Trang Đào tạo đại học
 
Hướng dẫn tìm hiểu nội dung của phiếu khảo sát



 

Diễn giải các tiêu chí đánh giá:

Phần I: Hoạt động giảng dạy của giảng viên

Tiêu chí 1: Giảng viên truyền tải đầy đủ các kiến thức về học phần theo đề cương môn học đã công bố

· Mức 1: Giảng viên hoàn toàn không thực hiện đúng theo các quy định trong đề cương chi tiết học phần: không cung cấp các thông tin có liên quan đến mục tiêu học phần, nội dung chương trình, kế hoạch giảng dạy chi tiết học phần cho người học; chưa tuân thủ theo kế hoạch giảng dạy, kiểm tra đánh giá học phần như đã ban hành. Không có hướng dẫn học tập phù hợp với nội dung học phần và yêu cầu dạy - học, phổ biến nội dung kiến thức giảng dạy không chính xác, không đúng với đề cương học phần đã công bố.

· Mức 2: Giảng viên chưa thực hiện giảng dạy theo các quy định trong đề cương chi tiết học phần: chưa cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến mục tiêu học phần, nội dung chương trình, kế hoạch giảng dạy chi tiết học phần cho người học; chưa tuân thủ kế hoạch giảng dạy, kiểm tra đánh giá học phần như đã ban hành; chưa có hướng dẫn học tập phù hợp với nội dung học phần và yêu cầu dạy - học; nội dung kiến thức giảng dạy chưa chính xác, chưa hoàn toàn phù hợp với đề cương chi tiết học phần đã công bố.

· Mức 3: Giảng viên đã thực hiện các quy định trong đề cương chi tiết học phần nhưng chưa có hướng dẫn học tập cụ thể phù hợp với nội dung học phần và các yêu cầu dạy - học nhằm giúp người học chủ động học tập tích cực.

· Mức 4 : Giảng viên thực hiện đầy đủ các quy định trong đề cương chi tiết học phần: truyền đạt nội dung kiến thức đúng với đề cương đã công bố cho người học trên trang web, đưa ra các hướng dẫn học tập môn học cụ thể, giúp sinh viên chủ động học tập và tìm hiểu kiến thức học phần.

· Mức 5 : Đạt mức 4. Giảng viên truyền tải đầy đủ nội dung kiến thức có liên quan đến học phần, lĩnh vực theo học; có nội dung bài giảng chính xác, cập nhật kiến thức mới, hiện đại và có bài tập liên hệ thực tế, phương pháp tiếp cận phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học; giảng dạy dễ hiểu, khơi dậy sự hứng thú và khuyến khích người học chủ động học tập, tạo điều kiện cho người học chủ động lĩnh hội kiến thức.

Tiêu chí 2: Giảng viên giúp sinh viên liên hệ giữa kiến thức được học và thực tiễn của học phần

· Mức 1: Giảng viên chỉ cung cấp các kiến thức có liên quan đến học phần. Các nội dung kiến thức hoàn toàn là lý thuyết, không gắn với thực hành/thực tế; người học không có hình dung cụ thể về kiến thức được trang bị, dẫn đến không hiểu và không đáp ứng được yêu cầu của học phần.

· Mức 2: Giảng viên cung cấp các kiến thức có liên quan đến học phần; có nội dung phù hợp với yêu cầu của học phần nhưng không có hướng dẫn người học cụ thể, chính xác về cách thức tiếp cận học phần và gắn liền với thực tế nhằm giúp người học nhận thức rõ về lĩnh vực theo học.

· Mức 3: Giảng viên đã cung cấp đầy đủ các kiến thức được học đúng với đề cương học phần nhưng thiếu tính thực tiễn, không đúng trọng tâm, các dẫn chứng đi kèm kiến thức được trang bị còn chung chung, khiến người học chưa hiểu rõ về học phần.

· Mức 4: Giảng viên truyền đạt kiến thức tốt, có vận dụng, liên hệ giữa các kiến thức được học và thực tiễn học phần; giúp sinh viên hiểu rõ được kiến thức và có thể vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn linh hoạt, hợp lý; được sinh viên đánh giá từ loại khá trở lên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Giảng viên có phương pháp giảng dạy tốt, biết cách khuyến khích sinh viên học tập tích cực và chủ động trong lĩnh hội kiến thức, tạo điều kiện để sinh viên áp dụng kiến thức được học giải quyết các bài toán thực tế. Được sinh viên đánh giá tốt trở lên.

Tiêu chí 3: Giảng viên áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau để khuyến khích sinh viên tự học, tự khám phá kiến thức

· Mức 1: Giảng viên có phương pháp giảng dạy còn đơn giản, dựa nhiều vào sách vở, kiến thức còn ít, chưa áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau để khuyến khích sinh viên tự học, tự khám phá kiến thức.

· Mức 2: Giảng viên truyền đạt kiến thức còn đơn điệu, phương pháp dạy học còn đơn giản chưa định hướng phương pháp học phù hợp cho sinh viên, chưa khuyến khích sinh viên tự học, tự khám phá và mở rộng kiến thức.

· Mức 3: Giảng viên đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau để truyền đạt kiến thức cho sinh viên nhưng các phương pháp này chưa sát với thực tế, chưa khơi gợi giúp sinh viên tự xác định phương thức học tập phù hợp với học phần và lĩnh vực theo học.

· Mức 4: Giảng viên đã áp dụng được nhiều phương pháp dạy học khác nhau giúp sinh viên vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế; đồng thời, với mỗi phương pháp học, sinh viên có thể tiếp cận và khám phá các nội dung kiến thức theo nhiều cách khác nhau. Ngoài những kiến thức về lý thuyết sách vở trên lớp, sinh viên đã có thể tự khám phá, tự học ở nhà. Nhìn chung, sinh viên đồng ý với phương pháp giảng dạy của giảng viên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Giảng viên có kiến thức chuyên môn cao, có phương pháp dạy học dễ hiểu, linh hoạt, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để khuyến khích sinh viên tự học, tự khám phá kiến thức. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Tiêu chí 4: Sinh viên được giảng viên khuyến khích tham gia các hoạt động học tập trên lớp

· Mức 1: Hoạt động giảng dạy diễn ra một chiều, giảng viên nói và sinh viên chép bài. Giảng viên chưa khuyến khích sinh viên chủ động tham gia các hoạt động học tập trên lớp.

· Mức 2: Giảng viên chưa khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động trên lớp mà chỉ tập trung vào hoạt động học tập. Trên lớp, sinh viên không có cơ hội được thể hiện quan điểm của mình, hoạt động dạy học đôi khi gây nhàm chán, ít hiệu quả trong tiếp thu kiến thức.

· Mức 3: Sinh viên đã được khuyến khích tham gia một số hoạt động học tập trên lớp, song các hoạt động không nhiều và không thực sự gây hứng thú cho sinh viên.

· Mức 4: Giảng viên đã khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động học tập trên lớp, tạo sự hứng thú cho sinh viên. Ngoài việc học tập trên sách vở, giảng viên còn tạo không khí thoải mái khi tham gia các hoạt động học tập khác đặc biệt là các hoạt động tập thể. Được sinh viên đánh giá từ loại khá trở lên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Giảng viên tạo nhiều cơ hội để sinh viên tham gia vào các hoạt động trên lớp, tạo không khí hứng thú cho sinh viên trong học tập. Giữa giảng viên và sinh viên có sự trao đổi với nhau, tạo sự hứng thú cho sinh viện trong các hoạt động nhóm và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Đồng thời, giúp sinh viên tư duy mở rộng về các lĩnh vực theo học. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Tiêu chí 5: Sinh viên được giảng viên tạo điều kiện phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có liên quan đến học phần

· Mức 1: Giảng viên chỉ dạy kiến thức trong sách vở chưa có sự liên hệ định hướng kiến thức nghề nghiệp, chưa tạo điều kiện phát triển các kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến học phần.

· Mức 2: Giảng viên chưa chú trọng phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có liên quan đến học phần ngay trên lớp; các kỹ năng được học chưa được áp dụng để giải quyết các tình huống có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

· Mức 3: Giảng viên đã tạo điều kiện cho sinh viên áp dụng các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống hay bài toán thực tế. Tuy nhiên, các kỹ năng này chưa hoàn toàn gắn với định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Do đó, sinh viên chưa có định hình về lĩnh vực nghề nghiệp đang theo học.

· Mức 4: Ngoài việc học tập trên lớp, giảng viên đã liên hệ và tạo điều kiện để sinh viên phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có liên quan đến học phần, kết hợp học đi đôi với hành, kiến thức của sinh viên được phát triển trong bối cảnh thực tế gắn với nghề nghiệp. Được sinh viên đánh giá từ loại khá trở lên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Giảng viên có kỹ năng giảng dạy tốt, luôn tạo điều kiện để khuyến khích sinh viên hình thành và phát triển kỹ năng nghề ngay trong quá trình học trên lớp, giúp sinh viên sử dụng tốt các kiến thức đã được học để giải quyết các bài toán trong thực tế. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Tiêu chí 6: Sinh viên được giảng viên tạo điều kiện phát triển các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề… trong quá trình học tập

· Mức 1: Giảng viên hướng dẫn chưa tạo điều kiện cho sinh viên phát triển các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề... ngay trong quá trình học tập, kiến thức sinh viên nhận được chỉ là những kiến thức sách vở, chưa gắn liền với thực tế.

· Mức 2: Giảng viên chỉ tập trung giảng dạy theo hình thức lý thuyết, chưa có sự hỗ trợ sinh viên trong việc thể hiện các kỹ năng làm việc độc lập, sự tự tin và quyết đoán trong giải quyết vấn đề.

· Mức 3: Giảng viên đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình và giải quyết vấn đề trong quá trình học tập. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện để phát triển các kỹ năng cho sinh viên chưa thực sự hiệu quả, sinh viên chưa chủ động và tự tin trong việc thực hiện các kỹ năng này.

· Mức 4: Giảng viên luôn tạo điều kiện để sinh viên vừa học tập vừa phát triển các kỹ năng gắn liền với môn học, lĩnh vực theo học. Sinh viên biết kết hợp lý thuyết và những kỹ năng được học để làm việc độc lập, thể hiện sự tự tin, mạnh dạn với khả năng thuyết trình và giải quyết vấn đề tốt. Được sinh viên đánh giá từ loại khá trở lên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Giảng viên đã hình thành và phát triển những kỹ năng, sự linh hoạt, tự tin và đoàn kết hoạt động học tập theo nhóm, giúp sinh viên biết kết hợp lý thuyết vào thực tế để giải quyết vấn đề. Giảng viên truyền đạt đầy đủ những kinh nghiệm, tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thiện tốt tất cả các kỹ năng. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Tiêu chí 7: Sinh viên được giảng viên giúp định hướng, phát triển tư duy logic và tính sáng tạo

· Mức 1: Sinh viên không được giảng viên định hướng, phát triển tư duy logic và tính sáng tạo, nhìn chung các kiến thức chỉ mang tính chất cơ bản.

· Mức 2: Giảng viên chưa thực sự giúp sinh viên định hướng, phát triển tư duy và tính sáng tạo ngay trong các hoạt động học tập trên lớp.

· Mức 3: Giảng viên đã giúp sinh viên xác định phương hướng học tập. Bước đầu phát triển tư duy logic và sáng tạo nhưng chưa đủ khuyến khích để sinh viên phát huy hết khả năng trong các lĩnh vực của học phần.

· Mức 4: Giảng viên là người có chuyên môn và trách nhiệm trong việc giảng dạy, đã giúp định hướng cho sinh viên ngoài việc học tập cần phát triển các tư duy logic và tính sáng tạo để tham gia các hoạt động khác trên lớp cũng như vận dụng tốt các kỹ năng được học vào xử lý/giải quyết các tình huống trong thực tế có liên quan đến lĩnh vực theo học. Được sinh viên đánh giá từ loại khá trở lên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Qua quá trình học tập trên lớp, giảng viên đã truyền đạt và định hướng cho sinh viên phát triển tốt các kỹ năng tư duy, tính sáng tạo và có thể phát huy tốt trong xử lý mọi tình huống. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Tiêu chí 8: Giảng viên luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người học và chia sẻ kinh nghiệm với người học.

· Mức 1: Giảng viên chỉ truyền đạt kiến thức trong sách vở/giáo trình không chia sẻ kinh nghiệm thực tế có liên quan đến học phần cho sinh viên, không có sự tương tác hai chiều với người học, không dành thời gian cho người học thể hiện quan điểm, tư tưởng về học phần và lĩnh vực theo học.

· Mức 2: Đã có sự tương tác hai chiều giữa sinh viên và giảng viên. Tuy nhiên, giảng viên vẫn chỉ truyền đạt kiến thức, chưa chia sẻ kinh nghiệm cũng như quan điểm của mình về học phần, lĩnh vực theo học. Những ý kiến đóng góp của sinh viên chưa được giảng viên quan tâm và định hướng lại theo yêu cầu của học phần, lĩnh vực theo học.

· Mức 3: Các kiến thức về học phần, lĩnh vực theo học đã được giảng viên chia sẻ trên lớp với sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên cảm thấy chưa thỏa mãn với những kinh nghiệm mà giảng viên truyền đạt hoặc những ý kiến của sinh viên chưa nhận được sự quan tâm của giảng viên. Sinh viên ít có cơ hội để phân biệt lại các quan điểm, tư tưởng về học phần, lĩnh vực theo học.

· Mức 4: Giảng viên đã làm tốt vai trò truyền đạt kiến thức cho người học; tạo điều kiện khuyến khích sinh viên phát huy quyền bình đẳng, đưa ra những ý kiến, quan điểm của mình về học phần. Các kiến thức có được từ giảng viên giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lĩnh vực theo học. Được sinh viên đánh giá từ loại khá trở lên.

· Mức 5: Đạt mức 4. Sự tương tác hai chiều trên lớp được sinh viên đánh giá cao, tạo được sự đồng cảm và môi trường học tập thân thiện. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Phần II: Điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy

Tiêu chí 9: Học phần có mục tiêu về kiến thức, kỹ năng rõ ràng

· Mức 1: Mục tiêu học phần và các kỹ năng yêu cầu đạt được từ khóa học không rõ ràng, khiến sinh viên còn lúng túng trong cách tiếp cận học phần.

· Mức 2: Học phần có mục tiêu kiến thức, kỹ năng chưa rõ ràng, khiến sinh viên chưa nắm hết được yêu cầu trong nội dung bài giảng, chính vì vậy, sinh viên khó lĩnh hội hết kiến thức được giảng viên truyền tải.

· Mức 3: Học phần có mục tiêu kiến thức, có kỹ năng rõ ràng cho người học xong kiến thức vẫn còn mang tính lý thuyết chưa có mối liên hệ với thực tế và chưa khuyến khích sinh viên chủ động tìm hiểu kiến thức sâu hơn.

· Mức 4: Mục tiêu về kiến thức đưa ra rõ ràng, có yêu cầu cụ thể để sinh viên đạt được các kỹ năng, có liên quan đến lĩnh vực theo học và khuyến khích sinh viên mở rộng kiến thức.

