Thông tin cho sinh viên
 
Cơ hội nào cho sinh viên Kinh tế lúc này?

Hơn ai hết, sinh viên kinh tế sắp tốt nghiệp biết rõ tình thế của mình. Trước thị trường lao động đang lúc khắc nghiệt, mỗi người đã ấp ủ những hướng đi riêng.


Mỗi người một hướng đi riêng
Ngân Hà, học ngành Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân, cuối tháng 8 này sẽ tốt nghiệp. Ngay từ năm 1, Hà đã đi làm, học thêm tiếng Anh, tham gia câu lạc bộ “Nhà kinh tế trẻ” của trường. Chuyên môn vững, tiếng Anh khá, cộng với kinh nghiệm tích lũy nhờ làm thêm, Hà có nhiều cơ hội hơn khi tốt nghiệp. Ngoài công ty Hà đang cộng tác, còn có thêm một số công ty chủ động mời Hà về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Hải Ninh, Đại học Thăng Long, dân Tài chính - Ngân hàng nhưng có thêm văn bằng 2 về Quản trị Kinh doanh. “Lúc này, các công ty có xu hướng chọn những người “đa năng” có thể đảm đương nhiều vị trí, công việc khác nhau để giảm thiểu chi phí. Mình có thể làm việc cả ở bộ phận tài chính lẫn kinh doanh. Cơ hội việc làm vẫn mở rộng”.
Tình hình này, nhiều bạn đã tính chuyện “quay trở lại” với xu hướng làm cho cơ quan nhà nước. Vũ Hoàng, Học viện Ngân hàng cho biết: “Tôi vốn không có ý định làm nhà nước vì lương thấp. Nhưng tôi đã thay đổi quan điểm. Dù thu nhập không cao thật, nhưng ổn định hơn”. Tuy nhiên, khu vực nhà nước rất coi trọng bằng cấp, bạn cần có bằng khá trở lên.
Đã định ở nhà đi làm 1-2 năm rồi du học, Tiến Thành, Đại học Thương mại, đã quyết định sẽ học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp. “Nhiều người sợ khủng hoảng khiến cho chi phí du học cao hơn, nhưng bạn biết đấy, chi phí tổng cho cả quá trình thì lại giảm, vì các nước phải ưu đãi để thu hút du học sinh. Mình tranh thủ cơ hội này để nâng cao trình độ, khi nào kinh tế phục hồi, quay về sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn”.
Thực tế là khủng hoảng khiến cho lượng du học sinh tại Mỹ, Anh, New Zealand, Nhật… đều giảm. Vì vậy, nhiều trường đã giảm học phí, tặng học bổng, tặng vé máy bay, laptop… để hút học sinh, thậm chí Úc còn cho phép sinh viên ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, có cơ hội xét định cư.
Còn Thu Thủy, dân Kinh tế đối ngoại, lựa chọn cách: “Không ai thuê mình thì tự mình sẽ thuê mình”. Thủy và nhóm bạn góp vốn mở quán cafe cho sinh viên. Với kinh nghiệm và một ít vốn tích lũy được nhờ bán hàng online, nhóm của Thủy rất tự tin.
Bình tĩnh và lạc quan
Đó là tâm trạng của những SV năm nhất. Có một thực tế là sau mỗi cuộc khủng hoảng, nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực chủ chốt của một nền kinh tế hiện đại như Tài chính, Chứng khoán… sẽ tăng cao. Vì thế, có thể coi đây là sự “chuẩn bị trước” cho sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế (nhiều dự báo là năm 2010).
Tuấn Anh - một du học sinh tại Ohio, Mỹ chia sẻ: “Apply vào đại học, tôi sẽ chọn ngành Kinh doanh Bất động sản. Ở Việt Nam hiện nay, kinh doanh Bất động sản chủ yếu vẫn mang tính tự phát chứ chưa có bài bản và chuyên nghiệp. Trong tương lai, ngành này ở Việt Nam sẽ phát triển ổn định và chuyên nghiệp hơn. Mình cứ chuẩn bị trước thì sau này học xong quay về, dù khủng hoảng hay không thì đều đã ở tư thế sẵn sàng”.


(Theo Nguyễn Trang - SVVN)