Thông tin cho sinh viên
 
Về một chuyến tham dự Diễn đàn sinh viên BESETOHA tại Nhật Bản

Chuyến đi ý nghĩa đối với 4 sinh viên ĐHQGHN.
Tôi không biết nói gì hơn về chuyến đi ấy ngoài những cảm nhận tuyệt vời, những kỷ niệm khó quên, những bài học hết sức bổ ích và những người bạn thân thiện. Bản thân tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được cùng với 3 sinh viên khác đại diện cho toàn thể sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia Diễn đàn sinh viên 4 Đại học lớn Đông Á BESETOHA (Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Tokyo và Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Nhật Bản từ ngày 5 đến 8/2/2009.


Đoàn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia Diễn đàn lần này gồm 4 thành viên: 2 sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Nguyễn Đình Minh Anh, Nguyễn Thanh Tùng) và 2 sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Trước chuyến đi, chúng tôi đã gặp gỡ làm quen và cùng nhau chuẩn bị cho chuyến đi hết sức ý nhĩa này, trong đó có một nhiệm vụ được đánh giá là “cực kỳ quan trọng”: chuẩn bị báo cáo tham gia Diễn đàn. Với chủ đề về tác động của khủng hoảng tài chính đến thị trường lao động, chúng tôi đã cùng nhau trao đổi, nghiên cứu và hoàn thành “sản phẩm” trong một khoảng thời gian “eo hẹp”. Thời gian làm báo cáo là dịp nghỉ tết nên mỗi người một nơi và phần lớn là trao đổi qua email. Thử thách đầu tiên được vượt qua trong niềm sung sướng bởi đó là kết quả của sự cố gắng từ tất cả các thành viên.
Sẵn sàng!
Theo lịch trình là 0h25 ngày 5/2, máy bay sẽ cất cánh nên 22h ngày 4/2 chúng tôi có mặt ở sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh. Hoàn thành tất cả, vào phòng chờ... và nghĩ về ngày mai khi mình ở Nhật Bản.

