năm tính từ ngày thi lấy chứng chỉ đến ngày đăng kí dự tuyển đào tạo bậc tiến sĩ.

- Ý kiến đánh giá và ủng hộ trong thư giới thiệu: được cho tối đa 10 điểm

Tiêu chí này nhằm đánh giá năng lực và phẩm chất của thí sinh thông qua mức độ ủng hộ trong thư giới thiệu có cân nhắc tới tính khách quan và xác thực.

- Đề cương nghiên cứu: được cho tối đa 40 điểm

Tiêu chí này nhằm đánh giá ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như tính khả thi của đề tài nghiên cứu thông qua nội dung, hình thức đề cương nghiên cứu. Việc đánh giá và cho điểm dựa trên: giá trị khoa học và thực tiễn của của đề tài nghiên cứu thông qua sự phù hợp với chuyên ngành đăng kí đào tạo, tính thời sự và sáng tạo, sự rõ ràng của mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên cứu, triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu; mức độ khả thi của đề tài nghiên cứu thông qua năng lực, kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh đối với đề tài nghiên cứu, dự kiến kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu hợp lí.

- Phần trình bày của thí sinh: được cho tối đa 10 điểm

Tiêu chí này nhằm đánh giá thí sinh về các mặt: tính cách, trí tuệ, sự rõ ràng về phương pháp, nội dung nghiên cứu, tính khả thi trong kế hoạch để đạt những mong muốn đó và những tư chất cần có của một nghiên cứu sinh. Trường hợp cần thiết, có thể đánh giá năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh trong chuyên môn.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN