Trang tin tức sự kiện
 
Sách: Xác định giá giao dịch cho mục đích thuế thu nhập doanh nghiệp

Xác định giá giao dịch liên kết là vấn đề phức tạp và đặc biệt phức tạp với các giao dịch mang tính quốc tế của các công ty đa quốc gia hoạt động ở nhiều nước khác nhau. Ở Việt Nam, đây là vấn đề khá mới và việc áp dụng các quy định vào thực tiễn sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, cuốn sách này hướng tới đáp ứng nhu cầu của các học viên, các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà thiết lập chính sách và các nhà nghiên cứu về thuế quốc tế nói chung và các phương pháp xác định giá liên kết nói riêng.


Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, ThS. Nguyễn Văn Phụng

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 224

Giá bìa: 150.000

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

ISBN: 978-604-324-643-8

Hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn FDI đăng ký đến 2020 đã đạt khoảng 350 tỷ USD (số vốn thực hiện gần 200 tỷ USD). Khu vực FDI hiện nay đóng góp xấp xỉ 20% GDP của cả nước và 70% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Sự đóng góp của khu vực kinh tế FDI vào nền kinh tế Việt Nam là một thành công không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc quản lý và giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hoạt động dàn xếp nghĩa vụ thuế (Tax planning) của các công ty đa quốc gia đã diễn ra với quy mô ngày càng lớn và phạm vi ngày càng mở rộng. Vì thế, “chuyển giá” (Transfer pricing) là một trong những cụm từ nóng nhất trên các diễn đàn quốc tế về thuế trong thời gian gần đây. Cộng đồng các quốc gia trên thế giới đã có những hành động quyết liệt trong việc phối hợp, ngăn chặn và tìm giải pháp cho vấn đề xói mòn cơ sở thuế và di chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Đáng chú ý và có tầm ảnh hưởng rộng nhất là dự án BEPS (Base erosion and Profit shifting) do OECD khởi xướng từ những năm 2013. Ngay lập tức, Việt Nam đã chủ động tiếp ứng tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của diễn đàn. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết là một trong những sản phẩm nằm trong khuôn khổ kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam nhằm phù hợp với bối cảnh toàn cầu và các cam kết thực hiện dự án BEPS.

Đến ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/CPNĐ thay thế cho Nghị định số 20/2017/CP-NĐ với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung và diễn đạt lại các nội dung quản lý thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là những nội dung rất mới và nhạy cảm không chỉ với các doanh nghiệp FDI mà ngay cả với những doanh nghiệp nội địa có giao dịch liên kết. Hơn nữa, Nghị định số 132 là một trong những nghị định không có thông tư hướng dẫn (ít nhất đến thời điểm hiện tại) nên có không ít những điểm mờ trong cách hiểu và thực tiễn áp dụng.

Cuốn sách này ra đời nhằm đáp ứng phần nào sự quan tâm của các học viên, các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà thiết lập chính sách và các nhà nghiên cứu về thuế quốc tế nói chung và các phương pháp xác định giá liên kết nói riêng. Nội dung của cuốn sách không nhằm hướng dẫn thực hiện văn bản Luật (Nghị định số 132) thay cơ quan ban hành chính sách mà chỉ diễn giải cách hiểu thông dụng dựa trên những thực tế phổ biến đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Bằng những hình ảnh minh họa và ví dụ sinh động, cuốn sách sẽ giúp người đọc dễ hình dung và tiếp cận nhanh nhất với những quy định của Nghị định số 132, trên cơ sở đó có sự chuẩn bị tốt các phương án xác định giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi vừa tuân thủ luật pháp. Cuốn sách do PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính công, Khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và ThS. Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (nay là Cục Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn), Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính biên soạn.

Ngoài phần mở đầu và phần phụ lục kèm theo của Nghị định số 132, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 5 chương:

  • Chương 1 khái quát chung về khía cạnh quốc tế của thuế và lý do phải kiểm soát giá giao dịch liên kết.
  • Chương 2 đề cập các mối quan hệ liên kết và các trường hợp phải lập hồ sơ giao dịch liên kết của doanh nghiệp.
  • Chương 3 đi sâu phân tích và minh họa cụ thể về các phương pháp áp dụng trong việc xác định giá giao dịch liên kết được quy định bởi Nghị định số 132.
  • Chương 4 hướng dẫn các quy định về chi phí tính thuế và các bước điều chỉnh giá tính thuế.
  • Chương 5 nói về quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế và các cơ quan có liên quan.

Nhìn chung, kết cấu nội dung và thứ tự các chương được trình bày theo logic các phần của Nghị định số 132 để độc giả dễ theo dõi và so sánh.


___________

LIÊN HỆ:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: (84-24) 37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn

Website: http://ueb.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch