Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Tiếp cận đến kinh tế tri thức: Nghiên cứu so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ



Mã số: QK.09.02
Tác giả: TS. Trần Đức Hiệp

Thời gian thực hiện: 2009 - 2011

Đơn vị: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau trong việc tiếp cận kinh tế tri thức, trong việc lựa chọn chính sách hướng tới kinh tế tri thức của Trung Quốc và Ấn Độ; từ đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích, sát thực có thể vận dụng cho Việt Nam.

Nội dung nghiên cứu:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về nền kinh tế tri thức

Sau khi khảo sát một số các quan niệm phổ biến về nền kinh tế tri thức, đề tài đưa ra một cách hiểu thống nhất về nền kinh tế tri thức. Đó là nền kinh tế trong đó việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chủ yếu, có tính quyết định nhất đối với sự tăng trưởng, đối với các quá trình tạo ra của cải.

Từ quan niệm như vậy về nền kinh tế tri thức, đề tài đã khảo sát chỉ ra những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế mới này; các tiêu chí nhận diện cũng như xu thế phát triển của nó. Quan trọng hơn, ở đây, đề tài đã xác định được về nguyên tắc các điều kiện để tiếp cận nền kinh tế tri thức.

Chương 2: Sự tương đồng và khác biệt trong quá trình phát triển hướng đến kinh tế tri thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Quá trình phát triển hướng đến nền kinh tế tri thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ được xem xét và so sánh với nhau chủ yếu dưới 4 khía cạnh:

  • Điểm xuất phát cho việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức;
  • Quan điểm tiếp cận nền kinh tế tri thức;
  • Các chính sách cụ thể hướng tới nền kinh tế tri thức;
  • Hiện trạng kết quả mà Trung Quốc và Ấn Độ đạt được trong tiến trình phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức.

Từ 4 góc nhìn trên, đề tài có cơ sở vững chắc để đi đến những kết luận về sự tương đồng và khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ; từ đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm phát triển nền kinh tế tri thức cho các nước đi sau.  

Chương 3 : Một số hàm ý chính sách tiếp cận kinh tế tri thức đối với Việt Nam

Sau khi phác thảo một số kinh nghiệm tiếp cận kinh tế tri thức của Trung Quốc và Ấn Độ, đề tài tập trung phân tích thực trạng quá trình phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, đề tài đã chỉ ra những thách thức Việt Nam phải đương đầu trong quá trình này. Đó là:

i) Công nghệ đang sử dụng ở Việt Nam phần lớn vẫn là công nghệ lạc hậu;

ii) Đầu tư cho đổi mới công nghệ ở Việt Nam còn quá thấp;

iii) Việt Nam chưa định hình được những sản phẩm chủ lực có hàm lượng tri thức cao;

 iv) Việt Nam đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động trình độ cao cho kinh tế tri thức).

Trên cơ sở đó, đề tài đã phác thảo một số định hướng chính sách lớn nhằm đưa Việt Nam sớm tiếp cận nền kinh tế tri thức trong thời gian tới.

Các kết quả nghiên cứu chính của đề tài:

Đóng góp khoa học của đề tài:

-Bước đầu nhận diện sự tương đồng và khác biệt trong quá trình phát triển kinh tế tri thức ở Trung Quốc và Ấn Độ.

- Từ cách tiếp cận kinh tế tri thức của Trung Quốc và Ấn Độ, phác thảo một số kinh nghiệm phát triển cho Việt Nam.

-  Trên cơ sở nghiên cứu so sánh quá trình phát triển kinh tế tri thức ở Trung Quốc và Ấn Độ, thực tiễn phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, đề tài đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm tiếp cận đến kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Kết quả phục vụ thực tế (bài báo):

Cách tiếp cận kinh tế tri thức Trung Quốc Ấn Độ và một vài hàm ý cho Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông , số 04(68) 4/2011. 

 >> Xem hoặc download tóm tắt đề tài tại đây.
 
 



Các tin khác