Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Nông nghiệp Việt Nam qua 25 năm đổi mới kinh tế (1986 - 2010)



Mã số: QK.09.09
Tác giả: TS. Đinh Văn Thông
Thời gian thực hiện: 07/2009 - 07/2011

Cơ quan chủ trì: Đại học Quốc gia Hà Nội

Cơ quan thực hiện: Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế

Mục tiêu nghiên cứu:

Trên cơ sở tổng kết, hệ thống hoá những thành tựu phát triển nông nghiệp qua 25 năm đổi mới kinh tế, phân tích những xu hướng vận động và phát triển của nền nông nghiệp nước ta. Trên cơ sở đó đề tài đưa ra những khuyến nghị và giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nội dung chính:

Chương 1: Nông nghiệp và vai trò của nó đối với nền kinh tế quốc dân

Nội dung chương này trình bày một cách khái quát chung về nền sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp - như là một ngành sản xuất vật chất cơ bản của đời sống xã hội; Chỉ ra những đặc điểm chung của ngành sản xuất nông nghiệp và các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ở đây cũng chỉ rõ những xu hướng có tính chất quy luật trong quá trình vận động và phát triển của nền kinh tế nông nghiệp: Đó là xu hướng đầu tư, thâm canh phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa; xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xu hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Trong chương này, đề tài cũng đã trình bày một cách khái quát vai trò của sản xuất nông nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân thể hiện ở khía cạnh: cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội; giải quyết việc làm; thúc đẩy công nghiệp phát triển; mở rộng xuất khẩu thu ngoại tệ. Như vậy, nông nghiệp là một hoạt động kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời ở chương này đề tài cũng đã nêu lên một số kinh nghiệm kinh tế trong tổ chức quản lý và hoạt động sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa đối với nước ta.

Chương 2: Thực trạng phát triển nền nông nghiệp ở nước ta qua 25 đổi mới kinh tế (1986 - 2010)

Sau khi nêu lên một cách khái quát nông nghiệp Việt Nam trong khoảng thời gian 10 năm trước đổi mới (1976 - 1985), nền nông nghiệp nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, bị trói buộc bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng đồng thời cũng đã hé mở ra một cơ chế mới trong quản lý nông nghiệp với chỉ thị 100 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về khoán sản phẩm trong nông nghiệp.
Ở chương này, đề tài tập trung trình bày thực trạng của nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ thực hiện chính sách đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến năm 2010: với một loạt chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế của Đảng ta, từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã mở ra cơ chế kinh tế mới và đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp với Nghị quyết 10 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” đã mang lại sức sông mới cho nền kinh tế nói chung và nền kinh tế nông nghiệp nói riêng.
Các văn kiện, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, VII, IX, X đều có sự cụ thể hóa thêm đường lối đổi mới kinh tế cũng như đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Nhờ đó nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng (trong đề tài có nêu lên 6 thành tựu cơ bản của nền nông nghiệp nước ta từ khi tiến hành đổi mới đến nay). Bên cạnh những thành tựu của nền nông nông nghiệp nước ta qua 25 năm đổi mới, trong chương này đề tài cũng đã nêu lên những hạn chế, yếu kém trong phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như những nguyên nhân của nó, để qua đó chúng ta cần có những giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển hơn nữa.

Chương 3: Phương hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian tới

Trong chương này, đề tài tập trung trình bày các vấn đề sau:
  • Bối cảnh mới tác động đến quá trình phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, đó là bối cảnh quốc tế và bối cảnh trong nước. Những bối cảnh đó là những yếu tố mà chúng ta phải tính tới trong quá trình chỉ đạo và phát triển sản xuất nông nghiệp.
  • Về định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới: trên cơ sở quán triệt các quan điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp được thể hiện qua các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng, nền nông nghiệp nước ta cần phải hướng tới là một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đồng thời đề tài cũng đã tập trung trình bày hệ thống các giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nước ta trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu:
  • Đề tài đã hệ thống hóa được về mặt lý luận những đặc điểm của nền sản xuất nông nghiệp, những nhân tố ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và những xu hướng có tính chất quy luật trong quá trình vận động và phát triển của kinh tế nông nghiệp.
  • Trên cơ sở làm rõ được những thành tựu và hạn chế trong phát triển nông nghiệp nước ta qua 25 năm đổi mới kinh tế (1986 - 2010), đề tài đã luận chứng cho định hướng và những giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển nền nông nghiệp nước ta trong thời gian tới.

 >> Xem hoặc download tóm tắt đề tài tại đây.




Các tin khác

<12345>