Trang tin tức sự kiện
 
Thông tin và tóm tắt luận án tiến sĩ Trần Thị Thanh Huyền

Đề tài luận án: Chính sách tỷ giá hối đoái trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế


1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Thanh Huyền

2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 01/11/1983

4. Nơi sinh: Tân Hòa, Vũ Thư, Thái Bình

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: số 61/QĐ-ĐHKT ngày 13/01/2015

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Cho phép kéo dài thời gian đào tạo đến 31/12/2019 theo QĐ 3742/QĐ-ĐHKT ngày 29/12/2017

7. Tên đề tài luận án: Chính sách tỷ giá hối đoái trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

8. Chuyên ngành: Kinh tế quốc tế

9. Mã số: 9 31 01 06

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học:

  • Hướng dẫn chính: TS. Nguyễn Cẩm Nhung
  • Hướng dẫn phụ: TS. Nguyễn Tiến Dũng

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

- Về mặt lý luận: Luận án phân tích và làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến chính sách tỷ giá hối đoái gắn với bối cảnh hội nhập, đồng thời xây dựng khung phân tích đánh giá tác động của chính sách tỷ giá đối với nền kinh tế thông qua mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và các biến kinh tế vĩ mô.

- Về mặt thực tiễn:

Luận án tiếp cận ở cấp độ vĩ mô để làm rõ tác động của chính sách tỷ giá hối đoái tới nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở đánh giá mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và các biến kinh tế vĩ mô gồm giá cả (giá nhập khẩu, giá tiêu dùng), sản lượng và cán cân thương mại. Kết quả cho thấy, giảm giá/phá giá nội tệ không giúp cải thiện được đáng kể cán cân thương mại, không có tác động rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế nhưng lại làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và là một trong các nhân tố gây ra lạm phát ở Việt Nam. Như vậy, nếu hạn chế được mức độ truyền dẫn từ biến động tỷ giá đến giá nhập khẩu thì ảnh hưởng của tỷ giá đến lạm phát cũng sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên việc đơn thuần dựa vào phân tích ở cấp độ vĩ mô sẽ khó đưa ra những giải pháp mang tính cụ thể nhằm kiểm soát lạm phát.

Chính vì vậy, bên cạnh tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của tỷ giá tới giá nhập khẩu tổng thể, luận án còn tiếp cận ở cấp độ vi mô để ước lượng mức độ truyền dẫn biến động tỷ giá đến giá các nhóm hàng hóa nhập khẩu. Theo hướng tiếp cận vi mô này, luận án có đóng góp mới khi mở rộng phạm vi nghiên cứu ra 7 đối tác mà Việt Nam nhập khẩu chủ yếu (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, EU-28, Thái Lan và Sigapore) chứ không chỉ dừng lại ở quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản như các nghiên cứu trước đây đã thực hiện. Kết quả kiểm định đóng góp thêm minh chứng khoa học ở góc độ thương mại ủng hộ việc neo VND theo một rổ tiền tệ. Trên cơ sở phân tích hoạt động điều hành tỷ giá của NHNN từ 4/1/2016 (thời điểm NHNN công bố áp dụng chế độ tỷ giá trung tâm), luận án nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng chế độ tỷ giá này một cách thực chất hơn, tức là neo VND theo một rổ tiền tệ một cách thực sự chứ không phải neo theo đồng đô la Mỹ như thực tế diễn biến trên thị trường ngoại hối trong hai năm 2016, 2017 vừa qua. Bên cạnh đó, luận án đề xuất rổ tiền tệ nên bao gồm 5 đồng tiền là đô la Mỹ, Yên Nhật, Euro, Nhân dân tệ và đô la Singapore (trong đó gắn tỷ trọng lớn nhất cho đồng đô la Mỹ), chứ không nhất thiết phải là 8 đồng tiền như NHNN công bố.

12. Khả năng ứng dụng thực tiễn:

Luận án là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra phương thức điều hành chính sách tỷ giá hối đoái cho Việt Nam phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hướng đến mục tiêu cân đối bên trong và cân đối bên ngoài.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích góp phần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam về sự cần thiết thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro do biến động tỷ giá gây ra, đồng thời cung cấp thêm thông tin và giải pháp giúp doanh nghiệp lựa chọn các công cụ phòng ngừa rủi ro và lựa chọn đối tác kinh doanh phù hợp. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện cán cân thương mại của nền kinh tế, giúp nguồn dự trữ ngoại hối tăng trưởng bền vững, qua đó đảm bảo được điều kiện quan trọng để duy trì chế độ tỷ giá trung tâm hiện nay và hướng tới chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý trong tương lai.

13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:

Mặc dù chỉ ra sự cần thiết của việc gắn tỷ trọng lớn nhất trong rổ tiền tệ cho đồng đô la Mỹ, luận án vẫn chưa xác định được cụ thể tỷ trọng của đồng tiền này cũng như các đồng tiền còn lại trong rổ tiền tệ. Đây sẽ là hướng nghiên cứu có thể tiếp tục triển khai.

Ngoài ra, việc sử dụng gián tiếp số liệu thương mại (tức là tính toán giá hàng hóa bằng cách lấy tổng giá trị chia cho tổng khối lượng) để ước lượng mức độ truyền dẫn biến động tỷ giá đến giá xuất khẩu từ đó suy ra mức độ truyền dẫn biến động tỷ giá đến giá nhập khẩu được chỉ ra là vẫn còn bất cập. Trong trường hợp có được số liệu thực về đơn giá của các mặt hàng nhập khẩu, kết quả tính toán được kỳ vọng có thể góp phần đưa ra những hàm ý chính sách sát hơn với thực tế.

14. Các công trình công bố liên quan đến luận án:

  1. Tran Thi Thanh Huyen (2018), “Exchange rate policy and macroeconomic stability in Vietnam”, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 34, No. 2, pp.1-16.
  2. Nguyen Cam Nhung, Tran Thi Thanh Huyen (2017), “Exchange rate pass-through into Vietnamese import prices by industries and by countries”, International Business Management, 11 (11), pp.1834-1843.
  3. Trần Thị Thanh Huyền, Nguyễn Cẩm Nhung (2017), “Ước lượng chuyển dịch biến động của tỷ giá hối đoái đến các mức giá nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc giai đoạn 2005-2015”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 239, tr.19-28.
  4. Trần Thị Thanh Huyền (2017), “Kinh nghiệm neo tỷ giá theo rổ tiền tệ của Trung Quốc”, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, số 180, tr.57-65.
  5. Trần Thị Thanh Huyền (2014), “Chính sách tỷ giá và cải thiện cán cân thương mại: Kinh nghiệm từ Thái Lan”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 15 (575) tháng 8, tr.58-60.
>>> Xem hoặc download tóm tắt luận án tại đây.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN