Trang Đảm bảo chất lượng
 
Lực đẩy từ kiểm định chất lượng giáo dục

Kiểm định chất lượng giáo dục đã và đang là xu thế chung nhằm khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học. Để hội nhập với thế giới, các trường buộc phải tham gia sâu vào hệ thống kiểm định chất lượng trong và ngoài nước.


Đa dạng hóa các tổ chức kiểm định

   Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định cho phép ba tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam. Đây đều là những tổ chức kiểm định danh tiếng và kiểm định đa ngành nghề đào tạo trên thế giới gồm FIBAA, AQAS và ASIIN. Trước đó, từ đầu năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép thành lập và hoạt động hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (trực thuộc Công ty CP Đầu tư giáo dục TP Hồ Chí Minh); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (trực thuộc Công ty CP Đầu tư giáo dục Hà Nội).

   Kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ hiệu quả giúp các trường kiểm soát và bảo đảm chất lượng đào tạo. Sự đa dạng hóa tổ chức kiểm định chất lượng cho phép các cơ sở giáo dục đại học giúp có thêm lựa chọn để đánh giá chất lượng đào tạo của mình. Mặt khác, nó tạo ra sự cạnh tranh ngay trong các tổ chức kiểm định chất lượng, mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở giáo dục, gia tăng cam kết chất lượng sau đào tạo của nhà trường với xã hội.

   Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy rõ xu hướng đó. Tính đến hết ngày 30/4/2021, cả nước có 192 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và 216 chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế. Trong số này, phần lớn chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận bởi Mạng lưới Bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

   Hiện nay, ngoài chất lượng đào tạo, mục tiêu hội nhập với hệ thống đánh giá, xếp hạng các trường đại học có tiếng trên thế giới là nhu cầu thực tế của không ít trường, nhằm gia tăng chỉ số học thuật và nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, để làm được việc đó, các trường đại học buộc phải khẳng định chất lượng qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục danh tiếng quốc tế.

   Đánh giá về xu hướng tích cực khi đa dạng hóa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, một kiểm định viên giáo dục thừa nhận đây sẽ là “cú huých” lớn cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam. “Trong bối cảnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đang gặp không ít điều tiếng về sự “dễ dãi” trong đánh giá, quyết định cho phép ba tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế vào Việt Nam hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thúc đẩy thị trường kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam tốt hơn về chất lượng. Thực tế, mỗi tổ chức kiểm định đều có những tiêu chí, phong cách làm việc khác nhau. Tuy nhiên, khi một chương trình đào tạo, một trường đạt chuẩn kiểm định theo các khung và thang bậc đánh giá của quốc tế, thương hiệu và chất lượng đào tạo của đơn vị đó chắc chắn sẽ được nâng lên”, vị kiểm định viên nhấn mạnh.

   “Thông qua bộ tiêu chuẩn, phương thức đánh giá của các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập từ nước ngoài sẽ giúp trường đại học Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Nhìn một cách tổng thể, việc có các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có nhiều khởi sắc, làm sáng lên bức tranh giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới ”, PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng nhận định.

Nhiều cơ sở chưa mặn mà

   Mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới là đến năm 2020, 100% số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm được kiểm định. Luật Giáo dục đại học năm 2019 cũng quy định rõ, các chương trình đào tạo không được kiểm định sẽ dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được kiểm định chất lượng. 

   Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 30/6/2021, có 160 cơ sở giáo dục đại học và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong khi đó, cả nước có 242 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Như vậy, còn khá nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.

   Một trong những điểm mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2019 là trường đại học không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn không ít trường chưa được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chiếm tỷ lệ nhỏ so số lượng chương trình đang tuyển sinh đào tạo. 

   Theo PGS, TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), hiện vẫn chưa có chế tài bắt buộc các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Ngoài ra, “tâm lý chung khi chọn trường, ngành, thí sinh chủ yếu tập trung vào độ hấp dẫn của ngành, “thương hiệu” của nhà trường. Mà “thương hiệu” này lại được đánh giá một cách cảm tính. Thông tin các chương trình đào tạo đã được đánh giá, được công nhận bảo đảm chất lượng gần như thí sinh và phụ huynh không quan tâm nhiều”, PGS, TS Đoàn Quang Vinh nhận xét.

