Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Thu hút vốn nước ngoài ở các nước đang phát triển và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (QK.06.06)



Mã số: QK.06.06

Thời gian thực hiện: 4/2006 - 4/2008

Cơ quan chủ trì: ĐHQGHN

Cơ quan thực hiện: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Thư

Tham gia thực hiện: PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, TS. Nguyễn Bình Giang, ThS. Nguyễn Thế Hùng, ThS. Phạm Anh Tuấn

Kết quả nghiệm thu:

Tóm tắt nội dung và kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu đã chỉ ra:

Dòng vốn nước ngoài vào các nước đang phát triển trong những năm đầu thập niên 2000 theo xu hướng tăng lên. Cải cách kinh tế tại các nước đang phát triển là nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng tăng này. Các nguyên nhân khác gồm kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn thời kỳ trước, giá nguyên liệu thế giới tăng, lãi suất ở các nước đang phát triển tăng,…

Cơ cấu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển đã và đang thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ (bao gồm cả các hoạt động nghiên cứu và triển khai). Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển, dòng vốn nợ chiếm tỷ trọng lớn hơn, song tỷ trọng này đang có xu hướng giảm mặc dù khối lượng tuyệt đối tăng. Khối lượng tuyệt đối của dòng vốn chứng khoán tăng nhanh, khiến cho tỷ trọng của nó trong vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng dần.

Đông Á và Đông Nam Á là khu vực thu hút được nhiều vốn nước ngoài nhất. Mỹ Latinh là khu vực vay nhiều nhất. Ấn Độ và Trung Quốc luôn có mặt trong những nước đang phát triển dẫn đầu về thu hút vốn nước ngoài dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, nếu xét theo khối lượng bình quân đầu người, Ấn Độ và Trung Quốc không phải là những nước thu hút được nhiều vốn nước ngoài, mà Thái Lan mới là nước thu hút được nhiều.

Vốn nước ngoài vào các nước đang phát triển có thể đem lại cả tác động có lợi lẫn tác động bất lợi. Song, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực của đội ngũ lao động, quản lý kinh tế vĩ mô hài hòa, điều tiết thận trọng dòng vốn nước ngoài giúp các nước đang phát triển tận dụng được những tác động thuận lợi và giảm thiểu tác động bất lợi.

Đề tài kiến nghị Việt Nam đổi mới chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng xúc tiến có mục tiêu tập trung hơn, nỗ lực nâng cao ấn tượng về Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho kinh doanh của các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng viễn thông, tăng cường thể chế, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước, giám sát chặt và điều tiết thận trọng các dòng vốn ngắn hạn nước ngoài.

Các bài công bố:

1.        Tác động của vốn nước ngoài đối với các nước đang phát triển và những đề xuất đối với Việt Nam. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Bình Giang. Tạp chí “Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới”, số 9 (137), tháng 9 - 2007.

2.        Kinh nghiệm của các nước đang phát triển trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Bình Giang. Tạp chí nghiên cứu “Châu Phi và Trung Đông”, số 9 (25), tháng 9 - 2007.

3.        Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực nghiên cứu và triển khai: Kinh nghiệm của các nước đang phát triển. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Bình Giang. Tạp chí nghiên cứu “Châu Phi & Trung Đông”, số 10 (26) tháng 10 - 2007.

Xem chi tiết tóm tắt đề tài tại đây.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN


Các tin khác