Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020



Mã số: KX.01.18/06-10, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Những vấn đề cơ bản của phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020,” mã số KX.01/06-10

Thời gian thực hiện: 2008 - 2010

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Chủ nhiệm đề tài:

Họ và tên: PSG.TS. Nguyễn Hồng Sơn

Chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Đơn vị: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

E-mail: nhson@vnu.edu.vn

Mục tiêu nghiên cứu:

Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020,” mã số KX.01.18/06-10, nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xác định và đề xuất các quan điểm và giải pháp chính sách phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu đó, đề tài đã đặt ra năm câu hỏi chính, liên quan đến những vấn đề cơ bản và nổi cộm nhất trong phát triển ngành dịch vụ Việt Nam từ nay đến năm 2020, gồm:

1. Tại sao Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành dịch vụ hơn?

2. Ngành dịch vụ của Việt Nam đang ở trình độ phát triển như thế nào?

3. Việt Nam đã có những chính sách như thế nào đối với việc phát triển ngành dịch vụ?

4. Ngành dịch vụ của Việt Nam hướng tới năm 2020 nên là một ngành dịch vụ như thế nào?

5. Việt Nam cần thực hiện những giải pháp cơ bản nào nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ?

Nội dung nghiên cứu:

Để trả lời cho năm câu hỏi trên, đề tài đã tiến hành nghiên cứu vai trò của ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế; xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới và kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ của một số nước như Mỹ, EU, Trung Quốc, Singapore và các nền kinh tế đang hội nhập và chuyển đổi; đánh giá thực trạng và chính sách phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam.

Nội dung của đề tài gồm 5 phần:

Phần I: Bốn lý do để Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành dịch vụ hơn đưa ra bốn lý do gồm: (i) Việt Nam cần bắt kịp với xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ của thế giới; (ii) Việt Nam cần phản ứng tích cực trước xu hướng điều chỉnh chính sách theo hướng tạo điều kiện cho ngành dịch vụ phát triển của các nước trên thế giới; (iii) Việt Nam có thể phát triển tốt ngành dịch vụ trong điều kiện là một nước đang phát triển; và (iv) phát triển ngành dịch vụ để giải quyết những vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam.

Phần II: Thực trạng phát triển của ngành dịch vụ Việt Nam nêu lên một số thực trạng: (i) Ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá nhưng tỷ trọng trong GDP chưa cao và mức độ lan tỏa còn thấp; (ii) ngành dịch vụ đang góp phần tạo ra nhiều việc làm nhưng tỷ trọng trong tổng lao động của toàn nền kinh tế còn thấp; (iii) cơ cấu của ngành dịch vụ còn thiên về các ngành dịch vụ truyền thống; (iv) các doanh nghiệp dịch vụ có quy mô còn nhỏ, chuyên môn hóa thấp và hoạt động trong một môi trường cạnh tranh chưa cao; (v) thương mại dịch vụ còn chưa phát triển và thâm hụt cao; (vi) đầu tư vào ngành dịch vụ đang tăng mạnh song hiệu quả còn chưa cao; và (vii) các ngành dịch vụ công góp phần quan trọng nâng cao đời sống xã hội và giảm nghèo song khả năng vẫn còn bị hạn chế.

Phần III: Khung khổ pháp luật và điều tiết đối với phát triển ngành dịch vụ gồm các nội dung sau: (i) Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế song hiểu biết của người dân về khu vực này còn hạn chế; (ii) khung khổ luật pháp đối với ngành dịch vụ mặc dù đã được hoàn thiện một bước song còn phức tạp và chưa được thực thi tốt; (iii) các cam kết quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng sâu, rộng song chưa có được cơ chế thi hành thuận lợi; (iv) các chính sách phát triển ngành dịch vụ còn thiên về bảo hộ và độc quyền; (v) các cơ quan quản lý dịch vụ chưa phối hợp chặt chẽ; và (vi) các hiệp hội dịch vụ hình thành ngày càng nhiều song hoạt động và vai trò còn hạn chế.

Phần IV: Quan điểm về phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020 gồm các quan điểm sau: (i) Chú trọng phát triển ngành dịch vụ hơn trong mối quan hệ hài hòa với phát triển các ngành công nghiệp; (ii) hướng tới một khu vực dịch vụ phát triển, đảm bảo cả ba yếu tố: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiện đại; (iii) quản lý và điều tiết hợp lý đóng vai trò then chốt đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tính hiệu quả kinh tế của ngành dịch vụ; (iv) tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế của khu vực dịch vụ; (v) nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ cơ bản; và (vi) đào tạo nguồn lao động có kỹ năng phù hợp với sự phát triển của ngành dịch vụ.

Phần V: Một số giải pháp phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020 đưa ra các giải pháp: (i) Nâng cao sự hiểu biết của xã hội về dịch vụ và phát triển ngành dịch vụ; (ii) đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ vai trò và chức năng của Nhà nước đối với phát triển ngành dịch vụ; (iii) nâng cao năng suất trong ngành dịch vụ và coi đây là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu; (iv) khuyến khích sáng tạo trong ngành dịch vụ; (v) thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ; (vi) đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ; (vii) xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế phù hợp và tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ; (viii) phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; và (ix) xây dựng các “vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” mở để tăng cường tác động lan tỏa của ngành dịch vụ đối với toàn bộ nền kinh tế.

>> Xem các thông tin chi tiết về đề tài tại đây. 


Trường ĐHKT - ĐHQGHN