Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Các mô hình công nghiệp hóa trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (QK.07.04)



Mã số: QK.07.04

Chủ trì: PGS.TS Mai Thị Thanh Xuân

Đơn vị: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Thời gian thực hiện: 6/2007 - 6/2009

Mục tiêu nghiên cứu:

  • Hệ thống hoá những vấn đề lý luận chung về công nghiệp hóa và mô hình công nghiệp hóa.
  • Đánh giá những ưu thế và hạn chế của mỗi mô hình công nghiệp hóa trong lịch sử.
  • Nghiên cứu kinh nghiệm lựa chọn mô hình công nghiệp hóa của một số nước trên thế giới.
  • Vận dụng kinh nghiệm các nước vào việc lựa chọn mô hình công nghiệp hóa ở Việt Nam trong điều kiện mới.
  • Đưa ra những điều kiện cần có để thực hiện thành công mô hình công nghiệp hóa kiểu mới ở Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Nội dung chính:

  • Lịch sử công nghiệp hóa thế giới được khởi phát từ nước Anh. Đến nay, công nghiệp hóa đã lan rộng khắp các châu lục trên thế giới. Nghiên cứu các mô hình công nghiệp hóa trên thế giới cho thấy: các nước áp dụng nhiều mô hình công nghiệp hóa khác nhau, trong đó các mô hình công nghiệp hóa được thực hiện tại nước đi sau đều có ưu việt hơn các mô hình được thực hiện ở nước đi trước. Vì vậy, thời gian hoàn thành công nghiệp hóa của các nước đi sau cũng có xu hướng rút ngắn so với các nước đi trước, từ hàng trăm năm rút xuống chỉ còn vài chục năm.
  • Việt Nam là nước công nghiệp hóa muộn, vì vậy chúng ta có lợi thế của nước đi sau. Nhưng để phát huy được « ưu thế hậu phát » của nước đi sau đòi hỏi chúng ta phải xác định được một mô hình công nghiệp hóa vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, vừa phù hợp với xu hướng vận động chung của thế giới; vừa cho phép rút ngắn được thời kỳ công nghiệp hóa, vừa giữ được mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở phân tích các bài học kinh nghiệm của các nước, căn cứ vào thực tiễn Việt Nam và thế giới, đề tài phác họa mô hình công nghiệp hóa của nước ta trong những thập niên đầu thế kỷ XXI là: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa mô hình công nghiệp hóa đó, đề tài đưa ra và phân tích các điều kiện bên trong và bên ngoài, trong đó quan trọng nhất là: có tiền đề kinh tế - kỹ thuật do nước CNH đi trước tạo ra; nền kinh tế phải hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới; có nguồn nhân lực trình độ cao; và đặc biệt phải có một chính phủ hiệu quả.

Kết quả đạt được:

- Đã làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về công nghiệp hóa và mô hình công nghiệp hóa.

- Phân tích những mặt tích cực và hạn chế của mỗi mô hình công nghiệp hóa đã và đang diễn ra trên thế giới.

- Đúc rút một số bài học kinh nghiệm (thành công và chưa thành công) trong việc lựa chọn mô hình công nghiệp hóa của các nước.

- Phác họa mô hình công nghiệp hóa mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

- Phân tích các điều kiện bên trong và bên ngoài đảm bảo thực hiện thành công mô hình công nghiệp hóa mới của Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Xem chi tiết tóm tắt đề tài tại đây.