Trang tin tức sự kiện
 
Khai giảng Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản lý công khóa 4

Ngày 28/2/2011, lễ khai giảng Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công khóa 4 liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Uppsala (Thụy Điển) đã được trang trọng tổ chức vào tại Trường ĐHKT.


Buổi lễ vinh dự được đón tiếp bà Maeve Collins - Đại sứ Ai-len tại Việt Nam; Thứ trưởng Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Giám Đốc ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học cùng đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo, Ban điều hành đề án 165, Ủy ban dân tộc, Đại học Uppsala, Tổ chức SIPU và 65 tân học viên của Chương trình. Từ ĐH Uppsala - Thụy Điển, Phó Hiệu trưởng - GS. Margaretha Fahlgren và ông Delef Clowe - Giám đốc Ban Hợp tác Đào tạo đã trực tiếp theo dõi buổi lễ qua hệ thống video conference.

Trong lời phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình Thạc sĩ Quản lý công liên kết giữa Trường ĐHKT và ĐH Uppsala là một trong những chương trình liên kết quốc tế trọng điểm của Trường, hướng tới mục tiêu đào tạo các nhà quản lý công xuất sắc, thông qua việc trang bị cho học viên những kiến thức hiện đại về quản lý công cũng như các kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyên nghiệp trong khu vực công. Đặc biệt, khóa 2 của chương trình đã được Ban tổ chức Trung ương đặt hàng đào tạo cán bộ quản lý trong khuôn khổ đề án 165 của Chính phủ. Kỳ tuyển sinh khóa 4 lần này, Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng vinh dự trở thành đối tác của Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Ai-len trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Điều đó khẳng định vị thế, uy tín cũng như nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường trong các chương trình phát triển đội ngũ quản lý, lãnh đạo ở cấp trung ương và địa phương.

Nhấn mạnh ý nghĩa và mục tiêu của Dự án, Thứ trưởng Hà Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan là nhằm thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản lý công cũng là để đáp ứng nhu cầu được đào tạo một cách bài bản, hệ thống các kiến thức về phát triển và giảm nghèo, trong đó kết hợp cả lý thuyết và kỹ năng thực tế của các cán bộ đang theo dõi, quản lý và triển khai các chính sách dân tộc.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo ĐHQGHN, Đại sứ quán Ai-len và Trường ĐH Uppsala đã chúc mừng các tân học viên, bày tỏ niềm tin vào chất lượng chương trình cũng như hy vọng các tân học viên tiếp tục nỗ lực, vững vàng hơn trên con đường sự nghiệp và tiếp tục cống hiến sức lực và tri thức của mình cho sự nghiệp công tác dân tộc, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Theo dõi buổi lễ qua hệ thống video conference từ Thụy Điển, đại diện Trường ĐH Uppsala từ Thụy Điển đã nhiệt liệt chúc mừng các tân học viên, gửi gắm niềm tin và nhiệm vụ quan trọng tới các nhà lãnh đạo tương lai.


Bà Maeve Collins - Đại sứ Ai-len tại Việt Nam tin tưởng với sự tài trợ của Chính phủ Ai-len, chương trình hợp tác đào tạo này sẽ đóng góp vào mục tiêu chung, đó là xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là trong khu vực các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Với tư cách là Phó Giám đốc ĐHQHN và Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKT, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ bày tỏ vui mừng trước việc chương trình đã và đang chứng minh được chất lượng uy tín trong đào tạo và tính khả thi, cần thiết đối với nhu cầu phát triển của đất nước.


Buổi lễ còn có sự tham dự qua hệ thống video conference của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Uppsala - GS. Margaretha Fahlgren và ông Delef Clowe - Giám đốc Ban Hợp tác Đào tạo.


Nghi thức đánh trống khai giảng mở đầu khóa học.

Toàn thể đại biểu và học viên cùng chụp ảnh lưu niệm, ghi lại dấu mốc đáng nhớ.

Nâng cao chất lượng hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là dự án do Cơ quan viện trợ Ai-len hỗ trợ cho Ủy ban Dân tộc với mục tiêu chung là góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực của việc hoạch định, quản lý, qua đó đóng góp cho công cuộc giảm nghèo chung ở Việt Nam, giảm sự chênh lệch về tiêu chuẩn, điều kiện sống giữa các vùng dân tộc và vùng đồng bằng. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản lý công giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN và ĐH Uppsala nằm trong nhiệm vụ chiến lược này.


Thùy Dung