Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Những thách thức của Việt Nam khi thực hiện các cam kết của WTO (QK.05.07)



Mã số: QK.05.07

Thời gian thực hiện: 2005 - 2009

Cơ quan chủ trì: ĐHQGHN

Cơ quan thực hiện: Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Chủ nhiệm đề tài: TS. Khu Thị Tuyết Mai

Tham gia thực hiện: TS. Nguyễn Thị Kim Anh, TS. Hà Văn Hội , TS. Nguyễn Thị Kim Chi, ThS. Đặng Thị Hoàng Liên, ThS. Lê Thị Hồng Hà,

Kết quả nghiệm thu: Tốt

Tóm tắt nội dung:

Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam. Nghiên cứu bản chất của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung và các hình thức của hội nhập kinh tế quốc tế; Sự hình thành, các định chế cơ bản của WTO và kinh nghiệm tham gia WTO của một số quốc gia. Phân tích lộ trình hội nhập, các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và các thách thức đối với Việt Nam khi gia nhập WTO. Các thách thức được phân tích dưới hai giác độ: các thách thức chung khi gia nhập WTO và các thách thức khi Việt Nam thực hiện các cam kết WTO. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định chung của WTO, tham khảo kinh nghiệm của một số nước thành viên WTO, các thách thức đặt ra đối với Việt Nam khi hội nhập WTO, đề tài đề xuất một số giải pháp vĩ mô và vi mô nhằm khắc phục các thách thức khi thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu:

Trong chương một, xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế được phân tích và khẳng định là một quá trình mang tính tất yếu khách quan. Đối với một quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng có nghĩa là tham gia vào một cuộc chơi mà nó chỉ có thể thành công khi tận dụng được các cơ hội và vượt qua được những thách thức của sự hội nhập. Nội dung cơ bản nhất trong quá trình gia nhập WTO là việc xử lý mối quan hệ giữa tự do hoá và bảo hộ trong chính sách thương mại của đất nước nhằm duy trì được lợi ích tổng thể của quốc gia. Nghiên cứu sự tham gia WTO của Úc, Trung Quốc, Ấn Độ - các quốc gia tiêu biểu cho những xu hướng phát triển kinh tế khác nhau, cho thấy các nước này đã đạt được những thành công nổi bật với những kinh nghiệm khá tương đồng mà Việt Nam có thể tham khảo. Cụ thể: (i) gắn bó chặt chẽ chính sách thương mại với các chính sách vĩ mô khác, trong đó quan trọng nhất là việc tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh tích cực; (ii) thực hiện tự do hoá thương mại một cách chủ động, không phụ thuộc vào sức ép trực tiếp của hội nhập KTQT; (iii) gắn mục tiêu bảo hộ với mục tiêu xuất khẩu hay khai thác lợi thế so sánh của quốc gia; (iv) đề cao vai trò của thương mại dịch vụ và chính sách về thương mại dịch vụ; (v) sử dụng linh hoạt các biện pháp bảo hộ phù hợp với quy định của WTO.

Trong chương hai, sau phần phân tích lộ trình và các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đề tài tập trung vào việc xác định những thách thức chủ yếu mà Việt Nam đối mặt. Các thách thức chung của việc gia nhập WTO bao gồm: tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững và nguy cơ bất ổn cao; tham nhũng, sự thiếu hoàn thiện về thể chế, chính sách và nguy cơ giảm sút lòng tin của các đối tác; thương mại Việt Nam bị phân biệt đối xử, cơ chế chính sách không theo kịp yêu cầu của hội nhập. Các thách thức khi thực hiện cam kết gia nhập WTO bao gồm: cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt; hệ thống pháp lý trong nước chưa thích ứng với yêu cầu của WTO; hạn chế về tính phổ cập những kiến thức về WTO; hạn chế trong ứng dụng các điều khoản WTO để bảo vệ lợi ích thương mại trong nước. Đề tài cũng chỉ ra những mối đe doạ chính đối với Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Đó là, quyền bảo vệ các lĩnh vực dễ bị tổn thương, những ngành và sản phẩm nhạy cảm, được bảo hộ mạnh của nhà nước trong thời kỳ dài trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Chương ba đưa ra một số đề xuất có tính khuyến nghị để vượt qua các thách thức khi thực hiện các cam kết của WTO ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Trong số các giải pháp, đề tài đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về WTO, về những cơ hội và thách thức khi thực hiện các cam kết gia nhập tổ chức này cho các tổ chức, doanh nghiệp và dân chúng; xây dựng cơ chế quản lý bảo đảm tính hiệu lực của chính sách thương mại; đổi mới cơ chế quản lý thương mại dịch vụ; nâng cao năng lực thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng một hệ thống giải pháp tổng thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp

Danh mục các báo cáo khoa học, ấn phẩm khoa học:

Khu Thị Tuyết Mai, Kinh nghiệm gia nhập WTO của một số quốc gia và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số 46(137) 14/11/2006

Xem chi tiết tóm tắt đề tài tại đây.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN