Thông tin cho sinh viên
 
Sinh viên ĐHKT tham dự Diễn đàn Sinh viên quốc tế tại Thái Lan

Đoàn ĐHKT trong buổi thuyết trình tại diễn đàn
Từ ngày 21 đến 25/8/2013, đoàn sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do TS. Nguyễn Viết Thành - giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển dẫn đầu đã có chuyến đi ý nghĩa tham dự Diễn đàn Sinh viên quốc tế (ISF - International Students Forum) lần thứ 6 tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan).


Diễn đàn Sinh viên quốc tế (ISF) là diễn đàn được khởi xướng bởi Đại học Oita - Nhật Bản (đơn vị đã có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN từ năm 2009). ISF gồm 6 trường đại học thành viên: Đại học Oita (Nhật Bản), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (Việt Nam), Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc), Đại học Paderborn (Đức) và Đại học Shenzhen (Trung Quốc). Diễn đàn được tổ chức 2 năm một lần và đến nay đã diễn ra được 5 lần tại các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan. Chủ đề của ISF năm nay là: “Giới trẻ: trách nhiệm xã hội và bền vững toàn cầu”.
Đoàn sinh viên ĐHKT gồm: Bùi Thanh Hằng, Nguyễn Hà Phương (QH-2010-E KT&KDQT CLC), Lương Thị Tuyến, Nguyễn Thị Thanh Nga (QH-2010-E KTPT) và Bùi Thị Hương Lan (QH-2011-E TCNH). Trong ngày đầu tiên tại Thái Lan, cả đoàn đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Đại học Chiang Mai.
Trong hai ngày tiếp theo, đoàn chính thức tham gia diễn đàn với những buổi hội thảo về các vấn đề mang tính toàn cầu và vấn đề nóng tại các quốc gia hiện nay. Những vấn đề về phát triển bền vững rất được quan tâm và trở thành điểm nhấn của diễn đàn.


Đoàn đại biểu các nước tham gia ISF 2013 chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn


Đoàn sinh viên ĐHKT mang đến diễn đàn 4 bài thuyết trình bàn luận đến phát triển bền vững như: biến đổi khí hậu và sinh kế người dân ven biển; ảnh hưởng của túi ni lông trong thói quen của người tiêu dùng và bài học cho Việt Nam; thu hút FDI xanh với mục đích phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam; doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nghiên cứu điển hình tại Trung tâm Sao Mai.

Những tham luận của sinh viên ĐHKT đã nhận được đánh giá cao của các giáo sư và sinh viên tham dự diễn đàn. Phần thuyết trình của sinh viên Bùi Thị Hương Lan nhận được sự quan tâm đặc biệt của Giáo sư Yuichi Kimura (Đại học Oita - Nhật Bản), ông bày tỏ mong muốn tìm hiểu và đóng góp cho Trung tâm Sao Mai - một trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
Chia sẻ về điều này, Hương Lan cho biết: “Em rất vui khi đề tài của mình lại nhận được sự quan tâm như vậy. Hy vọng thông qua đề tài này em có thể kêu gọi các nhà tài trợ cho Trung tâm Sao Mai. Điều đó thực sự có ý nghĩa với em và những trẻ em tàn tật tại trung tâm”.
Các bài thuyết trình của đoàn đến từ Đại học Oita, Đại học Paderborn, Đại học Chiang Mai xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế bền vững như: giải quyết vấn đề thất nghiệp của giới trẻ tại Nhật Bản; bền vững về văn hóa, giáo dục tại Đức; việc tiêu dùng rau sạch không có thuốc trừ sâu tại Thái Lan…
Các đại diện đến từ Trường Đại học Shengzhen (Trung Quốc) và Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) lại mang đến diễn đàn những bàn luận về trách nghiệp của doanh nghiệp xã hội, quản lý rủi ro doanh nghiệp tại Hàn Quốc; trách nhiệm của giới trẻ tại Trung Quốc đối với bền vững toàn cầu, tương tác ràng buộc của chất IGCG từ trà xanh…
Những tham luận tại diễn đàn đã nhận được nhiều trao đổi, góp ý của các giáo sư và sinh viên tham dự. Theo đánh giá của các đại biểu, mỗi vấn đề đều được sinh viên nghiên cứu khá sâu sắc, chất lượng các bài trình bày của sinh viên cũng tương đối tốt. Đặc biệt, đối tượng tham gia thuyết trình lần này không chỉ có sinh viên mà còn có cả thạc sĩ và tiến sĩ.  
Trong khuôn khổ diễn đàn, đoàn sinh viên các trường cũng có cơ hội được tìm hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Thái lan, cũng như được đến thăm các làng nghề truyền thống của Thái Lan như: làng nghề dệt vải, làm gốm, làm ô…

Sinh viên ĐHKT với tiết mục múa "Việt Nam quê hương tôi"

Tại bữa tiệc chia tay, các sinh viên ĐHKT đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế với ba tiết mục đặc sắc: bài hát “Hello Viet Nam”, bài múa nón với trang phục áo dài truyền thống “Việt Nam quê hương tôi” và điệu nhảy “Jaiho” khuấy động không khí, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo sinh viên quốc tế.

Các đại diện ĐHKT cho biết, hành trình 4 ngày tại Thái Lan dù khá ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với mỗi thành viên. Chuyến đi mang đến những kiến thức kinh tế bổ ích và những trải nghiệm thú vị về con người và đất nước bạn. Mặt khác, chuyến đi cũng chính là cơ hội để sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN có thể giới thiệu và thể hiện mình với bạn bè quốc tế.
Sinh viên Nguyễn Hà Phương chia sẻ: “ISF thật tuyệt vời! Chúng em đã được giao lưu, học hỏi rất nhiều, tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau không phải qua sách báo, phim ảnh mà từ chính những giới thiệu, chia sẻ của các bạn sinh viên quốc tế”.



Đoàn ĐHKT cùng các giáo sư và sinh viên ĐH Chiang Mai

Tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, hàng năm, hoạt động giao lưu trao đổi kiến thức, văn hóa với các trường đại học quốc tế luôn được lãnh đạo nhà trường quan tâm và tạo điều kiện để các sinh viên, giảng viên có cơ hội tham gia.
Bên cạnh ISF, sinh viên ĐHKT đã đưcợ tham gia nhiều chương trình khác như: Diễn đàn thủ lĩnh sinh viên ASEAN (ASEAN Student Leaders Forum), Liên hoan văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Malaysia… hay giao lưu với các trường đại học như: ĐH Osaka, ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Quốc gia Singapore…

Lương Thị Tuyến (QH-2010-E KTPT)