Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và quản lý phát triển của mạng lưới các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý văn hóa
Ngày 9/12/2019, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và quản lý phát triển của mạng lưới các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam" tại Nhà E4 - số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.


Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong ngành văn hóa di sản, sinh học và môi trường, ngoài ra Hội thảo là hình thức học tập chuyên môn hữu ích đối với khoa Kinh tế Phát triển, khoa nghiên cứu chuyên sâu về Chính sách công và Kinh tế Môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển cho biết: Việt Nam là đất nước có nhiều di sản UNESCO và du lịch đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cuộc cách mạng thế giới đem đến nhiều cơ hội và thách thức với kinh tế du lịch làm sao giải quyết được 2 bài toán phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn di sản, tránh sự thương mại hóa và xâm hại di sản. Hội thảo này được tổ chức với mong muốn tiếp thu các nghiên cứu, thảo luận giải pháp để quản lý phát triển mạng lưới các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam.

PGS. Nguyễn An Thịnh cũng đã có báo cáo đề dẫn tại hội thảo, báo cáo mang chủ đề: “Mạng lưới các khu danh hiệu UNESCO của Việt Nam và vai trò của CMCN 4.0 trong quản lý phát triển”.
 Quang cảnh Hội thảo

Tiếp nối báo cáo của PGS. Nguyễn An Thịnh, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban MAB Quốc gia đã có tham luận lượng giá giá trị di sản, nghiên cứu trường hợp phố cổ Hội An, theo đó, Hội An là một di sản UNESCO thu hút khách du lịch hàng đầu ở nước ta, giá trị di sản bao gồm cả tự nhiên lẫn nhân văn, đó là cảnh quan, khí hậu, văn hóa, làng nghề và đời sống của dân cư Hội An. Tiềm năng du lịch của Hội An rất lớn, cần có nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa để khai thác lượng giá trị di sản.

 GS.TS Nguyễn Hoàng Trí trình bày tham luận về lượng giá trị di sản tại Hội An

Tiếp theo là các bài tham luận của TS. Bùi Đại Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Chính sách công, Khoa Kinh tế Phát triển về "Thực trạng và định hướng phát triển nhãn sinh thái tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam"; TS. Hà Văn Định - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tham luận "Du lịch điện tử (e-tourism) và những tác động tới phát triển du lịch tại các khu dự trữ sinh quyển"; TS. Bùi Quang Hưng - Trung tâm FIMO - Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN với tham luận "Bản đồ số Việt Nam và Công nghệ số 3D GIS phục vụ công tác quản lý di sản".

 
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn An Thịnh cho biết, mỗi năm Việt Nam có thêm 2 đến 3 di sản mới được UNESCO công nhận. Di sản từ chỗ của địa phương trở thành di sản của nhân loại, đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa thế giới. Việc tăng cường và hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế. Cơ quan quản lý cần phối hợp, hỗ trợ với các địa phương trong công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản, bảo tồn và quản lý di sản; Tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý di sản thế giới tại Việt Nam; Tiếp tục làm quyết liệt hơn trong công tác xử lý các sai phạm trong quản lý tại các di sản...
Hội thảo có ý nghĩa lớn trong việc hình thành chính sách từ các cơ quan quản lý văn hóa nhằm tạo động lực để cho việc khai thác du lịch được hiệu quả và bền vững, đặc biệt là bảo tồn di tích và bảo vệ môi trường. Hội thảo cũng góp phần kiến giải giải pháp về các sản phẩm du lịch tiềm ẩn cũng như kết nối mạng giá trị lại với nhau.  
 

Văn Công