Khoảng 6 tiếng sau khi cất cánh, chúng tôi có mặt ở sân bay Narita Nhật Bản. Nghỉ ngơi chụp ảnh trong sân bay khoảng vài phút chúng tôi ra làm thủ tục nhập cảnh. Quả thật là may mắn cho chúng tôi, khi chị Hà Nguyên (ĐHKHXH&NV) - Trưởng đoàn - đã có một năm học tập ở Nhật Bản nên rất hiểu về phong tục và con người Nhật Bản.
Ngày đầu tiên...
Rời cửa sân bay, đã có 2 sinh viên Nhật Bản chờ sẵn, tiếp đón. Cảm nhận đầu tiên chính là sự thân thiện và gần gũi. Chỉ sau vài phút, chúng tôi đã bắt nhịp trò chuyện như những người bạn thân, cùng nhau đi xe bus và subway về Komaba Campus của Đại học Tokyo. Đây là nơi diễn ra những cuộc trao đổi, thảo luận và cũng chính là nơi nghỉ đêm đầu tiên của chúng tôi trong chuyến đi lần này. Chiều hôm đấy Đoàn sinh viên Việt Nam đã đi tham quan và ngắm cảnh Tokyo và có một bữa tiệc giao lưu đậm chất văn hóa Nhật Bản với sinh viên Đại học Tokyo và đoàn sinh viên Đại học Bắc Kinh và Đại học Seoul vào buổi tối. Đấy chính là bữa tiệc “khai màn” để chúng tôi làm quen và kết nối, xoá đi những khoảng cách và hòa vào tình bạn thân ái, mở màn cho những ngày hội thảo đầy thú vị.
Ngày thứ hai...
Buổi sáng chúng tôi đã đến tham quan Công ty chứng khoán Daiwa và tham gia 2 giờ giảng về 2 chủ đề: “Chiến lược đầu tư nước ngoài của Công ty chứng khoán Daiwa” và “Tác động của khủng hoảng tài chính đến các nền kinh tế Đông Á”. Để hiểu hơn về các vấn đề được trình bày, hầu hết các sinh viên tham gia đã đưa ra các câu hỏi và đã nhận được những câu trả lời hết sức ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ hiểu của các chuyên gia công ty Daiwa.
Trở lại Komaba Campus, chúng tôi tham gia giờ giảng của tổ chức phi lợi nhuận POSSE về “Những vần đề liên quan đến Môi trường lao động trẻ”. Một buổi học hữu ích cung cấp những góc nhìn đầy đủ về thị trường lao động Nhật Bản và rút ra những bài học cho mỗi sinh viên về những giá trị niềm tin và sự cố gắng. Chiều hôm đấy, chúng tôi đã đi ngắm cảnh ở Shibuya khoảng 2 tiếng và tham gia bữa tiệc do các giáo sư Đại học Tokyo mời. Trong buổi tối đấy, chúng tôi đã giới thiệu về Đại học quốc gia Việt Nam, Hà nội và cùng trò chuyện với các giáo sư.
Ngày thứ ba...
Một ngày bận rộn nhưng tuyệt vời! Phần mở đầu là bài giảng về “Toàn cầu hóa và triển vọng hợp tác Đông Á” của giáo sư Yukiko Fukagawa. Bài giảng của giáo sư đã phân tích những ưu điểm của Toàn cầu hóa cũng như những điểm hạn chế tồn tại. Bên cạnh đó giáo sư cũng đã đề cập đến những triển vọng hợp tác và vai trò của thế hệ trẻ. Giáo sư cũng đã khuyên chúng tôi phải luôn cố gắng để học tập thật tốt và sống có mục tiêu, có ước mơ và hoài bão. Sau bài giảng của giáo sư, các đoàn lần lượt trình bày báo cáo của mình và Đoàn sinh viên ĐHQGHN đã có một bài thuyết trình thành công. Buổi sáng kết thúc bằng 1 bữa ăn nhanh với những câu chuyện vui vẻ. Phải công nhận rằng những món ăn ở Nhật Bản thật lạ và ngon, từ hương vị đến cách sắp xếp, trang trí. Đúng 13h30, chúng tôi trở lại phòng hội thảo tổng kết công việc trong những ngày qua. Sau đấy, các sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ, cùng nhau trao đổi về nghề nghiệp, về tương lai và về trường Đại học của chính mình. Không bỏ qua cơ hội này, tôi đã giới thiệu với các bạn về Đại học quốc gia Hà nội, về Trường Đại học Kinh tế và về chuyên ngành mà tôi đang theo học. Tôi cảm nhận rằng, tất cả diễn ra rất đẹp, tôi đã có những người bạn tuyệt vời. Đúng 17h30, hội thảo kết thúc …chúng tôi nói lời chia tay (mặc dù chúng tôi còn 1 bữa tiệc vào đêm hôm đấy). Những cảm xúc dâng trào và nhiều sinh viên trong chúng tôi đã khóc. Chúng tôi đã đang và sẽ mãi là những người bạn.
Đêm cuối cùng…!
Là một đêm không thể quên! Một nhà hàng truyền thống Nhật Bản, một sinh nhật ấm áp của một thành viên Tokyo, một không khí thân thiện của tình bạn, tình thân ái. Tất cả đã cùng quyện hòa và làm nên một buổi chia tay đầy ý nghĩa.
Chúng tôi nghĩ rằng đó là khoảnh khắc cuối được gặp các bạn. Nhưng quá may mắn và hạnh phúc cho chúng tôi - những sinh viên Việt Nam - khi mà đêm hôm ấy các bạn sinh viên Đại học Tokyo đã đến phòng trò chuyện và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến chúng tôi. Quả thật đó là một món quá vô giá! Và chúng tôi cũng không quên gửi các bạn những lời cảm ơn chân thành nhất…
Sayoonara (Chào tạm biệt)!


Chúng tôi được đón tiếp nồng hậu. (Tác giả bài viết đứng giữa: Nguyễn Đình Minh Anh, QH-2006-E CLC Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT - ĐHQGHN)


Đêm chia tay đáng nhớ!


Nguyễn Đình Minh Anh (QH-2006-E CLC)