· Mức 5: Đạt mức 4. Môn học đạt được mục tiêu kiến thức, các kỹ năng rõ ràng, sinh viên dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

Tiêu chí 10: Học phần có tỷ lệ phân bố giữa khối kiến thức lý thuyết và thực hành hợp lý

· Mức 1: Nội dung học phần chỉ tập trung vào cung cấp các khối kiến thức, hoặc lý thuyết hoặc thực hành.

· Mức 2: Học phần không tuân theo tỷ lệ phân bố, sự chênh lệch về kiến thức lý thuyết và thực hành khiến sinh viên khó đạt được kiến thức như mong muốn.

· Mức 3: Mặc dù học phần đã có tỷ lệ phân bố về lý thuyết và thực hành nhưng chưa hợp lý, hoặc vẫn còn nặng về lý thuyết mà không có thực hành, ứng dụng kiến thức và ngược lại.

· Mức 4: Học phần có tỷ lệ phân bố giữa khối kiến thức lý thuyết và thực hành hợp lý, sinh viên có thể vận dụng lý thuyết kết hợp với thực hành hiệu quả làm tăng hiệu quả đạt được từ học phần.

· Mức 5: Đạt mức 4. Sự phân bố rõ ràng giữa lý thuyết và thực hành tạo điều kiện cho sinh viên dễ tiếp thu kiến thức và vận dụng linh hoạt các kiến thức đó vào giải quyết các bài toán thực tế và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Tiêu chí 11: Thời lượng học phần được phân bổ hợp lý cho các hình thức học tập môn học

· Mức 1: Thời lượng học phần không được phân bổ hợp lý, không áp dụng linh hoạt cho nhiều hình thức học tập khác nhau. Sinh viên không có đủ thời gian để tiếp nhận kiến thức học phần.

· Mức 2: Thời lượng học phần chưa thật sự hợp lý, sinh viên ít có thời gian để ứng dụng kiến thức được học.

· Mức 3: Học phần đã được phân bổ cho các hình thức học tập học phần song hiệu quả đạt được còn chưa cao, chưa thực sự khích lệ sinh viên học tập chủ động.

· Mức 4: Thời lượng các học phần đã được phân bổ hợp lý cho các hình thức học tập học phần, sinh viên có đủ thời gian để thử nghiệm/trải nghiệm các kiến thức được học trong các tình huống cụ thể. Thời gian dành cho học phần đủ để khuyến khích sinh viên học tập tích cực và đạt hiệu quả cao.

· Mức 5: Đạt mức 4. Phân bổ hợp lý các hình thức học tập học phần, giúp sinh viên tiếp thu bài nhanh, dễ hiểu và khuyến khích sinh viên ứng dụng mở rộng kiến thức theo ngành học.

Tiêu chí 12: Các hình thức học tập được thiết kế phù hợp với nội dung và khối lượng kiến thức của học phần

· Mức 1: Các hình thức học tập được thiết kế hoàn toàn không phù hợp với nội dung và khối lượng kiến thức của học phần, khiến sinh viên không thể theo được tiến độ của từng học phần.

· Mức 2: Các hình thức học tập chưa phù hợp với nội dung của học phần, sự phân bố khối lượng kiến thức theo các hình thức học tương ứng không phù hợp khiến sinh viên không nắm được mục đích của học phần, dẫn tới hiệu quả tiếp thu không cao.

· Mức 3: Các hình thức học tập phù hợp với nội dung và khối lượng kiến thức học phần nhưng chưa gắn với thực tế nên chỉ dừng ở việc giúp sinh viên nắm được kiến thức, hiểu được học phần mà chưa khuyến khích tính chủ động, sự sáng tạo tìm tòi của người học.

· Mức 4: Các hình thức học tập đã được thiết kế phù hợp với nội dung và khối lượng kiến thức của học phần, khuyến khích được sinh viên chủ động, sáng tạo trong môn học.

· Mức 5: Đạt mức 4. Nội dung học phần dễ hiểu, kiến thức gắn liền cả lý thuyết và thực tiễn.

Tiêu chí 13: Học liệu có nội dung chính xác và được cập nhật thường xuyên

· Mức 1: Chưa có giáo trình và tài liệu môn học chính xác, các học liệu chỉ mang tính chất cơ bản và nội dung không được cập nhật.

· Mức 2: Giáo trình có nội dung cũ và chưa sát với chương trình học.

· Mức 3: Giáo trình và tài liệu học phần có nội dung sát với đề cương nhưng chưa được cập nhật thường xuyên và các dữ kiện chưa sát với thực tế của lĩnh vực theo học.

· Mức 4: Giáo trình và tài liệu học phần có nội dung chính xác và cập nhật thường xuyên, nội dung kiến thức mở rộng giúp sinh viên hiểu rõ về học phần và lĩnh vực theo học.

· Mức 5: Đạt mức 4. Giáo trình và tài liệu có nội dung chính xác, kiến thức được cập nhật mới và sát với thực tế nhất. Được sinh viên đánh giá từ loại tốt trở lên.

Tiêu chí 14: Cơ sở vật chất của trường đáp ứng tốt các yêu cầu về đào tạo và học tập của người học (gồm giảng đường, bàn ghế, phương tiện nghe nhìn, các ứng dụng tiện ích trực tuyến - truy cập Internet, Website...)

· Mức 1: Cơ sở vật chất không đáp ứng các yêu cầu về dạy và học, phòng học nhỏ không đủ chỗ cho sinh viên, thiếu bàn ghế.

· Mức 2: Giảng đường chưa đầy đủ các phương tiện hỗ trợ quá trình dạy và học, môi trường ngột ngạt, không có không gian thoáng mát. Các phương tiện nghe nhìn còn thiếu, các ứng dụng tiện ích hỗ trợ người học còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu.

· Mức 3: Giảng đường có đủ không gian cho sinh viên học tập, tuy nhiên cơ sở vật chất còn hạn chế, chất lượng không ổn định đôi khi làm ảnh hưởng đến quá trình dạy học trên lớp.

· Mức 4: Cơ sở vật chất của trường đáp ứng tốt các yêu cầu dạy và học, môi trường học tập thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu mở rộng kiến thức và ứng dụng kiến thức ngay trong quá trình học tập trên lớp.

· Mức 5: Đạt mức 4. Môi trường dạy và học phù hợp và hiện đại. Nhà trường đã trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và các phương tiện giúp cho người học chủ động học tập và khám phá kiến thức mới.

Tiêu chí 15: Người học nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ khi được yêu cầu

· Mức 1: Người học không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía cán bộ của Nhà trường (bao gồm các Khoa/Viện và các phòng ban chức năng) trong suốt quá trình học tập.

· Mức 2: Người học chưa nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ tối đa của các cán bộ khi được yêu cầu, có những vấn đề các cán bộ chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của người học, đôi khi có thái độ chưa đúng với người học.

· Mức 3: Người học đã có được sự hỗ trợ của các cán bộ trong quá trình học tập nhưng vẫn tồn tại thái độ không nhiệt tình trong việc tư vấn và hỗ trợ, làm cho người học chưa cảm thấy thỏa mãn.

· Mức 4: Các cán bộ đã giúp đỡ nhiệt tình và hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học tập.

· Mức 5: Đạt mức 4. Sự nhiệt tình giúp đỡ của các cán bộ tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp cho Nhà trường. Các cán bộ biết cách khuyến khích, động viên người học tham gia các hoạt động trước, trong và sau khóa học, giúp sinh viên ý thức rõ vai trò, trách nhiệm khi là sinh viên của Trường.

