Trang tin tức sự kiện
 
UEB - Tự hào vì thương hiệu chung

Một trong những thành công của Trường ĐHKT là xây dựng được văn hóa công sở riêng biệt, gắn kết được tình cảm và nguyện vọng của các thành viên trong tập thể với mục tiêu phát triển chung của Nhà trường. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của các cán bộ, viên chức về những dấu ấn và kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian công tác và trưởng thành tại Trường.


TS. Đỗ Tiến Long - Khoa Quản trị Kinh doanh: Tự hào là thành viên của một cộng đồng năng động, sáng tạo và luôn khát khao

vươn tới đỉnh cao!”

TS. Đỗ Tiến Long

Trường ĐHKT là một môi trường tuyệt vời cho những cá nhân nhiệt huyết, đam mê sáng tạo và muốn khám phá năng lực tối đa của bản thân. Đối với tôi, có ba cảm nhận đặc biệt về nét phong cách rất riêng của Trường ĐHKT: Đó là một môi trường có sự gần gũi, gắn bó, kết nối chặt chẽ và tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân trong công việc và đời sống; một trường đại học trẻ luôn khát khao vươn tới đỉnh cao của khoa học và sự sáng tạo; một tập thể đoàn kết, nỗ lực không ngừng để tự hoàn thiện và đóng góp nhiều hơn các giá trị lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Trong công việc, chúng tôi hết mình với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, trên nền tảng những nguyên tắc rất rõ ràng về cách thức tiếp cận và quy trình xử lý vấn đề. Làm việc thận trọng, dựa trên nguyên tắc nhưng không đồng nghĩa với việc chậm trễ và ngại thay đổi. Ngược lại, chúng tôi luôn nhanh nhạy, đón đầu những cái mới, muốn thử sức với những nhiệm vụ khó và dám chấp nhận thất bại. Bởi dám thất bại mới có trải nghiệm để tự tin và sáng tạo hơn trong công việc. Bất kỳ cá nhân được làm việc trong một cộng đồng như vậy đều cảm thấy tự hào!

Năm 2008, khi mới về Trường công tác, dù chưa hiểu nhiều về công việc và tổ chức của cơ quan, nhưng PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Trường - đã tin tưởng giao cho tôi làm thư ký khoa học một đề tài lớn. Điều đó thực sự gây ấn tượng rất mạnh đối với cá nhân tôi. Và từ đó, tôi cũng hiểu rằng, ở Trường ĐHKT, dù là người cũ hay người mới đến, chỉ cần bạn có năng lực và mong muốn đóng góp cho tập thể, bạn sẽ được giao công việc phù hợp và tạo cơ hội tối đa để phát huy khả năng của bản thân.

Nét phong cách và văn hóa rất riêng của Trường ĐHKT còn được xây dựng và lan tỏa từ chính phong cách của những người lãnh đạo Nhà trường mà PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn là những tấm gương tiêu biểu. Ở các thầy vừa có sự mạnh mẽ, vững vàng và tầm hiểu biết của nhà lãnh đạo, vừa có sự trẻ trung, hoạt bát và năng động của nhà kinh tế học.

Cảm nhận rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của Trường trong những năm gần đây, chúng tôi - những thành viên “bình dị” nhất của Trường ĐHKT - cảm thấy vui mừng vì dù tuổi đời còn non trẻ nhưng hình ảnh cũng như sự tín nhiệm của Nhà trường trong xã hội đã có những bước tiến vượt bậc. Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, giao lưu quốc tế rộng mở... dẫn đến đòi hỏi xã hội ngày càng cao, tạo sức ép cạnh tranh rất lớn cho các trường đại học. Khó khăn là rất nhiều, nhưng tôi tin rằng với một văn hóa tổ chức coi trọng sự sáng tạo, không ngại đổi mới, với những người lãnh đạo có tố chất tuyệt vời thì Trường ĐHKT sẽ không chỉ giữ vững được vị thế mà còn có những bước tiến nhanh trên con đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

 
Phạm Đỗ Hoài Nam - Phòng Đào tạo: “Mỗi cá nhân hãy góp sức tạo dựng hình ảnh đẹp về Trường!”
Chị Phạm Đỗ Hoài Nam

Có một kỷ niệm rất đáng nhớ khi mình mới về Trường. Lúc ấy, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng quyết định gặp mặt trực tiếp tất cả chuyên viên ở các bộ phận để phỏng vấn kiểm tra kiến thức chuyên môn cũng như sự hiểu biết về Trường. Mình và các chuyên viên khác rất bỡ ngỡ và lo lắng... Thầy Nhạ đã hỏi rất nhiều, đã trao đổi thân tình với từng người. Do quá hồi hộp, không phải câu hỏi nào mình cũng trả lời đúng, nhưng cuối cùng mình đã vượt qua cuộc phỏng vấn với điểm số khá tốt. Sau này, mình mới hiểu rằng, thật ra đó là cách mà lãnh đạo Nhà trường muốn gặp trực tiếp từng chuyên viên để tìm hiểu suy nghĩ, mong muốn của họ trong công việc, và cũng là cơ hội để các thầy truyền tải tâm huyết của mình đến đội ngũ cán bộ. Khoảng cách giữa những người lãnh đạo cao nhất với các chuyên viên bình thường dường như được thu hẹp lại. Và quan trọng hơn, mình cảm thấy các thầy thực sự quan tâm đến nguyện vọng của nhân viên, muốn lắng nghe và tạo điều kiện tốt nhất để nhân viên hoàn thành công việc. Cho đến nay, trong lịch công tác tuần của Ban Giám hiệu Nhà trường, bao giờ cũng có một buổi Hiệu trưởng tiếp kiến cán bộ, giảng viên. Qua đó họ có thể chia sẻ được những tâm tư, nguyện vọng của cá nhân hoặc đưa ra những đề xuất, sáng kiến cho các hoạt động của Trường. Có lẽ chính sự sát sao và gần gũi trong công việc đã góp phần tạo dựng tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong tập thể Trường ĐHKT. Bất kỳ một chủ trương nào được đưa ra đều có sự chỉ đạo rõ ràng, tạo sự đồng thuận cao trong tập thể. Các bộ phận, phòng ban phối hợp công việc với nhau rất tốt và hiệu quả. Mọi người đều chia sẻ với nhau vì công việc chung.

Mình tâm niệm rằng: Mỗi người hãy làm tốt công việc ở vị trí và trong phạm vi trách nhiệm của mình chính là đang góp sức vào sự phát triển của Trường. Công việc hiện tại của mình có đặc thù là tiếp xúc nhiều với sinh viên, giảng viên. Bằng hiệu quả công việc mình mang lại, bằng văn hóa giao tiếp lịch sự, tác phong chuyên nghiệp, bằng sự tận tâm, mình muốn đem lại hình ảnh và ấn tượng tốt về hoạt động đào tạo cũng như về đội ngũ cán bộ của Trường ĐHKT đối với sinh viên, cán bộ trong và ngoài Trường. Mỗi người cố gắng sẽ tạo nên một tập thể cố gắng và tạo nên sức mạnh cộng đồng của Trường ĐHKT.

Phạm Bích Ngọc - Phòng Hành chính Tổng hợp:  “Yên tâm - Tự hào và Kỳ vọng!”
Chị Phạm Bích Ngọc

Tính chuyên nghiệp là ấn tượng rõ nét nhất trong văn hóa công sở của Trường ĐHKT. Thể hiện ở chỗ mỗi công việc đều có những hướng dẫn và tiêu chuẩn cụ thể, xác định rõ quy trình và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan. Ở vị trí công việc chuyên viên Phòng Hành chính Tổng hợp, tôi luôn tối đa hóa bằng văn bản quy trình công việc của mình, thường xuyên đối chiếu các bước để không bỏ sót việc, dễ dàng cho đồng nghiệp cùng phối hợp.

Một ấn tượng nữa đó là văn hóa chia sẻ và cộng hưởng giữa các thành viên vì mục tiêu công việc chung. Lãnh đạo Phòng luôn ủng hộ, coi trọng đào tạo, lấy đào tạo và tự đào tạo là gốc để đạt tính hiệu quả cao trong công việc. Khi có nhiệm vụ mới, lãnh đạo là người hướng dẫn nhân viên cách làm: đó là học hỏi kinh nghiệm của người khác trong quá khứ, cộng với kỹ năng của bản thân và hoàn cảnh thực tế, từ đó tạo ra cách đi riêng.

Không chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc - đó là phương châm hoạt động của Trường ĐHKT. Là một thành viên của tập thể Trường, tôi hoàn toàn ủng hộ và yên tâm khi làm việc trong một môi trường đề cao chất lượng. Theo tôi, đây là một hướng đi đúng đảm bảo sự thành công lâu dài và bền vững cho Trường. Với định hướng này, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Trường sẽ đứng vào top đại học hàng đầu của Đông Nam Á theo mục tiêu đã đặt ra, đồng thời phát huy và lan tỏa được các giá trị cốt lõi đã xây dựng.

Ở vị trí là một chuyên viên, tôi luôn cố gắng càng ngày càng chuyên nghiệp hóa công việc của mình, trau dồi kiến thức thường xuyên để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Gắn bó với Trường ĐHKT mới chỉ 4 năm nhưng đây đã là ngôi nhà thứ hai rất đỗi thân thương của tôi. Mỗi sáng tôi cảm nhận niềm vui được đến Trường làm việc, được gặp gỡ với các đồng nghiệp thân quen, được tham gia vào một quy trình làm việc chuyên nghiệp đề cao tính hiệu quả và sáng tạo của mỗi cá nhân, được thấy mình đang làm việc có ích để đóng góp vào sự phát triển của Nhà trường. Để nói về tình cảm với ngôi trường này, tôi chỉ xin thể hiện bằng ba từ: Yên tâm - Tự hào và Kỳ vọng!

Vĩnh Bảo Ngọc - Phòng Tổ chức Nhân sự:  "Học cách tôn trọng con người để khuyến khích sự sáng tạo”
Anh Vĩnh Bảo Ngọc

Tôi vẫn nhớ thời gian đầu khi mới chuyển từ môi trường doanh nghiệp bên ngoài về công tác tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, phải làm quen với nhiều vấn đề mới mẻ như cách tiếp cận khung chương trình đào tạo, xây dựng đề cương môn học theo hình thức đào tạo tín chỉ, các hệ đề tài trọng điểm, hệ đề tài đặc biệt, các định hướng nghiên cứu, các quy chế, quy trình của Nhà trường…, tôi đã nhận được sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể chi tiết của TS. Khu Thị Tuyết Mai - nguyên Chủ nhiệm Khoa và các thầy cô lãnh đạo Khoa. Cũng trong thời gian này, tôi có cơ hội tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, được làm việc trực tiếp với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, lúc bấy giờ thầy là Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển. Tôi đã học được rất nhiều từ cách làm việc cho đến cách tổ chức và thực hiện công việc hiệu quả. Chính những tích lũy kinh nghiệm quý báu trong các mảng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học… đã giúp tôi trưởng thành hơn, tiếp cận vấn đề mang tính chất liên lĩnh vực và triển khai có hệ thống, đảm bảo tốt công tác khi tôi nhận nhiệm vụ mới tại Phòng Tổ chức Nhân sự. Điều làm tôi cảm thấy kính phục nhất chính là sự tâm huyết của các thầy cô, cán bộ lãnh đạo trong giảng dạy, nghiên cứu và công tác quản lý.

Sau này, càng gắn bó với công việc quản lý nhân sự, tôi càng ý thức được rằng: Sự phát triển của một tổ chức luôn gắn với sự trưởng thành và phát triển của các cá nhân. Một trong những lý do đã làm nên sự phát triển của Trường ĐHKT như ngày hôm nay đó là việc tập hợp được đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên có trình độ, năng động, sáng tạo với chuyên môn khá đa dạng nhưng cùng chia sẻ tâm huyết trong công việc. Chính sự tâm huyết, đồng lòng đó đã góp phần tạo ra những sản phẩm dịch vụ có giá trị riêng và trở thành lợi thế của Nhà trường. Tôi cũng học được một nguyên tắc quan trọng trong văn hóa tổ chức của Trường ĐHKT, đó là tôn trọng con người để gợi mở và khuyến khích sự sáng tạo của họ. Quản lý công việc bằng kỷ luật, thời hạn và tiến độ nhưng gắn bó các cá nhân bằng tình cảm, sự quan tâm chân thành, bằng khen thưởng xứng đáng, kịp thời với thành quả họ làm ra. Có như vậy mới giữ được cán bộ giỏi, gắn bó lâu dài với Trường. Khi được tôn trọng và làm việc với tình cảm yêu mến gắn bó bao giờ cũng có kết quả tốt hơn khi làm việc dưới áp lực của mệnh lệnh hành chính. Tôi rất vui và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình - là chuyên viên thuộc một bộ phận tham mưu, giúp việc quan trọng cho Ban Giám hiệu - tôi và các đồng nghiệp đang góp phần hiện thức hóa những chủ trương, định hướng lớn trong công tác cán bộ của Trường, tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ Trường ngày càng có trình độ cao trong chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Trường trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Thị Vũ Hà - Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế: “Để trưởng thành và phát triển luôn cần những đích phấn đấu đầy tham vọng!”

ThS. Nguyễn Thị Vũ Hà

Trường ĐHKT là một trong những trường đại học có tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên khá cao. Trong thực tế, Trường đã thu hút được nhiều cán bộ học tập và nghiên cứu ở nước ngoài về làm việc. Điều này tạo ra sự khác biệt với nhiều đơn vị đào tạo khác về chất lượng cũng như phong cách làm việc của cán bộ. Những tiêu chuẩn đối với giảng viên theo thời gian ngày càng chặt chẽ và khó hơn. Điều này buộc giảng viên phải luôn vận động, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ. Riêng với cá nhân tôi, 11 năm gắn bó với Trường là 11 năm nỗ lực trong học tập, làm việc và nghiên cứu để năm 2008 mới có thể chính thức trở thành cán bộ giảng dạy tại Trường. Có những lúc đối mặt với áp lực phải cân bằng giữa gia đình - công việc - học tập, áp lực phải luôn đổi mới và vượt qua những mức chuẩn ngày càng khó mà Trường đề ra, nhưng chính tình yêu với nghề dạy học, tình cảm gắn bó với Trường, sự tạo điều kiện của tập thể, những tấm gương nỗ lực của chính các thầy cô đi trước và đồng nghiệp... đã buộc mình không được nản lòng. Sau mỗi lần đạt được mức chuẩn điều kiện mà Trường đặt ra, tôi lại thấy tự tin hơn vào năng lực của bản thân. Những tiêu chuẩn ấy dù khó nhưng là động lực cần thiết để mỗi người phải biết tự vượt qua chính mình, tránh sức ỳ và tâm lý thỏa mãn với những gì đã đạt được. Yêu cầu cao nhưng đổi lại mỗi giảng viên đều được chủ động hoàn toàn, được tạo điều kiện tốt trong công việc và kế hoạch của mình. Nhà trường mở nhiều khóa học ngắn hạn do các chuyên gia ở các đại học danh tiếng của nước ngoài giảng dạy, giúp giảng viên nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng giảng dạy...; có chính sách khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu và thực hiện các dự án... Tôi đã ngày càng trưởng thành hơn trong một môi trường làm việc như thế.

Gắn bó với Trường ĐHKT từ những giai đoạn đầu, tôi đã chứng kiến những bước thay đổi và trưởng thành rõ nét của Trường từ lúc chỉ là một khoa thuộc Trường ĐHKHXH&NV cho đến khi trở thành một đại học trẻ độc lập bắt đầu có những thành tích được xã hội đánh giá tốt. Đó là một quá trình dài, với mỗi giai đoạn lại có một mức chuẩn khó hơn mà Nhà trường tự đặt ra và đã vượt qua trong lộ trình phát triển của mình. Khi nhìn những mục tiêu phấn đấu mà Trường đặt ra trong tương lai, có thể có băn khoăn rằng đây liệu có phải là tham vọng cho một đại học còn rất trẻ? Nhưng từ kinh nghiệm bản thân mình tôi lại nghĩ rằng: Quan trọng là thái độ ứng xử của chủ thể với mục tiêu ấy, mình có thực sự muốn và đã cố gắng hết sức chưa? Để trưởng thành và phát triển, dù là cá nhân hay tập thể vẫn luôn cần những đích phấn đấu đầy tham vọng như thế!

Lê Hà (ghi)
Xem bản PDF tại đây >>>


(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)