Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế



Mã số: KX.03.06/06-10, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế,” mã số KX.03/06-10

Thời gian thực hiện: 2007 - 2010

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Chủ nhiệm đề tài:
Họ và tên: PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Đơn vị: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Mục tiêu nghiên cứu:

Đề tài có các mục tiêu cơ bản như sau:

- Xây dựng các mô hình cấu trúc nhân cách doanh nhân (NCDN), văn hóa kinh doanh (VHKD) Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế;

- Đúc rút bài học kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển NCDN và VHKD;

- Đánh giá thực trạng NCDN, VHKD Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế;

- Dự báo xu thế biến đổi NCDN, VHKD Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế;

 - Đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nhân, phát triển NCDN và VHKD trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Nội dung nghiên cứu:

Nội dung của đề tài gồm 4 chương:

Chương1: Khung phân tích nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam có nội dung chính là xây dựng các mô hình cấu trúc NCDN và VHKD Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Nội dung này được bắt đầu bằng việc phân tích các khái niệm nhân cách và hệ giá trị nhân cách Việt Nam, trên cơ sở đó đi sâu vào phân tích hệ các giá trị NCDN để xây dựng mô hình cấu trúc phân tầng với bảng thang các giá trị chi tiết NCDN Việt Nam. Một cách tương tự, mô hình cấu trúc phân tầng với các bảng thang giá trị chi tiết của VHKD cũng được bắt đầu bằng việc phân tích hệ các giá trị văn hóa Việt Nam. NCDN và VHKD có mối quan hệ tương hỗ với nhau và cùng chịu sự tác động rất mạnh bởi môi trường phát triển. Mục tiêu chủ yếu của Chương là xây dựng được khung phân tích, đánh giá NCDN và VHKD Việt Nam.

Trong Chương 2, đề tài tập trung tìm hiểu Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở một số nước trên thế giới. Doanh nhân Việt Nam cũng là bộ phận của doanh nhân thế giới, do vậy họ cũng có những đặc điểm chung về nhân cách và văn hóa. Tuy nhiên, do đặc điểm lịch sử, điều kiện phát triển khác nhau nên doanh nhân của mỗi nước có những bản sắc khác nhau. Bởi vậy, việc nghiên cứu để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong NCDN và VHKD giữa Việt Nam với các nước có ý nghĩa rất quan trọng trong đối sánh với các nội dung của khung phân tích ở Chương 1 và đây cũng là mục tiêu chính của Chương 2. Do vậy, Chương này tập trung nghiên cứu những đặc điểm nổi bật của NCDN, VHKD ở hai “khu vực văn hóa” – phương Đông (Nhật Bản, Trung Quốc) và phương Tây (Mỹ, Do Thái) để đúc rút một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ở Chương 3, đề tài tập trung nghiên cứu Thực trạng nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Với các thang bảng giá trị NCDN, VHKD (Chương 1) và tham khảo kinh nghiệm quốc tế (Chương 2), chương này phân tích kết quả khảo sát (chọn mẫu, với 1.000 phiếu) để lấy ý kiến đánh giá của các doanh nhân, cán bộ quản lý và người dân trên quy mô toàn quốc. Mục tiêu chính của Chương là kiểm định (qua sự đánh giá của người được hỏi) về sự hợp lý của các mô hình cấu trúc NCDN, VHKD và tìm hiểu NCDN, VHKD Việt Nam hiện nay đang ở đâu so với các thang bậc giá trị đã được xác lập. Các kết quả phân tích của cuộc khảo sát là cơ sở để khẳng định tính hợp lý của các mô hình cấu trúc NCDN và VHKD, đồng thời là căn cứ thực tiễn quan trọng để đề xuất các quan điểm, giải pháp cho phát triển NCDN, VHKD Việt Nam trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích thực trạng NCDN và VHKD của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Chương 4 của đề tài đã đưa ra Các quan điểm, giải pháp phát triển nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Từng quan điểm, giải pháp được phân tích với các luận cứ cụ thể.

>> Xem các thông tin chi tiết về đề tài tại đây.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN