Trang tin tức sự kiện
 
Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Nghiêm Quý Hào

Tên đề tài luận án: Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho các chương trình kinh tế lớn và dự án kinh tế trọng điểm ở Việt Nam


- Ngành khoa học của luận án: Kinh tế

- Chuyên ngành: Kinh tế chính trị

- Mã số: 61 31 01 01

- Tên đơn vị đào tạo SĐH: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

- Cán bộ hướng dẫn: PGS.TS Phạm Văn Dũng

Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án:

Đối tượng nghiên cứu của luận án là hoạt động tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (TD ĐTPT) cho các chương trình kinh tế lớn và các dự án kinh tế trọng điểm ở Việt Nam. Dưới góc độ Kinh tế chính trị, TD ĐTPT cho các chương trình kinh tế lớn và dự án kinh tế trọng điểm được nghiên cứu với tư cách là một công cụ kinh tế - tài chính của Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế nhằm khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường, định hướng sự phát triển của nền kinh tế.

Mục đích của luận án là làm sáng tỏ cơ sở lý luận về bản chất, vai trò, sứ mệnh của hình thức TD ĐTPT cho các chương trình kinh tế lớn, dự án kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế thị trường; phân tích, đánh giá thực trạng hình thức tín dụng này trong thời gian qua ở Việt Nam, từ đó, đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện hình thức đầu tư nhà nước này để nâng cao hiệu quả của nó trong thời gian tới.

Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng:

Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra:

+ Luận án đã sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để hoàn thiện, làm mới một số vấn đề lý luận cơ bản về TD ĐTPT cho các chương trình kinh tế lớn, dự án kinh tế trọng điểm và xây dựng nên khung lý thuyết mới cho việc xác định tiêu chí, thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng này.

+ Luận án đã sử dụng phương pháp thống kê, phân tích - tổng hợp, so sánh - đối chiếu và logic - lịch sử để nghiên cứu các tài liệu thu thập được có liên quan đến đối tượng nghiên cứu của luận án, sau đó, trên cơ sở các tiêu chí, thước đo trong khung lý thuyết đã xây dựng, tiến hành việc xem xét, đánh giá thực trạng, khái quát những thành công, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của chúng và từ đó nêu quan điểm, định hướng, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế vận hành, tổ chức hoạt động tín dụng này để nâng cao hiệu quả của nó trong thời gian tới.

Các kết quả chính và kết luận:

+ Một là, luận án đã làm sáng tỏ đặc điểm, bản chất của hình thức TD ĐTPT và TD ĐTPT cho các chương trình kinh tế lớn, dự án kinh tế trọng điểm cũng như vai trò của nó với tư cách là một công cụ của Nhà nước trong khắc phục khuyết tật của thị trường, điều tiết vĩ mô nền kinh tế; xây dựng khung lý thuyết về hình thức tín dụng này, trong đó xây dựng mới hệ thống tiêu chí, thước đo đánh giá, xác định hiệu quả của hình thức tín dụng này. Luận án cũng đã tổng kết và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ một số quốc gia trên thế giới trong việc thiết lập khung khổ pháp lý và cơ chế vận hành, tổ chức thực hiện hoạt động TD ĐTPT này.

+ Hai là, luận án đã phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động TD ĐTPT cho các chương trình kinh tế lớn, dự án kinh tế trọng điểm ở Việt Nam thời gian qua và chỉ ra những thành công, tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân của nó.

+ Ba là, luận án đã nêu ra các quan điểm, định hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hình thức tín dụng này thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng này để đảm đương được vai trò, sứ mệnh của nó trong thời gian tới.

Bằng kết quả nghiên cứu của mình, thông qua việc cung cấp những đánh giá về thành công và hạn chế của hoạt động tín dụng này thời gian qua trên cơ sở khung lý thuyết đã xây dựng, luận án đã chứng minh rằng: TD ĐTPT cho các chương trình kinh tế lớn và dự án kinh tế trọng điểm ở Việt Nam được xác định là giải pháp quan trọng khai thác các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển và được sử dụng làm một công cụ quan trọng của Nhà nước để sửa chữa những thất bại của thị trường, tham gia điều tiết vĩ mô nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong từng thời kỳ.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN