Trang Đào tạo đại học
 
Chức năng và nhiệm vụ của Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Đại học Quốc gia Hà Nội quy định, Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:


1. Liên hệ với trường đối tác, các cá nhân và tập thể có liên quan để ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng theo yêu cầu của đề án thành phần và đề nghị của Giám đốc đề án thành phần; điều phối và chỉ đạo Giám đốc đề án thành phần xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động của đề án thành phần theo đúng quy định để đạt mục tiêu, sản phẩm của đề án thành phần.

2. Xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển sinh đảm bảo đúng các quy chế, quy định hiện hành và chọn được người học tốt nhất trong điều kiện hiện có, đảm bảo chất lượng.

3. Điều phối và chỉ đạo các phòng ban chức năng, trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Giám đốc đề án thành phần thực hiện các kế hoạch do Giám đốc đề án thành phần xây dựng và đã được Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược thông qua.

4. Định hướng phát triển bền vững đối với các ngành, chuyên ngành thuộc đề án thành phần, thỏa thuận với trường đại học đối tác về công nhận tương đương văn bằng; công nhận và chuyển hóa tín chỉ; trao đổi sinh viên, giảng viên; tạo các nguồn thu nhằm duy trì hoạt động của ngành/chuyên ngành ở trình độ cao.

5. Quản lý, sử dụng hợp lý, có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí được phân bổ cho các đề án thành phần của đơn vị từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác. Theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán các hợp đồng đã ký kết.

6. Phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ sở khoa học, giáo dục đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước, chính quyền các địa phương nhằm thực hiện tốt đề án thành phần. Khai thác tốt các nguồn lực từ bên ngoài đảm bảo hoạt động tự chủ kinh phí ngoài nguồn ngân sách cho hoạt động của ngành và chuyên ngành trong và sau đầu tư kiểu dự án.

  • Nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức giải quyết công việc của Trưởng ban, Phó Trưởng ban điều hành NVCL:
1. Trưởng ban điều hành NVCL:

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo nhiệm vụ chiến lược ĐHQGHN về toàn bộ các việc liên quan đến nhiệm vụ chiến lược tại Trường Đại học Kinh tế.

b) Trưởng ban điều hành điều hành nhiệm vụ chiến lược được sử dụng con dấu của Trường Đại học Kinh tế để ký các văn bản liên quan đến nhiệm vụ chiến lược, có thể ủy quyền cho các Phó Trưởng ban điều hành nhiệm vụ chiến lược ký thay theo các lĩnh vực do Phó Trưởng ban được phân công phụ trách.

c) Kiểm soát các hoạt động nhiệm vụ chiến lược theo kế hoạch đã được ĐHQGHN phê duyệt.

2. Phó Trưởng ban điều hành nhiệm vụ chiến lược:

a) Tham mưu và giúp Trưởng ban chỉ đạo, điều hành về các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ chiến lược.

b) Trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc giải quyết các việc liên quan đến nhiệm vụ chiến lược theo mảng việc được Trưởng ban phân công.

c) Báo cáo Trưởng ban theo định kỳ và đột xuất về các công việc liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách.

  • Nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức giải quyết công việc của Giám đốc đề án thành phần:
1. Tiêu chuẩn Giám đốc đề án thành phần:

Giám đốc đề án thành phần trực tiếp quản lý, điều hành đề án thành phần thông qua cơ chế phối hợp và chịu trách nhiệm về kế hoạch, tổ chức và chất lượng thực hiện đề án thành phần trước Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược.

Giám đốc đề án thành phần có những tiêu chuẩn sau:

- Là Chủ nhiệm khoa có đề án thành phần. Trong trường hợp đặc biệt phải báo cáo và được sự đồng ý của ĐHQGHN.

- Sử dụng tiếng Anh thành thạo trong quản lý, điều hành.

- Có cam kết đồng thuận, trách nhiệm cao và quyết tâm thực hiện đề án thành phần.

2. Nhiệm vụ của Giám đốc đề án thành phần:

- Xây dựng và đề xuất với Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược về kế hoạch thực hiện các nội dung của đề án thành phần và các hợp đồng đã ký với ĐHQGHN.

- Tổ chức thực hiện các nội dung của đề án thành phần theo kế hoạch hàng năm đã được Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược thông qua.

- Tìm kiếm các nguồn tài trợ, tổ chức các hoạt động tạo nguồn kinh phí phục vụ đề án thành phần.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng để khảo sát và nắm vững tình hình tốt nghiệp và việc làm của người học sau khi tốt nghiệp.

- Theo dõi, thống kê số liệu về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của đề án thành phần.

- Thực hiện các báo cáo về việc thực hiện đề án thành phần theo yêu cầu của Ban chỉ đạo nhiệm vụ chiến lược ĐHQGHN và Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược - Trường Đại học Kinh tế.

- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của Ban chỉ đạo nhiệm vụ chiến lược ĐHQGHN và Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược - Trường Đại học Kinh tế.

3. Quyền hạn và cách thức giải quyết công việc của Giám đốc đề án thành phần:

- Được cung cấp đầy đủ thông tin về đề án thành phần (gồm đề án thành phần đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; các văn bản chỉ đạo, phân bổ kinh phí, hướng dẫn thực hiện đề án thành phần của ĐHQGHN; các báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện đề án thành phần và các thông tin liên quan khác).

- Chủ động đề xuất kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch thực hiện đề án thành phần hàng năm để Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược xem xét, quyết định.

- Được quyền đề xuất và chủ động điều động, phân công cán bộ, giảng viên của khoa, của đơn vị khác tham gia triển khai đề án thành phần (trên cơ sở kế hoạch cụ thể đã được Trưởng ban điều hành phê duyệt) tùy theo trình độ và khả năng tham gia thực hiện các công việc liên quan đến nội dung của đề án thành phần (quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, và các hoạt động liên quan khác).

- Làm việc trực tiếp với Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban điều hành nhiệm vụ chiến lược để giải quyết các công việc cấp thiết liên quan đến việc thực hiện các nội dung của đề án thành phần.

- Phối hợp với các phòng ban chức năng để đề nghị triển khai thực hiện các nội dung của đề án thành phần liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban (đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự, công tác chính trị sinh viên, tài vụ, hành chính và các nội dung phù hợp khác).

- Thực hiện việc chi tiêu từ các nguồn kinh phí nhiệm vụ chiến lược cho đề án thành phần theo đúng nội dung của đề án thành phần và quy định của ĐHQGHN.

- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.

  • Nhiệm vụ, quyền hạn, cách thức giải quyết công việc của Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược và chuyên gia tư vấn (nếu có):

1. Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược gồm có các Chủ nhiệm Khoa/bộ môn có đề án thành phần, các Giám đốc đề án thành phần, một số lãnh đạo phòng/ban/bộ phận chức năng của Trường Đại học Kinh tế.

2. Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược là các lãnh đạo phòng/ban/bộ phận chức năng thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Tham mưu cho Trưởng ban về tổ chức, chỉ đạo và quản lý mọi hoạt động liên quan nhiệm vụ chiến lược thuộc chức năng, lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.

b) Theo dõi, giám sát, tư vấn hoặc trực tiếp triển khai các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ chiến lược theo kế hoạch được Trưởng ban phê duyệt và theo đề nghị của Giám đốc đề án thành phần.

c) Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo các đầu mục công việc chính liên quan đến Giám đốc đề án thành phần được nêu tại Điều 10 của Quy định này.

d) Triển khai các nhiệm vụ khác theo đúng Quy định về phân cấp quản lý của Trường Đại học Kinh tế.

3. Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược là chủ nhiệm khoa có đề án thành phần thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau (chỉ áp dụng trong trường hợp Chủ nhiệm khoa ủy quyền cho Phó Chủ nhiệm khoa làm Giám đốc đề án thành phần):

a) Tham mưu và trợ giúp cho Trưởng ban về triển khai các hoạt động chung của Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược.

b) Hỗ trợ Giám đốc đề án thành phần làm việc với các đơn vị chức năng khác trong Trường để triển khai các nhiệm vụ của Chương trình nhiệm vụ chiến lược theo đề nghị của Giám đốc đề án thành phần.

c) Huy động và phối hợp các nguồn lực khác để hỗ trợ Giám đốc đề án thành phần triển khai Chương trình nhiệm vụ chiến lược theo kế hoạch được Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược phê duyệt và theo đề nghị của Giám đốc đề án thành phần.

4. Chuyên gia tư vấn:

Là những Nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý có uy tín cao trong lĩnh vực chuyên môn; việt kiều và người nước ngoài có chuyên môn, năng lực phù hợp với lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và quản lý chương trình đào tạo được Trưởng ban điều hành nhiệm vụ chiến lược mời. Nhiệm vụ cụ thể của chuyên gia tư vấn được thể hiện cụ thể trong hợp đồng mời tư vấn.

  • Một số công việc cụ thể của Giám đốc đề án thành phần:
1. Hoạt động đào tạo:
a) Công tác tuyển sinh:

- Đầu mối PR, giới thiệu và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập.

- Cử cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, phối hợp thực hiện các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh theo nhiệm vụ được phân công.

b) Công tác chương trình đào tạo, học liệu, đề cương môn học:

- Đầu mối tổ chức xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo, tổ chức biên soạn đề cương môn học, biên soạn ngân hàng câu hỏi thi theo đúng kế hoạch được duyệt; xây dựng ngân hàng giảng viên và điều phối giảng viên giảng dạy chương trình nhiệm vụ chiến lược theo đúng quy định.

- Tổ chức xây dựng ngân hàng học liệu và đầu mối đề xuất sách nhập, dịch, biên dịch, tổ chức biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo.

c) Tổ chức đào tạo:

- Đầu mối làm việc với Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược (phụ trách đào tạo) để thống nhất xây dựng kế hoạch đào tạo trình Hiệu trưởng phê duyệt.

- Trực tiếp phân công giảng viên tham gia chương trình nhiệm vụ chiến lược; ký và thanh lý hợp đồng với giảng viên đáp ứng điều kiện của chương trình theo ngân hàng giảng viên được phê duyệt.

- Phối hợp với Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược (Trong trường hợp Chủ nhiệm khoa không là Giám đốc đề án thành phần) thực hiện việc quản lý tình hình giảng dạy và học tập của giảng viên và người học theo quy định kỷ cương, nề nếp của Trường Đại học Kinh tế.

- Tổ chức, quản lý thi giữa kỳ và thực hiện công tác chấm thi giữa kỳ.

- Phối hợp với Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược (phụ trách đào tạo) để thống nhất phương án xây dựng lịch thi, tổ chức thi cuối kỳ, công bố kết quả thi cho sinh viên; lưu giữ kết quả của người học.

d) Thực tập, thực tế, khóa luận tốt nghiệp, luận văn và luận án:

- Chủ động phân công giáo viên hướng dẫn, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thực tập, thực tế theo kế hoạch được phê duyệt của Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược.

- Triển khai kế hoạch thực hiện khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án theo qui định của nhà trường.

e) Phối hợp với Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược xét ngừng học, thôi học, chuyển đổi chương trình đào tạo, xét tốt nghiệp.

2. Công tác sinh viên

- Phối hợp với Phòng Đào tạo tổ chức nhập học và lễ khai giảng, bế giảng, trao bằng tốt nghiệp.

- Phối hợp với Phòng Đào tạo tính điểm rèn luyện và xét học bổng cho sinh viên.

3. Tổ chức Nhân sự:

a) Đề xuất kiện toàn mô hình hoạt động và quản lý của Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược.

b) Phối hợp với Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược (phụ trách nhân sự) triển khai các chương trình đào tạo, trao đổi nâng cao năng lực phục vụ Chương trình nhiệm vụ chiến lược; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Chương trình.

4. Kế hoạch - Tài chính:

a) Phối hợp với Ủy viên Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược (phụ trách Kế hoạch - Tài chính) lập kế hoạch tài chính tương thích với nhiệm vụ của chương trình.

b) Chủ động lập kế hoạch, dự trù kinh phí đề nghị phê duyệt cho các hoạt động phát sinh ngoài kế hoạch.

5. Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển

- Đầu mối liên hệ tìm kiếm các đối tác, đề tài, dự án cho chương trình. Triển khai kế hoạch hợp tác theo phê duyệt của Ban điều hành nhiệm vụ chiến lược.

- Đầu mối triển khai các hoạt động NCKH sinh viên

- Phối hợp với Phòng NCKH&HTPT, Lãnh đạo khoa phụ trách NCKH thực hiện các đề tài, dự án NCKH của đề án.

6. Các hoạt động khác liên quan đến Chương trình nhiệm vụ chiến lược: thực hiện đúng theo đúng quy định về phân cấp quản lý của Trường Đại học Kinh tế.


Quyết định số 385/QĐ-ĐHKT, ngày 29/2/2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN