Trang tin tức sự kiện
 
Trò chuyện với "Thầy phù thủy marketing" John Quelch

Phóng viên Thùy Dung trò chuyện với GS. John Quelch
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 29/3 GS. John A. Quelch - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Quốc tế Châu Âu - Trung Quốc, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard đã có chuỗi hoạt động tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Giáo sư - người được mệnh danh là "thầy phù thủy marketing và thương hiệu”.


PV: Chào mừng Giáo sư đã trở lại Việt Nam. Xin Giáo sư cho biết cảm nhận của ông về kinh tế Việt Nam cũng như lĩnh vực marketing trong chuyến thăm lần này?

GS. John Quelch: Đây là lần thứ 7 tôi đến Việt Nam. Trong 10 năm qua tôi đã rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam và có nhận xét rằng đất nước này có mức tăng trưởng GDP rất ấn tượng. Điều tôi nhận thấy trong hơn một năm qua là nền kinh tế Việt Nam có phần bớt sôi nổi hơn thời gian trước. Tôi nghĩ đó là do chính phủ đang tập trung hơn vào hạn chế lạm phát. Thẳng thắn mà nói, lĩnh vực marketing của Việt Nam đang ngày càng trở nên phong phú hơn vì các bạn đang đẩy mạnh hợp tác đa quốc gia, các thương hiệu nước ngoài phải cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu trong nước thuộc rất nhiều danh mục hàng hóa sản phẩm. Marketing ở Việt Nam cũng đang trở nên chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra. tôi thấy sự cạnh tranh và thách thức về hiệu quả sản xuất mà Việt Nam đang đối mặt cũng khó khăn hơn trước.

PV: Những lần trước Giáo sư đến Việt Nam thường để trao đổi với các doanh nghiệp và doanh nhân. Vậy ghé thăm một trường đại học lần này, Giáo sư có so sánh gì giữa marketing trong kinh doanh và marketing trong giáo dục?

GS. John Quelch: Trước tiên, tôi có thể nói rằng các hoạt động đầu tư ở Việt Nam đã và đang diễn ra ấn tượng và nhiều người trong giới trẻ Việt Nam mong muốn được tự mình xây dựng doanh nghiệp riêng. Văn hóa kinh doanh này trong giới trẻ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Mặt khác, một cơ sở giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để tăng trưởng kinh tế, vì các tài năng kinh doanh không hiểu biết về quản lý và kinh tế, tài chính thì khó có thể thành công hay có đóng góp gì nhiều, so với một doanh nhân đã có đủ các nền tảng kiến thức để xây dựng cơ sở kinh doanh riêng. Tôi nghĩ rằng, công tác giáo dục, đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và quản lý chất lượng cao trong kinh doanh rất hữu ích để thúc đẩy thành công, đặc biệt là đối với các doanh nhân trẻ.

PV: Thưa Giáo sư, để có một thương hiệu mạnh, một trường đại học cần làm gì?

GS. John Quelch: Theo tôi đó là chặng đường dài phía trước. Một trong những hiểu nhầm cơ bản là khi suy nghĩ rằng bạn có thể dễ dàng kiếm tiền chỉ với việc xây dựng một thương hiệu. Thật ra, thương hiệu đơn giản là sự ăn khớp của tổng thể tất cả các công nhận giá trị. Một điều rất quan trọng là bạn phải làm cho sự công nhận giá trị trở nên khác biệt. Ví dụ, đối với ĐHQGHN, rõ ràng các bạn cũng đã có một sự công nhận giá trị ở Việt Nam. Vấn đề là hình ảnh và danh tiếng của ĐHQG là gì. Bạn có sự công nhận thương hiệu, nhưng đó chỉ mới là tấm vé đầu tiên. Điều bạn cần là một danh tiếng tích cực và mạnh mẽ - sự nhận thức về thương hiệu. Về cơ bản cũng giống như trong kinh doanh, thương hiệu dựa vào chất lượng sản phẩm mà bạn bán ra thị trường, thì với một đại học, chất lượng được đánh giá qua các chương trình đào tạo, và qua bằng cấp mà bạn nhận được, bạn có thể đảm bảo một công việc tốt và trở thành công dân tích cực. Điều đó cũng chính là bạn đang để lại danh tiếng cho thương hiệu nhà trường.

PV: Cụ thể, Giáo sư có gợi ý gì về việc xây dựng thương hiệu cho Trường ĐHKT - ĐHQGHN?

GS. John Quelch: Theo tôi, một thành tố rất quan trọng là sự nối kết với thực tiễn. Vì vậy tôi luôn quan tâm đến tương quan này khi sinh viên thực hiện các dự án, chương trình có sự nối kết với các chương trình của doanh nghiệp, khu vực tư nhân hay các cơ quan của chính phủ. Đây là nơi mà sinh viên có thể vừa học và trực tiếp trải nghiệm các hoạt động kinh doanh vừa có thể đề xuất những ý kiến hữu ích cho doanh nghiệp.

PV: Giáo sư có ấn tượng gì về giảng viên và sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN?

GS. John Quelch: Cho đến nay thì đây là lần đầu tiên tôi đến thăm trường các bạn. Tôi rất ấn tượng với lòng nhiệt tình của các giảng viên, sinh viên tham gia hội thảo. Điều tôi nhận thấy là giảng viên, sinh viên Nhà trường cũng như những người tham dự có một tinh thần học hỏi và quan tâm đến lĩnh vực marketing rất cao, điều đó có ý nghĩa lớn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng. Các bạn có tố chất để dẫn đầu trong việc hiểu biết về thị trường Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam vì các bạn hiểu hành vi của người tiêu dùng trẻ và hiểu về marketing. Giới trẻ hiện nay có mối quan tâm lớn về nhiều mặt giá trị và muốn nghiên cứu về các vấn đề đó.


Thùy Dung (thực hiện)