Thông tin cho sinh viên
 
Có một mùa xuân trên núi

Cũng như bao sinh viên đi học xa nhà, đến ngày Tết cổ truyền, tôi lại có dịp trở về quê hương của mình sum họp với người thân để cùng đón Tết - cái Tết miền núi quen thuộc, chưa hề nhạt phai qua bao năm tháng xa quê.


Là một tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc, Cao Bằng không có những công trình kiến trúc hoành tráng hay những khu du lịch được Nhà nước đầu tư lớn, chỉ có núi rừng với thiên nhiên hùng vĩ. Vào mùa xuân, trên vùng núi quê tôi, Tết đến cùng với những cơn mưa phùn, những rặng hoa đào nở rộ núi rừng, những phiên chợ ngày xuân…

Bước chân đến nơi đây vào những ngày giáp Tết, sẽ không ai muốn bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm phiên chợ đặc biệt của đồng bào dân tộc. Ở vùng đất này, nhịp thời gian được tính bằng những phiên chợ, được tổ chức năm ngày một phiên tính theo ngày âm lịch (ngày 3, ngày 8,...). Chợ phiên là hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng, tạo nên nét văn hóa đặc sắc của họ. Vào những ngày giáp Tết, các loại hàng hóa, nông sản được bày bán phong phú hơn. Hàng hóa do bà con mang ra chợ bán chủ yếu là những sản vật của núi rừng hoặc do chính họ làm ra như: ngô, thóc, các loại rau, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, thịt trâu hay thịt bò của nhà; những mặt hàng thiết yếu khác như: dầu hỏa, muối, Kim Chi, mì chính, đèn, mì tôm… hay một số vật dụng cần thiết trong gia đình. Người mua, người bán đều vui vẻ hồ hởi, nói cười thân thiện.


Một góc phiên chợ vùng cao

Nói đến Tết Âm lịch ở Cao Bằng, không thể không đề cập đến các lễ hội truyền thống đầu năm, đây là dịp để mọi người về trẩy hội đón mừng xuân mới, cầu phúc cho một năm nhiều may mắn. Từ ngày 6 - 15 tháng Giêng tại nơi đây, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức như: Hội Đền Vua Lê (xã Hoàng Tung, Hòa An); Hội chùa Đống Lân, hội chùa Đà Quận (xã Hưng Đạo) và Hội Đền Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang),… đã thu hút đông đảo du khách thập phương.

Khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đẹp nhất vào mùa xuân. Con người dường như thong thả, an nhàn hơn sau một năm vất vả, bắt đầu chuẩn bị cho những mùa vụ tiếp theo. Đây cũng là khoảng thời gian thuận lợi nhất cho việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Chính vì vậy, trong các lễ hội truyền thống, không thể thiếu được những điệu hát, điệu múa, những trò chơi dân gian thú vị và lôi cuốn. Các trò chơi cũng hết sức đa dạng: trò chơi ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng… Trong đó, ném còn được xem là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất, bởi người dân quan niệm rằng, trong lễ hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi. 


Ném còn là trò chơi không thể thiếu trong các dịp Lễ hội ở vùng cao


Cũng giống như những nơi khác, người dân vùng núi Cao Bằng xem bánh Chưng là một món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ cúng gia tiên vào ngày Tết. Một loại đặc sản nổi tiếng không thể thiếu, được nhiều gia đình làm trong dịp Tết của người Cao Bằng là bánh Khảo. Nguyên liệu chính để làm bánh Khảo là gạo nếp, nhân bánh được làm từ lạc giã nhỏ, thịt mỡ nấu chín hoặc nhân đậu xanh nấu với đường; bánh thường được gói bằng giấy thủ công, dễ thấm nước, màu trắng hoặc xanh, đỏ, vàng... Ngoài ra, bữa cơm ngày Tết còn có các món ăn khác như chè lam, lạp xưởng hun khói…
Tết ở Cao Bằng như một tấm vải thổ cẩm nhiều màu, được thêu dệt từ những nét rất riêng của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây, từ những con người chân chất, bình dị và gần gũi với thiên nhiên, tạo nên một phong vị rất riêng, không thể nào trộn lẫn.


Nam Ly (QH-2013 QTKD)