Trang tin tức sự kiện
 
Sinh viên ĐH Kinh tế nói về nhà trường

Họ có thể là những sinh viên còn trên ghế giảng đường, theo học các bậc học cao hơn, đi du học, ở lại trường công tác hay đã đảm nhận những cương vị khác nhau ngoài xã hội. Nhưng tất cả đều hướng về trường bằng tình cảm yêu thương và kính trọng nhất. Dưới đây là những chia sẻ, tâm tư tình cảm về Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, nơi họ đã hoặc đang sống, học tập và nghiên cứu.


Nguyễn Đình Minh Anh (QH-2006E-CLC):

- Nguyễn Đình Minh Anh (QH-2006-E CLC):
Giải nhất NCKH sinh viên cấp Bộ GD&ĐT, Giải thưởng Sao tháng Giêng; Thủ lĩnh sinh viên toàn cầu tại Mỹ, Bằng khen của TƯ Hội SV Việt Nam vì những đóng góp cho các hoạt động của Hội, Tham dự Hội nghị “Sinh viên ASEAN - ASEAN trong thế giới ngày nay",  được nhận học bổng đào tạo tiến sĩ tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ: 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có một môi trường học tập lý tưởng. Cá nhân tôi và các bạn đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy hết năng lực của mình cũng như được hỗ trợ tốt nhất về mặt cơ sở vật chất và được đầu tư về trang thiết bị học tập, nghiên cứu. Hơn nữa sự tương tác với sinh viên các nước thông qua các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa và hội thảo, diễn đàn quốc tế tại trường đã đem lại nhiều kiến thức mới và trải nghiệm thú vị. Chính môi trường học tập tích cực và thân thiện nơi đây đã nuôi dưỡng một niềm đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ trong tôi, mở đường cho những thành công phía trước.
- Nguyễn Thị Kim Ngọc (QH-2004-E CLC) - Trợ lý giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ Tương Lai: Điều làm tôi nhớ mãi trong suốt thời gian đi học là những thầy cô luôn tận tụy và quan tâm học trò hết mực. Tôi tìm thấy nơi đây không chỉ một kho kiến thức lớn mà còn là những lời động viên cùng sự sẻ chia chân thành về cuộc đời cũng như những kinh nghiệm sống quý báu. Tôi đã có nhiều cơ hội về thăm trường, thăm lại thầy cô xưa và cũng nhìn thấy nhiều sự thay đổi tích cực của trường và khoa trong những năm qua. Điều đặc biệt là trường đang thực sự thu hút được nhiều giảng viên trẻ và  được đào tạo bài bản tại các trường đại học hàng đầu ở các quốc gia phát triển. Đây thực sự sẽ là những người thầy nhiệt huyết sẽ tiếp tục sự nghiệp truyền đuốc, ươm mầm những thế hệ mới cho tương lai.
- Phạm Thu Hằng (QH-2007-E CLC): 1 trong 10 sinh viên kinh tế xuất sắc nhất năm 2010 do VCCI bình chọn, sinh viên tiêu biểu xuất sắc học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010 được Bộ GD&ĐT và TƯ Đoàn khen thưởng, Nhận học bổng SCIC 2010 – Nâng bước tài năng trẻ Phó Chủ tịch Hội sinh viên, Chương trình giao lưu thanh niên, thuộc dự án hợp tác hướng tới tương lai Asean HQ.
Sáng kiến CDIO - một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra đã đem lại nhiều cơ hội mới cho sinh viên. Thông qua chương trình học tích hợp chuẩn đầu ra CDIO, chúng tôi được đào tạo để phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn, có ý thức trách nhiệm với xã hội và gắn với nhu cầu của người tuyển dụng. Từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.
- Lý Đại Hùng (QH-2007-E CLC): Giải bạc Giải thưởng sinh viên nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, giải ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ:
ĐHKT là trong những đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của ĐHQGHN. Bản thân tôi nhận thấy được sự đầu tư thích hợp của nhà trường đối với hoạt động NCKH sinh viên cũng như sự quan tâm chu đáo của các thầy, các cô trong việc định hướng đề tài và xác định phương pháp nghiên cứu.
Đó là động lực để tôi nỗ lực và quyết tâm hơn để niềm đam mê nghiên cứu kết tinh thành những công trình khoa học mang tính thực tiễn cao.
- Nguyễn Đức Dũng (QH-2009-E TCNH): Học bổng Công ty Dragon Capital 2010, Học bổng Công ty Chứng khoán Sài Gòn 2010, Bằng khen của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc 2010, Chủ nhiệm SIFE UEB, tình nguyện:
Tham gia các hoạt động đoàn thể, tình nguyện và sinh hoạt CLB thực sự là một phần không thể thiếu của cuộc sống sinh viên bên cạnh những giờ học căng thẳng trên lớp. Tôi sẽ không thể nào quên mùa hè xanh rực rỡ với màu áo tình nguyện trên khắp các nẻo đường xa, niềm vui và những nụ cười trẻ thơ trong những chương trình từ thiện và cả những giây phút miệt mài với các dự án - những cống hiến của tuổi trẻ vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững và một tương lai tốt đẹp hơn. Thông qua những hoạt động ngoại khóa của trường, tôi học hỏi đươc nhiều điều từ bạn bè và cuộc sống, thấy mình trưởng thành hơn từng ngày, vững vàng và bản lĩnh hơn trên con đường còn nhiều khó khăn phía trước.
- Tạ Thị Quỳnh - sinh viên lớp QH-2008-E CLC đã xuất sắc tham dự chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Soka (Nhật Bản):
Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã cho tôi một cơ hội không thể tuyệt vời hơn, mở rộng tầm nhìn và đặt chân đến một miền đất mới, một năm học, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh viên tại đất nước mặt trời mọc xinh đẹp - Đại học Soka (Nhật Bản). Tại đây tôi được sống và học tập trong một môi trường hoàn toàn khác biệt, được học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức và bài học mới. Ngoài giờ học trên lớp tôi còn có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa và giao lưu văn hóa với những người bạn đến từ nhiều nước trên thế giới cũng như tìm hiểu những câu chuyện thú vị về đất nước con người nơi đây. Đây sẽ là một chuyến đi đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên muôn sắc màu, đầy ắp những ước mơ và hoài bão.
- Trần Văn Đức (QH-2003E-KTĐN): Giám đốc Công ty Cổ phần VINAWAY.
Trong thời gian học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN  tôi đã được tiếp cận với phương pháp học tập chủ động, khuyến khích sinh viên động não và tham gia trực tiếp vào các hoạt động giải quyết vấn đề. Bằng cách chủ động suy nghĩ về các khái niệm và phân tích, đánh giá các ý tưởng mới, tôi không những học được nhiều hơn mà còn tự đánh giá được mình đã học cái gì và học như thế nào. Quá trình học tập chủ động đã tạo động lực cho tôi cũng như những sinh viên khác đạt được các kết quả học tập dự kiến, hình thành thói quen học tập theo chiều sâu và học tập suốt đời. Điều đó đã trở thành một hành trang quan trọng, giúp tôi tự tin hơn chinh phục ước mơ của mình.
- Phạm Thị Hoàng Giang (QH-2009E-CLC): - Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Kinh tế 2010,  sinh viên xuất sắc tham dự Chương trình Trao đổi lãnh đạo trẻ Đông Nam Á 2010 tại Malaysia, đạt 8.0 tại kỳ thi IELTS do Hội đồng Anh tổ chức tháng 5/2010:
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng, sự kiện chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế Đối ngoại chất lượng cao – chương trình hiện tôi đang theo học - được đánh giá, kiểm định đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á đã trở thành một bước phát triển vượt bậc trong công tác đảm bảo chất lượng, dần đạt chuẩn khu vực và quốc tế của nhà trường. Cá nhân tôi nhận thấy thành tựu này đã mở ra nhiều cơ hội mới và mang đến một môi trường học tập mang tính quốc tế, năng động hơn và hiệu quả hơn cho sinh viên. Đây sẽ là một điều kiện thuận lợi giúp tôi thành công hơn trên con đường sự nghiệp say này.
- Lê Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Kinh tế trẻ (YEC): Mỗi khi nhắc tới các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả tại Trường Đại học Kinh tế, không thể không nhắc tới CLB kinh tế trẻ. Và nhắc tới YEC, chúng ta lại không thể không nhắc tới nữ chủ nhiệm trẻ tuổi của CLB: bạn Lê Thị Hải Yến - QH-2008-E KTPT. Với dáng vẻ bề ngoài như bao nữ sinh viên đại học khác: dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh, gọng kính cận duyên dáng và nụ cười tươi tắn thường trực trên môi, song ở Yến lại có một sự thông thái, điềm tĩnh đến ngạc nhiên góp phần làm nên sức thu hút và bản lĩnh của  một thủ lĩnh sinh viên.
Yến chia sẻ, cũng như bao bạn sinh viên khác, Yến rất hăng hái tham dự vào các hội thảo, các diễn đàn sinh viên, các chương trình giao lưu quốc tế… vốn dĩ là các hoạt động thường xuyên được nhà Trường tổ chức. “Mình luôn muốn khai thác các cơ hội này! Thật không dễ gì để bạn có thể trực tiếp lắng nghe và thảo luận với các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như PGS.TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TƯ hay thậm chí là các giáo sư kinh tế nổi tiếng thế giới như Giáo sư Tom Cannon đến từ Đại học Liverpool, Giáo sư John Quelch - Nguyên Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Harvard… Do vậy mình cùng tập thể CLB YEC luôn tự hỏi: Tại sao chúng ta không thể tự tổ chức các hội thảo có tính học thuật một cách chuyên nghiệp với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế và đông đảo các bạn sinh viên? Tại sao chúng ta không thể mang lại cơ hội cho các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu cơ hội để cùng giao lưu, tranh luận và lắng nghe những phản biện từ các chuyên gia? Và đó chính là động lực thúc đẩy YEC, mạnh dạn tổ chức hoặc đồng tổ chức ngày càng nhiều hơn nữa các hội thảo chất lượng và thiết thực về các chủ đề kinh tế cho các bạn sinh viên trong và ngoài trường. Và thật tuyệt vời khi Ban Giám hiệu, Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác phát triển cùng các giảng viên của Khoa ủng hộ, giúp đỡ chúng mình rất nhiệt tình cho ý tưởng này...” Hè năm 2010, các thành viên của YEC đã tham gia phối hợp tổ chức Diễn đàn sinh viên các trường kinh tế Đông Á (GPAC) với sự qui tụ của các đoàn sinh viên quốc tế đến từ Đại học Seul, Đại học quốc gia Cheng Ching Đài Loan, Đại học Keio, Nhật Bản… Gần đây, YEC cũng tổ chức thành công diễn đàn các vấn đề kinh tế nổi bật 2010 và triển vọng kinh tế Việt nam 2011 dưới góc nhìn sinh viên. Được biết, hội thảo đã gây tiếng vang với các bài tham luận chất lượng cao từ các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng và đã được các đơn vị như Báo sinh viên Việt Nam, Vietnamnet... đưa tin.
- Phạm Thị Minh Ngọc – sinh viên QH-2007-E QTKD: Một nỗi băn khoăn trăn trở chung của các sinh viên năm ba, năm tư là vấn đề thực tập, thực tế. Thực tập ở đâu? Làm thế nào để liên hệ được các địa điểm thực tập tốt phù hợp với nguyện vọng của bản thân khi không có quan hệ? Đó là những câu hỏi nan giải và thường gặp đối với nhiều bạn trẻ khi phải chuẩn bị cho đợt thực tập, thực tế trước khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên trở ngại đó dường như không là mối bận tâm của các bạn sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế. Bạn Phạm Thị Minh Ngọc - sinh viên năm thứ 4 lớp QH-2007-E QTKD tâm sự: Bạn đã hoàn thành đợt thực tập trước thời hạn, ngay còn khi đang là sinh viên năm thứ ba. Sở dĩ như vậy là bởi Khoa Quản trị Kinh doanh nói riêng và Trường Đại học Kinh tế  - ĐHQGHN nói chung có rất nhiều các đối tác chiến lược là các  tập đoàn, doanh nghiệp, viện, đại học… Mặt khác do Trường Đại học Kinh tế đã xác định mối hợp tác song phương trong đó trường đào tạo “sản phẩm” là nguồn nhân lực chất lượng cao, là tri thức, tư vấn cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cam kết đầu tư, hỗ trợ cho quá trình hoàn thiện “sản phẩm đó”. Do đó, sinh viên Trường Đại học Kinh tế hàng năm luôn có rất nhiều cơ hội học bổng, hàng trăm cơ hội thực tập và tuyển dụng vào các vị trí cao trong các công ty, tập đoàn như: Tập Đoàn Gami, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng SacomBank, Công ty Kinh Đô, Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt… Các giảng viên, trợ lý của Khoa cũng luôn đưa ra những tư vấn giải đáp và giúp đỡ các bạn trong việc chọn lựa, giới thiệu và liên hệ tới các đối tác... Sau khi hoàn thành khóa thực tập 2 tháng tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn trong kỳ vừa rồi, mình đã cảm thấy rất vui và thu được nhiều kiến thức bổ ích - Bạn của mình thực tập tại Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, sau khi hoàn thành xuất sắc dự án về phát triển thương hiệu của công ty, thậm chí đã được nhận vào làm chính thức!“

Nguyễn Thịnh và các cộng tác viên