Trang Đào tạo đại học
 
Tổng quan về Đề án “Xây dựng và phát triển ngành QTKD đạt chuẩn quốc tế” của ĐHKT

Đề án thành phần (ĐATP) xây dựng và phát triển ngành Quản trị kinh doanh (QTKD) đạt trình độ quốc tế là một trong các ĐATP thuộc nhiệm vụ chiến lược (NVCL) của ĐHQGHN nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, NCKH, quản lý điều hành, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, từng bước phát triển ĐHQGHN đạt trình độ đẳng cấp quốc tế. ĐATP được thực hiện từ năm 2008 - 2014, tại Khoa QTKD, Trường ĐHKT - ĐHQGHN với quy mô đào tạo hàng năm khoảng 60 SV.


Ngay từ đầu năm 2007, những tín hiệu khả quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đầu tư trong và ngoài nước, hàng loạt doanh nghiệp mới ra đời và mở rộng quy mô sản xuất đã tạo ra “cơn sốt” thiếu hụt nguồn lao động. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cơn sốt thiếu lao động đang lan rộng. Trong hội nghị APEC vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có dịp gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá là thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, nếu không giải quyết tốt, sự thiếu hụt đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và tiến độ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nói riêng. Để khắc phục sự hụt hẫng nguồn nhân lực, đã có không ít doanh nghiệp buộc phải thuê lao động quản lý nước ngoài có trình độ cao và thích nghi môi trường cạnh tranh cao.

Hiện nay, mức lương trả cho người nước ngoài cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với người Việt, chưa kể phụ cấp đi lại, nơi ở. Thực trạng này đặt ra vấn đề cần phải nội địa hóa bộ máy quản lý để giảm chi phí. Đây cũng là một trong những mục tiêu nhiều liên doanh dự kiến thực hiện trong năm 2006. Tuy nhiên, nhân tài luôn hiếm, nhất là những người vững về chuyên môn lại có khả năng giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh và kinh nghiệm quản lý. So với các nước trong khu vực, thứ bậc xếp hạng về chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp. Hiện nay Việt Nam chỉ đạt 3,79/10, so với Trung Quốc là 5,73/10 và Thái Lan là 4,04/10. Do đó, Việt Nam không chỉ thiếu nguồn nhân lực về số lượng mà còn cả chất lượng.

Ở các nước trên thế giới, đào tạo ngành QTKD đang là một trong những mũi nhọn của hầu hết các nước phát triển. Mỗi năm có hàng ngàn doanh nghiệp ở Mỹ được thành lập, song song với nó là hàng ngàn doanh nghiệp phá sản. Do vậy, nhu cầu doanh nhân tài giỏi để lãnh đạo doanh nghiệp và cạnh tranh trong bối cảnh khốc liệt đã khiến cho nhu cầu đào tạo nhân lực ngành QTKD trở thành then chốt quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Tại Thái lan, Singapore, Malaysia và đặc biệt là Trung Quốc, Chính phủ các nước này đã có chính sách chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành QTKD bên cạnh sự phát triển về khoa học công nghệ.

Hiện nay, hầu hết các nước đã xây dựng được chương trình đào tạo ngành QTKD đạt trình độ khu vực và được thế giới công nhận, gián tiếp thu hút lượng lớn SV học ngành QTKD trong nước và hạn chế nạn chảy máu chất xám. Trung Quốc đã và đang ngày càng khẳng định vị thế về đào tạo chất lượng cao với hai trường ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh nằm trong top 500 trường ĐH hàng đầu thế giới, trong đó có ngành QTKD. Có thể thấy, các nước trên thế giới đã nhìn thấy nhu cầu bức thiết đào tạo đội ngũ doanh nhân chất lượng cao nên đã đi trước trong việc xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận với các nước danh tiếng trên thế giới.

Tại Việt Nam, mặc dầu có nhiều cơ sở đào tạo cử nhân ngành QTKD như Trường ĐHKT - ĐHQGHN, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thương mại, Học viện Tài chính, v.v... nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo ở trong nước còn nhiều hạn chế, không chỉ bởi môi trường học tập mà còn do những yếu kém trong chương trình đào tạo cũng như trong PPGD và phương pháp KTĐG. Cụ thể là giáo trình còn lạc hậu, thiếu tính thực tiễn, phương pháp học của SV rất thụ động, khả năng tự học, tự thực hành còn yếu. PPGD còn nặng về lý thuyết, năng lực đội ngũ GV không đồng đều, nhất là trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, do học toàn bộ bằng tiếng Việt, SV Việt Nam còn hạn chế về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để tìm hiểu thông tin, giao tiếp và hội nhập với môi trường quốc tế.

Song song với các chương trình đạo tạo cử nhân QTKD trong nước, nhiều trường ĐH ở Việt Nam cũng đã liên kết với các trường ĐH nước ngoài đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ QTKD. Các chương trình liên kết này phần nào đã giúp SV tăng cường khả năng ngoại ngữ, tiếp cận tới các chương trình và phương pháp học hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, những chương trình này thường yêu cầu mức học phí khá cao từ 1.500 USD đến 6.000USD/năm, nên sự đa dạng trong đối tượng tuyển sinh là rất hạn chế. Cũng vì lẽ đó mà chương trình này thường chỉ tập trung vào những SV có điều kiện về tài chính mà chưa chú trọng đến chất lượng đầu vào tuyển sinh. Vì vậy, có nhiều SV sau một thời gian đã không theo học tiếp chương trình.

Thực trạng công tác đào tạo cử nhân QTKD ở nước ta đã cho thấy sự chưa đồng bộ và hệ thống giữa các trường ĐH trên cả nước. Tình trạng đào tạo manh mún, nhỏ lẻ, yêu cầu cao về khả năng tài chính của SV ở các trường ĐH đào tạo cử nhân QTKD hiện nay cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức của các trường nói riêng và Nhà nước nói chung.

Trước tình hình này, Trường ĐHKT - ĐHQGHN xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển ngành QTKD đạt trình độ quốc tế”.

Các lợi ích Đề án thành phần mang lại:
1)  Đối với người học

(i) Được phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm, được trang bị các kiến thức QTKD hiện đại, cập nhật và mang tính thực tiễn cao, đủ năng lực làm việc trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế;

(ii) Được tăng cường tiếng Anh từ năm thứ nhất để có thể học được các môn chuyên môn bằng tiếng Anh trong suốt khóa học, bảo đảm đủ tiếng Anh làm việc và nghiên cứu độc lập khi tốt nghiệp;

(iii) Được học tập theo chương trình đào tạo tiên tiến, PPGD hiện đại, tham gia các đề tài NCKH thực hiện bởi các GV giỏi có trình từ TS trở lên;

(iv) Được học tập và nghiên cứu trong điều kiện CSVC, trang thiết bị, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, các dịch vụ hỗ trợ… tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

2) Đối với giảng viên, cán bộ quản lý

(i) Được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kiến thức, kỹ năng, trình độ, ngoại ngữ, thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn (trong và ngoài nước), thông qua giảng dạy, nghiên cứu khoa học (thực hiện đề tài, dự án, hoạt động chuyển giao KH&CN, viết sách, viết bài báo, tổ chức hội nghị/hội thảo quốc tế...); CBQL được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng về quản trị đại học, ngoại ngữ thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (trong và ngoài nước), thông qua làm việc trong môi trường quản trị đại học đạt trình độ quốc tế;

(ii) Được giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường có tính quốc tế và đối tượng là SV có chất lượng; CBQL được tiếp cận với qui trình quản trị đại học hiện đại, được thực hiện công quản lý các hoạt động gắn với chất lượng và hiệu quả của sản phẩm đầu ra;

(iii) GV có thêm cơ hội, môi trường để nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, có thêm sinh viên giỏi để tiếp tục phát triển, tham gia hướng nghiên cứu;

(iv) CBQL đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp, công nghệ quản trị đại học tiên tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.

3) Đối với khoa QTKD, Trường ĐHKT - ĐHQGHN

(i) Xây dựng được đội ngũ GV có năng lực chuyên môn cao, có PPGD, KTĐG hiện đại, có khả năng tiếp cận với KH&CN đỉnh cao và giảng dạy được chuyên môn bằng tiếng Anh;

(ii) Đào tạo được đội ngũ CBQL có kiến thức và kỹ năng về quản trị ĐH tiên tiến;

(iii) Xây dựng được CSVC, học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo đạt trình độ quốc tế; tạo sức lan tỏa cho các ngành và chuyên ngành khác phát triển đạt trình độ quốc tế, tiến tới đơn vị đạt chuẩn quốc tế;

(iv) Hình thành mối quan hệ hợp tác bền vững với các trường ĐH có uy tín, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước;

(v) Nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu và khả năng thu hút các nguồn lực để phát triển ngành và khoa đạt chuẩn quốc tế.

4) Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội

(i) Từng bước thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, khẳng định vị thế của ĐHQGHN trong khu vực và trên thế giới;

(ii) Góp phần thực hiện thành công lộ trình phát triển ĐHQGHN đạt trình độ phát triển của khu vực và quốc tế, đáp ứng cao yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước;

(iii) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả liên thông liên kết giữa các đơn vị thành viên của ĐHQGHN thông qua triển khai các hoạt động chung của ĐATP giữa các đơn vị của ĐHQGHN;

(iv) Nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu và khả năng thu hút nhiều nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.

5) Đối với xã hội

(i) Được cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;

(ii) Các hoạt đông hợp tác của ĐATP góp phần đẩy nhanh việc hội nhập khu vực và quốc tế, tạo tác động lan tỏa tốt đến các lĩnh vực khác hội nhập với nền kinh tế thế giới;

(iii) Từng bước giảm được lượng ngoại tệ “chảy ra” nước ngoài qua con đường du học và tiến tới thu hút được ngoại tệ từ SV nước ngoài đến học.