Trang tin tức sự kiện
 
Đổi mới hoạt động giảng dạy: Đẩy mạnh theo hướng thực tập thực tế

Năm học tới, ĐHKT sẽ có nhiều điểm mới trong hoạt động giảng dạy ở cả 3 bậc đào tạo
Trong không khí toàn ĐHQGHN đang đổi mới hoạt động giảng dạy theo nhiều hình thức khác nhau, Trường ĐH Kinh tế xác định đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng đẩy mạnh thực tập thực tế, đặc biệt là thực tập, thực tế ở nước ngoài.


Quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục, Trường ĐH Kinh tế đã thành lập tổ xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giảng dạy gồm những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, hoặc có kinh nghiệm giảng dạy ở nước ngoài. Tổ đề án làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê với tinh thần đổi mới toàn diện, quốc tế hóa, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Qua nhiều cuộc họp, lấy ý kiến, tổng kết, rất nhiều ý kiến hay, mới và đầy tinh thần sáng tạo đã được đóng góp nhằm xây dựng đề án vừa chi tiết vừa ngắn gọn và bám sát mục tiêu nâng cao chất lượng người học ở cả 3 bậc đào tạo đại học, đào tạo thạc sĩ và đào tạo tiến sĩ.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, người từng lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài và đi dạy cho nhiều khóa học tại Châu Âu cho rằng: Ở nước ngoài, giảng viên gần như không đọc chép cho sinh viên về khái niệm, định lý hay như các ý chính vì có hết trong giáo trình, sinh viên tự ý thức được việc đọc sách, do vậy thư viện lúc nào cũng đông vui như công viên. Trong thời gian đó, giảng viên tận dụng thời gian đưa sinh viên đi thực tế tại doanh nghiệp theo nhiều giai đoạn như tham quan, kiến tập, thực tế, thực tập và cấp độ cao nhất là làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp rồi dựa vào đó để đánh giá. Tôi nghĩ, chúng ta cần tăng thêm thời gian cho sinh viên ra ngoài thực địa, nhất là đi nước ngoài, ngay như khoa tôi vừa có một chuyến thực tập tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan trong 1 tuần, hiệu quả thu về rất cao, sinh viên vô cùng thích thú.

 PGS.TS Nguyễn Việt Khôi dẫn lớp QH-2016 đi thực tập thực tế tại Thái Lan đầu tháng 8/2019

Với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nhận được sự tán thành của nhiều giảng viên khác. Nhiều người cho rằng tính trực quan bao giờ cũng giúp người học dễ dàng thu nhận thông tin, tri thức và ghi nhớ tốt hơn so với đọc và tự hình dung.

Nhìn từ góc độ chuyên môn, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng nêu rõ, Trường cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống bài giảng E-learning để đưa vào giảng dạy. Ở Việt Nam chưa có nhiều trường xây dựng hệ thống này nhưng ở nước ngoài họ đã áp dụng từ khá lâu rồi. Hệ thống bài giảng E-learning giúp giảng viên truyền đạt kiến thức theo yêu cầu người học. Người học có thể truy cập các khóa học từ bất kỳ nơi đâu như văn phòng làm việc, tại nhà, tại những điểm Internet công cộng, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần. Đào tạo bất cứ lúc nào và bất cứ ai cũng có thể trở thành người học. Ngoài ra, hệ thống có tính linh động: người học có thể lựa chọn cách học và khoá học sao cho phù hợp với mình. Có thể học khoá học có sự hướng dẫn của giảng viên trực tuyến hoặc học các khoá học tự tương tác (Interactive self – pace course) và có sự trợ giúp của thư viện trực tuyến.

 PGS.TS Trần Thị Thanh Tú cho rằng cần khẩn trương xây dựng hệ thống bài giảng E-learning và áp dụng vào trong quá trình đào tạo

Theo lộ trình, năm 2020, ĐHKT sẽ có môn học đầu tiên bằng hệ thống E-learing và định hướng sẽ xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh cho nhiều bộ môn trước năm 2025 và sẽ là trường đi đầu ở Việt Nam áp dụng hệ thống E-leanring trong giảng dạy, điều này được Hiệu trưởng ĐHKT khẳng định qua nhiều cuộc họp về đổi mới giáo dục.

Đứng từ góc độ trao đổi sinh viên, TS. Nguyễn Cẩm Nhung - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển đề xuất, Nhà trường và doanh nghiệp cần lập một cam kết chung mỗi năm sẽ nhận bao nhiêu sinh viên vào thực tập. Nội dung thực tập phải cụ thể, ít nhất phải từ 3 tháng trở lên. Nhà trường cần phát triển mạnh hơn nữa trao đổi sinh viên quốc tế theo nhiều mức thời gian: 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm... với các hình thức: giao lưu văn hóa, diễn đàn sinh viên… để sinh viên ĐHKT tối thiểu ai cũng được đi nước ngoài 1 lần khi còn ngồi trên ghế nhà trường. TS. Nguyễn Cẩm Nhung cũng mong muốn, các giảng viên thường xuyên đi nước ngoài sẽ là cầu nối hợp tác giữa Trường ĐHKT và quốc tế, ví dụ như PGS.TS Nguyễn Việt Khôi vừa tham gia hội thảo tại ĐH Thâm Quyến (Trung Quốc), bước đầu trường bạn đã mời sinh viên ĐHKT sang học miễn phí tại một số chương trình giao lưu - đây là nền tảng để hai trường phát triển hợp tác sâu hơn ở các lĩnh vực khác.

TS. Hoàng Khắc Lịch - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự đóng góp ý kiến

Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến hữu ích đóng góp để xây dựng đề án đề từ các Phòng/Khoa/Viện như xây dựng hoàn chỉnh học liệu tiếng Anh, thay đổi cách kiểm tra đánh giá người học, cá thể hóa người học… đều được ghi nhận và phân tích chi tiết.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê tóm lược các ý chính đó là (1) Đổi mới đề cương, giáo trình, học liệu gắn với thực tiễn (2) Đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm đọc chép, tăng tính trực quan và hoạt động trên giảng đường (3) Xây dựng hệ thống bài giảng E-learing, quản lý học liệu, big data, đổi mới cách thức kiểm định (4) Đổi mới công tác thu hút nhân lực, nhân tài, phát hiện và bồi dưỡng cá thể hóa trong người học (5) Kích thích tính chủ động, sáng tạo trong sinh viên, tăng cường hội nhập quốc tế hóa giáo dục. Đặc biệt, ông mong muốn giảng viên hãy chủ động giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho nhau, tạo sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng thể để đổi mới hoạt động giảng dạy, hướng đến mục đích cuối cùng là đào tạo ra những viên ngọc quý cho xã hội, đủ đức đủ tài xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh.

  Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chủ trì cuộc thảo luận về Đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHKT

Văn Công