   Ở một số cơ sở giáo dục hiện nay, đội ngũ giảng viên chưa bảo đảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Thậm chí, nhiều trường tìm cách đối phó bằng các hình thức đi thuê bằng tiến sĩ, thạc sĩ để mở ngành, duy trì ngành nhằm đáp ứng tạm thời các yêu cầu về xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành. “Đối với một trường học, để duy trì và phát triển thì đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo là quan trọng nhất và là nền tảng cho các hoạt động xây dựng và phát triển. Còn ở một số nơi, bằng cấp được gắn trên giấy chuẩn năm sao, thực học thì không có sao nào”, một giảng viên chia sẻ.

   PGS, TS Đinh Thành Việt, Trưởng ban Bảo đảm chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Kiểm định cấp trường có giá trị trong việc xác định uy tín chất lượng chung của cơ sở giáo dục và những điểm mạnh, điểm yếu trong nhiều lĩnh vực và hoạt động khác nhau trong trường và thường có ý nghĩa đối với công tác quản trị, quản lý, vận hành trường đại học. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sẽ giúp chỉ ra được những điểm mạnh và những vấn đề cần phải cải tiến đối với chương trình đào tạo và các hoạt động giảng dạy - học tập”.

   Theo yêu cầu của tiêu chuẩn kiểm định, nội dung đào tạo sẽ phải gắn liền với thực tiễn, đáp ứng tốt các chuẩn đầu ra và yêu cầu của các bên liên quan, đặc biệt là nhà tuyển dụng và thị trường lao động. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giảng dạy từ tài liệu học tập ở thư viện cho đến trang thiết bị phòng thí nghiệm - thực hành, phương tiện dạy học, hệ thống mạng - máy tính, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng phải được nhà trường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa…

   Vì vậy, việc cơ sở giáo dục đại học cố gắng đáp ứng một cách tốt nhất các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sẽ giúp người học được hưởng lợi khi theo học các chương trình đào tạo đã được kiểm định. Tuy nhiên, nhà trường phải đối mặt với quy mô giảng viên tăng sẽ kéo theo sự thay đổi trong cơ chế quản lý, đó là chưa tính đến việc bảo đảm quỹ lương, thu nhập… Đây là rào cản khiến một số trường chưa “mặn mà” với kiểm định chất lượng giáo dục.

Khuyến nghị để thúc đẩy kiểm định

   Hai nhà nghiên cứu là GS Đặng Ứng Vận (Đại học Hòa Bình) và TS Tạ Thị Thu Hiền, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị rằng: Để thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của hệ thống giáo dục đại học, cần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu trách nhiệm giải trình của họ, bao gồm quyền tự chủ về tổ chức, tài chính, biên chế và học thuật. Đặc biệt, sẽ tốt hơn nếu cho các cơ sở giáo dục đại học tự do hơn trong việc đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh của riêng họ và mở ra các khả năng thích ứng với sự biến động của thị trường lao động và nguồn nhân lực.

Phải khẳng định rằng, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ càng cao thì càng phải giải trình minh bạch và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Nói cách khác, trách nhiệm và giải trình tỷ lệ thuận với mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Báo cáo giải trình và trách nhiệm của cơ sở giáo dục phải chi tiết, công khai, toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và của từng cán bộ, giảng viên, nhân viên.

   Hoạt động kiểm định và công nhận, bước cuối cùng của quá trình bảo đảm chất lượng, cần được coi là hoạt động của xã hội để giám sát trách nhiệm và việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học. Mặt khác, kiểm định chất lượng sẽ buộc các trường đại học xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, giúp các trường đại học từng bước nâng cao tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm để có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về các quyết định này trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ cộng đồng và tài chính.


Bích Ngọc Báo Thời nay