Phần III: Cảm nhận chung của người học về học phần

Tiêu chí 16: Sinh viên hài lòng với việc tổ chức giảng dạy học phần này

· Mức 1: Sinh viên hài lòng với việc tổ chức giảng dạy môn học, đồng nghĩa với việc sinh viên đánh giá tốt các tiêu chí như Giảng viên truyền tải đầy đủ các kiến thức về môn học theo đề cương học phần đã công bố; Giảng viên giúp sinh viên liên hệ giữa kiến thức được học và thực tiễn của môn học. Việc truyền tải đầy đủ nội dung kiến thức các học phần và giúp sinh viên liên hệ kiến thức với thực tế tạo điều kiện cho sinh viên có thể tự mình vận dụng những kiến thức đã được học, được thực hành vào việc giải quyết các vấn đề trong hiện tại cũng như tương lai.

· Mức 2: Không đồng ý, sinh viên cho rằng việc tổ chức giảng dạy học phần không đem lại hiệu quả, từ việc truyền đạt kiến thức của giảng viên cho tới liên hệ kiến thức với thực tế. Tất cả các khâu không đem lại kết quả như mong muốn cho người học. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên đánh giá không tốt các tiêu chí về tổ chức giảng dạy học phần.

· Mức 3: Sinh viên không xác định được việc tổ chức môn học có thực sự đem lại hiệu quả cho người học trong quá trình học hay không.

Tiêu chí 17: Sinh viên hài lòng với phương pháp giảng dạy học phần của giảng viên

· Mức 1: Sinh viên hài lòng, tức là đồng ý với tiêu chí Giảng viên sử dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy khác nhau trong môn học, khuyến khích người học tham gia các hoạt động trên lớp nhằm khuyến khích, kích thích người học phát triển tư duy cũng như hoàn thiện các kỹ năng để có thể linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề thực tế được sinh viên đánh giá cao.

· Mức 2: Sinh viên không đồng ý với việc giảng viên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau vào học phần, cũng như không tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các hoạt động trên lớp.

· Mức 3: Không xác định, sinh viên không xác định được phương pháp giảng dạy môn học của giảng viên cũng như việc khuyến khích tham gia các hoạt động có đem lại hiệu quả cho người học hay không.

Tiêu chí 18: Học phần đã trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thiết thực

· Mức 1: Lựa chọn ở mức đồng ý cho thấy sinh viên đánh giá tốt về các tiêu chí liên quan tới việc trang bị kiến thức và kỹ năng thiết thực cho người học như việc giảng viên tạo điều kiện phát triển các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề… trong quá trình học tập cũng như tạo điều kiện phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có liên quan đến học phần.

· Mức 2: Sinh viên không đồng ý với việc được giảng viên tạo điều kiện phát triển các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề… trong quá trình học tập cũng như tạo điều kiện phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có liên quan đến học phần; tức là sinh viên đánh giá không cao về các tiêu chí này.

· Mức 3: Sinh viên không xác định được học phần có trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng thiết thực hay không.

Tiêu chí 19: Sinh viên mong muốn sẽ được tiếp tục theo học giảng viên trong các học phần khác có liên quan

· Mức 1: Đồng ý tức là sinh viên đã có đánh giá tốt về giảng viên giảng dạy học phần đó về cả cách tổ chức giảng dạy học phần, phương pháp giảng dạy cho đến việc cung cấp cho người học các kỹ năng để có thể tự giải quyết các vấn đề liên quan tới học phần trong thực tế. Đây là cơ sở để giảng viên tiếp tục được tín nhiệm trong các học phần có liên quan.

· Mức 2: Không đồng ý, sinh viên không muốn tiếp tục theo học giảng viên trong các học phần khác có liên quan đồng nghĩa với việc sinh viên đánh giá thấp các yếu tố liên quan đến hoạt động giảng dạy của giảng viên. Hoạt động giảng dạy của giảng viên chưa làm người học thỏa mãn.

· Mức 3: Không xác định, sinh viên không xác định được rằng muốn tiếp tục được theo học giảng viên trong các môn học khác có liên quan do không đánh giá được chính xác các tiêu chí liên quan tới hoạt động giảng dạy của giảng viên.